"Nghiên cứu đường sắt cao tốc là đúng"

Thời sựThứ Tư, 24/11/2010 12:18:00 +07:00

(VTC News)- Chiều 23/11, ĐBQH chất vấn Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng về các vấn đề "hố tử thần", tái khởi động dự án đường sắt cao tốc và trách nhiệm vụ Vinashin

(VTC News) - Từ vấn đề “vụn” như TP.HCM xuất hiện nhiều “hố tử thần”, to tát  như dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam đến trách nhiệm quản lý ngành đối với Vinashin là những vấn đề được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng (BT) Giao thông – Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng, chiều 23/11.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời chất vấn trước QH ngày 23/11 
Ông Hồ Nghĩa Dũng là vị BT cuối cùng đăng đàn trả lời chất vấn của ĐBQH tại kỳ họp thứ 8 (Khóa XII). Ngoài vị ĐB TP.HCM chất vấn về “hố tử thần” trên địa bàn là vấn đề mới tại nghị trường, các nội dung chất vấn khác không mới: trách nhiệm của Bộ GTVT quản lý nhà nước đối với Vinashin; tình trạng chậm tiến độ trong các dự án giao thông; chất lượng công trình giao thông;  tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn và tai nạn giao thông; dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TP.HCM,…

Tuy nhiên, không khí phiên chất vấn BT Hồ Nghĩa Dũng “nóng” hơn các phiên chất vấn 3 BT trước đó. Liên tiếp các câu hỏi thẳng thắn, trực diện của các vị ĐBQH “có vị trí” và kinh qua nhiều nhiệm kỳ QH như: ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai), ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh); ĐB Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam)…

Do đó, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các BT Bộ Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đăng đàn giải trình thêm để ĐBQH rõ hơn. Trong đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng dành 30 phút giải trình rõ những vấn đề liên quan Vinashin.

42 “hố tử thần” xuất hiện do thiếu “nhạc trưởng”

ĐB Phạm Phương Thảo (TP.HCM) cho hay, từ tháng 7/2010 đến nay, trên địa bàn xuất hiện 42 “hố tử thần” làm nhân lo lắng.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo sau khi nêu nguyên nhân và phân loại trách nhiệm thuộc các cơ quan quản lý của địa phương, đã chất vấn BT GTVT về những bất cập về chính sách dẫn đến quản lý chồng chéo, khó xử lý tận gốc vấn đề “hố tử thần”.

“Về việc phân công, phân cấp chưa hợp lý này, hướng xử lý nên chăng có mô hình để quản lý thống để chúng ta có một đầu mối, một nhạc trưởng xử lý vấn đề, nhất là ở những đô thị lớn, không để chồng chéo và cắt khúc như hiện nay?” – ĐB Thảo đặt vấn đề.

BT Hồ Nghĩa Dũng nhìn nhận vấn đề ĐB Phạm Phương Thảo nêu là “hoàn toàn chính xác và chúng tôi đang nghiên cứu và xem xét về vấn đề này”.

Chính sách quản lý vấn đề này liên quan 2 Bộ Xây dựng và Bộ GTVT và ông Hồ Nghĩa Dũng cho hay, việc quản lý chất lượng kết cấu hạ tầng đô thị được phân công cho ngành Xây dựng (kết cấu hạ tầng có nhiều trong đó có hạ tầng ngầm, có cả đường giao thông, có vỉa hè, đường cấp thoát nước, có cả chiếu sáng…), trong khi ngành GTVT “nắm” đầu tư xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng đường nội đô, đường đô thị.

Biết có sự chồng chéo nhưng theo BT Hồ Nghĩa Dũng, để xử lý được vấn đề thì Bộ GTVT đang cho để nghiên cứu và sẽ bàn cụ thể với Bộ Xây dựng rồi báo cáo Chính phủ và sau đó phân công thế nào cho rõ hơn.

Đường sắt cao tốc: Bộ GTVT có “tái khởi động”?

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): Tôi đã chất vấn về căn cứ pháp lý để Chính phủ tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Bộ trưởng nói trích từ nghị quyết của QH, tôi xin hỏi là trích từ nghị quyết nào?

ĐB Nguyễn Minh Thuyết  
“Nếu tôi nhớ không nhầm thì đây là một đoạn trích trong lời phát biểu bế mạc của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì lời bế mạc của Chủ tịch không phải là văn bản quy phạm pháp luật” – ĐB Nguyễn Minh Thuyết nói.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Trong thời điểm đất nước chúng ta còn nghèo như hiện nay, nhu cầu cần được ưu tiên hàng đầu là sớm cải thiện hệ thống đường sắt trong cả nước, đặc biệt là đường sắt Bắc – Nam cần ưu tiên làm đường đôi khổ 1m45. Vậy quan điểm của Chính phủ và Bộ GTVT có coi đây là ưu tiên hàng đầu hay không, nếu so sánh với đường sắt cao tốc thì phương án nào được ưu tiên trước hết, liệu bao giờ có đường tàu khổ 1m435?

Về căn cứ tái khởi động đường sắt cao tốc, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng: Vì QH chưa thông qua nên Chính phủ không chỉ đạo và Bộ GTVT cũng không triển khai dự án đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, không thực hiện dự án không có nghĩa là dừng mọi hoạt động nghiên cứu, quy hoạch. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện việc này và BT Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh việc nghiên cứu “theo luật là được phép làm”.

Ông Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ tiếp tục nghiên cứu dự án - nghiên cứu dưới dạng đề xuất dự án, dưới dạng tiền khả thi để làm rõ thêm những vấn đề báo cáo tiền khả thi trước đây chưa đáp ứng được các yêu cầu, trong đó có vấn đề mà ĐBQH nêu là sức chịu đựng của nền kinh tế, về công nghệ, môi trường, hiệu quả của dự án”.

Vẫn theo BT GTVT, nghiên cứu khả thi cũng không phải là toàn tuyến, mà chỉ một số dự án. Ví dụ: Dự án đường sắt trên cao Hà Nội-Nội Bài; Hà Nội-Nha Trang; Nha Trang-TP.HCM, TP.HCM-Cần Thơ...

Về vấn đề ưu tiên nâng cấp đường sắt Bắc – Nam hiện nay từ khổ 1m lên 1m435 như vấn đề ĐB Dương Trung Quốc nêu, ông Hồ Nghĩa Dũng khẳng định, nếu so sánh thì cách làm này là không khả thi. Bộ GTVT đã có nhiều nghiên cứu, trong đó, thấy rõ việc tận dụng hệ thống đường sắt có tuổi thọ 130 năm rồi nâng cấp (mở khổ đường) còn mệt hơn mở tuyến đường mới. “Ngay việc để làm đường sắt 1m435 ngay trên tuyến này phải ngưng vài ba năm thì giao thông bị tê liệt. Chuyện đó là không khả thi” – BT Hồ Nghĩa Dũng nói.

Tuy “chưa thỏa mãn” với giải trình của BT Hồ Nghĩa Dũng, nhưng ĐB Dương Trung Quốc cho biết ông “đồng ý Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu đường sắt cao tốc vì đây là vấn đề lâu dài và cần thiết”.

 “Tôi không phản đối đường sắt cao tốc. Tôi chỉ muốn tìm một lộ trình thích hợp nhất là thích hợp với thực tiễn của đất nước của chúng ta hiện nay”- ĐB Dương Trung Quốc nói.

ĐB Dương Trung Quốc bình luận: “Trong diễn đàn QH chúng ta luôn nói đến chuyện thiếu vốn, đến nợ nần, đến làm ăn chưa có hiệu quả, đến trình độ quản lý còn hạn chế. Vậy mà khi lựa chọn một phương án tối ưu cho việc xây dựng một hệ thống đường sắt của đất nước mà chúng ta lại ưu tiên đặt đường sắt cao tốc lên trên cả đường sắt khá phổ biến của thế giới là 1m435. Tôi thấy đó là một tư duy hơi ngược đời. Vì rõ ràng đường sắt cao tốc chỉ dành cho một số người có tiền, còn đường sắt kia mang lại tất cả nguồn lợi cho số đông người dân như người nghèo và những nhu cầu phát triển kinh tế khác”.

Cái khó của Vinashin có dồn sang Vinalines?

ĐB Nguyễn Minh Thuyết, ĐB Ngô Minh Hồng (TP.HCM) tiếp tục quan tâm số nợ thực của Vinashin, việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và trách nhiệm của BT Hồ Nghĩa Dũng.

ĐB Nguyễn Đình Xuân 

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đặt vấn đề mới hơn: TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa qua khủng hoảng kinh tế lại phải tiếp nhận nợ hàng ngàn tỷ, chủ yếu ở đây là nợ từ Vinashin, nhưng như thế có an toàn không? “Xin BT nói rõ giải pháp để Vinalines không đi vào con đường của Vinashin” – ông Nguyễn Đình Xuân chất vấn.

Về vấn đề ĐB Xuân nêu, BT Hồ Nghĩa Dũng cho biết “tuy không lạc quan quá mức nhưng tôi tin tưởng vấn đề của Vinashin sẽ ổn định dần dần. Đây là cơ sở để thực hiện việc tái cơ cấu Vinashin và giải quyết công ăn việc làm”.

Việc chuyển một phần tài sản (bao gồm nợ) sang Vinalines (cũng như Tập đoàn Dầu khí) trước hết xuất phát từ nhu cầu thực sự của Vinalines. “Vinashin đưa hai mấy tàu sang cho Vinalines chính là tăng thêm lực lượng cơ sở vật chất cho Vinalines. Vì nếu không có, Vinalines cũng phải đặt hàng đóng những con tàu mới”.

Dẫn chứng báo cáo lạc quan của lãnh đạo Vinalines sau khi tiếp nhận đội tàu từ Vinashin, BT Hồ Nghĩa Dũng thận trọng nói: “Tất nhiên chuyện doanh nghiệp, chuyện làm ăn, kinh doanh nhiều vấn đề còn có thể xảy ra, chúng ta không thể nào chủ quan”.

Tất cả tàu của Vinashin chuyển cho Vinalines, 23/26 tàu đã ra biển chở hàng và có doanh thu. Năm nay đội tàu có thể thu nhập được 1.400 tỷ đồng.

Lê Hùng

Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UH gửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.


Bình luận
vtcnews.vn