Đà Nẵng: Xuất hiện vết nứt lạ trên mặt cầu Thuận Phước

Thời sựThứ Năm, 22/07/2010 10:15:00 +07:00

(VTC News) – Mặc dù đã được láng lại và chèn khe nứt bằng nhựa đường, nhưng những vết nứt xuất hiện trên lớp mặt cầu Thuận Phước (TP.Đà Nẵng) vẫn lộ rõ...

(VTC News) – Mặc dù đã được láng lại và chèn khe nứt bằng nhựa đường, nhưng những vết nứt xuất hiện trên lớp mặt cầu Thuận Phước (cầu dây văng dài nhất Việt Nam tại TP Đà Nẵng) vẫn lộ rõ. Có những vị trí, vết nứt rộng đến 3cm...


Biết sẽ nứt nhưng không còn lựa chọn nào khác !


Cầu Thuận Phước được khởi công xây dựng từ tháng 10/2003 với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Sau 1 năm đưa vào sử dụng (ngày 19/7/2009 - pv), cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam đã xuất hiện những vết nứt ngang dọc trên lớp phủ mặt tại nhịp chính của cầu.

Đưa vào sử dụng được 1 năm, cầu Thuận Phước đã xuất hiện các vết nứt trên lớp phủ mặt cầu 

Ghi nhận tại cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) sáng ngày 20/7, hơn 20 vết vá, láng lớn nhỏ, ngang dọc bằng nhựa đường được đơn vị thi công đắp lấp suốt dọc trên bản nhịp chính dầm cầu Thuận Phước, rất phản cảm cho người đi lại nhưng vẫn không che hết các vết nứt lộ rõ trên lớp phủ mặt cầu. Các vết nứt xuất hiện khá rõ, theo tất cả phương ngang, dọc và xiên với phạm vi nứt từ 1-2m2/cụm. Đặc biệt, có những vết nứt rộng đến gần 3cm, dài từ 1,8-2m. Thậm chí có vết chạy dài hàng chục mét khiến không ít người băn khoăn về chất lượng của công trình này.

Theo một số thợ chụp ảnh dạo tại cầu Thuận Phước cho biết, vết nứt trên lớp phủ mặt cầu xuất hiện được hơn 2 tuần nay.

Theo đại diện Ban QLDA và đơn vị thi công, các vết nứt lớp phủ mặt cầu Thuận Phước đã được tính trước, nhưng do công nghệ quá mới nên không lường hết được tất cả các sự cố có thể xảy ra

Trước sự việc này, sáng ngày 21/7, VTC News có buổi làm việc với ông Lê Văn Trung, Trưởng Ban QLDA Đầu tư XD công trình GTCC Đà Nẵng, đơn vị quản lý dự án cầu Thuận Phước. Ông Trung cho biết: “Lớp phủ mặt cầu được thi công bằng vật liệu và công nghệ mới, hiện đại nhất hiện tại. Đó là công nghệ thi công lớp phủ mặt cầu bằng vật liệu và công nghệ Epoxy. Tuy nhiên, do công nghệ quá mới nên không tránh khỏi việc xuất hiện cục bộ các vết nứt".

Cũng theo ông Trung, từ trước khi cầu được đưa vào sử dụng phía Ban QLDA đã biết trước các vết nứt sẽ xảy ra, nhưng việc thi công bằng vật liệu, công nghệ trên vẫn là giải pháp tối ưu nhất dành cho cầu Thuận Phước. Mặc dù chi phí đối với lớp vật liệu này lên đến 16 tỷ, cao gấp 4 lần so với bê tông nhựa thông thường.

Nguyên nhân do... xe lưu thông ?

Tại buổi làm việc với Ban QLDA và đại diện nhà thầu tư vấn, thi công lớp phủ mặt cầu. Ông Mai Triệu Quang, Giám đốc Cty CP Tư vấn và Đầu tư XD ECC (Cty ECC), đơn vị tư vấn và thi công lớp phủ mặt cầu Thuận Phước thừa nhận: “Trong quá trình theo dõi và tiến hành các thủ tục nghiệm thu đối với công trình, chúng tôi đã phát hiện 1 số vết nứt đối với lớp phủ mặt cầu. Do lớp phủ mặt cầu Thuận Phước được sử dụng là công nghệ mới, nên việc lường hết các sự cố là rất khó và việc xảy ra các vết nứt trên lớp phủ mặt cầu là không tránh khỏi. Qua khảo sát, chúng tôi đã phát hiện 4 vị trí xuất hiện vết nứt ngang, dọc và xiên với khe nứt rộng từ 1-2,5cm. Tuy nhiên tại các vị trí này, theo quan sát nguyên nhân nứt có thể do phủ bị trượt khỏi lớp dính bám với bản mặt cầu do chịu ngoại lực lớn như ô tô tải trọng lớn đi qua, cộng với những biến dạng do thay đổi nhiệt độ và làm việc của cầu dây võng”.

Theo đại diện đơn vị thi công, ngoại lực do phương tiện đi lại, những biến dạng do thay đổi nhiệt độ và làm việc của cầu dây võng là nguyên nhân của các vết nứt trên lớp phủ mặt cầu Thuận Phước  

Tuy nhiên trên thực tế ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực giữa nhịp chính của mặt cầu Thuận Phước đang tồn tại đến hơn 20 điểm nứt lớn nhỏ với hàng loạt các vết nứt theo nhiều phương, từ dọc cầu cho đến ngang cầu và phương xiên.

Ông Quang giải thích: “Mặc dù vật liệu thi công, máy móc trong quá trình thi công được tính toán, thực nghiệm, giám sát tuân thủ quy trình công nghệ rất chặt chẽ. Nhưng trong quá trình thi công, tại 1 số vị trí cục bộ, công tác vệ sinh không được tốt, hay phương tiện vận chuyển đi lại làm ảnh hưởng đến khả năng dính bám khiến 1 số vị trí bị nứt cục bộ. Hơn nữa do mặt cầu rộng, lớp phủ được thi công thành  nhiều vệt, các vệt được liên kết với nhau bằng keo và lớp dính, nên nếu xử lý không tốt cũng sẽ bị nứt.


Các vết nứt này, chúng tôi sẽ khắc phục và xử lý trong thời gian tới, tránh tình trạng ngấm nước gây bong tróc dây chuyền. Giải pháp ban đầu đưa ra là phủ epoxy trám khe, sau đó sẽ bóc trám vết nứt và tăng cường độ nhám trên đường bằng lớp phủ, đồng thời tái sinh và khôi phục lại tính năng của chất kết dính. Bên cạnh đó, sẽ thi công thêm các gờ neo liên kết chống trượt dọc trên mặt đường nhằm chống chuyển dịch do co giãn nhiệt hoặc do tải trọng động của xe cộ. Dự kiến công việc sẽ hoàn thành trong tháng 8 này với chi phí khoảng 250 triệu đồng”

Nhà thầu chịu toàn bộ trách nhiệm

Khi được hỏi sau khi xử lý các vết nứt hiện tại, liệu có xuất hiện thêm những sự cố mới hay không. Và nếu xảy ra tiếp tục, trách nhiệm thuộc về ai? Ông Mai Triệu Quang, Giám đốc Cty CP Tư vấn và Đầu tư XD ECC (Cty ECC), đại diện đơn vị thi công cho biết: “Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ đối với sản phẩm tư vấn và thi công của chúng tôi đối với công trình này. Đặc biệt là đối với sự cố vừa qua. Bên cạnh đó, sau khi hết thời hạn bảo hành, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cùng ngành GTCC Đà Nẵng giải quyết những phát sinh của công nghệ này tại cầu Thuận Phước. Tuy nhiên, cam kết sẽ không xảy ra sự cố tương tự đối với lớp phủ này thì tôi không thể nói trước được vì công nghệ này quá mới” (!?).

Ông Lê Văn Trung, Trưởng Ban QLDA Đầu tư XD công trình GTCC Đà Nẵng cho biết thêm : “Hiện Ban QLDA đang phối hợp cùng nhà cùng nhà thầu xem xét nguyên nhân và lên phương án xử lý sự cố, trả lại nguyên trạng cho lớp phủ mặt cầu kể cả về thẩm mỹ. Tất cả các chi phí liên quan sẽ do đơn vị thi công chịu trách nhiệm chi trả”.


Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn