Giao lưu tìm "bí mật" quanh chiếc xe tăng 390 lịch sử

Thời sựThứ Tư, 27/04/2011 02:39:00 +07:00

(VTC News) - Trong chiếc áo lễ phục ngả vàng, 4 chiến sỹ xe tăng anh hùng của 36 năm về trước đã có mặt đúng giờ tại Toà nhà VTC Online.

(VTC News) - Đúng 9h sáng nay (27/4), 4 chiến sĩ xe tăng 390 húc đổ cổng chính của dinh Độc Lập  sáng 30/4/1975 đã sẵn sàng giao lưu trực tuyến với cộng đồng Mạng Việt Nam Go.vn về bí mật quanh chiếc xe tăng 390 và thời khắc lịch sử ấy của dân tộc cũng như không ngần ngại chia sẻ về cả cuộc sống đời thường…

>> Đặt câu hỏi cho 4 chiến sĩ xe tăng 390

Trong chiếc áo lễ phục ngả vàng, cả 4 chiến sỹ pháo thủ xe tăng anh hùng của 36 năm về trước đã không quản ngại đường sá xa xôi để có mặt đúng giờ tại Toà nhà VTC Online, 18 Tam Trinh - HN trụ sở của Mạng Việt Nam Go.vn, để cùng các độc giả trẻ tuổi ôn lại thời khắc hào hùng của dân tộc.
Chiếc xe tăng 390 và những chiến sỹ của thời khắc lịch sử.  
Sáng ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do Trung úy Vũ Đăng Toàn (chỉ huy xe), Trung sĩ Nguyễn Văn Tập (lái xe), Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên (pháo thủ số 1) và Thiếu úy Lê Văn Phượng (pháo thủ số 2) đã húc đổ cổng dinh Độc Lập, trụ sở cơ quan đầu não của chính quyền ngụy Sài Gòn đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện của Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũ, khẳng định chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thời khắc lịch sử ấy mãi mãi trong tâm trí lớp lớp người Việt Nam yêu nước. Những sự kiện, những con người của thời khắc lịch sử ấy luôn có sức hấp dẫn lớn với nhiều người. Chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng dinh Độc lập như thế nào? Những chiến sĩ đầu tiên vào dinh Độc Lập ra sao, chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng như thế nào… và còn vô số những câu hỏi như: sau khi rời quân ngũ số phận của những chiến sĩ trên chiếc xe tăng 390 phải vật lộn để kiếm sống như thế nào, số phận chiếc xe mang số hiệu 390 thăng trầm ra sao…

Các chiến sỹ xe tăng 390 sẵn sàng giao lưu với cộng đồng Mạng Việt Nam Go.vn  

Những câu hỏi ấy và còn rất nhiều bí mật quanh chiếc xe tăng 390 và thời khắc lịch sử của ngày 30/4/1975 ở dinh Độc Lập sẽ được chính 4 chiến sĩ trên chiếc xe tăng 390 ấy là Nguyễn Đăng Toàn, Ngô Sĩ Nguyên, Lê Văn Phượng và Nguyễn Văn Tập giải đáp trong cuộc giao lưu trực tuyến này.

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến:

- Cháu sinh ra là thế hệ 9X chỉ biết chiến tranh qua phim ảnh. Các chú cho cháu hỏi, khi các chú quyết định cho xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập, các chú có cảm nghĩ như thế nào ạ? (Nguyễn Hồng Nhân)

Trung úy Vũ Đăng Toàn: Tôi là Vũ Đăng Toàn, xin chào tất cả các bạn độc giả!.

Về câu hỏi của cháu Nhân, bây giờ nói thực ra trong chiến tranh nó rất là ác liệt, khi tôi quyết định cho xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc lập, thực ra cũng chỉ nghĩ làm sao mình giành được thắng lợi nhanh nhất để đồng đội, đồng chí của mình đỡ phải đổ thêm xương máu. Đấy là suy nghĩ duy nhất thôi. Lúc đó chẳng nghĩ riêng tư gì được và đã biết là vào trong Dinh Độc lập rồi là làm nhiệm vụ đại đội 4 là cắm cờ trên nóc Dinh Độc lập và bắt toàn bộ nội các Dương Văn Minh.

Cắm lá cờ để báo hiệu giờ phút toàn thắng của dân tộc và bắt Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện.

Đấy là suy nghĩ của chú trước khi lệnh cho xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc lập.

Trung úy Vũ Đăng Toàn (phải) say sưa chia sẻ câu chuyện 36 năm trước.  

Trung sĩ Nguyễn Văn Tập:  Khi thời cơ đến, các chú biết đó là độc lập, có sự thống nhất của trưởng xe, xe quyết định lao thẳng vào cổng. Quyết định rất sáng suốt và kịp thời, đất nước còn chiến tranh thì đau khổ vẫn còn, vậy thì quyết định nhanh chóng để bắt nội các Dương Văn Minh đầu hàng để chấm dứt chiến tranh.

Thiếu úy Lê Văn Phượng:
Chúng tôi là những lớp người đi trước. Rất may cho chúng tôi được sinh ra trong thời đại Hồ Chí Minh, được tham gia cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Trong chiến đấu, chúng tôi luôn kiên định tư tưởng phải chiến đấu và chiến thắng. Dù hy gian khổ, chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng. Khi chiếc xe tăng 390 của chúng tôi húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, chúng tôi nghĩ sức mạnh của Quân giải phóng không kẻ thù nào ngăn nổi.

Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên: Trong chiến dịch HCM có 5 mũi tiến công để giải phóng SG, rất may mắn là các chú tiến vào Dinh Độc Lập sớm nhất. Thời điểm đấy các chú không sợ hy sinh, khó khăn gian khổ bằng hành hành độc nhanh nhất để chiếm lĩnh mực tiêu chủ yếu của kẻ thù, với mong muốn đất miền Nam phải được giải phóng trong chiến dịch này.  

- Cháu nghe cô giáo Sử kể rằng: Hồi đó, sau chiến thắng, 3 chiến sĩ húc đổ cổng Dinh mừng quá chạy về quê với gia đình (và họ sống 1 cuộc sống khá khó khăn), còn 3 chiến sĩ nào đó lên nhận chiến công về mình (nếu nói thẳng thì là 'cướp công'). Chuyện đó thực sự là như thế nào, thưa các chú? (Nguyễn Thảo Hạnh)

Trung úy Vũ Đăng Toàn: Bây giờ nói thực ra như thế này, sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn, đất nước hai miền Nam – Bắc sum họp một nhà, anh em chúng tôi ra quân trở về quê hương. Lúc đó, đất nước còn nhiều khó khăn, cho nên về với đời thường anh em cũng bươn chải gian khổ để tạo kinh tế gia đình để đảm bảo cuộc sống. Chứ còn nói thực ra, bảo ‘cướp công’ là nói hơi nặng về tình cảm đồng đội, thế cơ mà thực chất ra đồng đội sống không được đẹp, cũng chỉ nghĩ đến thành tích chung, thành tích cá nhân hơn cả.

Trung sĩ Nguyễn Văn Tập: Mỗi người 1 nhiệm vụ, khi chiến đấu thì có nhiệm vụ riêng, tùy thuộc và tinh thần dũng cảm chiến đấu của mỗi người. Theo bác, có những người “cướp công” cũng chưa hẳn là đúng. Vì trong lúc chiến đấu, không thể xác định được điều gì ngay lập tức, có thể họ nghĩ họ vào trước, họ ko xác định được ngay, kể cả lãnh đạo, các bác sau này về với đời thường, cộng tác với báo nước ngoài, bảo tàng đã làm rõ xe nào vào trước, xe nào húc đổ cổng dinh Độc Lập. Bác chưa bao giờ nghĩ họ cướp công, chỉ là đúng hay sai.

Thiếu úy Lê Văn Phượng: Xe tăng 390 của chúng tôi gồm 4 thành viên, húc đổ chiếc cổng Dinh Độc lập lúc 10h45 trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân. Đất nước được giải phóng. Sau đó, chúng tôi, vẫn tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ quốc tế giải phóng Campuchia khỏi sự diệt chủng của bè lũ Khmer đỏ và bảo vệ phía Bắc. Năm 1985, chúng tôi về giải ngũ theo chính sách. 4 anh em về với cuộc sống đời thường. Chúng tôi vẫn vô tư và không nghĩ gì cho riêng mình cả.

Tháng 3 năm 1995, một nhà báo người Pháp Francois de Munde là người đầu tiên chụp được bức ảnh chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập. Vào thời khắc lịch sử đó, bà đã sang Việt Nam để tìm 4 chiến sĩ xe tăng 390. Và những nhầm lẫn về lịch sử đã được sang tỏ..

Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên: Tôi là pháo thủ số 1 xe tăng 390 húc đổ cổng chính dinh độc lập lúc 10g45 phút ngày 30/4/1975, đây là mốc son lịch sử của cả dân tộc trong cuộc khánh chiến vĩ đại. Trong chiến đấu, mọi người đều muốn hoàn thành nhiệm vụ của Đảng giao và trách nhiệm của một công dân VN, sau khi húc đổ cổng dinh, chúng tôi trở về đời thường như bao nhiêu chiến sỹ khác. Sau chiến tranh cả nước lo hàn gắn vết thương chiến tranh chúng  bộn bề công việc không ai nghĩ đến thành tích của mình. Trong chiến tranh không tránh khỏi sự nhầm lẫn, chứ không phải là sự tranh công đổ lỗi.

Trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên (phải) đang trả lời trực tuyến  

- Cháu chào các bác, trước hết cháu xin cảm ơn thế hệ của các bác đã hi sinh rất nhiều để dân tộc ta có được như ngày hôm nay và để hôm nay chúng cháu có thể sống trong hòa bình thế này. Nếu cháu không nhầm thì có một thời gian người ta ngĩ rằng húc đổ cổng dinh độc lập là chiếc xe tăng mang biển số 384 phải không ạ? Nếu có chuyện này thì các bác có thể kể chi tiết cho thế hệ sau chúng cháu biết được không? (Vũ Văn Pha )

Trung úy Vũ Đăng Toàn: Chú cảm ơn cháu Vũ Văn Pha. Thực chất trưa ngày 30/4/1975, đại đội 4 đánh chiếm Dinh Độc lập có hai xe tăng 843 và 390 tiếp cận cổng Dinh Độc lập đầu tiên. Và xe 843 dừng lại cổng phụ trái, sau đó đồng chí Nguyễn Văn Tập, lái xe 390, hỏi tôi “Thế nào anh Toàn?”, tôi ra lệnh “Tông thẳng vào”. Lập tức xe tăng 390 được tăng ga, lao thẳng và húc bung hai cảnh cổng chính Dinh Độc lập và tiến vào tiền sảnh Dinh Độc lập. Hình ảnh này do một nữ phóng viên người Pháp đã chụp được ngay thời khắc lịch sử lúc bấy giờ. Và đây là một thực tế không thể thay đổi được.

- Hiện giờ cuộc sống của các bác như thế nào ạ? Phía sau cuộc chiến vĩ đại của cả dân tộc, cuộc sống riêng của các bác chắc cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Có lúc nào cảm giác khi nhớ lại tuổi trẻ của các bác là sự tiếc nuối? (lovely_gal )

Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên: Hiện giờ 4 bác có những hoàn cảnh thuận lợi khó khăn riêng, tuy nhiên trong cuộc sống đôi lúc lúc cũng có khó khăn nhưng nhiều người vẫn còn khó khăn hơn mình nhiều.

Về nghỉ chế độ theo quyết định 176 năm 1993 sau đó như nhiều đồng đội rời quân ngũ trở về đời thường gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng vẫn tin tưởng đường lối đổi mới của Đảng.

Từng bước đưa cuộc sống ngày càng đi lên và nuôi dạy các con khôn lớn cũng như luôn dạy các con theo đường binh nghiệp của bố, mẹ hiện hai cháu đều là sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam.  

Thiếu úy Lê Văn Phượng: Cuộc sống đời thường của anh em chúng tôi hiện tại thì cũng giống những bao chiến sĩ giải phóng khác . Cuộc sống mưu sinh khiến mình phải chăm chỉ lao động. Đến khi hết tuổi, thì về hưu, sống vui vầy với con cháu. Nhưng lo lắng nhất vẫn là những vết thương về thể chất sau chiến tranh.

Còn nói về tuổi thanh xuân, thì có những đêm nằm nghĩ về quá khứ, tôi cũng không nghĩ rằng mình lại dũng cảm, vượt qua được nhiều khó khắn khủng khiếp đến như thế. Một mình vượt Trường Sơn, lái xe tăng vượt qua trọng điểm oanh tạc của B52. Ví dụ như có những đêm, chúng tôi lái xe không được bặt đèn vì nếu không thì nguy cơ bị máy bay địch oanh tạc rất cao. Khó khăn là vậy mà chúng tôi vẫn vượt qua được. 4 lần chúng tôi đều bị thương nặng mà vẫn không rơi vị trí chiến đấu, quyết tâm bám đơn vị.

Trung sĩ Nguyễn Văn Tập: Có khi nào nuối tiếc được đâu, đất nước có chiến tranh, các bác phải ra đi để chiến đấu vì độc lập, Còn khi trở về, các bác có người cũng không còn khỏe, bị thương tật nhưng với tinh thần bộ đội cụ Hồ, các bác không bao giờ cảm thấy hối tiếc điều gì.

Hiện tại, mỗi người 1 hoàn cảnh, bác về sớm nên không đủ tuổi hưu, vẫn phải đi lao động, đi làm để nuôi con ăn học. Cuộc sống cũng chẳng có gì khó khăn, còn nhiều người còn khó khăn hơn mình.

Trung úy Vũ Đăng Toàn: Bây giờ, chú cảm ơn cháu đã quan tâm đến cuộc sống của gia đình chú. Cuộc sống hiện nay nói chung cũng theo được mặt bằng xã hội ở nông thôn. Gia đình chú mọi người đều tần tảo làm ăn, cộng với đồng lương ít ỏi của chú nên cuộc sống đảm bảo được. Nói chung gia đình cũng còn khó khăn, nhưng mình phải phấn đấu, bươn chải, chứ nếu không thì làm sao có đời sống khá giả được.

Sau khi thắng lợi vĩ đại của dân tộc, chúng tôi tiếp tục còn ở chiến trường và còn tham gia bảo vệ an ninh khu vực được giải phóng và đồng thời, cuối năm 1978, đơn vị chúng tôi sang Campuchia giúp bạn giải phóng đất nước. Khi Campuchia giải phóng khỏi ách của quân Pôl pốt, chúng tôi lại tiếp tục được lệnh ra ngoài biên giới phía Bắc, tuyến đầu của tổ quốc đánh quân Trung Quốc. Trong thời gian đó, gia đình cũng rất vất vả - một bà vợ nuôi ba cháu nhỏ, cũng rất gian nan, khổ - mà lúc đó chỉ có một túp nhà tranh, hai trái tim vàng (cười). Thậm chí, lúc về phép, nhà chỉ có mỗi một cái giường bốn mẹ con nằm, còn mình kê một cái giát giường bên cạnh. Có cái màn bộ đội, muỗi chui vào cắn, cả đêm không ngủ được.

Sau khi được ra quân, tôi về gia đình cảm thấy kinh tế quá khó khăn. Tôi lao về nghề làm bánh đa, rồi làm đậu phụ, rồi chăn nuôi, thả cá… làm nhiều nghề lắm. Công sức cả gia đình bỏ ra như vậy nên cuộc sống cũng đỡ khó khăn hơn.

Bây giờ nói thực ra, nghĩ lại thấy thời tuổi trẻ mình dành hết cho cách mạng. Nhưng đó là điều đương nhiên vì hoàn cảnh đất nước đòi hỏi như thế. Cho nên từ đó, chú lấy vợ hơi muộn, lại có được yêu đâu – hai bên gia đình giới thiệu – con cái muộn mằn, con đầu sinh năm 1978, nên cũng hơi thiệt thòi.

Thiếu úy Lê Văn Phượng (phải) đang chia sẻ về những ngày lịch sử hào hùng. 
 
- Sau cuộc chiến, khi chưa được xác nhận là những người anh hùng trên chiếc xe tăng 390 lịch sử, cuộc sống của các bác có gặp nhiều khó khăn hay không? Điều mong muốn lớn nhất của mỗi người ở thời điểm này là gì? Cảm ơn các bác đã đến và chia sẻ. (lovely_gal )

Trung úy Vũ Đăng Toàn: Cám ơn cháu. Lúc chưa công nhận, phải nói cuộc sống theo hoàn cảnh lúc bấy giờ - những năm 80-90 thế kỷ trước, đất nước mới thoát khỏi cuộc chiến tranh, còn nghèo nàn, lạc hậu. Cho nên gia đình của tôi cũng nằm trong bối cảnh đó. Gia đình còn nghèo, khó khăn, bữa ăn phải độn khoai, sắn, ngô. Ăn không được no. Thức ăn là rau, cà là chính.

Lúc đó, mong muốn lớn nhất của chú là dân giàu, nước mạnh, trong đó có gia đình chú. Thứ hai, mong Đảng, Nhà nước và chính quyền cơ sở địa phương tạo điều kiện nâng cao đời sống cho nhân dân.

Thiếu úy Lê Văn Phượng: Cuộc sống đời thường của chúng tôi vẫn bình yên như thế thôi. Chúng tôi vẫn  sống vô tư như vậy. Chúng tôi chỉ thấy tự hào, mãn nguyện vì những gì mình đã đóng góp được cho đất nước, cho nhân dân. Đối với tôi, được nhân dân ghi nhớ và quý mến vì những gì chúng tôi cống hiến làm một điều rất tuyệt vời rồi.

Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên: Trước đây, có sự nhầm lẫn xe tăng 843 nhưng sau này sự thật lịch sử ngày càng sáng tỏ, các bác vô cùng vinh dự vì lịch sử đã ghi nhận.

Sau khi xe tăng 390 được công nhận các bác được nhiều tổ chức, cá nhân mời đi giao lưu du lịch, tham quan và mời đi nói chuyện truyền thống cho các cháu học sinh.

Giờ đây, điều mong muốn nhất của tôi là lịch sử phải trung thực, và mong muốn những người viết sử luôn có tâm trong sáng, nhất là lịch sử quân sự.

- Cháu vẫn thường nghe nói có 5 anh em trên 1 chiếc xe tăng. Tại sao chiếc xe tăng này lại có 4 chiến sỹ thôi vậy? Đây thực sự là 4 anh hùng của dân tộc Việt Nam! (nguyenlehavinh )

Trung sĩ Nguyễn Văn Tập: Có lẽ đi đâu ai cũng hỏi câu này, bài hát 5 anh em trên 1 chiếc xe tăng là bài hát truyền thồng của bộ đội tăng thiết giáp, xe của các bác chỉ có biên chế 4 người là đủ sức chiến đấu, gồm có trưởng xe, 1 lái xe, và 1 pháo thủ số 1, và 1 pháo thủ số 2. Trên binh chủng cũng có những xe 5 người, còn lái phụ để giúp nhau khi hành quân và chiến đấu.

- Câu chuyện mà nhiều người nhớ đến khi nhắc về chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập là một hành trình dài đi tìm và xác nhận số hiệu thực sự của chiếc xe. Lịch sử đã lùi xa, điều cháu cảm nhận rõ ràng nhất ở những người lính như các bác là sự vị tha - bằng chứng ở sự im lặng suốt nhiều năm. Trong những năm im lặng đó, có lúc nào các bác muốn lên tiếng để lật lại câu chuyện về chiếc xe tăng đã đi vào lịch sử? (lovely_gal)

Trung úy Vũ Đăng Toàn: Bây giờ nói thế này, trong thời gian 20 năm, từ năm 1975 đến 1995, tôi là một người cán bộ chính trị, cũng muốn xây dựng thành tích chung của đơn vị, và anh Bùi Quang Thận là người cắm lá cờ trên nóc Dinh Độc lập. Mà đây có tính chất xây dựng cho anh Thận, chứ không phải một mình anh Thận làm nên chuyện này. Do đó, hai mươi năm tôi không có ý kiến gì, và cũng không có tâm tư gì để lật lại sự thật ai vào trước, ai vào sau.

Ngày 8/3/1995, tự nhiên nữ phóng viên người Pháp, bà Francois de Munde, anh Phạm Công Dũng, Trung tâm Báo chí Bộ Ngoại giao và đại diện Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam, đại diện tỉnh Hải Dương… tự nhiên có một đoàn về hỏi chú có phải là người tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh không? Có phải là người chỉ huy chiếc xe tăng 390 không? Sau đó chú kể từ đầu, từ khi xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập cho đến lúc bắt nội các Dương Văn Minh. Chú nói đến đâu, bà phóng viên người Pháp đưa hình ảnh bà chụp được đến đó, kiểm tra mình xem có nói chính xác không.

Sau khi chú nói tương đối chuẩn, bà ấy nói “đã 20 năm qua, nhưng ông nói rất chính xác các bức ảnh tôi chụp được”.

Từ khi có bà nhà báo Pháp về, chuyện xe tăng 390 mới được công chúng cả nước biết đến.

- Có thể nói các bác là những nhân chứng sống của 1 khoảnh khắc vĩ đại của dân tộc, là 1 minh chứng cho cả 1 thời kỳ oanh liệt chống Mỹ vẻ vang. Các bác có thể cho biết cái cảm giác đầu tiên trào dâng trong người các bác khi húc đổ cổng Dinh Độc lập là gì không ạ? Giờ đây, các bác cảm thấy thế nào khi chiến tranh đã lùi xa, và những năm tháng chiến đấu cùng anh em đã lùi vào quá khứ, tâm trạng của các bác hiện giờ như thế nào? (Dương Đình Trường)

Thiếu úy Lê Văn Phượng: Chúng tôi là những người hạnh phúc nhất được chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Đó là giờ phút mà không phải người lính nào cũng có may mắn được trải nghiệm qua. Cảm giác sung sướng đến phát khóc khi được chứng kiến khoắng khắc lịch sử, một thời điểm lịch sử, đích đến cuối cùng sao bao nhiêu năm các đồng đội, đồng chí đổ xương máu cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Dù cuộc chiến đã lùi xa được 36 năm rồi, nhưng những cảm xúc mà tôi được cảm nhận thấy  trong ngày hôm đố vẫn còn nguyên vẹn. Mọi thứ như mới xảy ra ngày hôm qua.

Trung sĩ Nguyễn Văn Tập: Trào dâng cảm xúc đầu tiên thì thật khó tả. Khi mình lao vào tung cổng, xe mình trườn qua thảm cỏ của dinh, khi đỗ lại trước cửa, mình còn chưa biết được tại sao lại có thể vào được. CẢm xúc ấy không kịp phân tích được. Sau khi bình tĩnh lại, mới biết được đó là quyết định đúng đắn của mình. Nhưng nói chung, các bác đều cảm thấy rất vui mừng.

 Chiến tranh đã lùi xa, hiện bác cảm thấy rất hạnh phúc vì mình đã góp phần nhỏ bé vào chiến thắng của dân tộc, và được chứng kiến thời khắc cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Hơn nữa, được mọi tầng lớp nhân dân theo dõi chiến công của mình mỗi khi ngày lễ tết của dân tộc. Có rất nhiều thư, nhiều điện gọi đến chúc mừng.

Trung sỹ Nguyễn Văn Tập kể về những kỷ niệm hào hùng năm xưa.  

- Các bác có thể nói cho cháu giây phút khó khăn nhất khi làm nên chiến thắng lịch sử này được không ạ? (Võ Thu Thuỷ )

Trung sĩ Nguyễn Văn Tập:
Nói đến giây phút khó khăn nhất, là lúc cân não để lao vào cổng dinh, bác nghĩ đây là xào huyệt cuối cùng của địch, là cửa mở vào DDL. Nhưng chỉ thoáng qua trong giây phút, qd của mình phải nhanh chóng, khẩn trương để chiếm lĩnh trận địa. Nhanh phút nào, đất nước sẽ được giải phóng sớm hơn ngày đó. Lúc đó, mình phải rất quyết tâm.

Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên: Là người lính trên chiến trường chúng tôi vượt mọi hy sinh, gian khổ, quyết tâm dành thắng lợi trên trận tuyến.

Phút giây trước Dinh Độc Lập là thời cơ ngàn năm có một, đất nước phải được độc lập, hòa bình trong chiến dịch này. Các bác không suy nghĩ chần chừ lái xe húc thẳng cổng chính Dinh Độc Lập, cả 4 anh em trên xe tăng 390 đã làm một hành động được lịch sự mãi mãi ghi danh.

- Khi theo xe tăng tiến vào Dinh Độc lập, các bác biết là chiến tranh sẽ sớm kết thúc nhưng ngay lúc đó các bác vẫn có thể sẽ hy sinh. Vậy các bác có cảm thấy chút sợ hãi nào trong giờ phút đó khi mà chiến thắng đã gần kề. (songthan83 )

Thiếu úy Lê Văn Phượng: Đã chiến thì không sợ. Mà đã sợ thì không chiến đấu. Trong giờ phút cuối cùng ấy, kẻ thù vẫn chống trả rất quyết liệt, điên cuồng chống lại quân giải phóng. Thực sự thì đã có rất nhiều đồng chí của chúng tôi đã hy sinh ngay cửa ngõ của  Sài Gòn. Ví dụ như là đã có 42 chiến sĩ công binh đã anh dũng hy sinh để bảo vệ cầu Rạch Chiếc, không cho địch phá cầu. Nhằm tạo điều kiện cho quân giải phóng có thể vào được nội đô, sớm công phá được sào huyệt của kẻ thù. Ngoài ra thì còn nhiều tấm gương khác cũng đã mãi mãi ra đi trước giờ phút lịch sử ấy.

Trung sĩ Nguyễn Văn Tập: Đúng ra mà nói, không sợ chết thì vô lý nhưng đối với người lính nếu lúc nào sợ chết thì ko còn là người lính. Hơn nữa, ở vào các thời khắc đó, mình ko lao vào thì chắc chắn người khác sẽ lao vào, cũng có thể mình vào đó là hy sinh, nhưng hy sinh là vì đất nước. Lúc đó hừng hực khí thế nhiều hơn là sợ hãi. Cũng có thể, trong tư tưởng 1 vài chiến sỹ khác, người ta sợ, vì có 1 số xe đến trước nhưng họ không lao vào trước. Lúc đó, mình nghĩ mình vào được là hoàn thành nhiệm vụ, dù có hy sinh cũng là vì đất nước.

- Sau khi chiến tranh kết thúc thì người mà các bác nhớ nhất là ai. Lúc đó mong ước lớn nhất của các chú là gì? (Nguyễn Hoài Khôi Nguyên, phong_lan_xanh  )

Trung sĩ Nguyễn Văn Tập: Chiến tranh kết thúc, chắc chắn phải là bố mẹ, vợ và anh chị em trong gia đình. Khi ra đi chiến đấu, mọi người đều tiễn chân. Mong ước lớn nhất là được trở về quê hương, chôn nhau cắt rốn, trở về với đồng quê, dù lúc đó đơn vị muốn giữ lại để đào tạo cán bộ phục vụ lâu dài.

Tiếp tục cập nhật...


VTC News (lược ghi)

Bình luận
vtcnews.vn