"Dị nhân" dự đoán thời tiết HN đúng hơn Trung tâm KTTV?

Thời sựThứ Năm, 30/09/2010 02:24:00 +07:00

Trong cuộc trao đổi chiều 29/9, ông Tuấn Anh đã đưa ra một số dẫn chứng chứng minh ông đã dự đoán đúng về thời tiết HN chính xác hơn bản tin của TTKTTVQG.

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi chiều hôm qua (29/9), ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã đưa ra một số dẫn chứng chứng minh ông đã dự đoán đúng về thời tiết Hà Nội trong những ngày qua chính xác hơn bản tin của TTKTTVQG.

Từ đó ông khẳng định, phần dự báo của ông trong những ngày tới cũng sẽ chính xác hơn của cơ quan này.

Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Giám đốc trung tâm nghiên cứu Lý học Đông Phương 

Thời điểm khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã cận kề, các công việc chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất. Nhưng đến nay vấn đề thời tiết của Hà Nội sẽ như thế nào trong các ngày Đại lễ vẫn là vấn đề không chỉ được nhiều người tò mò vì có những tuyên bố của ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh (GĐ Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông Phương) mà là mối quan tâm thật sự của các cơ quan có trách nhiệm. Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia (TTKTTVQG) đã tăng cường nhân lực, ra bản tin cập nhật riêng về dự báo thời tiết cho Thủ đô. Tuy nhiên, có một điều khá thú vị là trong phần dự đoán giữa TTKTTVQG và ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh có sự "lệch pha".

Tôi đã dự đoán đúng thì phải thừa nhận chứ?

Được biết ông đã có mặt ở Hà Nội từ mấy hôm nay, công việc của ông trong những ngày qua cụ thể là gì?

Tôi lang thang Hà Nội, chụp ảnh ghi nhận sự biến đổi của bầu trời, rồi đưa ảnh và thông tin của mình lên mạng, cho mọi người kiểm chứng. Lúc rảnh gặp bạn bè, chỉ đạo các "đệ tử" và đi matxa, uống chút bia. Cũng là để nạp thêm năng lượng, phục vụ công việc đang theo đuổi.

Sau rất nhiều luồng ý kiến nghi hoặc, thậm chí có người còn nhận định Nguyễn Vũ Tuấn Anh bị hoang tưởng, ông còn muốn thực hiện ý định đuổi mưa lúc trước nữa không?

Việc của mình thì mình làm thôi. Họ đứng ngoài nói thế nào chẳng được. Nhưng tôi và các "đệ tử” có niềm tin vào công việc đang làm. Những ngày qua, tôi đã đưa ra một số thông tin mang tính dự đoán về thời tiết của Hà Nội. Thường là tôi phát ngôn trước từ 3-6 ngày. Ví dụ trên website của Trung tâm Lý học Đông Phương (Mục Lạc Việt độn toán) ngày 22/9 tôi dự báo ngày 27/9 Hà Nội sẽ có mưa. Điều này trùng với thông tin của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn (TTKTTV).

Nhưng tối 26/9 ra đường Hà Nội thấy lung linh quá, tôi lại không mang máy ảnh, muốn chụp ảnh lưu niệm, ý chí mách bảo tôi liền sửa lại thông tin trên mạng là: Ngày 28/9 sẽ có mưa lớn vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối trên diện rộng nhưng không gây lụt lội, hoặc chỉ gây lụt cục bộ và nước rút nhanh. Trời Hà Nội có nắng. Đây chính là cơn mưa rửa đường trước ngày Đại lễ. Các "đệ tử" nói vui, lẽ ra Công ty môi trường đô thị phải thưởng cho sư phụ vì cơn mưa khiến đường phố Hà Nội sạch sẽ, phong quang hẳn lên. Và đúng như dự báo của tôi, sáng sớm ngày 28/9 Hà Nội có một trận mưa lớn, sau tạnh ngay, trời quang đãng, có nắng đẹp.

Đến bây giờ nhiều người vẫn thắc mắc ông thực hiện đuổi mưa như thế nào, ông có thể tiết lộ không?

Trước hết trong chuyện này hoàn toàn không có yếu tố tâm linh. Tôi không có nhiều tiền nên thứ mà tôi sử dụng để nghiên cứu chỉ là một tấm bản đồ Hà Nội giá không đến 10 ngàn đồng. Một chiếc bàn thờ nhỏ, ít hương thơm mang từ Sài Gòn ra, để mình thành tâm thôi. Tôi lấy Hồ Gươm làm tâm, mở rộng bán kính 75 km để nghiên cứu.

Lý học Đông phương là lĩnh vực ai cũng nghĩ mình tường tận nhưng thực chất nó rất cao siêu, khó hiểu, vượt qua cả những kiến thức khoa học thông thường. Nếu bắt tôi làm rõ các vấn đề này, ít nhất phải mất 3 năm. Ví như Bổ đề toán học của GS. Ngô Bảo Châu, nói thì đơn giản nhưng người bình thường mấy ai hiểu được. Trên thực tế, có những dạng vật chất đang tồn tại mà tri thức khoa học hiện đại chưa giải thích được. Trên thế giới các nhà khoa học đang bỏ hàng trăm tỉ USD tìm "Hạt của Chúa". Đây cũng là một dạng khoa học đang tìm kiếm có thể coi là sự bí ẩn của tương tác vật chất.

Nếu trong 7 ngày diễn ra Đại lễ (Từ 4-10/10) Hà Nội có mưa như thông tin của ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc TTKTTVQG đưa ra thì ông giải thích sao đây?

Tuyên bố đó là ý chí của tôi. Nếu trong 7 ngày đó Hà Nội có mưa, tức là dự báo của tôi có sai số. Nếu không muốn có sai số thì phải có sự tác động. Điều đó là đương nhiên. Theo dự báo của tôi, từ ngày 4-10/10 trời Hà Nội nắng đẹp. Tuy nhiên còn một khả năng cận biến hoá tức là những hôm đó có thể vẫn có mưa. Tôi sẽ thông tin trước khi mưa xảy ra 12 tiếng đồng hồ. Cho đến hôm nay, so sánh với những dự báo của TTKTTV, có thể khẳng định dự báo của tôi chính xác hơn. Ví dụ, ngày 29/9 theo thông tin từ TTKTTV thì thời tiết của Hà Nội là: Ban ngày trời nắng, không mưa, ban đêm trời nhiều mây, gần sáng có lúc có mưa rào. Ngày 28/9 tôi đã đưa ra dự báo cho ngày 29/9 khác, cụ thể như sau: Buổi sáng mưa nhỏ đến mưa vừa vài nơi, trưa trời nắng đẹp, khí hậu mát, buổi tối có mưa nhỏ rải rác. Bây giờ là 18h, trời Hà Nội đang mưa. Tôi đã đúng.

Chỉ dự đoán hay có tác động?

Dư luận cho rằng ông không thể làm thay đổi được trời đất. Tất cả chỉ là có một chút kiến thức về thiên văn, lý học nên dự đoán thôi. ông phản biện vấn đề này theo hướng nào?

Cứ cho là như vậy đi thì đó cũng là những dự báo chính xác của cá nhân tôi. Xin mọi người hãy làm một so sánh nhỏ những dự báo của tôi với TTKTTV về những gì xảy ra trong những ngày đã qua rồi đưa ra nhận định cũng chưa muộn. Tuy nhiên, tôi làm theo cảm hứng và cho đến giờ phút này tôi có thể "bảo kê" suốt 7 ngày luôn.

Ngày 1/10, tôi và một số đài khí tượng dự báo Hà Nội sáng có mưa rào. Suy tính thấy hôm đó là ngày khai mạc, nếu trời mưa thì rất dở nên trên trang 10 của Lạc Việt độn toán tôi đặt lại vấn đề, muốn tác động điều chỉnh thời tiết và sẽ thông báo trước 12h. Các bạn cùng chờ đợi và chiêm nghiệm.

Tác động kiểu gì mà thay đổi được thời tiết, thưa ông?

Thật khó để trả lời vấn đề này trong một sớm một chiều. Chỉ xin đưa ra hai ví dụ. Một ông bác sĩ hiện đại phương tây, muốn chữa bệnh phải có phác đồ điều trị cụ thể, khoa học. Có những bệnh phải dùng phẫu thuật. Ngược lại ông bác sĩ đông y chỉ cần nắm được các huyệt của người bệnh, ông ta dùng một chiếc kim, châm cứu là bệnh nhân sẽ khỏi, không cần mổ xẻ. Nghe chuyện, chắc chắn bác sĩ phương tây không tin, cho là hoang tưởng. Cũng như trong Tam Quốc, khi đang ở Bắc Kinh, ông Tả Từ nói với Tào Tháo là sẽ câu được cá chép sông Dương Tử. Tào Tháo không tin, đưa cần cho Tả Từ câu trong Dinh. Nơi đó cách rất xa sông Dương Tử. Khi câu được cá, Tào Tháo nói đó là cá ao ta, nhưng Tả Từ giơ con cá lên và nói: Cá chép sông Dương Tử có 4 vây, cá vùng khác chỉ có 2 vây, con cá này 4 vây, chính xác là cá sông Dương Tử, như ý chí, dự đoán của ông ta. Nói tóm lại trong chuyện này phải điểm được huyệt của vũ trụ, rồi tác động khiến nó thay đổi theo ý chí của mình. Để làm được việc này, phải có yếu tố cần và đủ mới tương tác được chứ không phải cứ thích là làm được ngay. 

Trước đây ông có dự đoán là trong dịp diễn ra Đại lễ sẽ có hiện tượng quang học. ông có thể cho biết thời điểm cụ thể để mọi người cùng chiêm nghiệm không?

Như tôi dự đoán từ trước, vào ngày 7/10, khả năng xảy ra hiệu ứng quang học kỳ ảo vào ban đêm. Hà Nội sẽ càng lung linh huyền ảo hơn. Tôi sẽ ở lại Thủ đô đến hết Đại lễ để thực hiện phận sự. Tôi và các "đệ tử" phải cố gắng làm thật tốt vì còn phải giữ uy tín cho những phát ngôn của mình. Tôi cùng "đệ tử" Dương ra hồ Ngọc Khánh chụp ảnh và làm một số việc. Một số "đệ tử" khác đang tập trung tại một số điểm như Chùa Một Cột, Hồ Hoàn Kiếm.

Xin cảm ơn ông! 

Dự báo của ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh

Ngày 30/9. Trời sáng đẹp, mát mẻ. Buổi sáng có mưa nhỏ rải rác vài nơi ngoài khu vực nội thành cũ và từ sân bay Nội Bài đến trung tâm Hà Nội. Bầu trời trong, mây đẹp. Có thể mặc áo khoác trong xe hơi hoặc phòng lạnh không bị khó chịu.

Ngày 1/10. Trời âm u. Nhiều mây. Khả năng có mưa vừa đến mưa to. Ngày này có hiệu ứng "Cận biến hóa". Chúng tôi sẽ xem xét khả năng tương tác trong ngày này. Sẽ thông báo cụ thể trước ít nhất 12 tiếng.

Ngày 2/10. Trời nắng đẹp, khí hậu rất mát mẻ, gần như se lạnh.

Ngày 3/10. Trời nhiều mây, nhưng có nắng, khí hậu rất mát mẻ, gần như se lạnh. (Hiệu ứng " Cận biến hóa").

Ngày 4/10. Trời nắng đẹp, khí hậu rất mát mẻ, gần như se lạnh.

Ngày 5/10. Trời nắng đẹp, khí hậu rất mát mẻ, gần như se lạnh.

Ngày 6/10. Trời nắng đẹp, khí hậu rất mát mẻ, gần như se lạnh.

Ngày 7/10. Trời nắng đẹp, khí hậu rất mát mẻ, gần như se lạnh. Khả năng xảy ra hiệu ứng quang học kỳ ảo trên bầu trời vào ban đêm.

Ngày 8/10. Trời nắng đẹp, khí hậu rất mát mẻ, gần như se lạnh.

Ngày 9/10. Trời nắng đẹp, khí hậu rất mát mẻ, gần như se lạnh. Khả năng xảy ra hiệu ứng quang học kỳ ảo trên bầu trời vào ban sáng, hoặc chiều.

Ngày 10/10. Trời nắng đẹp, khí hậu rất mát mẻ, gần như se lạnh. Khả năng xảy ra hiệu ứng quang học kỳ ảo trên bầu trời vào buổi trưa.

Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Quốc gia

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ 30/9 đến 4/10, Hà Nội có mưa rào và dông, song lượng mưa không đáng kể. Trong thời gian Đại lễ, toàn bộ cán bộ của trung tâm phải trực chiến như những ngày bão. Theo đó, nửa đầu dịp Đại lễ thời tiết tương đối mát mẻ, trung bình 23-30 độ C.

Ngày 1/10: Ngày khai mạc Đại lễ sẽ có mưa rào vào sáng sớm, lượng mưa dao động 10-25 mm, ngày nắng 32 độ C.

Từ ngày 2 đến 4/10: Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh, trời có mưa rào và dông, lượng mưa 10-25 mm, nhiệt độ 23-29 độ C.

Từ 5-8/10:  Dải hội tụ nhiệt đới có xu thế dịch chuyển dần lên phía Bắc, trên dải hội tụ nhiệt đới này có khả năng có những vùng áp thấp mạnh lên và phát triển thành áp thấp nhiệt đới.  Khi đó sẽ có hai khả năng xảy ra. Nếu những nhiễu động này ảnh hưởng từ Bắc Trung Bộ trở ra thì Hà Nội sẽ có mưa. Ngược lại, những nhiễu động nhiệt đới này mạnh lên và đi lên phía Bắc hoặc Đông Bắc thì Hà Nội thời tiết tốt (phổ biến không mưa). Nhận định thời tiết trong hai ngày cuối của dịp Đại lễ hiện chưa được đưa ra. 

"DỰ ĐOÁN TRƯỚC 10 NGÀY QUẢ LÀ KHÓ"

“Thiên sứ đuổi mưa”: Dự báo chính xác hơn?, Tin tức trong ngày, Đại lễ, 1000 năm Thăng Long Hà Nội, dự báo, thời tiết, ngăn mưa, Tuấn Anh, siêu nhân, dị nhân

Ông Phạm Văn Đức, Phó tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Đức, Phó tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc Gia (TTDBKTTVQG)  cho biết không theo dõi nên cũng không bình luận những dự đoán của của "thiên sứ đuổi mưa".

Trong cuộc phỏng vấn, chúng tôi đặt câu hỏi: ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh khẳng định những dự đoán của ông được đăng trên diễn đàn Lý học Đông phương về thời tiết Hà Nội khá chính xác và có lệch đôi chút so với dự báo của TTKTTVQG.  Lý giải cho vấn đề này ông Đức cho biết: “Tôi không theo dõi những dự đoán của ông Tuấn Anh, nên không đánh giá được mức độ chính xác của những thông tin này. Tôi chưa biết phương pháp dự đoán của ông Tuấn Anh nên không thể đưa ra các ý kiến bình luận".

Xung quanh vấn đề quan điểm của ông Tuấn Anh, những ngày diễn ra Đại lễ, Hà Nội sẽ không mưa, trái ngược hoàn toàn với dự báo của TTDBKTTVQG, ông Đức lý giải: "Chúng tôi chưa phát bản tin dự báo cho ngày 9, ngày 10 tháng 10/2010. Theo nhận định của chúng tôi, vào khoảng ngày 6-7 tháng 10 có khả năng hình thành dải hội tụ nhiệt đới ở phía Nam biển Đông. Trên dải hội tụ nhiệt đới có thể hình thành áp thấp nhiệt đới, nhưng hướng phát triển của áp thấp nhiệt đới như thế nào còn quá sớm để  khẳng định. Dự báo mưa trước 10 ngày quả thực rất khó khăn. Như chúng tôi trình chiếu một thí dụ dự báo của Mỹ trong buổi họp báo chiều ngày 28/9/2010, bản tin phát ngày 27/9/2010 của họ cho rằng khoảng từ ngày 5 đến ngày 10/10 ở Hà Nội đều có mưa, nhưng bản tin phát ngày 28/10/2010, trong những ngày đó lại hoàn toàn không mưa. Việc ông Tuấn Anh phát bản tin dự báo, như tôi đã phát biểu ở trên, chúng tôi không có bình luận gì".

Khi được hỏi về tỷ lệ phần trăm chính xác của những dự báo được đưa ra, ông Đức cũng cho biết: Việc dự báo thời tiết mà chủ yếu là dự báo mưa, dông cho một khu vực hẹp chúng tôi mới làm thử nghiệm, do yêu cầu phục vụ Đại lễ, chúng tôi huy động mọi khả năng để đưa ra bản tin dự báo tốt nhất có thể được. Nội dung dự báo này chưa đủ trải nghiệm thực tế để chúng tôi đưa ra mức chính xác trung bình. Trong đợt dự báo thử nghiệm từ 22/8/2010 - 02/9/2010, chúng tôi đánh giá mức chính xác của bản tin dự báo 24h đạt 85%.

Về trường hợp của "thiên sứ đuổi mưa", ông Đức khẳng định "sẽ khuyến khích nếu ông Tuấn Anh thực sự làm được chuyện đó".

Theo kế hoạch, trong dịp diễn ra Đại lễ mỗi ngày Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia sẽ phát 4 bản tin hạn ngắn, 2 bản tin hạn vừa. Khi có hiện tượng thời tiết bất thường như mưa lớn, dông lốc, trung tâm phát bản tin cực ngắn (thời điểm dự báo tính bằng đơn vị phút và giờ) để kịp thời cảnh báo cho các hoạt động của Đại lễ. Để tăng chất lượng dự báo, Trung tâm cũng đã đưa thêm 15 trạm đo mưa tự động vào hoạt động ở khu vực nội thành Hà Nội, trong đó có 2 trạm ở gần quảng trường Ba Đình và sân vận động Mỹ Đình. Những trạm này sẽ truyền số liệu trực tiếp về trung tâm để có thể giám sát tình hình mưa thực tế và đưa ra nhận định cụ thể.


Theo Đời sống & Pháp luật

                       Đại lễ 1000 năm, bạn muốn đăng trên VTC News: 

              - Những lời ngẫu hứng, tự sự, tâm sự... của chính bạn?

                - Những bức ảnh, đoạn video... chỉ mình bạn ghi được?
                                                        
                       - Tin tức, bài viết xoay quanh sự kiện Đại lễ?

                                                            
Hãy gửi đến email
[email protected] 
                                                                        hoặc
[email protected]

Tất cả thông tin bạn gửi sẽ được Ban Biên tập VTC News tiếp nhận, xử lý để đăng tải. Trân trọng!
Bình luận
vtcnews.vn