Hà Nội: Họp chợ - đỗ xe ngay lòng đường, biển cấm

Thời sựThứ Tư, 04/05/2011 02:01:00 +07:00

(VTC News)- Sau gần 4 năm các Quyết đinh 02 và 20/2008 được triển khai thực hiện thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè trái phép vẫn “phập phồng” tái diễn.

(VTC News) - Họp chợ, bán hàng, dựng xe... trên vỉa hè, lòng đường trước những biển báo cấm là những hình ảnh nghịch lý, thách thức pháp luật vẫn đang diễn ra trên nhiều phố phường của Hà Nội.
Kể từ khi quyết định số 02 và 20/2008/QĐ- UBNDTPHN ban hành ngày 19/1/2008, Hà Nội đã duy trì được 65 tuyến phố cấm đỗ xe đạp, xe máy, ô tô trên vỉa hè và lòng đường, các khu vực cấm họp chờ và bán hàng rong. Tuy nhiên nhìn lại sau gần 4 năm triển khai và thực hiện quyết định. Hà Nội vẫn ngập tràn những tuyến phố vi phạm.
Hà Nội vốn được mệnh danh là đất chật người đông, có lẽ vì vậy mà người dân thường tận dụng tối đa những m2 đất ít ỏi để làm kể sinh nhai, không loại trừ những vỉa hè, lòng đường. Đâu đâu trên vỉa hè, những quán cóc, những gánh hàng, và những bãi dựng xe cứ dần dần xuất hiện.
Tuyến phố Hoàng Ngọc Phách, đoạn giao cắt từ phố Láng Hạ đến phố Nguyên Hồng vốn đã rất nhỏ, nay còn bị thu hẹp hơn bởi một chợ cóc đã mọc lên từ rất lâu. Không kể sáng hay chiều, ngày bình thường hay ngày lễ, chợ cóc ở ngõ 10 phố Hoàng Ngọc Phách vẫn diễn ra tấp nập. Đủ thứ mặt hàng quần áo, rau, quả, thit, hoa và các đồ ăn nhanh được bày bán. Điều đáng quan tâm ở đây là giữa những tấm biển lớn có dòng chữ “Cấm họp chợ  khu vực này” thì cảnh mua và bán lại diễn ra hết sức “tự nhiên”.
Cấm họp chợ nhưng vẫn bán hàng “tự nhiên” (ảnh chụp trên phố Hoàng Ngọc Phách) 
Đi qua tuyến phố Chùa Bộc rẽ phải về Tôn Thất Tùng vào buổi tối, người ta có thể nghĩ đó là một chợ đêm. Hàng loạt các hàng dầy dép, quần áo, túi xách được trải bạt la liệt trên vỉa hè. Khu vực này được xem là điểm nóng của tiêu thụ hàng hóa khi có tới hai trường đại học và học viện đóng chốt ở đó. Hàng hóa nhiều, người đông khiến nơi đây trở thành một "hội chợ" tự do.
Tuyến phố Tôn Thất Tùng đoạn qua trường Đại học Y Hà Nội, những quán nước mọc lên san sát. Thật nghịch lý khi những tấm biển “Tuyến phố cấm để xe đạp, xe máy, ô tô, kinh doanh, buôn bán ở lòng đường vỉa hè” được đặt từ đầu phố đến cuối phố và trước những quán nước như thế này.
Quán nước mọc lên san sát và kéo dài (ảnh chụp trên phố Tôn Thất Tùng)  
    
Đường Láng, đoạn kéo dài từ Cầu Giấy về Ngã Tư Sở có lợi thế là vỉa hè rất rộng và thoáng. Chính vì thế mà thi nhau mọc lên những gian hàng: mũ bảo hiểm, quần áo, giầy dép và cả những hiệu sách di động. Chỉ cần trải một tấm bạt, kéo một chiếc đèn điện thắp sáng là đã có một vị trí đẹp bán hàng mà không cần biết tuyến phố này nằm trong quy định cấm bán hàng trên vỉa hè, lòng đường.
Phố cổ vốn đã chật chội, đông đúc nay lại còn “nghẹt thở” hơn bởi hàng quán nối nhau chỉ tính bằng centimet. Phố Nhà Thờ nối liền với Nhà Chung và phố Lý Quốc Sư, vỉa hè đã bị chiếm hết bởi những những quán trà chanh. Người đi bộ đã phải xuống lòng đường để đi vì ở vỉa hè không thể lách qua được dù chỉ là một người. Những quán trà chanh, giải khát kín mít người ngồi trên vỉa hè, dưới lòng đường là những chiếc xe máy hàng nối hàng được dựng lên. Một cảnh tượng khiến mọi người nhìn đều cảm thấy "nực cười" là cả một dòng người chạy ùa ra lấy xe khi có cảnh sát giao thông tới.
    
Vỉa hè trở thành chỗ để xe ( ảnh chụp trên phố Nguyễn Văn Tố) 
Tình trạng kinh doanh, bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè lòng đường còn diễn ra hết sức phức tạp ở một số tuyến phố như Bạch Mai, Phố Huế, Hàng Bài, Tràng Tiền, Cát Linh, Đại Cồ Việt...
Một thành phố hòa bình, những tuyến phố văn minh không thể có những bãi gửi xe tự do, những quán cóc san sát hay cảnh mua bán diễn ra lộn xộn. Hơn thế nữa, sau gần 4 năm các Quyết đinh 02 và 20/2008 được triển khai thực hiện thì tình trạng trên vẫn “phập phồng” tái diễn.

Một lý do nhỏ để giải thích cho tình trạng trên là do ý thức của người dân chưa chấp hành quy định của pháp luật nhưng trách nhiệm lớn hơn lại thuộc về các cơ quan chức năng như: Công an, Thanh tra giao thông, UBND phường, các tổ dân phố... Do đó, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý những vi phạm để đẩy trả lại sự thông thoáng cho đô thị.

Ngang nhiên biến lòng đường thành bãi gửi xe
Cả ngày nghỉ và ngày thường, bãi đỗ xe của siêu thị Pico (đường Nguyễn Trãi, Hà Nội) đã chiếm nhiều phần đường đi của xe buýt và các phương tiện khác.

Vị trí bãi đỗ xe này nằm ở chân cầu vượt Ngã Tư Sở, đầu đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh chụp chiều 3/5.

Bãi đỗ xe dài khoảng 50m, chỉ còn lại phần rất nhỏ đủ cho xe máy đi qua. Ảnh chụp chiều 3/5. 
Bình thường, xe bus phải đi làn đường sát bên phải này. Nhưng không còn lối đi, xe bus đành "nhường" bãi đỗ xe, đi vòng sang bên trái, sau đó lại rẽ phải, đi vào đúng làn đường của mình. Ảnh chụp chiều 3/5.
Làm cả barie chắn. Ảnh chụp chiều 3/5. 
Sáng nay, 4/5, chiều rộng bãi xe có thu hẹp nhưng vẫn "chèn" lên lòng đường. 
CSGT thường xuyên qua đây nhưng chưa thấy xử lý bãi xe này. Ảnh: Tuấn Nguyễn. 

Sẽ xử lý bỏ bãi đỗ xe này?

VTC News đã tới gặp công an phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân để phản ánh hiện tượng trên thì một cán bộ tiếp dân ở đây cho hay, họ chỉ xử lý vi phạm trên vỉa hè, còn trong lòng đường như bãi xe của Pico thì thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông.

VTC News đã đến Đội 7, Cảnh sát giao thông Hà Nội (nằm gần đối diện với bãi đỗ xe nêu trên) thì một cán bộ tiếp dân ở cho biết, có thể bãi đỗ xe này đã được Thanh tra giao thông, thuộc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp phép.

Sáng nay, 4/4, chúng tôi đã gặp ông Hùng, Trưởng phòng Tham mưu, Thanh tra giao thông Hà Nội. Sau khi xem những hình ảnh VTC News cung cấp, ông Hùng đã gọi điện đến lực lượng Thanh tra giao thông quận Thanh Xuân, yêu cầu xác minh và xử lý bãi đỗ xe nêu trên.

Câu hỏi đặt ra là tại sao bãi đỗ xe này ngang nhiên chiếm lòng đường cả ngày nghỉ lẫn ngày thường mà Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông vẫn không xử lý cho đến khi VTC News phản ánh?



Ngô Hồng - Hoàng Tuân
Bình luận
vtcnews.vn