Phối hợp thủy bộ, không quân diễn tập sóng thần

Thời sựThứ Sáu, 26/08/2011 01:44:00 +07:00

(VTC News) – Cuộc diễn tập ứng phó sóng thần mang tầm quốc gia được tổ chức lần đầu tiên tại Đà Nẵng vào ngày 7/10.

(VTC News) – Cuộc diễn tập ứng phó sóng thần mang tầm quốc gia được tổ chức lần đầu tiên tại Đà Nẵng vào ngày 7/10.

Sáng 25/8, Đoàn công tác của Ủy ban quốc gia TKCN, Bộ Tư lệnh QK5 đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo diễn tập ứng phó sóng thần TP Đà Nẵng về kế hoạch diễn tập, ứng phó với sóng thần diễn ra vào ngày 7/10/2011 tới.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo kế hoạch của Ban chỉ đạo diễn tập và ý kiến của các đơn vị liên quan. Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Chánh VP Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (UBQGTKCN) nhấn mạnh, đây là cuộc diễn tập ứng phó sóng thần có quy mô lớn, mang tầm quốc gia được tổ chức lần đầu tiên và là hoạt động để rút ra kinh nghiệm, xây dựng cho các địa phương khác trên cả nước nên tất cả các khâu, các tình huống phải được tính toán cụ thể, chi tiết. 
Đợt diễn tập nhằm 4 mục tiêu chính : Thứ nhất, kiểm tra, đánh giá hệ thống cảnh báo sóng thần đã được lắp đặt tại Đà Nẵng; rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp thông tin từ cấp Trung ương đến địa phương. Thông qua diễn tập, góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, phối hợp đối với các sự cố xảy ra như thiên tai, bão lũ. Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong úng phó với các sự cố. Và đặc biệt là diễn tập là cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu, tính toán các phương án ứng phó, di chuyển cũng như trang thiết bị phù hợp với điều kiện đặt ra.
Theo Tư lệnh Quân Khu V, diễn tập sẽ có sự kết hợp tất cả các lực lượng từ bô bịnh, không quân, hải quân và chính quyền địa phương... 

“Nguy cơ động đất và xảy ra sóng thần tại nước ta là có. Chính vì vậy, công tác diễn tập cần có sự phối hợp chặt chẽ, chi tiết giữa các lực lượng bộ binh, không quân, hải quân, chính quyền địa phương và phải sát thực tế, phù hợp với tình hình sự cố, tiết kiệm, an toàn. Và đợt diễn tập phải tạo được kỹ năng ứng phó với sự cố của cộng đồng, người dân”, Thiếu tướng Giang nói
Được biết, hoạt động diễn tập được thực hiện thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn thứ nhất sẽ tiến hành báo cáo các phương án triển khai ứng phó sóng thần, tìm kiếm cứu nạn; Giai đoạn hai là diễn tập thực tế. Và gồm 2 phần : Sơ tán người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng và cứu nạn sau khi sóng thần rút đi. Hoạt động diễn tập có sự tham dự của các bộ ngành, các tỉnh thành ven biển và các cơ quan liên quan tại khu vực bờ biển Sơn Trà (TP.Đà Nẵng). 
Theo Ban chỉ đạo diễn tập, hoạt động cảnh báo di chuyển dân và cứu nạn trên đất liền sau khi sóng thần rút sẽ được đặc biệt lưu ý 

Theo kịch bản, hoạt động diễn tập thực tế dự kiến từ lúc 7h30-11h ngày 7/10/2011 tại phường Thọ Quang (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) với sự tham gia của gần 3000 người, hàng trăm thiết bị phương tiện như : máy bay trực thăng, tàu thuyền, ca nô và hàng trăm xe ô tô, xe cứu thương, xe máy.... Buổi diễn tập sẽ bắt đầu bằng thông tin về trận động đất mạnh 8,6 độ richter xảy ra ở phía tây quần đảo Philippine cách bờ biển Việt Nam khoảng 1.800-2.000km và nguy cơ sóng thần ập vào Đà Nẵng sâu từ 600-700m, cao đến 6m.
Ngay sau khi nhận tin báo, các cơ quan liên quan sẽ phát bản tin cảnh báo thông qua các trạm cảnh báo và hoạt động triển khai di dời các hộ dân sống ven biển, học sinh tại một trường tiểu học, một đơn vị quân đội, khách du lịch đang tắm biển...được khẩn trương di dời cùng một số tình huống giả định như tàu thuyền hư hỏng, tai nạn giao thông, tắc đường.... cũng được tính đến trong hoạt động diễn tập.
Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Giang cho biết, sau đợt diễn tập ứng phó sự cố sóng thần tại Đà Nẵng, UBQGTKCN sẽ có các diễn tập ứng phó sự cố phóng xạ tại Phú Thọ và Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu tại Vũng Tàu.
Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn