Tai nạn đường sắt: "Lỗi của các chủ phương tiện"

Thời sựThứ Bảy, 02/04/2011 12:06:00 +07:00

(VTC News) - Trong các vụ TNGT đường sắt thì tai nạn ở đường ngang chiếm tỉ lệ rất cao. Chỉ cần chủ phương tiện do dự, chủ quan một chút thôi sẽ xảy ra sự cố.

(VTC News) - Thời gian vừa qua trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt, đường bộ gây thiệt hại nhiều về người và của. Làm thế nào để hạn chế các vụ TNGT, giảm tối đa các thiệt hại không đáng có. Xung quanh vấn đề, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Thái, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia.

PV: Ông đánh giá như thế nào về nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông giữa đường ngang cắt đường tàu ở cung đường đi qua huyện Thường Tín nói riêng (nơi xảy ra vụ TNGT làm 9 người chết mới đây) và trên địa bàn cả nước nói chung hiện nay?

Đoạn đường sắt Hà Nội -Thường Tín chạy song song với quốc lộ 1 cũ, có rất nhiều điểm giao cắt với đường bộ, gồm đường ngang có chắn, đường ngang không có chắn nhưng có thiết bị cảnh báo tự động, đường ngang không có thiết bị cảnh báo và rất nhiều đường ngang dân sinh. Mặt khác, tình trạng đô thị hóa dọc theo tuyến đường sắt này ngày càng phức tạp, hành lang an toàn đường sắt bị lấn chiếm; mật độ phương tiện giao thông đường bộ ngày một tăng cùng với việc chấp hành quy định khi đi qua đường sắt của người tham gia giao thông chưa tốt. Vì thế luôn tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn khi tàu chạy qua, nhất là những đường ngang không có chắn. Một năm về trước, trên đoạn đường này cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông làm 9 người chết.

PV: Trong năm vừa qua Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đã triển khai những giải pháp gì nhằm giảm thiểu tối đa các vụ TNGT đường sắt?

Qua theo dõi, trong các vụ TNGT đường sắt thì vấn đề tai nạn giao thông đường ngang chiếm tỉ lệ rất cao và lỗi chủ yếu thuộc về người tham gia giao thông đường bộ. Để hạn chế tối đa các vụ TNGT đường sắt, trong năm qua Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông và các tổ chức đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông, có chú trọng đến quy tắc giao thông khi vượt qua đường ngang giao cắt với đường sắt. Người dân đi qua các đoạn đường này cần phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường sắt và cả đường bộ.

PV: Để giảm tối đa mối nguy hiểm đi lại giữa đường ngang với đường sắt theo ông chúng ta nên làm gì?


Các ngành và địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện kế hoạch lập lại hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt theo quyết định 1856/2008/QĐ-TTG của Thủ tướng chính phủ (nhất là giai đoạn 2 đôi với đường sắt ). Trong đó có việc đảm bảo an toàn giao thông tại đường ngang đường bộ với đường sắt, bằng việc giảm số đường ngang, xây dựng đường gom dọc đường sắt, kiên quyết đóng đường ngang tự mở bất hợp pháp.

Đối với các đường ngang mà có mật độ phương tiện đi lại nhiều có thể tiến hành cải tạo, nâng cấp, bố trí hệ thống cảnh báo, tín hiệu và rào chắn. Tiếp tục thực hiện dự án xây rào chắn giữa đường bộ đoạn song song với đường sắt nhất là những đoạn đang bị đô thị hóa. Chính quyền địa phương không cấp đất hình thành các khu đô thị, dân cư dọc đường sắt. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông qua đường sắt. Riêng đoạn Văn Điển - Thường Tín cần phải rà soát kỹ càng và có giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn.

Vụ tai nạn đường sắt khiến 9 người chết ngày 30/3 là một cảnh báo cho những cung đường ngang tiềm ẩn nguy hiểm. (Ảnh: Mạnh Phan)

PV: Gần đây xảy ra nhiều vụ TNGT gây thiệt hại cả về người và của. Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?


Ngoài vụ tai nạn giao thông đường sắt mới xảy ra làm 9 người chết ở Thường Tín hôm qua, mới đây tôi cũng được biết trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có xảy ra vụ TNGT do ô tô tải gây ra làm 6 người chết. Nguyên nhân ban đầu của các vụ tai nạn trên đều do lái xe vi phạm các quy tắc giao thông, ý thức chấp hành pháp luật của lái xe kém. Ý thức kém chính là nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng tai nạn giao thông. Hiện chúng, trong các giải pháp tuyên truyền cũng như cưỡng chế, chúng tôi tập trung vào các đối tượng là lái xe khách, xe tải, xe container,  tăng cường kiểm tra và phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn như chạy quá tốc độ, chở quá tải....

PV: Như vậy sẽ xử lý mạnh đối tượng lái xe?

Thời gian tới, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia và các bộ ngành, địa phương tăng cường kiểm soát tập trung đối với các tài xế xe tải, xe khách. Xử lý một cách minh bạch, rõ ràng các vụ tai nạn giao thông. Đồng thời tổ chức tuyên tryền nâng cao nhận thức người dân. Giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lái xe chuyên nghiệp. Làm tốt các công tác quản lí nhà nước trong vấn đề đăng ký, đăng kiểm, đào tạo sát hạch lái xe. Chúng tôi tiếp tục triển khai xây dựng văn hóa tham gia giao thông để nâng cao hơn nữa ý thức tự giác chấp hành cho người tham gia giao thông. Với giao thông đường sắt thực hiện quyết liệt nghị quyết lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt.

PV: Trong quá trình triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia gặp những khó khăn, vướng mắc nào?


Trong quá trình triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông, chúng tôi cũng nhận thấy những khó khăn, phức tạp. Đó là số lượng phương tiện giao thông đường bộ đang gia tăng nhanh trong khi kết cấu hạ tầng giao thông mặc dù được đầu tư song chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Ý thức người tham gia giao thông cũng còn nhiều hạn chế dù công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh thường xuyên. Tình trạng mất trật tự an toàn giao thông có xu hướng gia tăng. Công tác kiểm tra, giám sát cũng còn nhiều khó khăn. Ví dụ như việc đội mũ bảo hiểm, dù triển khai rất hiệu quả song hiện nay ý thức chấp hành chưa được tốt, nhất là đội tượng thanh niên…

PV: Ông đánh giá như thế nào hệ thống giao thông giữa nước ta so với các nước trên thế giới hiện nay?


Dù thời gian qua Chính phủ và các bộ ngành đã tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây mới hệ thống hạ tầng giao thông song so với các nước (Thái Lan, Malaisia, Trung Quốc..) thì còn kém rất nhiều, hệ thống đường cao tốc của chúng ta còn ít, giao thông hỗn hợp là chủ yếu, hệ thống đường sắt cũng chậm phát triển.

PV: Hiện chúng ta đã có chế tài xử lý lái xe vi phạm khi đi ngang qua đường ngang, thưa ông?


Vi phạm quy tắc giao thông khi qua đường ngang với đường sắt là nguy hiểm, hậu quả TNGT rất lớn. Hiện chúng ta đã có chế tài xử lí về vấn đề này. Trong Nghị định 34 có quy định rất đầy đủ và mức xử phạt rất nặng về vấn đề này nhất là quy định xử phạt đỗ, đậu vi phạm hành lang an toàn đường sắt là rất nặng. Không chỉ phạt tiền mà còn phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm giao thông giữa đường bộ và đường sắt.

Qua theo dõi, đánh giá thì vi phạm xảy ra chủ yếu do những người lái xe ở các khu vực khác tới chưa quen địa hình khu vực nên mức độ xảy ra tai nạn lại cao hơn. Với những đoạn đường qua đường sắt, chỉ cần do dự, chủ quan một chút thôi sẽ xảy ra tai nạn.


Xin cảm ơn ông!

Quang Tùng – Phan Mạnh

Bình luận
vtcnews.vn