Miền Trung: 32 người chết và bị thương do mưa lũ

Thời sựThứ Tư, 17/11/2010 04:41:00 +07:00

(VTC news) - Thông tin từ TT PCLB Cục QL Đê điều và PCLB khu vực MT-TN và các tỉnh miền Trung, tính đến 17/11 toàn MT đã có 32 người chết, mất tích, bị thương.

(VTC news) -  Thông tin từ Trung Tâm PCLB Cục QL Đê điều và PCLB khu vực MT-TN và các Ban PCLB các tỉnh từ Quảng Trị-Bình Định, tính đến ngày 17/11, các tỉnh miền Trung đã có 32 người chết, mất tích và bị thương; hơn 44.500 hộ dân bị chìm trong lũ... 


Theo đó, trong  hai ngày 16 và 17/11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-230mm, riêng tại Thượng Nhật (Thừa Thiên Huế) lên đến 405mm, Trà My (Quảng Nam) 431mm, Trà Bồng (Quảng Ngãi) 606mm. Mặc dù ngày 17/11 lượng mưa có giảm, nhưng lượng mưa vẫn duy trì khiến nước lũ trên các sông thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi xuống chậm; hạ lưu hầu hết các sông từ Đà Nẵng đến Bình Định vẫn đang lên và ở mức rất cao.  

Lực lượng cảnh sát và chính quyền địa phương lập trạm chốt chặn hướng dẫn người dân tránh thiệt mạng do nước lũ 

Tính đến ngày 17/11, mưa lũ diễn ra từ ngày 15-17/11 tại các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Định đã làm chết 32 người chết, mất tích và bị thương. Trong đó, Quảng Trị 1 người chết; Thừa Thiên Huế 4 người chết, 1 người mất tích và 1 người bị thương; Quảng Ngãi có 3 người chết, 11 người bị thương; Quảng Nam 7 người chết, 1 người mất tích và 2 người bị thương; Bình Định có 1 người chết… Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã tiến hành sơ tán 4.768 hộ dân cùng 21.091 nhân khẩu tại các vùng trũng, vùng ngập nước và vùng có nguy cơ sạt lở núi, bờ sông đến nơi an toàn.

Mưa lớn, nước lũ lên nhanh khiến các tuyến giao thông quốc lộ và tỉnh lộ thuộc 5 tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Định chìm sâu trong nước 

Mưa lớn đã làm nước sông tại các tỉnh lên nhanh khiến 21 huyện của 5 tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định bị ngập trong nước, nặng nhất là hai tỉnh Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế. Theo đó đã có 44.510 nhà dân bị ngập, tăng 35.764 nhà so với ngày 15/11. 

Đường lên các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam bị ngập và cô lập do nước lũ 

Cụ thể, Quảng Trị có 1.000 hộ dân bị ngập từ 0,2-0,5m; Thừa Thiên Huế có 27.245 hộ dân thuộc 41 xã phường thuộc 6 huyện, thị và TP Huế dọc sông Bồ, sông Ô Lâu và sông Hương bị ngập nặng từ 0,3-0,8m; Tại Quảng Nam, có 1.200 nhà dân tập trung dọc tuyến sông Vu Gia, Thu Bồn và sông bàn Thạch bị ngập nước, trong đó nặng nề nhất là huyện Nông Sơn với hàng loạt nhà dân bị chìm sâu trong nước lũ từ 1-2m. Riêng huyện miền núi Trà My, giao thông bị chia cắt hoàn toàn do sạt lở nghiêm trọng và nước lũ, huyện Nông Sơn một số tuyến giao thông liên xã bị chia cắt, cô lập; Quảng Ngãi có 15.000 hộ dân thuộc 5 huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghãi Hành, Trà Bồng, Tây Trà bị ngập sâu trong nước; tỉnh Bình Định có 65 hộ dân thuộc huyện miền núi An Lão bị ngập sâu trong nước.

Trước đó, tại Quảng Nam, sáng ngày 16/11, cầu Gò Nổi (còn gọi là cầu Đen) trên tuyến đường ĐT 610B, phía thuộc địa phận xã Duy An (Duy Xuyên) đã bị tách nhịp tại trụ số 5 và số 6. Nguyên nhân bước đầu được xác định là do dòng chảy bị thay đổi cộng thêm mấy ngày qua mưa lớn, nước dâng cao chảy xiết gây xói lở, dẫn đến sụt lún tại hai trụ cầu số 5 và số 6.

Cùng ngày, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, ông Nguyễn Bá Nghĩa cho biết: Ngành phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai chốt chặn ở 2 đầu cầu, không cho phương tiện xe cơ giới đi qua cầu. Hiện nay còn 2 đường có thể lưu thông đến 3 xã Gò Nổi (Điện Bàn) là qua cầu đường sắt Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) và cầu đường sắt Kỳ Lam (xã Điện Thọ, Điện Bàn).

Hàng ngàn hộ dân ven sông Bàn Thạch (Quảng Nam) bị ngập sâu trong nước do hồ Phú Ninh xả lũ khẩn cấp. 

Do mưa lớn, nước lũ đổ về nhanh nên nhiều tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến liên huyện tại các tỉnh miền Trung bị sạt lở và ách tắt nghiêm trọng. Theo đó, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi bị thiệt hại nặng nề nhất. Cụ thể, tại Quảng Ngãi, nước lũ tại các sông lên nhanh và ở mức cao khiến tuyến QL1A đi qua thị trấn Châu Ổ, Bình Sơn bị ngập sâu 0,5m trong nước khiến giao thông bị cản trở; tỉnh lộ đi các huyện miền núi bị sạt lở và tắc nghẽn với khối lượng đất đá bị sạt lở và cuốn trôi lên đến 120.000m3; Tại Thừa Thiên Huế, 4 tuyến QL và 7 tuyến tỉnh lộ bị sạt lở nghiêm trọng và ách tắt cục bộ; Tại Quảng Nam, các tuyến tỉnh lộ đi các huyện miền núi như Nam Trà My, Nông Sơn bị ách tắt hoàn toàn do chìm sâu trong nước từ 2-3m;…Ước tính thiệt hại vật chất do mưa lũ tại các tỉnh lên đến 60,6 tỷ đồng.

Trước tình hình địa phương bị cô lập và thiệt hại do lũ, ông Lê Minh Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, lương thực, thực phẩm đã được dự trữ đảm bảo cho các huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hơn 1 tháng. Nếu tình hình diễn biến xấu và cần thiết, tỉnh sẽ mở cửa kho dự trữ để đảm bảo đời sống cho nhân dân. 

Bửu Lân-Thùy Dương

Bình luận
vtcnews.vn