TP.HCM làm tốt công tác dự báo nguồn nhân lực

Thời sựThứ Ba, 05/04/2011 10:06:00 +07:00

(VTC News) – “Từ thực tiễn, các bài học kinh nghiệm của TP.HCM có thể rút ra để lập thêm những mô hình tương tự như ở các địa phương khác”.

(VTC News) – “TP.HCM là địa phương làm tốt nhất nước công tác dự báo nguồn nhân lực lao động. Từ thực tiễn, các bài học kinh nghiệm của TP.HCM có thể rút ra để lập thêm những mô hình tương tự như ở các địa phương khác”.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhận xét như trên khi đến thăm, làm việc với Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM vào chiều 5/4. Cùng dự còn có lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Kế hoạch đầu tư, LĐTBXH và lãnh đạo UBND TP.HCM.

Báo cáo với đoàn công tác của Chính phủ, bà Trương Lê Mỹ Ngọc – GĐ Trung tâm cho biết, chỉ mới chính thức được thành lập gần 2 năm nhưng trung tâm đã có một số kết quả nhất định như: thực hiện các báo cáo định kỳ theo tháng, quý, nửa năm và cả năm về “Phân tích thị trường lao động TP.HCM – Nhận định xu hướng nhu cầu nhân lực”, tổ chức khảo sát nguồn cung và cầu lao động của TPHCM...

Về xu hướng dự báo nguồn nhân lực cho 5 năm tới (2011 – 2015), Phó GĐ Trung tâm Trần Anh Tuấn cho biết: Dự kiến TP sẽ cần khoảng từ 280.000 – 300.000 chỗ làm/năm, tăng khoảng 3 – 3.5% mỗi năm. Các ngành nghề chiếm đến 80% nhu cầu nhân lực của TP.HCM sẽ vẫn là những ngành rất quen thuộc gồm du lịch, nhà hàng – khách sạn, luật, kiểm toán, bảo hiểm, nhân sự, GD-ĐT, bán hàng, marketing, dầu khí, CNTT, điện tử - viễn thông…

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác của Chính phủ tại buổi làm việc với Trung tâm chiều 5/4 (ảnh: N.D) 
Ông Tuấn cũng thừa nhận sự nghịch lý về cơ cấu, chất lượng, kỹ năng ngành nghề, tiền lương – thu nhập thực tế của cung – cầu đã làm cho thị trường lao động của TP chưa ổn định. DN và người lao động chưa có sự tương thích, nhất là lao động phổ thông, lao động có trình độ.

Để khắc phục tình trạng này, ông Tuấn kiến nghị các cơ quan chức năng cần thực hiện việc tái cấu trúc nền kinh tế gắn liền với tái cấu trúc nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển KT-XH của TP, chú trọng công tác định hướng đào tạo các trường dạy nghề (nhất là xây dựng) gắn liền với chuẩn đầu ra chung của từng ngành theo nhu cầu XH; quan tâm – cải thiện nhiều hơn nữa tiền lương cho người lao động; HS-SV cần quan tâm, chọn việc làm phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện học tập…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng cũng ghi nhận và chỉ đạo: “Công tác dự báo nguồn nhân lực luôn là một việc làm quan trọng trong quá trình hoàn chỉnh quy hoạch nguồn nhân lực của cả nước. TP.HCM là một trong những địa phương làm tốt nhất công tác dự báo này. Từ thực tiễn, các bài học kinh nghiệm của TP.HCM có thể rút ra để lập thêm những mô hình tương tự như ở các địa phương khác”.

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn