Chậm nhất cuối tuần sẽ đưa “cụ Rùa” lên cạn chữa bệnh

Thời sựThứ Hai, 07/03/2011 08:54:00 +07:00

(VTC News)-Giám đốc Sở KHCN Hà Nội khẳng định, hiện đã chuẩn bị xong lưới, thợ lặn để “cưỡng bức cụ Rùa" lên bờ, nhưng hy vọng nay mai “cụ” sẽ lên bờ tự nhiên.

(VTC News) – Giám đốc Sở KHCN Hà Nội khẳng định, đến nay đã chuẩn bị xong lưới, thợ lặn cho việc “cưỡng bức cụ Rùa" lên bờ, nhưng hy vọng “cụ” sẽ lên bờ theo cách tự nhiên trong nay mai.

Đã sẵn sàng “cưỡng bức” cụ Rùa lên cạn

Chiều nay (7/3), Giám đốc Sở KHCN Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, hai phương án đưa rùa Hồ Gươm (cụ Rùa) lên cạn gồm phương pháp tự nhiên (cụ Rùa tự bò lên qua 4 cửa quanh chân Tháp Rùa) và phương pháp bắt cưỡng bức bằng lưới (quây lưới đưa “cụ” vào bể điều trị tại chân Tháp Rùa).

Tuy nhiên, đến nay phương án cụ Rùa lên cạn tự nhiên vẫn chưa thấy dấu hiệu khả quan, các nhà chuyên môn đang hy vọng nay mai cụ Rùa lên bờ theo cách này, nếu không sẽ phải tiến hành "cưỡng bức" cụ lên cạn để chữa bệnh.

Thời gian ấn định đưa bằng được cụ Rùa lên cạn, theo ông Rao là từ nay đến cuối tuần này (12-13/3).

Cận cảnh dấu vết của "bệnh" loang trên lưng "cụ Rùa" (Ảnh: Hà Hồng) 
Cũng theo ông Rao, phương pháp "cưỡng bức" bằng lưới hiện đang được hoàn tất, trong đó các phương tiện như lưới đã chuẩn bị xong, đã mời 2 thợ lặn nhiều kinh nghiệm từ Hải Phòng lên Hà Nội hỗ trợ việc giúp Rùa vào bể điều trị tại chân Tháp Rùa.

Theo đó, lưới bắt được thiết kế đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Rùa và người trong quá trình đánh bắt và đưa lên (đảm bảo cho Rùa không bị mắc đầu, móng chân vào lưới, không để Rùa bị lật ngửa gây thêm tổn thương, đồng thời đảm bảo an toàn cho người trong quá trình đánh bắt và đưa lên).

Theo kế hoạch, bể điều trị và hệ thống bơm lọc nước được hạ thủy trước ngày 5/3/2011; Tiếp đó, khi hoàn thành việc chế tạo lưới bắt sẽ tiến hành việc tổ chức tập luyện và đánh bắt thử tại một hồ trung gian để làm quen và loại trừ những tình huống bất trắc có thể xảy ra;

Cùng với việc chuẩn bị sẵn sàng phương án cưỡng bức cụ Rùa lên cạn, ông Rao cũng cho biết, hiện đã thành lập Hội đồng chẩn trị chữa bệnh cho Rùa, gồm những người có nhiều kinh nghiệm, sẵn sàng bắt tay vào việc ngay khi đưa được rùa lên cạn, thậm chí đã liên hệ cả với những bác sỹ nước ngoài để sẵn sàng trao đổi trong quá trình chữa trị cho rùa Hoàn Kiếm.

Ông Rao nhấn mạnh, công việc đặt ra là trong khi chưa bắt được “cụ” thì các chuyên gia trong Hội đồng chẩn trị chữa bệnh cho cụ Rùa cần đưa ra phác đồ điều trị trước, để khi“cụ” lên thì tiến hành chẩn đoán nhanh và chữa trị nhanh, rồi lấy mẫu bệnh phẩm nghiên cứu chữa trị tiếp.

“Nếu cụ Rùa bị bệnh nặng thì sau khi quyết định loại thuốc sẽ sử dụng, sẽ tiến hành thử nghiệm thuốc trên loài tương đối gần với loài rùa Hồ Gươm mà dễ có trên thị trường, đó là ba ba, nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc khi dùng thuốc vì “cụ” cũng đã… tuổi cao sức yếu” – ông Rao nói.

“Nếu bắt được 2 cụ Rùa bị thương thì… chữa trị cả 2”

Trả lời thắc mắc của báo chí xung quanh việc có 1 hay 2 cụ Rùa trong hồ Hoàn Kiếm, ông Lê Xuân Rao cho biết, hiện nay chưa ai “sờ” được vào Rùa Hoàn Kiếm mà mọi thông tin chỉ là qua hình ảnh. Theo đó, phải đưa được Rùa Hoàn Kiếm lên bờ, phải xác định AND, phải có cơ sở khoa học chứ chỉ dựa trên hình ảnh bên ngoài thì chưa có cơ sở khoa học để khẳng định có 1 “cụ Rùa” hay 2 “cụ Rùa” trong Hồ Hoàn Kiếm.

“Việc khẩn cấp bây giờ là đưa được rùa lên bờ để chữa chạy” – ông Rao nói – “Nếu bắt được 2 “cụ” đều bị thương thì… chữa trị cả 2!!!”.

Về các bước tiến hành chữa trị cho Rùa Hoàn Kiếm, ông Rao cho biết, sau khi chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết sẽ đến bước đánh bắt rùa lên cạn; Tiếp đó, đưa rùa vào bể xử lý bệnh, đủ lượng nước sạch, phù hợp, tránh gây sốc do thay đổi điều kiện sống của rùa; Rồi lấy mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán tìm tác nhân gây bệnh, kết hợp phân loại hình thái, xác định giới tính, thu mẫu AND cho các hoạt động nghiên cứu sau này; Xử lý vết thương cho rùa và dùng bài thuốc an toàn đã được kiểm chứng sơ bộ;

Sau đó, phân tích tác nhân gây bệnh và xây dựng phác đồ điều trị; Quyết định chủng loại thuốc, tính toán liều lượng thuốc cần dùng và lên phác đồ chữa trị; Sau khi kết thúc dùng thuốc, đưa Rùa ra bể nuôi dưỡng một thời gian để tiếp tục theo dõi (các chuyên gia cho rằng có thể kéo dài 2 tháng đến 2 năm); Bước cuối cùng, trả Rùa về Hồ Hoàn Kiếm sau khi đã làm sạch môi trường.

Về xử lý môi trường hồ Hoàn Kiếm, theo ông Rao, trước mắt nạo vét xung quanh hồ bằng thủ công (tay) vì nhiều chướng ngại vật không dùng máy móc được. Việc hút bùn hiện đã sẵn sàng thực hiện tiếp tục theo công nghệ của Đức; cùng với đó là các phương pháp làm sạch nước hồ bằng thủy sinh, cấp thêm ôxy, bổ cập nước…

Về việc bắt rùa tai đỏ trong hồ Hoàn Kiếm, Giám đốc Sở KHCN Hà Nội cũng cho biết, sau khi thí nghiệm tại các hồ Văn Quán, Mỗ Lao, Ngọc Khánh, Chùa Bộc thì việc bắt rùa tai đỏ ở Hồ Gươm thực hiện chính thức từ 1/3/2011, trong số các loại bẫy đưa ra thí nghiệm thì bẫy nổi điều khiển từ xa của Sở KHCN hiện bắt được nhiều rùa tai đỏ nhất.

Kiều Minh


Bình luận
vtcnews.vn