Năm 2011: Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND cùng ngày

Chính trịThứ Năm, 16/12/2010 07:04:00 +07:00

Đó là một trong những nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND công bố hôm nay (16/12).

Hôm nay (16/12), Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Luật Tố tụng hành chính, Luật Thanh tra sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND. Các Luật này được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vừa qua.

Theo ông Nguyễn Văn Bính, Phó ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND trong cùng một ngày là cần thiết.

Vì vậy, để chuẩn bị cho quá trình chuẩn bị và tiến hành bầu cử chung thì một số quy định cụ thể của từng luật bầu cử cần phải được sửa đổi để có thể giải quyết các vướng mắc có thể xảy ra trên thực tế.

“Lần sửa đổi này chỉ tập trung vào một số vấn đề thực sự cần thiết liên quan đến công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày, bảo đảm sự thành công của cuộc bầu cử”, ông Nguyễn Văn Bính cho hay. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.

Về việc ban hành Luật Tố tụng hành chính lần này, ông Tưởng Duy Lượng, Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, một trong những nội dung lớn của Luật là quy định việc cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại tại cơ quan hành chính về quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính nhưng không đồng ý với cách giải quyết đó hoặc đã hết thời hiệu khiếu nại vẫn có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án.

Quy định như vậy nhằm dành cho người khởi kiện quyền tự do lựa chọn khiếu nại tại cơ quan hành chính hay khởi kiện vụ án tại Tòa án mà không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện.

“Quy định này là điểm mới căn bản về điều kiện, cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính ở nước ta theo tinh thần tạo điều kiện cho người dân tham gia tố tụng”, Phó chánh án Tưởng Duy Lượng nhấn mạnh.

Đặc biệt, nhằm khắc phục, hạn chế những sai lầm trong xét xử, Luật quy định những đổi mới căn bản của quy định pháp luật về tố tụng hành chính hiện nay. Đó là việc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tự xem xét lại quyết định của mình khi có căn cứ xác định có sai lầm trong bản án, quyết định hoặc phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án, đương sự không biết được khi ra quyết định đó thì được xem xét lại nếu thuộc trong các trường hợp: theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, theo kiến nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao và theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao. 

Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2011...

Theo Chinhphu.vn
Bình luận
vtcnews.vn