Triển khai phương án chống lũ cấp báo động

Thời sựThứ Ba, 30/11/2010 06:16:00 +07:00

(VTC News)- Dự báo lũ các sông từ Bình Định - Khánh Hòa tiếp tục lên. Các tỉnh nam Trung Bộ và Tây Nguyên triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động.

(VTC News) – Dự báo lũ các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa tiếp tục lên. Các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai và và Đắk Lắk triển khai chỉ đạo phương án chống lũ theo cấp báo động.

Từ ngày và đêm 28/11, ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to đến rất to. Đến 13 giờ ngày 29/11, lượng mưa phổ biến từ 70 – 150mm, riêng tỉnh Bình Định từ 100-180mm, một số nơi lớn hơn như: An Nhơn: 260mm, Thạnh Hòa: 298mm, Quy Nhơn: 344mm.

Mưa lũ tràn qua tỉnh lộ 640 của Bình Định chiều 29/11 khiến học sinh không thể tới trường học (Ảnh: báo Bình Định) 
Lũ trên các sông ở Quảng Ngãi đã đạt đỉnh và đang xuống chậm, các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa đang lên.

Trung tâm dự báo KTTVTW cho biết, dự báo lũ trên các sông ở Quảng Ngãi tiếp tục xuống; các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa tiếp tục lên.

Đêm 29/11 và sáng 30/11, lũ các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa có khả năng đạt đỉnh, theo đó, sông Kôn tại Thạnh Hòa lên mức 7,8m, dưới BĐ3: 0,2m; Sông Ba tại Củng Sơn lên mức 32,0m (BĐ2); tại Phú Lâm lên mức 2,5m, dưới BĐ2: 0,2m. Các sông ở Khánh Hòa lên mức BĐ1.

Trung tâm dự báo KTTVTW cảnh báo, đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng và đồng bằng các tỉnh từ Bình Định đến Phú Yên.

Để chủ động các biện pháp phòng, chống lũ, ngay trong ngày 29/11, Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW), Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) có công điện (số 42) đề nghị Ban chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai và và Đắk Lắk triển khai chỉ đạo phương án chống lũ theo cấp báo động.

Các tỉnh nêu trên tiến hành kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối và vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt là các khu vực hạ du các hồ chứa, khu vực đang có diễn biến sạt lở, sẵn sàng phương án sơ tán để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Cùng với đó, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa. Kiểm soát việc xả lũ của các hồ chứa theo quy trình, tránh việc xả lũ gây ngập lũ cho hạ du khi lưu lượng lũ về không lớn. Cung cấp số liệu về các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn về Văn phòng thường Ban Chỉ đạo PCLBTW.

Các địa phương cũng cần bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại những khu vực đường bị ngập, các bến đò, đường ngầm; hướng dẫn người, phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ.

Đồng thời, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, đề phòng mưa, lũ có thể diễn biến phức tạp hơn. Chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ, nắm vững thông tin và thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo PCLBTW và Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn