Hơn 1.000 lao động VN bị cướp và sắp bị đói ở Libya

Thời sựThứ Ba, 01/03/2011 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Khoảng 1.000 lao động VN bị chủ sử dụng bỏ rơi và bị cướp bóc hành lý, thức ăn, có khả năng bị đói tại Tripoli và Thổ Nhĩ Kỳ.

(VTC News) - Tất cả các lao động Việt Nam ở Libya hiện đã nghỉ việc ở các công trình và nhà xưởng, khu mỏ và hiện đang phân tán tại nhiều khu vực khác nhau trên lãnh thổ Libya. Các ông chủ sử dụng lao động Việt Nam đã thoái thác trách nhiệm và ruồng bỏ người lao động, để mặc cho họ…”tự bơi”.

Theo lãnh đạo của một số Công ty, doanh nghiệp là các đơn vị mai mối, bắc cầu giữa người lao động Việt Nam với các đơn vị thuê mướn, sử dụng lao động ở Libya, trước tình hình bạo loạn đang diễn ra căng thẳng, hỗn loạn ở đất nước này, các ông chủ Libya sử dụng lao động Việt Nam đã tìm cách tháo thân, rũ bỏ trách nhiệm bằng nhiều cách khác nhau.

Lao động Việt Nam đang chờ để được di tản khỏi Libya. 

“Trong hợp đồng cam kết, thỏa thuận giữa hai bên trước khi thuê mướn, sử dụng lao động đều có điều khoản hai bên phải có trách nhiệm trong việc giải quyết những vướng mắc, sự cố bất ngờ đảm bảo quyền lợi cho người lao động nhưng phía bên Libya đã không hoàn thành nhiệm vụ này. Họ đã trốn chạy bỏ mặc người lao động chúng ta bơ vơ. Sau khi làm việc với người lao động xong xuôi mọi vấn đề, chúng tôi sẽ có ý kiến với lãnh đạo liên nghành về vấn đề này”, một lãnh đạo Công ty có lao động đang ở Libya nói.


Trao đổi với PV VTC News, Cục trưởng Cục quản lí lao động ngoài nước, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: Hiện nay việc di tản lao động Việt Nam ra khỏi Libya đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nhiều chủ lao động đã bỏ mặc thậm chí né tránh khi thấy lãnh đạo nước ta sốt sắng giải quyết những vướng mắc trong các thủ tục.

“Những ông chủ có trách nhiệm khác lại không nắm được việc giải quyết các thủ tục cần thiết nên rất khó khăn trong việc quá cảnh. Hiện phương tiện di tản cũng đang rất thiếu. Hơn 500 lao động Việt Nam ở Tuynidi vẫn đang bị mắc kẹt tại đây mà nguyên nhân chủ yếu là do chủ lao động người Libya rũ bỏ trách nhiệm”, ông Quỳnh cho biết thêm.


Ông Nguyễn Lương Trào, chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động (VAMAS) cho biết hiện có khoảng 1.000 lao động Việt Nam bị chủ sử dụng bỏ rơi và bị cướp bóc hành lý, thức ăn, có khả năng bị đói tại Tripoli và Thổ Nhĩ Kỳ do chủ sử dụng trốn tránh trách nhiệm.

Việc nhiều chủ lao động người Libya ruồng bỏ lao động Việt Nam và tìm cách né trách nhiệm đã khiến cho hàng nghìn lao động Việt Nam rơi vào tình cảnh khốn khó. Thức ăn, đồ uống đã dần cạn kiệt. Nhiều nhóm lao động Việt Nam tập trung ở Tripol, Banghazi, Sirt… đã phải chia ngọt sẻ bùi bằng những mẩu bánh mì, ly nước. Nguy cơ lao động Việt Nam bị đói, khát ở Libya là điều khó tránh khỏi. Đứng trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, bà Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Trong chuyến bay của đoàn công tác đón lao động Libya về nước lần này đã chuẩn bị và mang theo 8 tấn lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết sang Libya và các nước láng giềng lân cận như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp… để phân phát, cứu tế.

 "8 tấn lương thực, thực phẩm này chủ yếu là lương khô, bánh chưng, sữa và đồ hộp, đồ ăn nhanh không phải qua chế biến”, bà Ngân cho biết.


Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Ngoại Giao, Bộ Công an và các Doanh nghiệp, Công ty có lao động Việt Nam ở Libya một lần nữa được khẳng định: Bằng bất cứ giá nào cũng đưa lao động Việt Nam về nước an toàn trong thời gian sớm nhất.

Quang Tùng – Phan Mạnh

Bình luận
vtcnews.vn