Những điều ít người biết về bộ máy giúp việc Quốc hội

Thời sựThứ Năm, 21/07/2011 08:06:00 +07:00

Xung quanh sự ra đời và phát triển của bộ máy phục vụ trực tiếp cho cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, có những chuyện mà có lẽ ít người được biết.

Ngày 2-3-1946 là  ngày khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, một kỳ họp lịch sử mở đầu cho chặng đường vẻ vang của Quốc hội nước nhà. Cùng với việc Quốc hội bắt đầu hoạt động, bộ máy giúp việc cho Quốc hội cũng được hình thành, ngày càng lớn mạnh, tận tụy và chuyên nghiệp.

Bộ máy giúp việc đó nay gọi là Văn phòng Quốc hội và  ngày 2-3-1946 được công nhận là ngày truyền thống của Văn phòng Quốc hội. Xung quanh sự ra đời và phát triển của bộ máy phục vụ trực tiếp cho cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, có những chuyện mà có lẽ ít người được biết.


Quốc hội là nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Ảnh: internet. 

Văn phòng Ban thường trực Quốc hội có…4 người

Theo tài liệu lưu trữ của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, ngày 2-3-1946, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã khai mạc tại Nhà hát lớn Hà Nội. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua danh sách và công nhận Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và Quyết định bầu Ban Thường trực Quốc hội để thay mặt Quốc hội thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội.

Để giúp Ban Thường trực Quốc hội thực thi nhiệm vụ, Chính phủ đã điều động 4 cán bộ nhân viên là các ông bà Trần Văn Xoang (tức Trần Thanh Tú); Hoàng Việt Sinh (tức Trịnh Hoàng); Phạm Văn Tâm và Trịnh Thị Phúc sang phục vụ Ban thường trực Quốc hội. Nhiệm vụ chính của đội ngũ cán bộ, nhân viên này là làm những công việc văn phòng như: In, phát tài liệu, giao thông liên lạc, tổ chức công tác tài chính, sắp xếp nơi ăn ở cho các đại biểu Quốc hội, tổ chức Hội nghị cho Ban Thường trực Quốc hội…

Dù chỉ  ít người nhưng đây là những cán bộ được tuyển chọn từ các cơ quan Trung ương và đều là những người có phẩm chất cách mạng, tư cách đạo đức tốt, tận tâm tận lực thực hiện nhiệm vụ được giao.

Từ 4 cán bộ, nhân viên đầu tiên, đến nay, Văn phòng Quốc hội đã có gần nghìn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Từ nhiệm vụ ban đầu là làm công tác phục vụ, đến nay Văn phòng Quốc hội đã là cơ quan tham mưu, tổng hợp, giúp việc trực tiếp cho Quốc hội.  Các thế hệ cán bộ, nhân viên Văn phòng Quốc hội cũng đã trưởng thành. Nhiều người trong số họ đã trở thành đại biểu Quốc hội.

Cán bộ văn phòng như… chiến sĩ

Đó là cách so sánh của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn. Theo đồng chí Chủ nhiệm, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Văn phòng Quốc hội có tác phong như những người chiến sĩ. Những chiến sĩ luôn sẵn sàng xả thân vì công việc, vì một Quốc hội  thật sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Theo số liệu tổng kết của Văn phòng Quốc hội, nhiệm kỳ khóa XII của Quốc hội (2007-2011) là nhiệm kỳ ngắn nhất,  nhưng Quốc hội và Văn phòng Quốc hội đã tạo ra dấu ấn đặc biệt bằng khối lượng công việc đồ sộ. Quốc hội đã thông qua 64 Luật, 11 Nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 15 Pháp lệnh và 7 Nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ ngắn nhất này, lĩnh vực giám sát đã có bước tiến ngoạn mục.

Niềm tin của  nhân dân vào hiệu quả hoạt động của bộ máy, vào những con người cụ thể đến từ sự trung thực, thẳng thắn, trí tuệ, bản lĩnh trong chất vấn và trả lời chất vấn qua truyền hình trực tiếp có tác động nhanh, mạnh và ấn tượng. Thủ tướng, Phó thủ tướng cùng các bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn đã trở thành bình thường. Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội tham gia đối thoại thẳng thắn, sắc sảo đã góp “lửa” vào phiên chất vấn có chiều sâu, sôi động và chất lượng.

Những kết quả đầy ấn tượng của nhiệm kỳ này của Quốc hội có sự góp sức quan trọng của Văn phòng Quốc hội, cơ quan trợ giúp tận tụy của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Vẫn còn có những vấn đề… chưa ổn

Với chức năng là “cơ quan giúp việc của Quốc hội, có chức năng tham mưu tổng hợp và tổ chức phục vụ  các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch và các Phó chủ tịch Quốc hội, các hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội”, thế nhưng, Văn phòng Quốc hội lại không do Quốc hội thành lập mà lại ra đời theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là vấn đề bất cập đầu tiên của cơ cấu nhiệm vụ Văn phòng Quốc hội.

Hiện tại,  biên chế của Cục Quản trị chiếm  tới 1/3 tổng biên chế của Văn phòng Quốc hội. Trong khi chức năng phổ biến của bộ máy giúp việc của cơ quan lập pháp là “hỗ trợ theo nhu cầu của nghị viện và nghị sĩ”. Đó là bất cập thứ hai.

Hoạt động của bộ máy Văn phòng Quốc hội  là theo cơ chế thủ trưởng và mệnh lệnh hành chính, nhưng các đại biểu Quốc hội lại hoạt động theo chế độ đại nghị (nghị viện) nên không thể ra mệnh lệnh hành chính mà là kỹ năng chính trị. Nhưng nhiều đại biểu Quốc hội là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội cùng sử dụng đội ngũ giúp việc chung là đội ngũ chuyên viên ở Văn phòng Quốc hội. Đây là sự bất cập thứ ba. Và còn khá nhiều điều chưa ổn xung quanh cơ cấu tổ chức và hoạt động của Văn phòng Quốc hội trước một Quốc hội đổi mới mạnh mẽ.

Hy vọng, những vấn đề chưa ổn của bộ máy tham mưu giúp việc cho cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất sẽ được giải quyết trong nhiệm kỳ sắp tới của Quốc hội.

Theo Đỗ Phú Thọ

Quân đội Nhân dân

Bình luận
vtcnews.vn