"Không nên cấm game, xã hội hãy vào cuộc vì thế hệ trẻ"

Thời sựThứ Tư, 11/08/2010 05:44:00 +07:00

(VTC News) - "Tôi nghĩ cả xã hội nên vào cuộc vì thế hệ trẻ, không nên cấm game mà hoàn thiện nó" - ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào tại bàn tròn trực tuyến của VTC News.

(VTC News) - "Tôi nghĩ cả xã hội nên vào cuộc vì thế hệ trẻ, không nên cấm game mà hoàn thiện nó", PGS.TS Nguyễn Ngọc Đào, ĐBQH hai khóa liên tiếp XI, XII chia sẻ như vậy tại bàn tròn trực tuyến của VTC News tổ chức sáng nay (11/8).

Thông qua buổi bàn tròn giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chuyên gia và người chơi hiến kế quản lý game”, VTC News mong muốn đưa đến cho độc giả có một cái nhìn khách quan về trò chơi trực tuyến, góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm tài liệu tham khảo để hoàn thiện các văn bản quản lý của mình; sao cho game online phát huy tối đa mặt tích cực và hạn chế triệt để mặt tiêu cực phát sinh trong quá trình phát triển của nó.

Buổi giao lưu được tổ chức đồng thời tại hai địa điểm: Trụ sở Báo điện tử VTC News tại Hà Nội - tầng 6 tòa nhà VTC Online, số 14 Tam Trinh, quận Hai Bà Trưng; và Văn phòng Báo điện tử VTC News tại TP.HCM - số 201 Hoàng Văn Thụ, Phường 9 quận Phú Nhuận.


Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến "Chuyên gia và người chơi hiến kế quản lý game online" được Báo điện tử VTC News tổ chức (Ảnh: Hà Thành). 


Khách mời giao lưu gồm:

- PGS.TS Nguyễn Ngọc Đào, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội khóa XI và XII, ông hiện là Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội. Có một điều thú vị mà không phải ai cũng biết là TS Nguyễn Ngọc Đào chính là một trong 2 người tự ứng cử và trở thành ĐBQH khóa XI. Trong kỳ họp QH vừa qua, ông đã có góc nhìn được đánh giá là khách quan khi đồng tình với đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050; bởi theo ông đó là tư duy giãn đô chứ không phải “dời đô” như nhiều tờ báo nói. Còn kỷ niệm với VTC News thì cũng nhiều, nhưng gần nhất là trong đợt nắng nóng như đổ lửa vừa qua, ông đã lên tiếng bày tỏ nỗi bức xúc cùng với người dân về tình trạng cắt điện không bảo đảm nguyên tắc luân phiên ở nhiều nơi.

- PGS.TS Văn Thị Kim Cúc, Giám đốc Trung tâm Tâm lý Giáo dục Ngàn Phố. Bà đã giúp cho rất nhiều người giải tỏa được những bế tắc về tâm lý trong cuộc sống, thông qua các bài tư vấn trên VTC News.

- Ông Nguyễn Hoài Nam, từng được bình chọn là một trong 27 chuyên gia xuất sắc nhất thế giới năm 2002 về lĩnh vực viết phầm mềm nhiều loại game, hiện là Giám đốc Kỹ thuật Công ty Glass Egg, TP.HCM.

- Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh, một chuyên gia giáo dục học, hiện công tác tại Trường Trung học phổ thông quốc tế Việt Úc, TP.HCM.

- Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường, người giành được rất nhiều giải thưởng của Bài hát Việt từ năm 2007 trở lại đây; và là 1 trong 4 nhạc sĩ được đề cử Nhạc sĩ của năm Giải Cống hiến 2008. Nhạc sĩ cho biết anh là một tín đồ của trò chơi điện tử Play Station. 

- Nghệ sĩ Thành Trung vốn đã rất quen mặt với chúng ta vì anh chính là người thủ vai Táo Quy hoạch dịp Tết vừa qua. Anh đã làm MC rất nhiều chương trình trên truyền hình hấp dẫn, trong đó từng nhiều cuộc hội ngộ của các game thủ như ra mắt game Khủng Long, Võ lâm truyền kỳ.

- Bạn Nguyễn Ngọc Trung, người đoạt HCV Olympic Toán quốc tế năm 2010. Có thể nói Trung là tấm gương điển hình của sự nỗ lực vượt khó. Tuy lớn lên trong gia đình nghèo ở xã Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ nhưng em đã là người mang lại tấm HCV duy nhất cho Đoàn Việt Nam tại Cuộc thi Olympic toán quốc tế lần 51 tổ chức ở Kazakhstan. Nhận lời mời của VTC News, Trung sẽ bắt một chuyến đi dài từ Phú Thọ xuống Hà Nội sáng sớm nay.

- Bạn Lê Việt Khánh, Thủ khoa ĐH Giao thông vận tải năm 2010 với tổng điểm 28. Khánh cũng là thí sinh đạt điểm thủ khoa đầu tiên được công bố ở Hà Nội.

Nội dung bàn tròn giao lưu trực tuyến

- Thưa ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào, ông đánh giá như thế nào về những loạt bài viết nêu tác hại của game online trên báo chí trong thời gian qua, và về những ý kiến ủng hộ trò chơi trực tuyến (thường là trên các diễn đàn của game thủ)?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào: Thứ nhất, cách nhìn nhận của chúng ta về dư luận hiện nay, nếu đồng tình với dư luận là xấu thì khó nói chuyện, nhưng nếu thiên về game là tốt nhất thì không biết tiếp cận thế nào. Vì vậy, tôi nghĩ là nên có sự giao lưu nhiều hơn để có cách nhìn nhận thống nhất.

Game là trò chơi, xưa chơi đánh đáo, chọi gà… là trò chơi dân gian. Nay game là trò chơi hiện đại, là sản phẩm của trí tuệ, công nghệ, sớm hay muộn không thể không bàn đến nó.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào: Nên có sự giao lưu nhiều hơn để có cách nhìn nhận thống nhất (Ảnh: Hà Thành).


Thứ hai, tôi coi game là trò chơi cho giới trẻ là phần lớn. Vừa rồi các nghị sĩ có nói thiên về game là tiêu cực, bạo lực xã hội, tôi muốn đặt câu hỏi với các vị ấy là có bao nhiêu người chơi game và trong số đó có bao nhiêu người phạm tội? Có số liệu thống kê cụ thể thì lúc đấy mới khẳng định là game có bạo lực hay không, chưa có thống kê chưa nói được.

Bây giờ thanh niên đánh nhau giữa đường - trẻ con nhìn vào, người lớn đánh nhau trẻ - con nhìn vào… tất cả cái đó tác động vào trẻ chứ không chỉ game.

Tôi cũng không đồng ý với quan điểm game gây bạo lực và gây bức xúc - sự bức xúc cho thấy bạo lực giới trẻ hiện nay tăng và game bỗng dưng bị đổ lỗi cho cái đó.

Con người là sản phẩm xã hội, mọi các đều tác động vào, hiện nay chúng ta bị tác động bởi hội nhập quốc tế - ta cũng không thể không tính đến. Game là một tác động nhỏ tác động đến con người như các tác động khác.

Ta có giai đoạn còn non trẻ chập chững khi ta bước vào giai đoạn hội nhập công nghệ, ngay cả các nhà quản lý tiếp cận cũng không phải là lâu. Game là mới. Luật của chúng ta cũng chưa đồng bộ, chưa chín về hiểu biết, dẫn đến chính sách chưa đồng bộ, dẫn đến cách nhìn nhận trong xã hội chưa thống nhất.

Tôi thấy có gia đình không quản lý được con thì đổ lỗi cho game, tôi có biết nhà có con thay vì đến trường thì gõ cửa nhà chơi game (đại lý game - internet - P.V), như vậy là từ phía nhà quản lý đến các hộ kinh doanh cũng chưa nhận thức được đầy đủ.

Cần thiết phải có một cách nhìn thống nhất từ Nhà nước, người quản lý, nhà hoạt động kinh doanh. VTC cũng cần có quan điểm rõ của mình trước công luận, phải trả lời trước XH bằng tri thức công nghệ, thực tiễn kinh doanh.

Tôi cũng muốn lắng nghe ý kiến của các bạn trẻ.

Xưa đến nay cái gì không quản lý được thì cấm. Trước đây có cấm mặc áo 2 dây. Tôi nghe chuyện, có anh cảnh sát thấy cô gái mặc áo dây thì "tuýt lại". Cô ấy đề nghị anh cảnh sát đếm xem cô ta mặc áo mấy dây. Anh cảnh sát đếm được thấy 4 dây... ấu trĩ quá... Thì rồi cái lệnh cấm ấy được tháo bỏ, bởi nó gây phản cảm từ người dân. Người dâm cảm thấy mất quyền con người.

Hiện nay nếu chúng ta mà cấm game thì giới trẻ cũng cảm thấy quyền bị hạn chế. Phải có những biện pháp để XH cùng phát triển mà vẫn quản lý được...

- Xin mời ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường, theo ông game có tác dụng tốt hay xấu với người chơi? Và với riêng ông, liệu game có liên quan đến… một giải thưởng nào đó mà ông từng đoạt được không?

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường: Tôi không quá rành về game, chơi game để giải trí là chính. Về tác dụng tốt hay xấu của game, theo tôi hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức của người chơi. Nếu chúng ta quan niệm chơi game theo hướng tích cực, game sẽ là một trong những biện pháp giúp người chơi xả stress rất tốt. Như riêng tôi, đang là “tín đồ” của Đột kích, Playstation… tôi thấy những game này rất hay và rất vui. Nó giúp tôi tăng độ nhanh nhạy, tính quan sát trong suy nghĩ.

 Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường (Ảnh: Hà Thành)


Mặt khác, nếu quan niệm theo hướng tiêu cực, tức người chơi dành quá nhiều thời gian cho game và đặt nặng yếu tố ăn thua, được mất trong quá trình chơi, hẳn nhiên, game không chỉ ảnh hưởng đến thời gian, tiền bạc và sức khỏe của họ. Với đặc thù công việc, tôi hay làm việc khuya và chơi game giúp tôi đỡ áp lực, căng thẳng. Có thể nói, một phần nào đó chơi game mang lại cho tôi tinh thần sảng khoái, hưng phấn trong sáng tác những bài hát của mình...

- Xin mời ý kiến của PGS.TS Văn Thị Kim Cúc?

PGS.TS Văn Thị Kim Cúc: Game online là một công cụ giải trí, là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người được xây dựng nhờ vào khoa học công nghệ, đặc biệt là nhờ vào sự phát triển của công nghệ thông tin. Nếu sử dụng đúng mục đích giải trí, đúng lứa tuổi, đúng thời điểm, thì game online không những có tác dụng giải trí mà còn là phương tiện hữu hiệu để người chơi phát triển phản xạ, hiểu biết, sự khéo léo, khả năng đương đầu… Ngược lại, nếu lạm dụng nó sẽ là một trong những yếu tố có thể gây ra nhiều tác hại đối với sự phát triển nói chung của con người, đặc biệt đối với lớp trẻ chưa thành niên.

- Trên diễn đàn của một tờ báo uy tín, một độc giả tên Phan Bảo Lâm đã đúc kết thế này: “Không có ai chơi game online mà thành đạt cả. Chỉ có người đã thành đạt chơi game chứ không có người chơi game để thành đạt”. Nghệ sĩ Thành Trung, anh đang là người thành đạt chơi game hay người chơi game rồi mới thành đạt?

Nghệ sĩ Thành Trung: Tôi nghĩ cũng cần nói rõ thành đạt này trên yếu tố gì. Tiền bạc hay danh tiếng?

Chúng ta từng tổ chức Asian Indoor game ở Việt Nam. Trong các môn thể thao trong nhà có E-sport. Đã có những VĐV giành được huy chương vàng về môn này, làm rạng danh cho nền thể thao (điện tử) Việt Nam. Những vận động viên đó chắc hẳn phải là những người có một quá trình chơi game mới có được thành quả như vậy.

 Nghệ sĩ Thành Trung (Ảnh: Hà Thành)


Tôi có một người bạn khi học đại học năm thứ nhất vẫn đi bằng xe buýt nhưng chỉ trong 1 năm chơi game, bán những vật dụng ảo của game, người bạn đó đã mua được một chiếc xe máy cũng như tự lo cho mình chi phí cho việc học. Trong mắt tôi, đây là một trong số những người thành đạt vì đã chơi game.

Nhưng chúng ta luôn phải thấy rằng, có hai mặt của một vấn đề. Chúng ta không thể phủ nhận tác động tâm lý lên người chơi game quá nhiều.

Tôi biết game từ lâu, tôi thấy nó là một hình thức giải trí. Giờ đây, tôi không có nhiều thời gian chơi game nhưng vẫn tham gia nhiều hoạt động liên quan đến game như dẫn chương trình cho các game thủ. Bản thân tôi hay rất nhiều người được cho là thành đạt, trong điện thoại luôn có nhiều game để giải trí trong những lúc rảnh rỗi.
 
Theo tôi, game nên phân theo lứa tuổi vì ở một lứa tuổi nhất định khi nhân cách và sự nhận thức đang hình thành thì các bạn thanh thiếu niên đang tránh chơi game bạo lực chém giết. Khi đã hoàn thiện sự nhận thức cũng như nhân cách ở lứa tuổi nhất định thì dù chơi game bạo lực thì các bạn thanh thiếu niên sẽ hiểu đó chỉ là game và giải trí mà thôi.

Vì vậy cũng giống như điện ảnh, các nhà phát hành game và các đại lý và người chơi chọn game đúng lứa tuổi của mình...

- Với bạn Ngọc Trung thì chắc chắn là bạn chơi game trước khi đoạt HCV Olympic Toán quốc tế rồi phải không? Vậy trong quá trình học và chơi game thì bạn thấy game có ích hay có hại gì tới tư duy toán học của bạn không?

HCV Olympic toán Nguyễn Ngọc Trung: Theo em, chơi game là một trò chơi giải trí lúc mệt mỏi và có ích với tư duy khi chơi những game chiến thuật. Những trò game em chơi và theo quan điểm của em là hầu như ít khi gây hại đến tư duy.

Nguyễn Ngọc Trung - HCV Olympic Toán quốc tế (Ảnh: Hà Thành) 


Trong suy nghĩ của em, chỉ khi ham mê quá độ, nghiện game quá độ thì có ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước đây, em hay chơi Đế chế (Age of King), hiện tại em chơi game Dota... Đối với em đây là một hình thức giải trí hữu hiệu mỗi khi mệt mỏi, căng thẳng vì học hành, bài vở.

- Còn Bùi Lê Khánh, game gắn bó với câu chuyện đỗ thủ khoa ĐH GTVT của bạn như thế nào?

Thủ khoa Bùi Lê Khánh: Thực ra, game là 1 trò giải trí, những lúc học tập căng thẳng có thể chơi game để giải tỏa đầu óc. Từ nhỏ, được các bạn rủ chơi, em bắt đầu tiếp xúc với game. Theo em, game cũng có tính 2 mặt: 1 số giúp khả năng tìm tòi, khám phá: Mario, Rockman... Với các game online hiện tại, mặt hạn chế là nếu phục vụ mục đích “cày game”, lên level, người chơi cũng mất khá nhiều thời gian và tiền bạc.

Tuy nhiên, xấu hay không tùy người chơi, có người tìm thấy nguồn vui trong đó, trong khi có một số người nghiện game, hao tổn thời gian và sức khỏe.

Thủ khoa Đại học GTVT Bùi Lê Khánh (Ảnh: Hà Thành)


- Một độc giả ký tên Thiên Quốc cũng tại một diễn đàn báo chí có uy tín đưa ra so sánh khá bất ngờ: Tôi nhớ khi vụ án giết người tình một cách dã man của Nguyễn Đức Nghĩa gây xôn xao dư luận có tình tiết là: hung thủ xem phim trinh thám nên hành động theo để xóa dấu vết. Vậy tại sao lúc đó người ta không kết án phim ảnh khiến anh ta  suy đồi mà lại bảo anh ta máu lạnh? Game online cũng vậy, đừng vì những kẻ muốn trốn tránh tội lỗi ngụy biện mà mà kết án 1 hình thức giải trí 1 cách bất công như vậy.

Thưa PGS.TS Văn Thị Kim Cúc, ở góc độ chuyên gia tâm lý và những kinh nghiệm trong quá trình tư vấn tâm lý của mình, bà nhận định ra sao về việc người nào đó bị một yếu tố bên ngoài tác động vào hành vi của con người nói chung, và tác động của game nói riêng?

PGS.TS Văn Thị Kim Cúc: Như tôi đã nói ở trên, game cũng như sách truyện, phim ảnh đều có tác động đến tâm lý con người. Chúng chính là những yếu tố của môi trường bên ngoài và môi trường là một yếu tố rất quan trọng quyết định tâm lý con người.

Chúng ta lớn lên, trong ai chẳng đọng lại những lời mẹ ru, những áng thơ, những bài văn hay… bộ phim hay, câu chuyện cảm động… và chắc cũng rất nhiều người không quên những sự kiện làm xót xa mình của thuở ấu thơ.  Nếu các yếu tố trên hợp lý, đến với mỗi người đúng cách, hợp lứa tuổi, hợp thời lượng… sẽ là các yếu tố không thể thiếu được đối với sự phát triển nhân cách của mỗi con người, ngược lại, nhất định sẽ có những tác động tiêu cực.

- Xin hỏi ông Nguyễn Hoài Nam. Được biết ông viết rất nhiều phần mềm liên quan đến game được thế giới biết đến, và có lẽ ông cũng rất am hiểu hiệu ứng của game online là như thế nào. Có người muốn so sánh cùng 1 hình ảnh bạo lực, một bên tiếp xúc bằng chơi game, một bên tiếp xúc bằng xem (như xem tivi chẳng hạn), thì bên nào hại hơn. Quan điểm của ông về ý kiến này và về vấn đê bạo lực trong game online là như thế nào?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Vấn đề bạo lực trong game rất khó phân biệt rạch ròi bởi cùng là một hành động, cùng dùng dao hay kiếm chém, nhưng nó trong những game cổ tích thì là sự chiến đấu chống cái ác và hoàn toàn không có bạo lực. Tại VN, hiện chưa nghe đến phân biệt bạo lực giữa những thể loại game  thuộc  dạng cổ tích, thần tiên với các loại game mô phỏng trong thực tế.

Như vậy, bạo lực quá trong các game mô phỏng thực tế là điều không tốt và nên hạn chế độ tuổi cho những người tiếp xúc thể loại này. Vì thế, theo tôi, VN nên có hệ thống đánh giá các nội dung số để giúp người chơi, phụ huynh lựa chọn trò chơi thích hợp.

Nội dung của game cần được quản lý như thế nào để cho tốt hơn? Nên khuyến khích loại game nào, không nên khuyến khích loại game nào?

- Ông Phạm Phúc Thịnh, ông có cho rằng những yếu tố như đánh đấm, chem. Giết trong game online có thể khiến người ta bị dẫn dụ và làm theo không?

Theo tôi, trước hết cần xây dựng một bộ chuẩn để phân biệt thế nào là sự bạo lực trong game và mức độ game phù hợp với lứa tuổi. Thứ hai là cần quy định rõ ràng những hình ảnh nào là không phù hợp với văn hóa Việt Nam, để từ đó có được một quy định thống nhất trong cách đánh giá game.

Với những game mang tính đồng đội đòi hỏi người chơi phải biết cách phân công và hợp tác với nhau; những game có thể phát huy sự khéo léo, sự linh hoạt trong khi chơi cần được khuyến khích. Với những game mang tính khiêu dâm, cờ bạc hoặc có những hình ảnh quá rõ rệt về tính bạo lực thì cần cân nhắc để hạn chế.

Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh (phải) đang cùng PV VTC News giao lưu với độc giả (Ảnh: N.D) 

- Thưa PGS.TS Văn Thị Kim Cúc, đối với tâm lý của con người nói chung thì tính đối kháng trong một trò chơi, một cuộc thi đấu, một cuộc đua tài v.v. vì sao lại có sức hút lớn đối với người trong cuộc? Nó tốt hay không tốt và ta nên ứng xử như thế nào đối với những sản phẩm giải trí có tính đối kháng nói chung, game online nói riêng?

PGS.TS Văn Thị Kim Cúc: Mỗi con người bình thường đều có mong muốn khẳng định mình, khẳng định cái tôi của mình. Tính đối kháng trong game chính là các thử thách mà cứ mỗi lần vượt qua, người chơi lại cảm thấy sung sướng vì mình đã làm được và cứ thế, càng đối kháng, càng tạo ra thử thách và phía chơi lại càng có mong muốn vượt qua, mong muốn được khẳng định mình.

Trong thực tế ở ta, việc được khẳng định mình chỉ mới thể hiện phần nào trong nhà trường, ngoài đời, các em có quá ít cơ hội để được thể hiện một cách lành mạnh. Ở nước ngoài, trẻ con có rất nhiều sân chơi, nhiều trò chơi, nhiều trò thể thao, ca nhạc… Người lớn cũng vậy, họ có rất nhiều công cụ để giải trí, các câu lạc bộ thể dục, thể thao, văn hoá, du lịch …

Chính vì thế, các trò chơi game đối với họ cũng chỉ là một công cụ trong vô vàn những công cụ giải trí, trong khi ở Việt Nam có thể nói là một nơi lý tưởng để cả trẻ em và người lớn đều như tìm thấy sự giải trí thực sự.

- Theo ông Nguyễn Hoài Nam, dùng một thuật ngữ chung là “bạo lực” để nói về các loại đối kháng kiểu như đánh nhau (cả đánh nhau tay không), bắn súng, dùng dao kiếm… trong game có hợp lý không; hay nên gọi đó là các “mức độ đối kháng” khác nhau để phân loại và quản lý game? Liệu nên chăng cứ game nào có đánh, bắn nhau là cấm? Hay ông có kiến giải gì khác?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Game cũng giống như phim, có nhiều thể loại, chúng ta không nên cấm, mà phải hướng nội dung đến đúng đối tượng. Hệ thống đánh giá nội dung số nói chung và game online nói riêng là một sự cần thiết giúp đỡ cho các game có tính đối kháng cao, hình ảnh thật.

Tìm giải pháp cho việc xác thực độ tuổi người chơi là việc rất khó với cơ sở hạ tầng thực  tế của chúng ta hiện nay. Nội dung này cần phải được bàn kỹ càng, riêng tôi chỉ xin đưa ra một ý kiến là các nhà phát hành game và các nhà quản lí nên ngồi lại với nhau để thống nhất chung một mẫu và cách thức xác định độ tuổi của những người chơi. Ví dụ: Người chơi phải mang CMND tới các đại lý game để xác định độ tuổi cho tài khoản của họ.

- Cuối tháng 7 vừa qua, Sở TT&TT TP.HCM cũng đã công bố một văn bản nêu ra các tiêu chí game bạo lực để đưa ra biện pháp quản lý và lập tức xuất hiện một luồng dư luận không đồng tình. Còn bản thân Bộ TT&TT khẳng định các tiêu chí Sở TT&TT đưa ra chỉ là một tài liệu tham khảo để Bộ hoàn thiện đề xuất quy định quản lý.

Xin hỏi quan điểm của ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào, phân loại ra như thế có hợp lý không? Ta nên quản lý nội dung của game theo cách nào thì hợp lý?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào: Tôi nghĩ bây giờ sớm quá để khẳng định một tiêu chí chung cho cả nước thế nào là bạo lực?

Ví dụ như Thạch Sanh đánh Lý Thông thì đâu là bạo lực, đâu là gian tà, đâu là chính nghĩa?

Theo tôi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, nhà sản xuất, nhà kinh doanh, các sở ban ngành nên ngồi lại để có những ý kiến của mình. Theo quan điểm của cá nhân tôi, để có ý kiến thống nhất thế nào là bạo lực thì trước hết phải hiểu quản lý nội dung thế nào? Muốn thế thì phải quản lý được sản xuất ra nội dung ra sao?

Mặt khác, Bộ Thông tin và Truyền thông nên có một bộ phận những ngưới sản xuất game, đào tạo game để ta có những trò chơi Việt, không ảnh hưởng bởi yếu tố bạo lực.

- Một game thủ nói rằng, các game online thế giới đặt nặng sự phối hợp đoàn đội trong game để đạt được các nhiệm vụ cao hơn so với việc thu thập nguyên liệu khác trong game. Điều này sẽ làm phân tán thời gian của game thủ, hướng họ tới việc trao đổi và phân công nhiệm vụ trong game để thực hiện một nhiệm vụ khó, họ sẽ không chú trọng đến vấn đề bỏ nhiều thời gian cày cuốc kiếm nhiều nguyên liệu quý nữa, mà việc phối hợp đồng đội thường sẽ tạo ra các nhóm làm việc chung trên game online. Do đó khó mà có chuyện game thủ ngồi lỳ trên máy cả ngày trời để chơi. 

Ông Nguyễn Hoài Nam, là một người sang tạo ra các trò chơi, theo ông, kiểu nội dung chung của các game Việt nam là gì? Đây có phải là một gợi ý tốt trong việc phát triển các game thuần Việt theo hướng ngày càng lành mạnh, có ích hơn, điều mà các nhà quản lý rất mong mỏi?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Hiện ở VN có rất nhiều game online với nhiều thể loại khác nhau. Tuy nhiên, hiện các game giáo dục dành cho trẻ em hiện vẫn còn thiếu, mới chỉ có 1 game thuần việt, nên cần thiết phải phát triển các trò chơi thuần việt có tính giáo dục cao nhưng phải hấp dẫn để giới trẻ hiểu biết thêm về lịch sử, văn hoá, cũng như giúp trẻ em trong việc học hằng ngày.

Về triển vọng nếu thị trường game phát triển tốt thì các nhà phát hành sẽ mạnh tay đầu tư để phát triển các game thuần Việt, giúp phát triển ngành công nghiệp game tại VN tốt hơn.


Ông Nguyễn Hoài Nam (phải) đang cùng PV VTC News tại điểm giao lưu ở Văn phòng VTC News tại TP.HCM (Ảnh: N.D)


- Nghệ sĩ Thành Trung, anh đã làm MC của một số cuộc hội ngộ giữa các game thủ, đã chơi nhiều loại game và tiếp xúc với nhiều người chơi game. Vậy anh nhận xét họ là những người như thế nào? Ù lì do quá “nghiện” game và không thoát hẳn ra thế giới ảo, hay hoạt bát thông minh?

Nghệ sĩ Thành Trung: Thực ra trong cuộc sống, những bạn trẻ có tính cách khác nhau. Với các game thủ, tôi thấy có hai loại tính cách: Có người hoạt bát, có người không thích cuộc sống bên ngoài, thích sống trong thế giới game vì trong thế giới ảo họ như một người hùng thực sự, level rất cao, được nể trọng. Trong khi đó, ở cuộc sống bình thường thì họ hoàn toàn là những người bình thường.

Có những người chơi game để được giao lưu và kết bạn. Họ lấy game là phương tiện phục vụ mục đích đó. Từ những người bạn trong game, họ đã trở thành những người bạn trong cuộc sống giúp đỡ nhau trong công việc và học tập.

Tôi lấy một ví dụ có thật mà tôi biết: Có một giám đốc của một doanh nghiệp cũng rất thích chơi game và cùng bang hội và một số bạn sinh viên. Thông qua các cuộc gặp mặt, họ hiểu được năng lực của nhau nên đã tạo điều kiện giúp đỡ trong công việc.

Tôi đã từng chứng kiến tình cảm của những game thủ dành cho group game của mình. Họ sẵn sàng chờ đợi vài tiếng trong thời tiết nắng nóng và di chuyển hàng trăm km để tham gia một chương trình họp mặt. Bên cạnh họ là những "đối thủ" trực tiếp trong trò chơi mà họ phải tìm và tiêu diệt, nhưng ngoài đời thì lại rất hữu hảo giao lưu với nhau. Và vì vậy, tôi thấy rằng, với hầu hết game thủ, họ phân biệt rất rõ ràng giữa cuộc sống thật và cuộc sống trong game.

- Bạn Nguyễn Ngọc Trung, có tờ báo viết là một dạo bố mẹ Trung đã phải lo lắng vì nghĩ bạn chơi game quá nhiều, ham mê quá độ. Thực ra thì câu chuyện đó là như thế nào? Rồi khi những ngày ôn luyện cao độ cho kỳ thi Olympic bạn có động đến một “giọt” game nào không?

HCV Olympic toán Nguyễn Ngọc Trung: Đúng là có một thời gian em chơi game nhiều và mê, đó là thời gian học lớp 10. Khi ấy, bố mẹ em vì quá lo lắng đã chuyển em về trường chuyên Hùng Vương, Phú Thọ để quản lý giờ giấc chơi game của em.

Trong những ngày cao độ ôn thi Olympic Toán quốc tế, các thầy tập huấn đội tuyển quản lý học sinh rất gắt gao. Thời gian ấy, em chỉ thỉnh thoảng chơi những trò game flash vui vui để xả stress sau những giờ học căng thẳng. Đó là những trò giải trí, không tốn nhiều thời gian để “cày”...

- Còn bạn Bùi Lê Khánh, bạn tự đánh giá mình có phải là người “nghiện” game không, đã gặp bạn bè nào “nghiện” game chưa? Và nếu “nghiện” thì theo bạn có thể thoát “nghiện”?

Thủ khoa Bùi Lê Khánh: Khi nhỏ, em từng rất mê game, không biết có phải là “nghiện” không. Có những game thực sự giúp em hòa nhập với thế giới mới, tách biệt với thế giới bên ngoài. Em rất hứng thú với 1 số game cộng đồng như: Half life, DotA… Ở đó, em và bạn bè cảm thấy tinh thần đồng đội, tương trợ.

Gia đình em không cấm chơi game, bố mẹ để cho em tự chủ. Tuy nhiên bố mẹ giúp em ý thức được, việc quá sa đà vào game sẽ ảnh hưởng thế nào đến học tập, công việc. Bản thân em cũng từ đó mà dần dần nhận thức đầy đủ hơn điều này. Chính nhờ vậy, sau 1 thời gian, giờ em biết chơi game thế nào là vừa đủ.

Từ đó em thấy yếu tố gia đình và tính tự chủ trong mỗi người chính là nhân tố quan trọng nhất, vì thế với những bạn nào “nghiện” game thì em nghĩ do gia đình và chính bạn đó để có thể trở lại cuộc sống cân bằng.

- Một độc giả tên Phạm Đức Thắng gửi đến VTC News tâm sự: Tôi xin nói luôn tôi là một người đã đi làm, con 5 tuổi, nghề nghiệp ổn định và hay chơi “Tây du ký” buổi đêm. Nghe báo đài nói sắp cắt đường internet các quán internet công cộng vào buổi đêm thì tôi rất mừng, vì từ xưa cách đây cả gần chục năm tôi đã rất phản cảm với tình trạng các quán internet hoạt động chui ban đêm (họ vờ đóng cửa nhưng bên trong là đông nghịt người chơi). Các phường được giao nhiệm vụ quản lý không quản lý được. Nay thì dùng biện pháp cắt internet. Việc cắt này chắc sẽ xử lý được tình trạng đó. Nhưng rồi tôi lại được nghe một số địa phương đã có kế hoạch đóng cửa server đối với một số trò chơi. Nếu đóng như thế thì những người có nhu cầu giải trí như tôi, mà tôi tin là có rất nhiều người như tôi, họ sẽ làm thế nào? Còn nếu địa phương đó lo trẻ em chơi ban đêm thì phải hỏi bố mẹ chúng chứ? Ban ngày nếu chúng bỏ trường đi chơi thì là do nhà trường chứ sao lại cấm chúng tôi chơi?

Thưa ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào, thực tế thì ban đầu khi dự thảo quy chế quản lý game được công bố để trưng cầu ý kiến xã hội, vấn đề quản lý giờ giấc của server game các doanh nghiệp đã được nêu ra. Tuy nhiên, chắt lọc từ ý kiến dư luận, Bộ TT&TT đã không đưa quy định này vào quy chế nữa. Còn về câu chuyện của độc giả Phạm Đức Thắng, ông có chia sẻ quan điểm gì?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào: Trước khi nêu ý kiến của mình tôi muốn minh chứng luôn. Thực tế khu ĐH Văn hóa nơi tôi sống có 1 số hộ kinh doanh game online. Một vài gia đình vẫn khóa cửa cho trẻ chơi tới sáng, trẻ con chơi thú quá hét ầm lên, văng tục chửi bậy – gây bức xúc phản cảm cho khu dân cư. Đây là chuyện có thật!

Tôi xin hiến kế. Thứ nhất, theo tôi không nên cấm mà nên bàn cách quản lý. Ta nên ra điều kiện cho các gia đình kinh doanh game online, có điều kiện phòng, cách âm, giữ xe, đặc biệt không được ảnh hưởng đến người xung quanh – phải quy định không làm được không cho kinh doanh; cùng với đó, hạn chế thấp nhất các gia đình kinh doanh game online gần trường học.

Thứ hai, ta đã có CLB game online chưa? Nếu chúng ta có CLB này thì tốt hơn, ta có thể mở đăng ký với các trường ĐH, trường PT mở các phòng giải trí, ở đó có đủ các điều kiện, máy móc, người quản lý - không nên cắt mà cứ truyền tải, vấn đề là người thụ hưởng nên như thế nào? Tôi có gợi ý nên có CLB này, tập trung, không nên tản mạn chỗ nào cũng game online.

Thứ 3, là trách nhiệm của chính quyền địa phương, thu thuế là địa phương, nhưng khi xảy ra cái gì thì đẩy lên cơ quan quản lý trung ương – tôi cho là không đúng, thu thuế thì phải có trách nhiệm quản lý, tôi cũng không loại trừ khả năng làm ngơ, móc ngoặc với nhau giữa nhà kinh doanh và chính quyền địa phương – trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đây rất nặng. Chúng ta cứ phê phán người nọ người kia nhưng không nhìn lại chính mình, đặc biệt là cấp chính quyền địa phương – họ cũng có vai trò chứ!

Tôi rất dị ứng với việc cái gì không quản lý được là cấm - trò chơi trực tuyến - game online là sản phẩm công nghệ - cấm thế nào được?

Sự hội nhập thế giới công nghệ đặt ra cho chúng ta 2 vấn đề: Hiểu nó và tìm sự tương thích với xã hội Việt Nam. Tôi cũng đề nghị chúng ta nên tổ chưc tọa đàm văn hóa online, cả hệ thống chính trị nên vào cuộc vì mục tiêu xã hội, vì thế hệ trẻ, không nên cấm nó mà hoàn thiện nó.

Xin chia sẻ với bạn đọc của VTC News tên là Thắng. Không chỉ anh Thắng mà nhiều người, sau khi làm việc người ta cũng cần thư giãn, họ nghe nhạc hay chơi game. Nếu địa phương nào đó cấm sever như anh Thắng nói thì đó là vi phạm quyền giải trí của người dân. Còn chơi ở nơi công cộng phải tính, lứa tuổi phải tính, trách nhiệm địa phương thế nào phải tính...

- Xin hỏi Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường, anh nghĩ gì về thông tin bạn đọc Phạm Đức Thắng đưa ra? Được biết gia đình anh mới có một “thiên thần nhỏ” được chừng 2 năm, việc thường xuyên chơi game buổi đêm của anh  có ảnh hưởng gì đến vợ con không?

- Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường: Theo tôi, chuyện có nơi nào bắt đóng server game như anh Thắng nói, nếu có là hơi phi lý. Nếu không chơi game buổi đêm, những người chơi như tôi lại... phải chạy xe ra khỏi nhà, tụ tập bạn bè, la cà quán xá (cười). Nếu mà nói ảnh hưởng đến vợ con thì đúng là ảnh hưởng… nặng nề vì không người vợ nào thích chồng mình ra khỏi nhà lúc nửa đêm cả…

- Nghệ sĩ Thành Trung, mọi người đều biết ban ngày anh rất bận. Chắc anh cũng từng hoặc thường chơi game buổi đêm để giải trí? Quan điểm của anh về vấn đề này?

Nghệ sĩ Thành Trung: Tôi đồng ý với PGS.TS Nguyễn Ngọc Đào về việc chơi game ở đâu và chơi như thế nào.

Theo tôi, đối với các bạn học sinh, sinh viên nếu phải thức quá muộn thì ngày hôm sau sẽ không đảm bảo thể lực và trí lực để học tốt. Nên tôi nghĩ rằng, với các bạn học sinh, sinh viên cũng không nên chơi từ 23 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau vào những ngày thường. Còn những ngày nghỉ thì có thể được.

Còn với những người đã đi làm, làm chủ được kinh tế, thời gian, công việc thì họ sẽ đủ khả năng để biết mình chơi game vào lúc nào là hợp lý cho cuộc sống. Với những người như vậy, tôi nghĩ rằng không nhất thiết phải cắt server game trong bất kỳ giờ nào, khu vực nào.

- Một bạn đọc tên Nguyễn Hữu Chính đặt vấn đề: Nếu các bậc cha mẹ hỏi tôi lúc con bọn họ chơi game thì họ phải làm gì, tôi xin trả lời, hãy chơi cùng chúng, vì chúng không có ai chơi cùng nên mới phải tìm tới 1 thế giới ảo. Cứ thử nghĩ xem, nếu con của chúng ta được rèn luyện từ nhỏ, được quan tâm chăm sóc và chơi cùng, liệu còn có tình trạng trẻ em bỏ nhà ra tiệm net chơi không? Khi con mình hư hỏng thì ai cũng đổ tội cho game, họ nên nhìn lại mình, xem họ đã làm gì, họ mới là những người có lỗi lớn nhất với tương lai của con cái họ.

PGS.TS Văn Thị Kim Cúc, bà nghĩ sao về nhận định trên đây và các bậc phụ huynh nên làm gì với con cái khi ngày nay các em dễ dàng tiếp xúc với rất nhiều thứ không chỉ là game online mà là các loại phim ảnh, sách truyện, website internet v.v.

PGS.TS Văn Thị Kim Cúc: Nếu có điều kiện thì phụ huynh chơi game cùng con thì tốt quá, nhưng thực tế là rất khó vì không phải nhà nào cũng có máy tính, có mạng, không phải giờ con ở nhà thì bố mẹ cũng ở nhà, đó là chưa nói nhiều bố mẹ rất ngại tiếp xúc với máy tính, cho là mình không hiểu, rồi họ cũng không thích. Điều quan trọng không phải là trẻ chơi game cùng bố mẹ mà là dù chơi với ai, trẻ cũng có hình tượng bố mẹ bên cạnh mình và như vậy trẻ sẽ biết chơi trò chơi gì, chơi bao lâu thời gian.

PGS.TS Văn Thị Kim Cúc tại điểm giao lưu TP.HCM đang trực tiếp online trả lời độc giả (Ảnh: N.D) 

ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào: Tôi không đồng tình việc chơi game cùng con, đêm làm sao chơi game với con được, bố mẹ còn việc khác, vấn đề là mình quản lý giờ giấc thế nào? Tôi có một anh bạn hễ 11 giờ thấy phòng con còn ánh đèn thì ngắt cầu giao bảo là cắt điện rồi con ạ – đấy là biện pháp cực chẳng đã – vấn đề là phải giải thích cho nó hiểu.

Các nước phát huy được trách nhiệm của 3 lực lượng: các nhà quản lý (trên phương diện pháp luật, văn hóa, nghề nghiệp…); thứ 2, là xã hội và nhà trường; thứ 3 là gia đình. Tôi rất lạc quan tin tưởng xã hội chúng ta lớp trẻ không phải hỏng hết đâu, đừng lấy hiện tượng cá biệt mà coi như phổ quát. Game là trò chơi, là giải trí, quản lý thế nào mới là việc cần bàn.

- Ông Nguyễn Hoài Nam, là một người viết các sản phẩm game thì ông có sợ… con mình chơi và “nghiện” game không? Nếu con ông chơi game ông sẽ quản lý như thế nào để game có ích?

Sự định hướng, quản lí đến các nội dung giải trí của con em mình là trách nhiệm và nghĩa vụ của các vị phụ huynh. Chúng ta nên có sự hiểu biết về game nhiều hơn để hiểu con em mình đang chơi gì, nó hay ở chổ nào, tốt ở chỗ nào, chơi bao nhiêu giờ là vừa. Nếu mà như thế thì sẽ không bao giờ sợ con mình bị nghiện.

Máy vi tính trong nhà nên để tại phòng sinh hoạt chung để dễ quản lí, không nên cho phép con cái để máy tính trong phòng riêng của mình và nên ngồi xem con mình chơi game để có thể hiểu rõ được con mình đang chơi gì và định hướng các cháu.

Hiện nay chưa có các thông tin cụ thể giúp phụ huynh hiểu rõ về các game có trên thị trường. Tôi cho rằng việc phát hành hàng quý tài liệu hướng dẫn đễ giúp Phụ huynh dễ dàng hiểu biết hơn các game con mình đang chơi.

- Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh, ông nghĩ cha mẹ nên giáo dục con cái như thế nào? Nhà trường có vai trò gì trong việc quản lý các em học sinh, vì như một số thông tin báo chí đưa mà chưa có số liệu chính xác thì nhiều em bỏ học đi chơi game?

Hiện tượng học sinh bỏ học để chơi game trong giờ học không phải là hiện tượng phổ biến hiện nay, nếu tính trên mặt bằng chung của giáo dục.

Để khắc phục được tình trạng này, theo tôi, cần xây dựng nhà trường trở thành một trung tâm giáo dục toàn diện cho các em. Vì thực tế hiện nay, nhà trường chỉ mới hoàn thành được vai trò giảng dạy văn hóa của mình, các em mới tới trường để học chữ. Ngoài ra, các em không được học về thẩm mỹ về hoạt động xã hội về kỹ năng sống cần thiết… Theo đó, nhà trường cần tổ chức các hoạt động vui chơi, hoạt động thể dục thể thao, hoạt động đội nhóm theo sở thích, để từ đó giúp các em gắn bó với trường học của mình.

Bên cạnh đó cần xem lại việc giảm áp lực học tập cho các em, chẳng hạn như số  lượng bài tập về nhà quá nhiều, áp lực về điểm số từ phụ huynh và thầy cô để đảm bảo thành tích học tập của tập thể lớp.

- Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào thì vấn đề quản lý game theo độ tuổi người chơi có phải giải pháp triệt để hạn chế những mặt tiêu cực của game không? Hay ông có kiến giải về biện pháp khác hạn chế tối đa mặt tác hại của game?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào: Nói đến vị thành niên, vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội, đặc biệt là gia đình rất quan trọng. Ta nên sản xuất những trò chơi  phù hợp với lứa tuổi, chúng ta phân biệt độ tuổi gì, trò chơi gì, ở đâu, thời gian nào? Ví dụ người lớn có thể chơi bất cứ thời gian nào, nhưng vị thành niên thì không được mở cạnh trường, không được chơi trong giờ học, địa phương và hộ kinh doanh game online cũng phải có trách nhiệm không cho các em chơi, phải chơi lành mạnh. Như vậy, cần phải có những chế tài phù hợp, lứa tuổi nào trò chơi ấy, trách nhiệm chơi thế nào là chúng ta: giờ giấc, truyền tải, thời gian… không có gì khó cả!

- Ở các nước phát triển người ta có quản lý người chơi game theo độ tuổi không? Ở Việt Nam có học được gì từ kinh nghiệm các nước và nên quản lý người chơi game như thế nào để hạn chế tối đa mặt tiêu cực của game, thưa ông Nguyễn Hoài Nam và ông Phạm Phúc Thịnh?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Ở các nước phát triển như Mỹ, Úc, và một số nước châu Âu, hệ thống đánh giá của họ rất tốt. Dựa vào đó, họ gián tiếp hay trực tiếp quản lí và định hướng sự tiếp cận của từng độ tuổi đến thể loại game thích hợp. Những người dưới 18 tuổi thường chịu sự quản lí của cha mẹ, cha mẹ chọn những game thích hợp cho con mình chơi dựa vào kết quả đánh giá.

VN cũng nên theo mô hình mà các nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng. Các cơ quan quản lí và các tổ chức giáo dục nên có những biện pháp trang bị kiến thức cho người chơi, phụ huynh. Phổ biến và áp dụng khái niệm “người chơi hiểu biết” sẽ giúp tình trạng nghiện game của người chơi giảm đi rất nhiều. Khị họ hay phụ huynh hiểu biết mình đang chơi gì thì họ sẽ dễ dàng kiểm soát mức độ phụ thuộc của mình vào game. Ngoài ra, nên tổ chức các buổi thuyết trình ở các trường để giúp các em hiểu biết hơn về game.

Ở VN hiện nay với tỉ lệ dân số trẻ cao mà các loại hình giải trí cho giới trẻ đang còn rất thiếu về số lượng và chất lượng, dẫn đến việc người trẻ dễ bị game lôi cuốn.

Bản thân tôi là một người làm gia công về game cho nước ngoài, tôi thấy đây là một ngành CN tiềm năng. Trung Quốc và Hàn Quốc là một ví dụ điển hình. Ngoài việc hạn chế và quản lí cái xấu của các trò chơi, chúng ta nên tìm ra những biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển game tại VN. Khi mình tự làm ra các game thì càng dễ định hướng, quản lí về nội dung hơn.

Ông Phạm Phúc Thịnh: Việc quản lý người chơi game ở các nước phát triển theo độ tuổi là có thực, người chơi không được phép chơi những game vượt quá tuổi quy định. Điều này ở Mỹ và Úc được quản lý thông qua mã số An sinh xã hội (social security number), và cơ sở dữ liệu quốc gia. Vì vậy, người chơi không thể có những hành vi vượt quá quy định.

Ở Việt Nam, chúng ta có thể học tập điều này khi xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia. Trước đó, theo tôi các nhà cung cấp game có thể đưa ra một hình thức thẻ giống như ATM, có đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên người chơi và ngày sinh, kèm theo một mã số. Thẻ này sẽ được sử dụng để định danh tài khoản của người chơi cũng như giờ chơi của người đó.

Lời kết: Sau gần 2 giờ bàn luận khá nhiều vấn đề về game online – trò chơi trực tuyến, BBT VTC News tin rằng những chia sẻ của các vị khách mời sẽ góp một tiếng nói tích cực và khách quan để độc giả có một cái nhìn nhận đúng đắn về trò chơi trực tuyến. Bên cạnh đó, chúng tôi hy vọng diễn đàn này sẽ góp một phần nào đó giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm tài liệu tham khảo, để quản lý game online một cách khoa học, mang lại ngày càng nhiều lợi ích cho xã hội, giảm thiểu triệt để những mặt tác hại, phát triển mặt tích cực của ngành công nghiệp này, như thông điệp mà Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp đã nói ngày 9/8 mới đây trên VTC News.

Ban Biên tập VTC News xin chân thành gửi lời cảm ơn các vị khách mời, quý vị độc giả đã quan tâm theo dõi. Trân trọng!

VTC News

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010

Hãy tham gia bình chọn cho người đẹp mà bạn yêu thích nhất.
Người đẹp được bình chọn nhiều nhất sẽ được nhận danh hiệu

"Người đẹp do khán giả bình chọn"cùng phần thưởng

50 triệu đồng và 01 xe Vespa LX hồng(trị giá 66 triệu đồng)

Soạn tin:HH  <Số Báo Danh>  <Số người bình chọn đúng>  gửi 8530

Xem danh sách thí sinh và thông tin chi tiết tại

http://binhchon.hoahauvietnam2010.vn


Bình luận
vtcnews.vn