Hà Nội chuẩn bị hạn chế phương tiện cá nhân

Thời sựThứ Bảy, 20/08/2011 07:15:00 +07:00

(VTC News) - Chủ tịch Hà Nội giao Sở GTVT nghiên cứu các phương án giảm thiểu ùn tắc, trong đó cần tính tới phương án hạn chế, kiểm soát phương tiện cá nhân.

(VTC News) - Trước tình trạng ùn tắc giao thông ngày một nghiêm trọng tại khu vực nội đô Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu các phương án giảm thiểu ùn tắc, trong đó cần tính tới phương án hạn chế và kiểm soát sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân.

Tại cuộc họp sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trong tâm 6 tháng cuối năm của Sở Giao thông vận tải Hà Nội diễn ra ngày 18/8, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhận định: “Tắc nghẽn giao thông là bức xúc và là nỗi lo thường trực của người dân, đã đến lúc Sở GTVT phải có những biện pháp quyết liệt hơn”.

Không đủ chỗ chứa xe

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT), tính đến thời điểm hiện tại, tổng số phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố có gần 3,8 triệu mô tô, xe máy và trên 372.000 xe ô tô (chưa kể khoảng 50.000 phương tiện vãng lai). Riêng 6 tháng đầu năm 2011, công an Hà Nội đã cấp đăng ký cho 28.000 xe ô tô và hơn 150.000 xe mô tô.

Theo lãnh đạo TP Hà Nội, nếu không có biện pháp kịp thời, Hà Nội sẽ không còn chỗ để xe 

Trước thực trạng các phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng: “Với sự gia tăng phương tiện cá nhân như hiện nay, thì chúng ta có đầu tư hạ tầng từ đường đi đến bãi đỗ bao nhiêu cũng không đủ. Xe máy giảm đi thì ô tô lại gia tăng nhanh. Bài toán phải đối mặt là ô tô chiếm diện tích lớn hơn rất nhiều xe máy”.

Chủ tịch Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ, cùng với sự gia tăng của phương tiện cá nhân, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông trong một số bộ phận còn yếu kém. Công tác quản lý giao thông vận tải còn nhiều bất cập, nên tình trạng lộn xộn, tắc nghẽn càng càng thêm trầm trọng.

Ông Thảo so sánh, cùng với hạ tầng giao thông và  điều kiện tương tự nhưng các phương tiện ở TP.HCM đi lại rất ngăn nắp, trật tự hơn, lòng đường, vỉa hè cũng ít bị lấn chiếm hơn ở Hà Nội.

Thừa nhận những yếu kém trên, nhưng ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT cho rằng, sự gia tăng quá nhanh của phương tiện cá nhân, trong khi đó kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp mới là nguyên nhân chính gây mất trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc giao thông một phần cũng bởi tiến độ triển khai một số dự án giao thông quan trọng còn chậm, gây bức xúc trong nhân dân. Một số đơn vị thi công chưa tập trung phương tiện, máy móc con người để thi công dứt điểm. Công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án chưa quyết liệt và thiếu hiệu quả.

Đồng quan điểm trên, Đại tá Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an Hà Nội nêu quan điểm, nhiều dự án giao thông làm đến 20 năm, chính vì vậy đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, điển hình là vấn đề các bãi trông giữ xe thường xuyên vi phạm về diện tích, thu cao hơn giá quy định…

Chính vì vậy, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các Sở ngành khác để xây dựng Đề án hạn chế, kiểm soát sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân bao gồm mô tô, xe máy, taxi, xích lô. Đồng thời tăng cường xe buýt, nâng cao chất lượng, đổi mới cách quản lý để thu hút người dân.

“Việc này cần phải nghiên cứu và làm ngay, nếu có ý kiến thì sẽ điều chỉnh chứ không thể ngồi chờ được, không vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích của người này người khác mà không làm, nếu cứ ngồi chờ thì không biết bao giờ giao thông mới được cải thiện. Vì vậy, tổ chức giao thông tới đây sẽ phải làm quyết liệt hơn nữa”, ông Thảo khẳng định.

Tăng cường xây dựng các công trình hạ tầng

Đồng thời với việc hạn chế gia tăng phương tiện cá nhân, tại cuộc họp các bên liên quan đều thống nhất cần tăng cường đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, bến bãi đỗ xe…

“Thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện 21 hạng mục và nhóm công trình, nhằm thực hiện mục tiêu trước mắt là hạn chế ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố,” ông Hùng cho hay.


Xây dựng cầu vượt tại các điểm "nóng" về ùn tắc giao thông trong nội đô đã được tính tới. Ảnh minh họa: Internet.

Đồng thời, trong thời gian tới Sở GTVT sẽ phối hợp với các lực lượng liên ngành khảo sát tại các điểm thường xảy ra ùn tắc, để tiến hành sắp xếp, tổ chức lại giao thông tại đó. Ngoài ra, sẽ tiến hành cải tạo, điều chỉnh, lắp đặt các đèn tín hiệu tại các tuyến phố chính có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn.

Hà Nội cũng đang nghiêm cứu xây dựng mới gần 10 cây cầu vượt tại các nút giao thường xuyên xảy ra ùn tắc, như Chùa Bộc-Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch-Chùa Bộc, đường Láng, Nguyễn Sơn-Nguyễn Văn Cừ…

Về vấn đề giao thông tĩnh, thời gian tới sẽ có khoảng 53 điểm đỗ mới được xây dựng. Đồng thời sẽ thực hiện thí điểm 3 bãi đỗ xe thông minh, tại bãi Ngọc Khánh, Trần Quang Khải, và sát sông Tô Lịch, để nâng công suất các bãi này lên gấp đôi, gấp 3 lần hiện nay…

Ông Thảo nhấn mạnh, vấn đề hạ tầng giao thông là vấn đề tiên quyết nhất, có hạ tầng thì mới tổ chức được giao thông. Vì vậy, trước mắt cần tập trung vào việc cải tạo, xây dựng hệ thống giao thông trong nội đô như vành đai 1, 2, 3…; các tuyến đường hướng tâm; nút giao; hệ thống giao thông tĩnh; đường cho người đi bộ trên cao dưới thấp. Ngoài ra, sẽ đẩy nhanh tiến độ những tuyến đường sắt đô thị.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn