Đà Nẵng: Đưa dân "làng phong" tái hòa nhập cộng đồng

Thời sựThứ Sáu, 19/08/2011 11:00:00 +07:00

(VTC News) – Sau hơn 40 năm sống biệt lập, người làng Vân (Đà Nẵng) mới có cơ hội được sống hòa nhập với cộng đồng khi Đà Nẵng quyết định đưa 134 hộ dân vào bờ.

(VTC News) – Sau hơn 40 năm sống biệt lập, người làng Vân (Đà Nẵng) mới có cơ hội được sống hòa nhập với cộng đồng khi TP Đà Nẵng quyết định đưa 134 hộ dân nơi đây vào đất liền. Tuy nhiên, chủ trương này gặp phải phản ứng quyết liệt của người dân địa phương…
Phản ứng của người dân tại khu dân cư Hòa Hiệp 3, tổ 14, phường Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng bắt đầu từ sự kiện UBND Q.Liên Chiểu cùng các địa phương mời người dân làng Vân đến tham quan khu tái định cư mới tại khu dân cư kho Lào (phường Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu) sau hơn 40 năm sống tách biệt với đất liền nhằm phục vụ chủ trương quy hoạch đầu tư của TP Đà Nẵng.
Người dân tổ 14, P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng phản ứng trước chủ trương đưa người dân làng Vân vào đất liền 

Và việc đưa người dân làng Vân “vào bờ” cùng nỗ lực hòa nhập cộng đồng đối với 325 nhân khẩu làng Vân vấp phải phản ứng “quyết liệt” khi gần 120 hộ dân tổ 14, P.Hòa Hiệp Nam đồng loạt ký đơn gởi các cấp có thẩm quyền TP Đà Nẵng để phản đối việc đưa người dân làng Vân vào cộng đồng sinh sống. 
Khu nhà liền kề với 114 căn được xây dựng sẵn sàng đón người dân làng Vân vào đất liền...

Nhiều hộ dân như ông Bùi Văn Minh, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Triều Phong…tổ 14 cho rằng, căn cứ vào biên bản cuộc họp tổ dân phố 14 ngày 14/8/2011 và thông tin đại chúng ngày 13/8, chúng tôi được biết nơi chúng tôi đang cư trú do Công ty Đầu tư và Phát triển nhà ở Đà Nẵng làm chủ đầu tư đang tiến hành xây dựng khu nhà liền kề cho một số hộ của làng Vân về sinh sống. Dự án trên liên quan gián tiếp đến sự phát triển chung của cộng đồng và ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của cư dân nơi đây
Một góc làng Vân... 

Những hộ này còn cho rằng, họ hoàn toàn không có ý “miệt thị” nhưng bệnh phong là bệnh nan y có tính lây nhiễm cao và mang nguy cơ tiềm ẩn trong sinh hoạt cộng đồng do vi khuẩn từ niêm mạc mũi, dịch tiết ở mũi của người bệnh sẽ là nguy cơ cho người lành khi hít phải. Và từ thực trạng đó, người dân làng Vân phải tách ra ở riêng, nhưng nay lại nhập chung vào sống với cộng đồng dân cư.
“Tập thể chúng tôi không đồng ý sống chung với những người mang trong mình mầm bệnh mang tính lây nhiễm cao. Để tránh tình trạng xung đột mất đoàn kết giữa cộng đồng và người dân khu làng Vân, vì tương lai con em chúng tôi cũng như tương lai đất nước, tổ dân phố chúng tôi tha thiết đề nghị quý cấp xem xét dự án trên để chúng tôi có cuộc sống ổn định, trong lành và thoải mái”, gần 120 hộ dân bày tỏ quan điểm trong đơn kiến nghị tập thể.
Đã có hàng ngàn đoàn người đến với làng Vân nhằm chia sẻ những khó khăn và góp phần xóa đi tâm lý mặc cảm của người dân nơi đây với cộng đồng 

Trước phản ứng của người dân tổ 14, lãnh đạo phường Hòa Hiệp Nam cùng Q.Liên Chiểu phối hợp mời các bác sĩ chuyên ngành của Bệnh viện da liễu Đà Nẵng tổ chức họp dân ở đây ngay trong đêm 15/8 nhằm giải đáp những suy nghĩ sai lệch về bệnh phong. Tuy nhiên, các hộ dân ở đây cương quyết không chịu “sống chung” với người dân làng Vân và yêu cầu cơ quan chức năng phải di chuyển đến một địa điểm khác. Ông Nguyễn Long Thành, Tổ trưởng tổ 14 cho rằng, chủ trương của TP Đà Nẵng là hợp lý nhưng chính ông cũng không muốn người dân Làng Vân vào sống ở đây.
Trả lời báo chí, Chủ tịch phường Hòa Hiệp Nam Lê Duy Du cho biết, chủ trương của lãnh đạo TP Đà Nẵng dời người dân vào các khu tái định cư trong đất liền là đúng đắn, đồng thời hiểu được những băn khoăn của người dân tổ 14. Tối ngày 15/8, trong buổi họp dân, các bác sĩ ở bệnh viện da liễu Đà Nẵng cũng đã phân tích kỹ về căn bệnh này để người dân được rõ và người dân cần hiểu rằng, bệnh phong đã được chữa khỏi từ lâu và chỉ còn để lại di chứng. Nhưng tâm lý lo sợ khi bắt gặp là khó tránh khỏi. “Tuy nhiên, chỉ với một cuộc họp để giải thích với người dân ở tổ 14 là không đủ để họ hiểu hết được mà cần phải có thời gian tuyên truyền vận động”, ông Du nói.
Trẻ em làng Vân ngày nay... 

Thiết nghĩ, chủ trương đưa người dân làng Vân lên bờ là một chủ trương đúng đắn và nhân văn. Chủ trương nhằm ổn định đời sống vật chất tinh thần cho người dân và đáp ứng yêu cầu phát triển TP Đà Nẵng. Hơn thế nữa là tạo cơ hội để người dân làng Vân hòa nhập với cộng đồng, tránh tâm lý miệt thị, cô lập đối với người bệnh phong và xóa đi mặc cảm trong chính bản thân người làng Vân đói với cộng đồng. 
Và với những phản ứng đang xảy ra, chính quyền TP Đà Nẵng cần có những quyết sách cụ thể và thỏa đáng đối với người dân làng Vân, cũng như tuyên truyền đối với cộng đồng dân cư để người làng Vân sớm được hòa nhập cộng đồng cùng sự phát triển thịnh vượng của TP Đà Nẵng.

Làng Vân thuộc thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, nằm dưới chân đèo Hải Vân, tách biệt hẳn với đất liền và được hình thành từ năm 1968 với 40 di dân đầu tiên là những người bị bệnh phong đến từ Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đến chữa trị.

Ra được làng Vân, ngoài việc phải men theo đường rừng và tàu hỏa, không cách nào khác phải đi thuyền ra. Sau thời gian, hiện làng Vân có 134 hộ với 325 nhân khẩu. Các thế hệ con cháu sau này của Làng Vân hoàn toàn bình thường khỏe mạnh.

Để xóa dần cảm giác mặc cảm của người bệnh phong, cũng như rút ngắn khoảng cách giữa người làng Vân và cộng đồng. Trong thời gian vừa qua, hàng ngàn đoàn công tác, từ thiện, xã hội...thậm chí người dân đất liền đã đến với làng Vân để sinh hoạt và chung tay xây dựng để người người dân làng Vân có cuộc sống vật chất, tinh thần tốt hơn.

Nhằm thực hiện chủ trương quy hoạch và phát triển TP Đà Nẵng, UBND TP đã quyết định di dời toàn bộ số dân làng Vân và bố trí tái định cư tại khu nhà liền kề tại tổ 14, phường Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu vào cuối năm nay để người dân ổn định cuộc sống. Và đặc biệt là giúp dần xóa đi rào cản mặc cảm, kỳ thị đối với người bệnh phong trong cộng đồng dân cư.


Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn