Chặn "cò mồi" lừa người lao động làm việc ở nước ngoài

Thời sựThứ Tư, 15/09/2010 12:30:00 +07:00

(VTC News) - Bộ trưởng LĐTB&XH thừa nhận, tình trạng LĐ bị các công ty, cá nhân lừa đảo là có thật, do người lao động thiếu thông tin, bị “cò mồi” lợi dụng.

(VTC News) – Bộ trưởng LĐTB&XH thừa nhận, tình trạng lao động bị các công ty, cá nhân lừa đảo là có thật, do công tác tuyên truyền, phổ biến chưa rõ ràng, người lao động thiếu thông tin nên bị “cò mồi” lợi dụng.

Buổi làm việc chiều 14/9 của Ủy ban TVQH, các đại biểu bàn về việc tiến hành giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Mỗi năm, trên 60.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, tính đến ngày 30/7/2010, có 167 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép và đang hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.

Cần có những chế tài mạnh hơn để chặn "cò mồi" lợi dụng, lừa đảo người lao động ra nước ngoài làm việc (Ảnh: VNN) 
Tuy nhiên, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đánh giá, trong tổng số 167 doanh nghiệp dịch vụ có khoảng 30% doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả cao.

Theo Báo cáo của Chính phủ (số 116/BC-CP) về việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hiện nước ta có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại  trên 40 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó những nước có số lượng lao động Việt Nam lớn như Malaysia khoảng 90.000 người, Hàn Quốc khoảng 45.000 người

Tính riêng từ năm 2001 đến nay mỗi năm nước ta đưa được khoảng trên 60.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Về mức thu nhập bình quân của một số thị trường lao động (ước tính theo VNĐ) thì Malaysia: từ 3-6 triệu/tháng; Lybia, UAE và Ả rập Xê út: 5,5-6,5 triệu đồng/tháng; Đài Loan từ 8-12 triệu/tháng; Hàn Quốc: 12-17 triệu/tháng; Nhật Bản: 15-20 triệu/tháng… Theo đó, người lao động gửi về cho gia đình khoảng 1,6-2 tỉ USD/năm, góp phần cải thiện đời sống của gia đình người lao động và cũng bổ sung nguồn vốn đầu tư cho xã hội rất lớn.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật vẫn chưa đến được mọi người dân, nhiều người dân chưa nắm được các quy định của pháp luật, dẫn đến việc bị kẻ xấu lừa đảo, thu tiền bất chính. Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước vẫn còn bất cập.

Không để người lao động bị “cò mòi” lợi dụng

Tại buổi họp, các đại biểu đều đồng tình với việc cần có chế tài nghiêm khắc chống tiêu cực, lừa đảo người lao động ra nước ngoài làm việc bởi đa số người lao động đều ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn.

Bộ trưởng LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận, tình trạng lao động bị các công ty, cá nhân lừa đảo là có thật. Nguyên nhân, do công tác tuyên truyền, phổ biến chưa rõ ràng, người lao động thiếu thông tin nên bị “cò mồi” lợi dụng.

Cùng với đó, những doanh nghiệp vi phạm thường không đủ điều kiện và chức năng đưa lao động đi xuất khẩu. Một số công ty có giấy phép nhưng thiếu trách nhiệm với người lao động dẫn đến tình trạng “đem con bỏ chợ”.

“Chúng tôi đã kiểm tra và yêu cầu những doanh nghiệp này phải chấn chỉnh, nghiêm túc thực hiện đúng pháp luật và đúng cam kết với người lao động”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

Bộ trưởng LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Bộ LĐTB&XH đã kiểm tra và yêu cầu những doanh nghiệp vi phạm phải chấn chỉnh, nghiêm túc thực hiện đúng pháp luật và đúng cam kết với người lao động.

Chính phủ cũng nêu rõ, thời gian tới cần quan tâm thực hiện các nhiệm vụ như bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật; chỉ đạo tuyên truyền phổ biến về pháp luật lao động; tăng cường quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động; nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để các doanh nghiệp và địa phương triển khai đề dạy nghề và tăng cường quản lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động ở nước ngoài.

Chính phủ đề xuất với Uỷ ban TVQH cho phép thí điểm thành lập một số trung tâm tạo nguồn lao động ở một số địa phương để cung cấp nguồn lao động cho các doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài. Từ đó rút kinh nghiệm trình Quốc hội xem xét sửa đổi điều khoản của Luật đưa người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.

Kết quả giám sát của Ủy ban TVQH cho thấy, trong số 41/51 tỉnh có báo cáo số liệu về tình hình người lao động tại địa phương đi làm việc ở nước ngoài trong giai đoạn 2007 đến hết tháng 6/2010 thì số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tính theo 3 khu vực thì 18/25 tỉnh thuộc khu vực phía Bắc chiếm khoảng 53,8% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài (88.419/164.297 người);

Còn số lượng lao động của 10/16 tỉnh thuộc khu vực miền trung chiếm khoảng 41% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài (67404/164.297 người); Số lượng lao động của 15/22 tỉnh thuộc khu vực miền Nam chiếm khoảng 4,6% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài (7.574/164.297 người).

So sánh tương quan cùng kỳ giữa các tỉnh thì Thanh Hóa là tỉnh có số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài cao nhất (30.278 người), Lai Châu là tỉnh có số lượng thấp nhất (72 người); số lao động đi làm việc ở nước ngoài tại Thanh Hóa cao gấp hơn 400 lần so với Lai Châu.

Kiều Minh 

Bình luận
vtcnews.vn