Tân thành viên Chính phủ nói về nhiệm kỳ mới

Thời sựThứ Tư, 03/08/2011 07:33:00 +07:00

(VTC News) - Những vấn đề nóng nhất trong xã hội đã được các tân thành viên Chính phủ trả lời với báo giới bên lề kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII sáng nay.

(VTC News) - Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các loại nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của người dân, giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở Công ước quốc tế về luật biển...Đó là ý kiến của các tân Phó Thủ tướng và Bộ trưởng trao đổi với báo chí sáng nay bên lề kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII.


Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh: Phải phát triển sản xuất chứ không phải tăng thu thuế

Nhiệm vụ của Chính phủ khóa mới là tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để giải quyết tốt, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển, tìm cách cải thiện đời sống cho người dân.

Tân Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Ảnh: internet 

Nguồn lực Nhà nước là quan trọng nhưng còn phải huy động các nguồn lực khác, từ xã hội thông qua các cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài nhà nước, người dân tham gia vào đầu tư. Ngoài ra cần tranh thủ các nguồn vốn của nước ngoài. Ngoài ra, phải có cơ chế để xã hội tiết kiệm thực sự, dành vốn để đầu tư.


Thuế là nguồn thu chính của Nhà nước, nhưng quan trọng hơn là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh chứ không phải thu thuế để người dân khó khăn. Vì vậy, định hướng chiến lược thuế trong 10 năm tới là làm sao phải động viên để từng đơn vị, doanh nghiệp hay người dân đó tích lũy được vốn, phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh doanh để tạo ra nguồn thu lâu dài, vững chắc mà trong giới tài chính thường gọi là “nuôi dưỡng nguồn thu”.

Bộ trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh: Tranh chấp song phương thì giải quyết song phương

Hiện nay vấn đề biển Đông có rất nhiều quan điểm khác nhau về giải quyết bất đồng tranh chấp, có bên chỉ muốn song phương, nhưng có nhiều ý kiến, nhất là trong Hội nghị hải quân ASEAN vừa rồi cũng muốn giải quyết đa phương.

Khi tôi tiếp Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN, tôi cũng đã nêu rất rõ quan điểm của Việt Nam. Đó là, những vấn đề đang còn bất đồng, tranh chấp song phương thì giải quyết theo hướng song phương.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Ảnh: internet 

Ví dụ như, vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có tranh chấp trên Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và vùng cửa Vịnh Bắc Bộ đang tiến hành đàm phán để phân định. Đó là vấn đề sẽ đàm phán giải quyết song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc theo Luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982.


Còn những vấn đề tranh chấp đa phương, ví dụ như tranh chấp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thì sẽ bao gồm Việt Nam, Trung Quốc – trong đó có Đài Loan của Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei, thì phải giải quyết đa phương, giữa các bên có tranh chấp.

Hoặc vấn đề đường chín khúc mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền thì đụng đến rất nhiều nước, đụng đến chủ quyền của Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei thì cần phải giải quyết đa phương với các nước này, chứ không thể giải quyết song phương được và đàm phán đa phương vẫn phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước luật biển 1982.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Chủ quyền là vấn đề thiêng liêng của đất nước

Đại hội Đảng 11 vừa qua khẳng định rõ nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Đồng thời khẳng định tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại "độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Chúng ta chủ động tham gia quốc tế thì phải xử lý các vấn đề không chỉ vì lợi ích của chúng ta mà phải đảm bảo lợi ích một cách hài hòa, đảm bảo lợi ích của đất nước một cách tốt nhất.

Về vấn đề Biển Đông, ông Phạm Bình Minh nói: Chủ quyền là vấn đề thiêng liêng của đất nước, là lợi ích của dân tộc. Trách nhiệm của đối ngoại phải làm sao đóng góp giữ chủ quyền dân tộc. Trách nhiệm là phải duy trì hòa bình, duy trì quan hệ tốt với các nước.

Trong giải quyết vấn đề Biển Đông, chúng ta thừa nhận là có những tranh chấp, phải giải quyết thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở Công ước quốc tế về luật biển cũng như tuyên bố các bên về Biển Đông, tiến tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử và quan trọng nhất là đảm bảo tính chủ quyền".

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Quan tâm đến nhà ở xã hội

Việc đầu tiên là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng để lập lại trật tự trong đầu tư, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất đai.

Thứ hai là phải tập trung vào quá trình quản lý đô thị, để đô thị thực sự trở thành đông lực của quá trình phát triển kinh tế, và trở thành hạt nhân thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của mỗi địa phương, mỗi vùng và của cả đất nước. Việc thứ ba là phải quan tâm đến nhà ở xã hội, nhà ở cho những người ít có điều kiện tiếp cận nhà ở giá cao.

Hiện có nhiều chính sách về nhà ở xã hội rồi, nhưng vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện như thế nào để nhà ở xã hội được thực hiện một cách có kế hoạch trong 1 thời kỳ dài và phù hợp với các đối tượng khác nhau trong quá trình sử dụng nhà ở đó.

Về vai trò của Bộ Xây dựng trong việc thực hiện mô hình nông thôn mới, ông Trịnh Đình Dũng cho biết: Đây là định hướng phát triển chiến lược của Đảng. Nông thôn mới là tiền đề của đô thị hóa; nếu làm tốt sẽ hạn chế được các ảnh hưởng xấu của vấn đề đô thị hóa.

Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền:Ưu tiên việc làm cho người lao động

Về công việc, trước hết tôi thực hiện theo chương trình của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Có nhiều chương trình phải làm, trước hết là chương trình việc làm, thực hiện xóa đói giám nghèo và cải cách tiền lương.

Cuối năm nay, theo chương trình của Quốc hội đề ra, Bộ sẽ tham gia sửa đổi bộ Luật lao động. Bà Truyền cũng nói: “Ưu tiên đầu tiên là việc làm, cải thiện đời sống người lao động, giải quyết các vấn đề cho đối tượng chính sách”.

Tân Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: “Nếu có cám dỗ tôi sẽ tránh”

Công việc sắp tới mang tính chất tổng hợp, nóng với nhiều lĩnh vực và phức tạp nhưng tôi tin tưởng rằng với sự đoàn kết của ngành thanh tra, cùng với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ  thì̀ công việc sẽ đạt kết quả.

Người làm công tác thanh tra có thể nói là bạn của dưới, là tai mắt của trên. Nếu làm tốt công việc thì thanh tra có thể giúp cho các cấp lãnh đạo trong công tác điều hành và giúp cho sự lãnh đạo của Đảng ngày càng sát thực tế hơn, đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Trước mắt, tôi sẽ nhanh chóng nắm bắt tình hình để tìm hiểu các vấn đề đặt ra. Thách thức thì cũng có nhiều, nhưng đồng thời cũng có một số thuận lợi.

Về những cám dỗ đối với vị trí Tổng thanh tra Chính phủ, ông Tranh nói: “Nếu có cám dỗ tôi sẽ tránh và giáo dục lực lượng công chức trong bộ máy của mình là phải trung thành, trung thực và trong sạch để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn”. Ông Tranh cũng cho biết sẽ vẫn tiếp tục thực hiện việc công khai thông tin với báo chí.

Tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng: Phải có cơ chế đột phá

Tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Ảnh: internet 

Để thực hiện giải pháp đột phá trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ngành giao thông phải xây dựng được cơ chế đột phá. Truớc hết là phải đột phá về vấn đề huy động nguồn lực, về phương thức và hình thức đầu tư, cũng như  đột phá về thủ tục triển khai dự án.


Về phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông, cần phải ưu tiên trước nhất là  phát  triển phương tiện vận tải công cộng, nâng  cao chất lượng dịch vụ của vận tải công cộng.

Thứ hai là hạn chế phương tiện vận tải cá nhân. Thứ ba là phát huy tinh thần trách nhiệm, hiệu lực hiệu quả của quản lý Nhà nước. Người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức trách nhiệm.

Về các doanh nghiệp lớn của ngành Giao thông vận tải, đặc biệt là Vinashin và Vinalines, ông Thăng nói: Điều quan trọng là cần phải tập trung cơ cấu lại, cổ phần hóa và tìm giải pháp nâng cao tỷ lệ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp lên, đủ khả năng để nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Nói về cương vị mới, ông Thăng cho biết: “Để có thể làm tốt nhiệm vụ, tôi nghĩ rằng trước hết phải có được lòng tin của Đảng, của nhân dân không chỉ với cá nhân tôi mà với cả ngành Giao thông Vận tải.

Đã  là người đứng đầu một Bộ thì phải được toàn quyền quyết định trong phạm vi quyền hạn của mình, ông nhấn mạnh.

Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011 nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.vn 

Châu Anh(ghi)

Bình luận
vtcnews.vn