Những việc cần làm ngay để ứng phó với siêu bão Megi

Thời sựThứ Hai, 18/10/2010 07:41:00 +07:00

(VTC News) - Việc triển khai ứng phó với siêu bão Megi trên biển và trên đất liền vừa được đưa ra - Đây là cơn bão được nhận định là mạnh và diễn biến phức tạp.

(VTC News) – Ban chỉ đạo PCLBTW vừa lên phương án ứng phó với bão Megi đối với phạm vi trên biển và trên đất liền, trong đó nhấn mạnh, không nên tập trung vào vị trí tâm bão mà phải quan tâm tới vùng ảnh hưởng của bão.

Trên biển: Tuyệt đối không để tàu thuyền ở vùng tâm bão – Đất liền: Phải quan tâm tới vùng ảnh hưởng của bão

Theo dự báo, cơn bão siêu mạnh Megi có khả năng ảnh hưởng đến nước ta nên trong ngày 17/10 trưởng ban chỉ đạo PCLBTW đã có công điện gửi các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà và các Bộ liên quan chỉ đạo tránh bão, đảm bảo an toàn tàu thuyền.

Hướng đi của siêu bão Megi 

Ban Chỉ đạo PCLBTW cho biết, hiện các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà đã chỉ đạo nắm thông tin tàu thuyền trên biển và thông báo diễn biến cơn bão, hướng dẫn tàu thuyền về nơi an toàn.

Trung tâm dự báo KTTVTW cho biết, 13 giờ chiều nay (18/10), vị trí tâm bão Megi ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 121,9 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Đông đảo Lu Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 16, cấp 17 (tức là từ 184 đến 220 km một giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 15km. Như vậy khoảng tối và đêm nay (18/10) bão Megi sẽ đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật cấp 17. Sóng biển cao từ 12- 14m. Biển động dữ dội.

Theo báo cáo của Bộ tham mưu Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng, đến 6 giờ sáng nay (18/10) các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bà Rịa – Vũng Tàu đã thông báo, kêu gọi hướng dẫn cho 43.910 tàu/231.064 người, cụ thể: hoạt động ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa 374 tàu/4.161 người; hoạt động ở khu vực khác và neo đậu tại bến là 43.536 tàu/218.903 người.

Về các công việc cần tiếp tục triển khai hiện nay để ứng phó với bão Megi, Ban Chỉ đạo PCLBTW yêu cầu, đối với phạm vi trên biển: xác định hướng di chuyển của bão, khu vực nguy hiểm trên biển Đông, thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để di chuyển đến nơi an toàn.

Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển, đặc biệt là khu vực Bắc và giữa Biển Đông, hướng dẫn neo đậu đảm bảo an toàn.

Yêu cầu các chủ tàu thuyền đánh bắt xa bờ phải cho tàu, thuyền di chuyển ngay vào bờ và neo đậu an toàn. Đối với các tàu, thuyền đánh bắt gần bờ, tùy theo diễn biến của bão, chính quyền địa phương quyết định việc cấm biển cho phù hợp. Tuyệt đối không để tàu, thuyền ở lại trong vùng tâm bão kể cả đã trú ẩn ở các đảo.

Còn trên đất liền, Ban Chỉ đạo PCLBTW nêu rõ, cơn bão này là một cơn bão mạnh, phạm vi ảnh hưởng rất rộng; với gió cấp 10 trở lên có bán kính 200 km; với gió cấp 6 trở lên có bán kính 400 km. Bão di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, chưa thể xác định được khu vực đổ bộ trực tiếp nên các địa phương đều phải hết sức cảnh giác. 

Theo đó, phải theo dõi sát diễn biến của bão, tùy theo phạm vi ảnh hưởng để triển khai ứng phó phù hợp; không nên tập trung vào vị trí tâm bão mà phải quan tâm tới vùng ảnh hưởng của bão.

Phải sơ tán triệt để dân ra khỏi những vùng cửa sông, ven biển

Ban chỉ đạo PCLBTW yêu cầu, các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão chuẩn bị ngay phương án sơ tán dân một cách chi tiết và cụ thể. Trong đó, có phân công trách nhiệm cụ thể cho các cán bộ phụ trách từng thôn, từng cụm dân cư;

Rà soát lại từng hộ dân, từng cơ sở sản xuất, cơ quan, trường học... chỉ những nhà mái bằng, kiên cố đảm bảo chịu được sức gió mạnh của cơn bão này mới được cho người ở lại hoặc cho người khác sơ tán đến;

Nhất thiết phải sơ tán triệt để dân ra khỏi những vùng cửa sông, ven biển, nơi có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi nước dâng do bão; những nhà không đảm bảo an toàn đặc biệt đối với các thành phố, thị xã, các khu du lịch ven biển.

Các địa phương cũng phải thực hiện sớm ngay từ bây giờ việc chặt tỉa cành cây; chuẩn bị chằng, chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở sản xuất, cơ sở y tế... Những nhà lợp tôn, mái ngói nhất thiết phải có gia cố mái để phòng tốc mái như chặn bao cát, nẹp mái, có liên kết giữa mái với xà gồ và tường. 

Tại các khu neo đậu tàu thuyền phải bố trí lực lượng hướng dẫn chi tiết việc neo đậu đúng kỹ thuật, tránh bị va đập làm vỡ tàu và chìm ở nơi neo đậu. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, khu vực nuôi trồng thuỷ hải sản ven biển.

Yêu cầu các địa phương chuẩn bị ngay các loại vật tư, máy móc dự phòng như máy phát điện, bộ đàm, xe chuyên dụng có thể đi lại được trong bão nhằm bảo đảm công tác chỉ đạo đối phó với bão được thông suốt.

Cùng với đó, tăng cường thời lượng phát sóng của các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả sử dụng loa cầm tay để đưa tin thường xuyên mọi diễn biến của bão đến tận người dân.

Ban chỉ đạo PCLBTW nhấn mạnh việc dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác để đối phó với mưa, lũ, bão gây ra. Đồng thời, tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, bão, công tác cứu hộ, cứu nạn ở địa phương, báo cáo kịp thời về Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLBTW và Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN.

Kiều Minh

Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UH gửi về số 1405 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã đóng góp 10.000 đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung.

Bình luận
vtcnews.vn