Quan chức rời cơ quan NN qua con mắt GS Đặng Hùng Võ

Thời sựThứ Hai, 13/09/2010 06:25:00 +07:00

(VTC News) - Việc rời khỏi vị trí làm CB nhà nước - theo ông Đặng Hùng Võ là do "môi trường làm việc thiếu ý nghĩa về giá trị lao động hoặc về giá trị đạo đức".

(VTC News) – Việc rời khỏi vị trí làm cán bộ nhà nước để tìm một nơi lao động khác hữu ích - theo ông Đặng Hùng Võ, “nguyên nhân chính là môi trường làm việc thiếu ý nghĩa về giá trị lao động hoặc về giá trị đạo đức”.

Đây là một trong những ý kiến mà nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS TSKH Đặng Hùng Võ vừa trao đổi với VTC News xung quanh vấn đề cán bộ “rời bỏ” cơ quan Nhà nước.

- Thưa ông, có một thực trạng là không ít cán bộ, thậm chí là những cán bộ cốt cán đang nắm những vị trí lãnh đạo trong cơ quan Nhà nước đang xin thôi việc khỏi các cơ quan Nhà nước, gần đây là trường hợp PTGĐ một Đài truyền hình xin nghỉ việc dành nhiều sự quan tâm trong dư luận – ông nghĩ gì về thực trạng này?

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS TSKH Đặng Hùng Võ (Ảnh: nguồn Internet) 
Trước hết, tôi cho rằng tự do lựa chọn nơi làm việc là một quyền của người lao động. Trong thời kỳ bao cấp, tự mỗi chúng ta đã hình thành một tư duy là giá trị con người được đo bằng cương vị trong cơ quan nhà nước, người làm trong cơ quan nhà nước được đánh giá cao hơn người làm bên ngoài, và chúng ta cứ loay hoay với cái ước lệ đó, không dám thoát ra khỏi cái thước đo giá trị tự đặt ra. Điều đó có nghĩa là hầu như không ai dám xin ra khỏi biên chế nhà nước để giữ cho được sự "cao quý" cho mình.

Đến nay, tư duy đã có thay đổi, mỗi người đều tự sắp xếp cho mình một nhận thức về thước đo giá trị của con người. Như tôi, tôi tự cho rằng thước đo giá trị phải là thành quả lao động hữu ích, bất kỳ lao động đó trong khu vực nào.

Vậy thì khi có ít nhiều người muốn rời khỏi vị trí làm cán bộ nhà nước để tìm một nơi lao động khác hữu ích hơn cũng là chuyện bình thường.       

- Theo ông thì nguyên nhân của việc cán bộ, nhất là những cán bộ cốt cán, hay những người tài rời bỏ cơ quan Nhà nước là gì?

Việc muốn rời khỏi vị trí là cán bộ nhà nước để tìm đến một công việc khác cũng có nhiều nguyên nhân. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tư duy về thước đo giá trị con người của mỗi người. Có ai đó nghĩ rằng giá trị con người được đo bằng số lượng tiền mình có thì họ sẽ quyết định rời khỏi khu vực nhà nước để lao vào kinh doanh (dễ xảy ra trong cơ chế kinh tế thị trường). Cũng có thể có ai đó cho rằng giá trị con người được đo bằng sự trong sạch của đạo đức nhưng họ lại phải làm việc trong một cơ quan có nhiều tham nhũng thì họ sẽ quyết định ra khỏi cơ quan đó để giữ lấy sự sạch sẽ cho mình.

Có thể như tôi, cho rằng giá trị con người được đo bằng hiệu quả của sức lao động nhưng lại ở trong một cơ quan với toàn công việc vô nghĩa thì tôi cũng xin đi tìm nơi làm việc khác cho có ý nghĩa hơn.

Phân tích về nguyên nhân thì có nhiều, cũng khó có thể xác định đâu là nguyên nhân chính. Nhưng nếu chỉ xét trong nhóm các cán bộ có cương vị cao, có tư cách thì có lẽ thu nhập thấp không phải là nguyên nhân chính. Theo tôi, nguyên nhân chính phải là môi trường làm việc thiếu ý nghĩa hoặc về giá trị lao động hoặc về giá trị đạo đức.

- Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng do thu nhập công không thu hút được người tài thực sự mà chỉ thu hút được những thành phần nhàng nhàng, thành phần tinh hoa không vào được cơ quan Nhà nước là bao – ông có nghĩ vậy không?

Nhận xét này không đúng với những người đã có cương vị trong các cơ quan nhà nước vì thu nhập cũng không có ý nghĩa nhiều với những người đã đi gần hết cuộc đời làm việc.

Nhưng nhận xét này lại hoàn toàn đúng cho lớp thanh niên mới bước vào đời khi lựa chọn công việc cho mình, họ có quyền cân nhắc về thu nhập vì họ phải lo cho cuộc sống riêng, họ không muốn lựa chọn nơi có thu nhập thấp cũng là có lý. Đấy là một tương lai đáng lo ngại cho công tác quy hoạch cán bộ hiện nay, số lượng người có năng lực ngày một ít đi nên chất lượng cũng khó bảo đảm tính đồng bộ.

- Một Giám đốc sở giao dịch thuộc Ngân hàng Nhà nước - người cũng từng xin nghỉ việc có nói: "Tiền quan trọng, không ai phủ nhận điều đó, nhưng nó không quyết định tất cả, đặc biệt với những tầng lớp người hướng tới một môi trường để cống hiến nhiều hơn chứ không phải muốn thu lợi được nhiều hơn" – ông thấy ý kiến này như thế nào?

Ý kiến này hoàn toàn đúng đối với những người đã có một quá trình nhất định cống hiến cho Nhà nước. Sự khát vọng của nhóm đối tượng này không phải là tiền mà là ý nghĩa của thành quả lao động. Ở độ tuổi nhất định, ai cũng nghĩ về quỹ thời gian còn lại rất hạn hẹp. Ước vọng muốn làm điều gì đó có ý nghĩa hơn hiện tại là một tư duy đúng đắn. 

Người có tài, có năng lực và có tâm đều rất muốn cống hiến cho đất nước. Cách cống hiến giản dị nhất là được làm việc trực tiếp trong các cơ quan của Nhà nước. Điều này có nghĩa là người có tài và có tâm luôn muốn dấn thân vào sự nghiệp phát triển đất nước. Chỉ có điều nguyện vọng đó có thực hiện được không lại không thuộc quyền quyết định của họ” – Nguyên Thứ trưởng BộTN&MT, GS TSKH Đặng Hùng Võ.

- Ông có từng biết những cán bộ có tài rời cơ quan Nhà nước ra làm việc ở ngoài không? Theo ông, liệu đây có thành hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện nay?

Tôi biết rất nhiều người đang làm việc trong những cơ quan nhà nước nhưng có tâm sự không vừa ý, cảm thấy muốn làm ở đâu đó cho có hiệu quả hơn. Có người đã quyết định ra đi hoặc bằng con đường chính thức hoặc không chính thức nhưng số đó không nhiều.

Hiện tại, hiện tượng này đã xuất hiện nhưng chưa phổ biến. Tôi cho rằng sẽ phổ biến trong tương lai gần khi thước đo đúng về giá trị của con người được định hình thống nhất trong nhận thức xã hội.

- Ông có thấy một nghịch lý là trong khi các cơ quan Nhà nước đang tinh giản biên chế thì những cán bộ chủ chốt, những người có tài lại tự rút khỏi biên chế - việc này nói lên điều gì, theo ông?

Điều này đã diễn ra từ ngay khi chúng ta thực hiện tinh giản biên chế đợt đầu tiên. Tôi nhớ, khi đó còn trong thời kỳ bao cấp, người tự xin giảm biên chế theo tỷ lệ bắt buộc, lúc đó thường là những công nhân kỹ thuật lành nghề, họ tự xin vì được chính thống thôi việc nhà nước, họ tìm ngay được chỗ làm bên ngoài với thu nhập rất cao - mọi đường đều trọn vẹn. Những người e ngại tinh giản biên chế thường là những người chỉ có thể sống được nhờ vào Nhà nước, ra ngoài không thể có việc làm - đó là những cây tầm gửi đẹp nhưng vô tích sự, thậm chí còn gây hại cho cơ quan.

Tình trạng này nói lên rằng từ ngày xưa cho tới nay chúng ta chưa dám đánh giá cán bộ bằng nội dung công việc, thường đánh giá bằng hình thức. Từ đấy tạo ra bất công trong trong đánh giá cũng như trong đãi ngộ và hệ quả là không động viên được sức lao động của tập thể.

- Nếu cân – đo – đong – đếm việc một người có tài làm việc ở cơ quan Nhà nước hoặc làm ở ngoài, cá nhân ông thấy bên nào “nặng” hơn trong bối cảnh hiện nay?

Người có tài, có năng lực và có tâm đều rất muốn cống hiến cho đất nước. Cách cống hiến giản dị nhất là được làm việc trực tiếp trong các cơ quan của Nhà nước. Điều này có nghĩa là người có tài và có tâm luôn muốn dấn thân vào sự nghiệp phát triển đất nước. Chỉ có điều nguyện vọng đó có thực hiện được không lại không thuộc quyền quyết định của họ. 

- Đã từng là lãnh đạo một Bộ lớn, theo ông để giữ chân cán bộ có tài trong cơ quan Nhà nước thì cần phải làm gì?

Để giữ chân những người tài cần phải bảo đảm trong cơ quan luôn có được công bằng, đánh giá cán bộ phải thực chất bằng kết quả công việc, không bao che cho tham nhũng để tạo ra đãi ngộ vô lý. Nếu hiểu được người tài thì càng tốt hơn, động viên được cống hiến nhiều hơn.

- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi cùng VTC News!

Trần Vũ (thực hiện)
Còn bạn, bạn nghĩ sao về môi trường làm việc ở cơ quan nhà nước và cơ quan ngoài nhà nước? Hãy gõ ý kiến của mình vào ô thảo luận dưới cuối bài (Gõ tiếng Việt có dấu để được đăng tải). Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn