Vì sao người Thụy Sĩ, Đan Mạch hạnh phúc nhất thế giới?

Thời sựThứ Hai, 09/08/2010 03:00:00 +07:00

(VTC News) - Một bí mật hạnh phúc của Đan Mạch là có đến 92% người dân nơi đây tham gia một câu lạc bộ xã hội nào đó. Ở đấy họ có thể hát, nhảy múa, cười đùa...

(VTC News) - Tạp chí nổi tiếng thế giới về xếp thứ hạng Forbes vừa công bố danh sách các nước hạnh phúc nhất thế giới. Việc công bố danh sách này tuy không thể làm hài lòng tất cả các quốc gia, nhưng với sự chuyên nghiệp của mình, Forbes cũng đã cho thấy nó được xây dựng trên những tiêu chuẩn nhất định. Vậy Thụy Sĩ và Đan Mạch đã đạt được những tiêu chuẩn gì để vươn lên trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?

Thụy Sĩ là một đất nước thanh bình, hiền hòa, phong cảnh thiên nhiên hữu tình với những dãy núi hùng vĩ, những hồ nước thơ mộng và khí hậu ôn hòa. Với diện tích khoảng 41.290 km2 và dân số hơn 7 triệu người, sống tập trung theo 3 vùng nói tiếng Pháp, Đức, Ý và tiếng Rôma. Thụy Sĩ có những thành phố nổi tiếng gắn liền với lịch sử thế giới như Bern, Geneva, Zurich. Những yếu tố được thống kê dưới đây có thể giải thích phần nào tại sao khi được hỏi, hơn 80% số người Thụy Sĩ đều trả lời họ rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại và một tỉ lệ tương ứng tin tưởng và tương lai tươi sáng phía trước.

Thủ đô Copenhagen, Đan Mạch - ảnh Getty 

Đan Mạch là một quốc gia thuộc vùng Scandinavia ở Bắc Âu và là thành viên chính của Vương quốc Đan Mạch. Đan Mạch là một quốc gia quân chủ lập hiến với thể chế đại nghị. Đan Mạch có một chính phủ cấp quốc gia và chính quyền địa phương ở 98 khu tự quản. Đan Mạch là thành viên của Liên minh châu Âu từ năm 1973, mặc dù không thuộc khu vực đồng Euro. Đan Mạch là thành viên sáng lập của NATO và OECD.

Thu nhập cực cao

Theo báo cáo của Chính phủ Việt Nam, năm 2009, GDP tăng trưởng đạt 5,32%, lạm phát 6,52%; bội chi 8,8 tỷ USD. Năm 2010, phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, thu nhập bình quân đầu người dự tính là khoảng 1.200 USD/năm (chỉ bằng 1/28 thu nhập bình quân đầu người của dân Thụy Sĩ).
Thu nhập bình quân đầu người của người dân Thụy Sĩ đạt hơn 34 ngàn USD/năm. Đây là mức thu nhập nằm trong tốp đầu thế giới. Có người nói tiền không mua được hạnh phúc nhưng người Thụy Sĩ có thể tự hào rằng nhờ nó mà những mối quan hệ, những cơ hội được tạo ra, họ có điều kiện để chi trả các dịch vụ y tế, du lịch, giáo dục và một môi trường sống cực kỳ trong lành. Với người Thụy Sĩ, đó chính là hạnh phúc.

Tuy nghèo nàn về tài nguyên và không có lợi thế về dân số, nhưng Thụy Sĩ lại có mức phát triển vững mạnh đáng kể trên toàn cầu. Thụy Sĩ có vị trí quan trọng về kinh tế - tài chính và hệ thống Ngân hàng uy tín đặc biệt nổi tiếng nhất trên thế giới. Nhắc đến những chiếc đồng hồ sang trọng và chính xác, những nhà băng có quy mô toàn cầu, những thỏi sô cô la, những nhãn dược phẩm, bảo hiểm uy tín... là người ta nhắc đến Thụy Sĩ. Ngành dịch vụ đóng góp hơn 70% trong tỉ trọng các ngành kinh tế của đất nước tươi đẹp này.

Mỗi năm, Thụy Sĩ tiếp nhận hàng tỉ USD từ khắp các nơi trên thế giới đổ về do sự chuyên nghiệp và tính bảo mật cao của hệ thống ngân hàng nơi đây. Số lợi nhuận thu được từ dịch vụ này là nguồn thu khổng lồ cho đất nước với chỉ hơn 7 triệu dân. Ngoài ra, hệ thống khách sạn, các cơ sở công nghiệp kỹ thuật cao, cần độ chính xác lớn và các sản phẩm từ nông nghiệp hiện đại mang lại cho người dân Thụy Sĩ không chỉ công ăn việc làm mà cả khoản thu nhập kếch sù, điều mà không phải quốc gia Châu Âu nào cũng có được.

Đời sống cao, người dân Đan Mạch và Thụy Sĩ có nhiều hơn những phút giây thư giãn cuộc sống. Ảnh minh họa. Nguồn internet 

Ngoài ra, Thụy Sĩ được đánh giá là một trong những nước an toàn nhất thế giới, tình trạng tham nhũng, tham ô cửa quyền gần như không có, năng lực điều hành của chính phủ cực tốt, môi trường sống vô cùng trong lành và mọi dịch vụ đều ở mức hoàn hảo. Với những điểm này, bạn thử hỏi tại sao người dân Thụy Sĩ lại không tự hào về đất nước mình mà nói mình là người hạnh phúc nhất?

Còn Đan Mạch, với một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hỗn hợp và hệ thống phúc lợi quốc gia lớn, xếp hạng nhất trên thế giới về bình đẳng thu nhập. Theo tạp chí kinh tế Hoa kỳ Forbes, Đan Mạch có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới. Thăm dò Chỉ số hòa bình toàn cầu năm 2009 xếp Đan Mạch là nước yên bình thứ nhì trên thế giới và là nước ít tham nhũng nhất trên thế giới theo Chỉ số nhận thức tham nhũng 2008.

Cả xã hội chung lo

Theo công bố danh sách những nước hạnh phúc nhất trên thế giới của Forbes, Việt Nam đứng thứ 96 trong số 155 nước được xếp hạng, cùng hạng với các nước như Tunisia, Yemen, Zambia và Palestine.

Trong số các nước khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đứng thứ 79, tiếp đó là Singapore thứ 81, Indonesia 85, Malaysia và Philippines đồng hạng 94.
Có phải mọi người Đan Mạch đều cảm thấy họ là người hạnh phúc nhất thế giới? Khi ABC News thực hiện cuộc khảo sát ngẫu nhiên với những người Đan Mạch để phân mức độ hạnh phúc của họ theo cấp độ từ 1 đến 10. Kết quả là mức độ hạnh phúc thấp nhất mà họ thu được là ở mức 8, một số ở mức 9 và mức 10. Khi được hỏi họ có tin rằng mình là người hạnh phúc nhất thế giới không thì không ít trong số họ trả lời không tin. Nhưng khi được hỏi họ có phàn nàn gì về cuộc sống không thì họ đều trả lời rằng không.

Người dân Đan Mạch nộp thuế thu nhập cá nhân rất cao, từ 50 đến 70% thu nhập của họ. Đổi lại, chính phủ sẽ lo cho họ toàn bộ các chương trình về giáo dục, y tế, môi trường… và phần lớn trong số đó là dùng cho các chương trình chăm sóc trẻ em và người già. Sự viên mãn của tuổi già và vui tươi của trẻ nhỏ có lẽ là yếu tố quan trọng để những người trong độ tuổi lao động sẵn sàng nộp lại một khoản thu nhập rất lớn của mình bởi suy cho cùng thì số tiền đó cũng được phục vụ cho cha mẹ và con cái họ, xa hơn nữa là cho chính họ khi ở tuổi xế chiều. Người dân Đan Mạch quan niệm, làm việc là để sống chứ không phải sống để làm việc. Vì vậy họ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân của mình vì những ý nghĩa xã hội cao cả hơn.

Không có phân biệt đẳng cấp xã hội


Việc nộp thuế cao này cũng mang lại một hiệu quả khác. Ở Đan Mạch, một nhân viên ngân hàng cũng nộp thuế cao như một nghệ sỹ, người dân nơi đây không chọn công việc dựa trên tiêu chí thu nhập hay địa vị xã hội. “Ai cũng có thế mạnh của mình, miễn là công việc được làm tốt”, “một lao công cũng có thể làm hàng xóm với một người thuộc tầng lớp trung lưu và luôn có thể ngẩng cao đầu”, Buettner, một lao công chia sẻ.

Bình luận
vtcnews.vn