Nhìn lại Tháng Tư năm 1975

Thời sựThứ Bảy, 30/04/2011 07:17:00 +07:00

"Càng ngày tôi lại càng thấy có không ít sự việc về chiến tranh tôi từng chứng kiến bị hiểu sai… Vì thế, tôi lại muốn viết hồi ký để bảo vệ lẽ phải…"

"Càng ngày tôi lại càng thấy có không ít sự việc về chiến tranh tôi từng chứng kiến bị hiểu sai… Vì thế, tôi lại muốn viết hồi ký để bảo vệ lẽ phải…", Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, bộc bạch.

Trung tướng Lê Hữu Đức đã ngoại bát tuần, hẳn đã chậm, tính thế, tôi đợi 9 giờ sáng mới gõ cửa thăm ông. Hóa ra sáng nào tầm 7 giờ ông cũng ngồi vào bàn viết.

Nghỉ hưu đã vài chục năm rồi, nhưng ông vẫn giữ thói quen sinh hoạt như người lính. Cả phòng làm việc ở nhà riêng của ông cũng hao hao giống nơi làm việc ở cơ quan; hai tủ đầy ních sách ép sát hai bên tường, chiếc bàn lớn đặt lọt vào giữa, nhìn ra cửa sổ.

Mũ vải gắn Quốc huy đặt nơi góc bàn như thể lúc nào ông cũng sẵn sàng lên đường…

Mở đầu câu chuyện của chúng tôi là thăm hỏi sức khỏe và gia đình. Ông nói, ông cũng có đứa con gái làm nghề báo. Dịp Tổng tiến công năm 1975 cháu mới sáu tháng tuổi. Bấy giờ, nhà ông ở khu tập thể chỉ cách nơi làm việc của Cục Tác chiến hai trăm mét.

Vậy mà hơn sáu mươi ngày đêm của chiến dịch, ông ăn ở nơi làm việc, không ghé về thăm nhà lần nào. Đến tận chiều 30 tháng Tư ông về, đưa tay bế, con bé khóc thét vì không còn nhận ra bố nữa.

Ông nói chuyện thân mật với khách, rồi bỏ kính, đeo máy nghe. Trước khi là Cục trưởng Cục Tác chiến, ông lăn lộn chiến trận, trên người hơn mười vết thương, cụt bên tay trái.

Vài năm nay không biết bệnh tật ủ trong người, bỗng ông bị nặng tai. Ông đeo máy nghe, có ý muốn nghe tôi hỏi chuyện. Thấy trên bàn là tập giấy có đến trăm trang ông viết chi chít, tôi hỏi:

- Bác đang viết hồi ký phải không ạ?

Thực ra tôi không muốn viết hồi ký. (Ông nói) Một dạo anh em bên bộ phận lịch sử quân đội có ý giục tôi viết hồi ký, tôi từ chối, vì mình có công trạng gì lớn đâu mà phải kể lại.

Nhưng, càng ngày tôi lại càng thấy có không ít sự việc về chiến tranh tôi từng chứng kiến bị hiểu sai. Việc xương máu của đồng bào, chiến sĩ, việc liên đới đến những nhân vật lịch sử mà hiểu không đúng thì tổn hại đến tình cảm, đạo đức và danh dự… Vì thế, tôi lại muốn viết hồi ký để bảo vệ lẽ phải…

- Việc gì đang khiến vị Trung tướng đã hưu trí mà vẫn phải lên tiếng?

Chẳng hạn một việc nhỏ thôi, có anh là cán bộ quân đội hẳn hoi nói: Bây giờ nhìn lại chiến thắng năm 1975, em thấy việc chọn Buôn Ma Thuột để mở màn là điểm dễ thấy nhất, sao ngày ấy lại phải khó khăn khi lựa chọn? Anh ta nói thế là chẳng hiểu gì.

Khi đã thắng rồi, nhìn lại thì dễ. Nhưng, trước khi nổ súng, việc lựa chọn điểm mở màn là rất quan trọng. Chiến tranh chỉ cho phép chọn một lần, sai đúng có thể tổn hại hàng triệu mạng người, thậm chí mất nước, chứ có phải bày trận giả đâu mà làm lại. 

Điện Biên Phủ là một ví dụ, chỉ còn vài chục giờ nữa là nổ súng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi toàn bộ phương án, từ đánh nhanh, tiến nhanh sang đánh chắc, tiến chắc đã làm nên chiến thắng lịch sử. Ngày đó ta cứ húc vào tập đoàn cứ điểm bằng đánh nhanh, tiến nhanh xem, liệu có chiến thắng trọn vẹn hay gặp khó khăn, xương máu phơi trắng Mường Thanh?

Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, tạo đà cho Đại thắng mùa xuân. Ảnh: TL 

- Tại cuộc Tổng tiến công năm 1975, bắt đầu từ sự lựa chọn điểm mở màn chiến dịch?

Việc này báo, đài và sách viết nhiều rồi. Đó là cuộc lựa chọn khó khăn, phải cân nhắc qua tám lần Hội nghị Trung ương kéo dài một năm rưỡi. Lực lượng chính quy của ta lúc đó có 15 sư đoàn chủ lực và một lực lượng hùng hậu các đơn vị hỏa lực mạnh như: Tên lửa, pháo binh, xe tăng, không quân. Lực ấy cùng với thế trận đã được dàn trên toàn bộ chiến trường từ Quảng Trị đến sát nách Sài Gòn ta mở màn chiến dịch chỗ nào cũng chắc thắng.

Nhưng phải chọn một điểm mà khi đánh thắng phải ngay lập tức tạo ra thế và lực mới làm thay đổi cục diện, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống của địch, chuyển tình thế một ngày bằng hai mươi năm là phải tính hết sức kỹ càng. Chúng ta đã lựa chọn Tây Nguyên. Và ở Tây Nguyên tuy ta dồn lực lượng lớn áp sát Plei-cu nhưng lại bất ngờ đánh phủ đầu địch ở Buôn  Ma Thuột, làm đảo lộn các tính toán của địch.

Tôi nhớ có lần, Điện ảnh Quân đội nhân dân mời tôi và một số anh em viết kịch bản phim đến nghe GS, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên và Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến kể chuyện năm 1975. 

Hôm đó Thượng tướng Hoàng Minh Thảo kể mấy chuyện nhỏ tôi vẫn nhớ, rằng, lần đầu tiên mở màn một cuộc Tổng tiến công lớn gấp gáp đến mức không kịp đắp sa bàn, phải hạ đạt mệnh lệnh trên bản đồ.

Rồi đêm chờ giờ G nổ súng, ông thấy một chiến sĩ cứ lúi húi trong phòng làm việc của Tư lệnh Chiến dịch. Ông hỏi, anh lính cười bẽn lẽn, thưa: Anh là cần vụ của Tham mưu trưởng Binh đoàn. Tham mưu trưởng hết thuốc, sai anh sang phòng Tư lệnh tìm nhặt vài cái đầu mẩu, hút cho đỡ buồn ngủ vì cả mấy đêm nay đêm nào cũng thức…Nghe thế, Tư lệnh đưa anh nửa bao thuốc còn lại cho Tham mưu trưởng…

Ông Hoàng Minh Thảo kể thêm, ta làm chủ Buôn Ma Thuột làm toàn bộ địch ở Tây Nguyên rút chạy về duyên hải. Các đơn vị tham gia chiến dịch vắt chân lên cổ truy kích, ngăn chặn, không cho chúng kéo về duyên hải. Địch ở Plei-cu, ở Kon Tum rút chạy bằng cơ giới, trong khi ta chạy bộ cắt núi để đánh chặn. Có một tiểu đội chạy cả đêm đến sáng thì vừa khi chiếc xe đi đầu của địch đến đầu chiếc cầu trên đường 19.

Tiểu đội chỉ còn 4 người, với ba quả đạn B40. Để chắc ăn, tiểu đội trưởng ôm B40 bò sát cầu, bắn quả đạn vào chiếc xe đi đầu, làm chiếc xe quay ngang và bốc cháy, chặn lối qua cầu.

Thế là cả đoàn xe rồng rắn phía sau ùn lên, tắc cứng, không còn nhúc nhích tiến lên hoặc quay lui được nữa. Địch hoảng loạn vỡ ra, bỏ xe pháo chạy vào rừng, làm thay đổi hẳn các tính toán quân sự tiếp theo của địch. Khi đã có thời cơ, thì chỉ một quả đạn bắn trúng đích đúng lúc cũng làm thay đổi cục diện chiến tranh.

Tôi hỏi:

- Thưa bác, ngày đó, khi Tây Nguyên nổ súng (10/3/1975) thì tôi vừa từ Hà Nội hành quân dọc Tây Trường Sơn rồi rẽ xuống cực Nam Trung Bộ, vào căn cứ của Quân khu 6, cách thị xã Phan Thiết 16km được ba ngày với tư cách là phóng viên chiến trường.

Bám theo các đơn vị chiến đấu, tôi nghe nói, sau khi giải phóng Tây Nguyên và ép địch rút khỏi Quảng Trị, Huế, trước khi có mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa”, thì Bộ Tham mưu có cân nhắc giữa hai ý kiến: Một là tập trung binh mã đánh ngay vào Sài Gòn, kiểu đánh dập đầu rắn, kết hợp tấn công và nổi dậy giành chiến thắng.

Hai là: Tiếp tục đánh cuốn chiếu, tiêu diệt cứ điểm khổng lồ Đà Nẵng, quét địch dọc miền duyên hải, rồi tập trung các binh đoàn mạnh đánh vào Sài Gòn từ nhiều hướng…?

Trung tướng Lê Hữu Đức:

Trước Tổng tiến công kết thúc chiến tranh thì việc có ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Có ý kiến khác nhau, tranh luận đến cùng chỉ làm sâu sắc và sáng rõ thêm về các mục tiêu lựa chọn.

Bấy giờ, tôi là Cục trưởng Cục Tác chiến, hằng ngày, cứ 19 giờ, tôi có nhiệm vụ đến anh Ba (đồng chí Lê Duẩn), và khi có diễn biến phức tạp hoặc chuyển giai đoạn chiến dịch thì tôi trực tiếp gặp anh Tô (đồng chí Phạm Văn Đồng, Trưởng ban Hậu cần chi viện chiến trường), đồng chí Trường Chinh và anh Sáu Thọ (đồng chí Lê Đức Thọ) để báo cáo tình hình chiến sự và nhận chỉ thị.

Tôi được anh Ba đặc cách cho quyền có thể đến gõ cửa báo cáo các anh vào bất cứ giờ nào trong ngày…

Bàn phương án tiến công vào Sài Gòn. Ảnh: TL 


- Trong những lần báo chiến sự với các đồng chí lãnh đạo, theo Trung tướng có lần nào nảy sinh những ý kiến khác nhau cần trao đổi lại hay không?

Như tôi đã nói. Ấy là sau chiến thắng Tây Nguyên, thế và lực mới của cuộc Tổng tiến công xuất hiện nên cũng có ý kiến chớp thời cơ đánh thẳng vào Sài Gòn, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy, để giành chiến thắng nhanh nhất, không cho địch có thời gian củng cố, gượng dậy.

Một kế hoạch quân sự táo bạo, nhưng liệu có chắc thắng? Các đồng chí lãnh đạo trao đổi hết sức dân chủ về đề xuất này. Ý kiến của tôi tấn công và nổi dậy thắng lợi chỉ khi đã xuất hiện các yếu tố: Địch có nguy cơ tan rã; tầng lớp trung gian ngả theo cách mạng; lực lượng cách mạng đã ở thế sẵn sàng diệt gọn địch trong mọi tình huống…

Sau đòn phủ đầu ở Buôn Ma Thuột, địch bỏ Tây Nguyên dồn về duyên hải, có hoang mang nhưng chưa tan rã, một số tướng địch tự sát, không đầu hàng, nghĩa rằng chúng còn chống đối quyết liệt, trong khi các binh đoàn mạnh của ta còn đang cơ động để vào thế trận, chưa xuất hiện thời cơ nổi dậy giành chiến thắng.

Trong lịch sử đánh giặc hàng ngàn năm của dân tộc ta đều giành lại độc lập bằng các trận tấn công quân sự, như Nguyễn Trãi viết, trúc chẻ, tre bay, chưa lần nào chỉ riêng nhân dân nổi dậy mà đuổi được quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.

Trung tướng có phát biểu những ý kiến trên với các đồng chí lãnh đạo không?

Tôi chỉ phát biểu khi được hỏi. Bộ Chính trị rất dân chủ, không áp đặt, rất tôn trọng khi đối thoại về những ý kiến khác nhau nhưng rất có nguyên tắc, không phải ai ngồi họp muốn nói gì cũng nói làm rối việc…

Anh thấy đấy, cuối cùng sau các cuộc trao đổi dân chủ, kỹ càng chúng ta đã thực hiện cuộc tiến công dọc miền duyên hải, rồi đưa đại quân bao vây Sài Gòn mở Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đại thắng mùa xuân 1975. Ảnh: TL 

Là thư ký của Bộ Chính trị trong cuộc Tổng tiến công, lại được đặc cách gõ cửa các đồng chí lãnh đạo bất cứ giờ nào để báo cáo tình hình chiến sự, xin ý kiến, Trung tướng nhớ lần báo cáo nào nhất?

Đêm 29/4, Bộ Tổng tham mưu nhận được điện của Trung tướng Lê Trọng Tấn báo cáo xin đánh phía đông Sài Gòn, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nửa đêm tôi và anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đến báo cáo anh Ba. Anh Ba nghe điện, nói: Đánh, đánh, cứ đánh ngay.

Bây giờ không chờ nhau nữa. Lần này cánh quân nào thuận lợi thì cứ phát triển, càng thuận lợi cho toàn chiến dịch. Anh Văn hỏi thêm anh Ba: “Điện trả lời ký tên anh chứ?”.

Anh Ba nói: “Không, anh là Tổng tư lệnh, cứ ký tên anh thôi”. Một thoáng sau, anh Ba nói thêm, nếu cần thì đề cả tên tôi cũng được.

- Câu chuyện của Trung tướng cho tôi biết thêm được nhiều thông tin… Tôi chỉ xin hỏi thêm một câu: Ấn tượng mà ba mươi lăm năm sau Trung tướng vẫn nhớ về Cục Tác chiến năm 1975 là gì?

Cách làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi chỉ đạo cuộc Tổng tiến công đều lắng nghe, bình tĩnh, tôn trọng khi tranh luận, đi đến cùng các ý kiến còn khác nhau để tìm ra phương án tối ưu.

Riêng bản thân tôi, một người giúp việc Bộ Tổng tham mưu và Bộ Chính trị được bài học là: Trung thực, thẳng thắn, bảo vệ lẽ phải.

Ra khỏi phòng làm việc của Trung tướng Lê Hữu Đức lúc phố xá vẫn đang thưởng xuân, dòng người đi như trẩy hội. Giữa nườm nượp đông vui kia còn những ai vẫn đau đáu chuyện chiến tranh như vị tướng đã nghỉ hưu này?

Hà Đình Cẩn
Báo Quân Đội Nhân dân

Bình luận
vtcnews.vn