Vinashin: Đại biểu muốn biết chi tiết

Thời sựThứ Sáu, 22/10/2010 08:03:00 +07:00

Phải thông tin chính xác thất thoát bao nhiêu, vì ai mà thất thoát và xử lý trách nhiệm thế nào. Đã phát hiện Vinashin nhiều sai phạm nhưng họ không sửa.

Phải thông tin chính xác thất thoát bao nhiêu, vì ai mà thất thoát và xử lý trách nhiệm thế nào. Đã phát hiện Vinashin nhiều sai phạm nhưng họ không sửa.

Bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 ngày 20-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận trách nhiệm của Chính phủ về vụ việc nghiêm trọng ở Vinashin. Ông nói: “Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ liên quan trong việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh các hoạt động của tập đoàn”.

Chính phủ cũng đã gửi tới các đại biểu Quốc hội (QH) một bản báo cáo dài 18 trang về Vinashin. Chi tiết hơn, báo cáo còn được đính kèm kết luận của Bộ Chính trị về tình hình của tập đoàn này.

Muốn biết vì ai mà thất thoát

Trao đổi bên hành lang QH, đại biểu Cao Sĩ Kiêm nhận xét: “Việc Thủ tướng nhận trách nhiệm của cả Chính phủ thì được rồi. Nhưng nhận chung chung vậy thì chưa thể giải quyết được yêu cầu cụ thể”. Theo ông, mong muốn của các đại biểu là biết chính xác thất thoát bao nhiêu, vì ai mà thất thoát và xử lý trách nhiệm thế nào.

“Báo cáo nói thể chế, cơ chế thực hiện quyền, trách nhiệm của bộ ngành, của Thủ tướng, của Chính phủ còn lúng túng và chưa đủ rõ. Nhưng cơ chế thì cũng do con người, vậy trách nhiệm để cơ chế sai, thiếu hiệu quả là ở đâu?” - ông Kiêm đặt câu hỏi.

Còn đại biểu-doanh nhân Phạm Thị Loan thì nhận xét bản báo cáo mang tính tổng hợp cao nhưng nội dung về cơ bản không có gì mới so với những gì báo chí đã đưa tin. Tuy nhiên, khi báo cáo nêu ra con số lỗ 1.600 tỉ đồng của năm 2009 thì cũng dẫn tới câu hỏi: Tại sao các cơ quan chức năng thực hiện 11 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát với Vinashin mà không phát hiện sớm, thậm chí để tập đoàn này báo cáo lãi 750 tỉ đồng?

Theo báo cáo của Chính phủ, Vinashin xuất phát điểm là một tổng công ty có vốn điều lệ gần 100 tỉ đồng và chỉ có khả năng đóng mới tàu dưới 3.000 tấn. Nhưng với mong muốn phát triển ngành đóng tàu lớn mạnh, thành ngành công nghiệp mũi nhọn, tháng 10-2005, Thủ tướng đã duyệt đề án điều chỉnh phát triển Vinashin đến năm 2010 (tầm nhìn 2015) với mục tiêu đóng được tàu hàng 80.000 tấn, tàu chở dầu thô 100.000-300.000 tấn… Chính phủ ra nghị quyết và Thủ tướng có quyết định phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế lấy tiền cho Vinashin vay lại. Đại biểu Phạm Thị Loan nhìn nhận: “Làm doanh nghiệp ai cũng hiểu rằng khó có thể vay được những khoản tiền khổng lồ như thế. Rõ ràng là Vinashin được nâng đỡ thì mới phá rào vay được nhiều tiền, tập trung được nhiều vốn nhanh và lớn vậy”.

Mỗi đại biểu cũng có phần trách nhiệm?

Cũng theo bà Loan, việc Chính phủ chưa kiểm toán toàn diện tình hình Vinashin mà đã vội chuyển một phần tài sản, nợ cho Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng Công ty Hàng hải (Vinalines) là khó hiểu. Như thế sẽ khó xác định trách nhiệm sau này của những cá nhân liên quan. Song trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Ủy ban Kinh tế của QH) lại cho rằng đây là giải pháp khẩn cấp. “Vinashin, PVN, Vinalines đều là con một nhà, cùng một ông bố nhà nước cả. Một đứa bệnh trọng, ông bố bảo hai thằng anh góp tiền cho em thay thận. Lúc nước sôi lửa bỏng thế, không thể bắt thằng ốm trình bày còn bao nhiêu tiền, bao nhiêu tài sản rồi mới cứu giúp. Và cũng không thể hỏi: bố ơi, con có 10 triệu đưa em, sau này nó không trả thì sao?” - ông Kiên phân tích bằng một ví dụ cụ thể.

ông Kiên còn cho rằng để Vinashin đến cơ sự này, mỗi đại biểu QH cũng có phần trách nhiệm của mình. “Báo cáo giám sát việc quản lý vốn của các tập đoàn năm 2009 đã đề nghị xây dựng một luật về quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhưng rồi QH có thông qua đâu” - ông Kiên nói.

 Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền:

Đã phát hiện Vinashin nhiều sai phạm nhưng họ không sửa

Với Vinashin thì đến nay đã có 13-14 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát rồi và cuộc nào cũng phát hiện nhiều sai phạm. Thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì phát hiện họ đầu tư ngoài ngành, đầu tư tràn lan và có kiến nghị nhiều nội dung. Thanh tra tài chính thì phát hiện sử dụng vốn không đúng mục đích, không hiệu quả và cũng có kiến nghị. Còn Thanh tra Chính phủ thì phát hiện thấy một số việc trái pháp luật và có thất thoát… Nhưng đáng tiếc là Vinashin chẳng những không nghiêm túc sửa sai mà còn tìm cách báo cáo không đúng sự thật, lấp liếm việc làm của mình. Về việc họ lỗ rồi mà vẫn báo cáo lãi, hạch toán lỗ thành lãi thì ở đây có vấn để kiểm toán quốc tế. Kiểm toán quốc tế đã làm nhưng chưa chỉ ra kịp thời.

Việc thứ hai, tôi cho rằng dù có cuộc thanh tra toàn diện kịp thời từ ban đầu và chỉ ra hết những sai phạm nhưng nếu họ không tự giác chấp hành và không khắc phục những việc này và cứ tiếp tục làm sai trái như vậy thì tất yếu dẫn đến hậu quả như bây giờ và khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, chuyện Vinashin cũng cho thấy khâu hậu thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có vấn đề. Các đoàn cứ kiến nghị, còn đối tượng chấp hành đến đâu chẳng rõ. Ngay cả kết luận của Thủ tướng mà họ không làm thì có ai phúc tra đâu. Mà không phúc tra thì kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán có được chấp hành không cũng không biết. Và có biết là chấp hành không nghiêm cũng chẳng có chế tài.


 
Theo Nghĩa Nhân/Pháp luật TPHCM

Bình luận
vtcnews.vn