Người soạn kịch tài ba và đội quân sinh viên chống Pháp

Thời sựThứ Sáu, 19/08/2011 01:51:00 +07:00

Có 1 nhà soạn kịch trong chiến tranh đã lãnh đạo đội quân sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội chiến đấu chống thực dân Pháp.

Có 1 nhà soạn kịch trong chiến tranh đã lãnh đạo đội quân sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội chiến đấu chống thực dân Pháp.

 

Ảnh minh họa: Bộ đội Đoàn M44 Bộ Tổng Tham mưu hành quân dã ngoại. Ảnh: HOÀNG NHƯ THÍNH  

Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học khoa học-công nghệ lớn nhất, lâu đời nhất của nước ta. Ngay từ buổi đầu thành lập (năm 1956) Đảng, Nhà nước đã cử những cán bộ quân đội rất có uy tín ra làm nòng cốt lãnh đạo nhà trường trong đó có nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Phòng không 387 (thuộc Đại đoàn 308) Bùi Nguyên Cát, Hiệu phó kiêm Bí thư đảng ủy nhà trường.

Khởi đầu: Nhà văn - nhà viết kịch tài hoa

Ông Bùi Nguyên Cát sinh năm 1919 tại Hà Nội. Ông Cát sớm phát lộ năng khiếu về văn chương, ngay khi đang học trung học đã có những truyện ngắn tình cảm khá hay đăng trên Tiểu thuyết Thứ năm do Lê Tràng Kiều làm chủ bút, như: Nhà cho thuê, Tình không lời…

Cựu chiến binh Bùi Nguyên Cát và người bạn đời, bà Đinh Thị Thọ trước Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân họp mặt Ngày truyền thống Trung đoàn Thủ đô. 

Ông học Trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương, tốt nghiệp được vài năm, đã ngoặt sang sáng tác kịch bản sân khấu. Ông đã cùng các nhà văn, nhà viết kịch Lê Tràng Kiều, Vũ Trọng Can, Chu Ngọc lập nên Ban kịch Hà Nội, tiền thân của Nhà hát Kịch Hà Nội hiện giờ.

Ban kịch Hà Nội ngày đó rất được công chúng Hà thành yêu thích, các vở: Lệ Chi Viên của Vi Huyền Đắc; Đồng bệnh của Khái Hưng; Cái tủ chè của Vũ Trọng Can; Chị tôi của Bùi Nguyên Cát… khi diễn bao giờ rạp cũng kín chỗ. Nhiều năm sau này, khi đã chuyển hẳn sang làm công tác Đảng ở trường đại học, văn sĩ - kịch tác gia tiền chiến ấy vẫn có lúc thử tìm lại cái nghiệp thời trai trẻ rất đam mê của mình và thật bất ngờ ông đã có thành công ngoài mong đợi. Vở kịch Hà Nội đầu năm 1946, ông viết năm 1965 được Nhà hát Kịch Hà Nội chọn, dàn dựng để chào mừng 20 năm thành lập nước.

Nghệ sĩ Hoàng Quân Tạo-Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội lúc đó nhớ lại: “Vở kịch tổng duyệt với sự có mặt của các đồng chí Trường Chinh, Trần Quốc Hoàn, Trần Duy Hưng, Nguyễn Văn Trân, Hoàng Quốc Việt, Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh… và đã được các đồng chí khen ngợi nhiều”.

Chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn Thủ Đô

Tuổi trẻ Bùi Nguyên Cát không nhiều “hồn bướm mơ tiên”, ông đã sớm dấn thân cùng giai cấp cần lao. Tháng 8-1945, người thanh niên yêu nước ấy có mặt trong Đội tự vệ thành Hoàng Diệu, là Phó chủ tịch Tự vệ Liên khu 1, kiêm phụ trách Tự vệ khu Đồng Xuân và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 10-1946. Những ngày Toàn quốc kháng chiến, Bùi Nguyên Cát được cử là Trưởng ban quản lý, giúp việc cho Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ Đô chiến đấu giam chân địch tại Hà Nội.

Cuộc chiến đấu của Trung đoàn Thủ Đô bước sang năm 1947. Và đúng ngày mồng Một Tết Đinh Hợi (22-1-1947) đã diễn ra một sự kiện đặc biệt, do Trưởng ban quản lý Bùi Nguyên Cát là đạo diễn chính. Giữa vòng vây của Pháp, chỉ huy trung đoàn vẫn tổ chức “Tết ngoại giao” tại nhà ông chủ hiệu Anh Hoa tại phố Hàng Chiếu, nhằm nêu rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc kháng Pháp xâm lược.

Sau này, ông G. Su-li-van-Phó lãnh sự Mỹ tại Hà Nội đã tới dự tiệc, có kể lại trong một cuốn hồi ký với sự khâm phục, gọi đó là “Bữa tiệc Tết ngoại giao kỳ tài của Việt Minh”.

60 ngày đêm giam chân giặc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Trung đoàn Thủ Đô rút về chiến khu, rồi cùng các Trung đoàn 88, 36… lập nên Đại đoàn 308. Ông Bùi Nguyên Cát được cử phụ trách văn phòng và hậu cần của đại đoàn. Năm 1951, ông lại được cấp trên giao nhiệm vụ xây dựng tiểu đoàn phòng không đầu tiên, với phiên hiệu “387” và đảm nhiệm Chính trị viên tiểu đoàn (ông Hồng Vân là Tiểu đoàn trưởng). \Các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn 387 đã lập chiến công vang dội. Sau ngày tiếp quản Thủ đô, ông Bùi Nguyên Cát chuyển ngành về Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

“Chính ủy đầy uy tín…”

Ông Nguyễn Đức Chiến, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Bách khoa đã đánh giá về những đóng góp to lớn của người tiền nhiệm cho sự nghiệp “trồng người” của nhà trường: “Khi đất nước bước vào thời kỳ hòa bình, nhu cầu khôi phục và xây dựng đất nước trở nên cấp thiết, thầy Bùi Nguyên Cát nhận nhiệm vụ mới, trở thành “chính trị viên” của đội quân trí thức. Liên tục hơn 20 năm giữ trọng trách cao nhất trong Đảng bộ trường, thầy đã góp phần quyết định đào tạo nên nhiều thế hệ sinh viên có đức có tài. Hành trang họ mang theo ra trường, chắc chắn không thể thiếu hình ảnh một “chính trị viên”- người thầy môn Triết học, với sự từng trải lịch duyệt, hiểu biết sâu rộng, với cách giảng dạy nhiệt tình và lôi cuốn hấp dẫn. Không ít người trong số học trò của thầy đã trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước ta. Về thầy, có lẽ không đánh giá nào chính xác hơn đánh giá của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo trong một bài báo nhân kỷ niệm 45 năm thành lập trường: Người Bí thư đảng ủy để lại dấu ấn nổi bật nhất đối với chúng ta trong thời kỳ hơn 20 năm đầu là đồng chí Bùi Nguyên Cát-chính ủy đầy uy tín của đội quân Bách khoa, với nhãn quan chính trị rộng, có tài thuyết phục, lôi cuốn trí thức và có tâm hồn rất nghệ sĩ”.

Nhà nghệ sĩ-chiến sĩ-người thầy Bùi Nguyên Cát về trời vào nửa đêm ngày 21-3-2007, hưởng thọ 89 tuổi, để lại bao niềm tiếc nhớ cho người thân, đồng chí, đồng đội và học trò!

Theo Phạm Quang Đẩu

Sự kiện và Nhân chứng

Bình luận
vtcnews.vn