Cận cảnh đào đãi vàng bên dòng sông dữ

Thời sựThứ Bảy, 18/09/2010 08:26:00 +07:00

(VTC News)- Hay tin có người trúng đậm vàng, hàng trăm người dân tộc thiểu số tại xã Hồng Thủy, huyện miền núi A Lưới (TT. Huế) đổ xô đi đãi vàng bên dòng lũ.

(VTC News) - Hay tin có người trúng đậm mấy cây vàng, hàng trăm người dân tộc thiểu số tại xã Hồng Thủy, huyện miền núi A Lưới (TT. Huế) bất chấp nguy hiểm đổ xô đi đãi vàng trên sông dữ mỗi ngày... với hy vọng đổi đời từ "giấc mộng vàng".

Những ngày đầu tháng 9, nước trên sông Đkrông dâng cao do lũ từ thượng nguồn đổ xuống. Bất chấp ẩn họa cận kề, hàng trăm người dân tộc thiểu số tại xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh TT. Huế đổ xô đi “mót” vàng sa khoáng để kiếm kế sinh nhai.

Mới tờ mờ sáng, cả trăm người đã vác xẻng, mâm đãi vàng ra dọc sông Đkrông biến vùng rừng núi heo hút này trở thành một đại công trường bát nháo, hỗn loạn. Từ các con suối đến hai bên mép sông, hàng trăm “tín đồ” của vàng thi nhau đào xới tìm vận may trong dòng nước lũ cuộn đục ngầu.

Theo nhiều người dân, những ngày cuối tháng 8 vừa qua, huyện A Lưới thường xuyên xảy những trận mưa lớn. Nước từ đầu nguồn đổ về dữ dội cuốn theo nhiều đất đá, trong đó có lẫn những hạt vàng sa khoáng li ti. Đây cũng là thời điểm đãi vàng sa khoáng "vào mùa" nên tình trạng dân đổ xô khai thác trái phép rộ lên như nấm.

Để tận số nguồn lợi may rủi này, nhiều người dân đã chuẩn bị a-vin (một loại cuốc nhỏ của người Pa Kô), mâm đãi, ùa ra khe Tân Tưng thi nhau sàng, đãi.
Anh Hoàng Minh Châu, 23 tuổi tại thôn 6 kể: “Lúc đầu mình cũng ngại đi lắm vì nghĩ nơi đây không có vàng. Nhưng cách đây mấy hôm, anh Lê Văn Hưn’r tại thôn 4 đãi được 3 cây vàng mình mới thấy tiếc”.

Nghe tin “trúng đậm”, nhiều người bỏ cả nương rẫy đi tìm vàng, mặc dù thực hư câu chuyện trúng liền mấy cây vàng của anh Lê Văn Hưn’r chưa được kiểm chứng thực hư.

Tại khe Tân Tưng cách đó không xa cũng có hơn  gần 100 người đầu trần, chân đất đang lặn ngụp, đào xới... Hầu hết lực lượng tham gia tìm vàng tại đây là phụ nữ và trẻ em. Trong đó, có rất nhiều học sinh vì gia cảnh nghèo khó đã bỏ học theo “giấc mộng vàng” hoặc có em tranh thủ ngoài giờ học kiếm tiền mua sách vở.

Em Hồ Thị Hà, học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Hồng Thủy nói: “Mỗi ngày em kiếm được 10 nghìn đồng, em gửi cho mẹ để may áo mới đi học”. Chị Kăn Bi, mẹ em Hà cho biết: “Nhà đông con, mùa này mưa nhiều, nếu không đi đãi vàng thì không biết làm gì có tiền để các con nhập học”.

Tại vùng núi hẻo lánh này, đời sống người dân còn hết sức khó khăn, có một công việc cho thu nhập khoảng vài chục nghìn đồng là thuộc “hạng sang”. Bà Kăn San, 65 tuổi trú tại thôn 3 tâm sự: “Có ngày mẹ đổi được hơn 50 nghìn đồng nhưng có ngày không có đồng nào”.

“Mót” vàng sa khoáng cũng tùy vào vận may, nhiều người đi đãi thì cơ hội trúng vàng cũng nhân lên... nên có gia đình huy động tới 6 - 7 "công nhân" cơm đùm gạo bới "lật tung" sông suối... làm giàu.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, ông Hồ Bá Bình lắc đầu buồn bã cho biết: “Chính quyền địa phương cũng hết sức trăn trở về nạn đào đãi vàng trên sông Đkrông. Đã nhiều lần, tôi cùng anh em thức trắng tại các điểm “mót” vàng để vận động người dân trở về làm rẫy, nhưng vừa đi thì họ lại tiếp tục quay lại đào vàng”.

Phóng viên VTC News ghi lại một số hình ảnh tại "công trường" đào vàng:

 Đại công trường đãi vàng trên sông Đkrông

Một ngày ngụp lặn từ sáng sớm đến tối mịt nhưng phu vàng cũng chỉ kiếm được chưa đến 20 ngàn đồng 
 Nguy hiểm rình rập bên miệng núi lở
 Nổ lực tìm kiếm vàng...
...Mang theo hy vọng đổi đời dù rất mong manh, những phu vàng này có thể bị nước cuốn trôi bất cứ lúc nào

Trần Viết Long

Bình luận
vtcnews.vn