Thăm làng nghề phát tài vì... nắng nóng, mất điện

Thời sựThứ Bảy, 10/07/2010 06:45:00 +07:00

(VTC News) - Trái ngược với khung cảnh vắng vẻ của các thôn xóm trên đường chúng tôi đi qua, tại đây, hàng trăm nghệ nhân vẫn say sưa làm việc...

(VTC News) - Chúng tôi về làng nghề này trong cái nóng như thiêu đốt của buổi trưa tháng 6 Trái ngược với khung cảnh vắng vẻ của các thôn xóm trên đường chúng tôi đi qua, khi người dân tìm mọi cách đi trốn nóng thì tại đây, hàng trăm nghệ nhân vẫn say sưa làm việc. Người ra vào tấp nập, tiếng cười, nói xôn xao từ đầu làng đến cuối làng. Dường như cái nắng nóng không đủ sức phủ ảnh hưởng của nó đến đây.

Với hàng chục hộ dân làm quạt giấy ở làng Chi Lăng, những ngày này với họ như ngày hội. Đơn đặt hàng về liên tục khiến họ làm không kịp hàng giao. Rất lâu rồi, làng nghề làm quạt giấy đông vui như thế khi chỉ mới đây thôi, nghề này tưởng chừng bị mai một. Có tiên đoán thế nào, nhiều người dân làng nghề vẫn không thể tin được, có lúc chiếc quạt giấy trở thành món hàng "hot" như thế trong những ngày khát điện.

"
Quạt được xếp ngăn nắp phơi trước sân rất đẹp mắt

Vừa bước chân vào làng, ngay từ đầu ngõ 399 Chi Lăng (TP Huế ), đập vào mắt chúng tôi là con đường  trải dài với cơ man nào là quạt giấy, xếp chồng lên nhau kín 2 bên đường.

Theo một người cao niên ở làng quạt Chi Lăng kể lại, nghề này vốn có từ cách đây hơn 50 năm. Ban đầu, một số ít người làm quạt phục vụ cho thời bao cấp, dần dần nhu cầu mở rộng nên rất nhiều người đến “bái tổ học nghề”  và lấy đó làm “ cần câu cơm”. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, khi nhà nhà đều có ít nhất 1 cái quạt máy, quạt giấy bỗng trở nên "thừa thãi". Nhiều người ít quan tâm, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được khiến làng nghề trở nên đìu hiu. Nhiều gia đình còn tâm huyết, quyết gắn bó với chiếc quạt giấy cũng chỉ biết sản xuất cầm chừng, gọi là để không mất nghề chứ họ khẳng định là không thể sống được với nó.

Nếu ai đã từng biết đến làng quạt Chi Lăng trong những ngày ảm đạm ấy, mới thấy không khí rộn ràng hiện tại như có một làng quạt được hồi sinh. Trong cơn khát điện, người dân đã tìm đến quạt giấy và xem nó như người bạn nghèo chung thủy. Có thể giúp họ "giải tỏa" ít nhiều cái nóng nung người của tháng 6 miền Trung. Không chỉ có người dân Huế chuộng quạt nan mà quạt còn được xem một món quà giải nhiệt cho du khách, hay gửi tặng người thân.

Để có một cái quạt giấy thành phẩm, các nghệ nhân phải trải qua 10 công đoạn “chế biến” công phu từ khâu lựa tre cho nan quạt đến lúc chuốt lại giấy nền cho mềm mại trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Công đoạn khoan lỗ để ghép nan

Căn nhà ba gian của nghệ nhân làm quạt Nguyễn Thị Hồng, người có thâm niên hơn 40 năm gắn bó với nghề làm quạt giấy, không còn một chỗ trống. Tất cả ngõ ngách từ sân, bếp, phòng khách, phòng ngủ đều là nơi chứa quạt. Song điều đó không làm chị cảm thấy chật chội mà trái lại chị vui vì có công việc làm ổn định, hàng nhiều nhưng làm ra bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Bản thân chị vốn rất thích làm quạt nên hiện tại khi thấy sản phẩm của mình được thị trường đón nhận, chị Hồng rất tự hào và vui sướng.

Dạo qua “con đường” quạt giấy, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc hăng say của hàng trăm con người, trong đó có cả những em nhỏ cũng thoăn thoắt không kém gì bố mẹ chúng. Thường vào tháng cao điểm nắng nóng từ tháng 5 - 6/2010, người người ở làng Chi Lăng thi nhau làm quạt vì thị trường tiêu thụ mặt hàng này rất ổn định, vì thế mà nhiều nhân công đi làm ăn xa cũng nghe tin vui đã trở về cùng gia đình làm quạt để tăng thêm thu nhập, được gần gũi với người thân.

Một sản phẩm quạt giấy truyền thống sau khi hoàn tất được các thương lái thu mua với giá khoảng 1.000 đến 1.200 đồng/cái. Một ngày, người thợ khéo tay có  thu nhập trên 100 ngàn đồng là chuyện không khó. Công việc làm quạt không kén người làm nên có thể tận dụng tất cả những nguồn lực trong gia đình từ người lớn đến trẻ con, từ con trai đến con gái... ai cũng có việc để làm luôn chân luôn tay.

Cần mẫn như con ong...

Hầu hết, nguồn hàng quạt giấy truyền thống Chi Lăng được “xuất xưởng”  đi các huyện trong khắp tỉnh TT.Huế. Không những thế, quạt giấy Made in Việt Nam còn được thương lái mua đi nhập cho các đầu mối ở các tình lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình. Riêng ở TP. Huế, sản phẩm quạt nan truyền thống Chi Lăng có mặt hầu hết các chợ như chợ Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự...

Mùa làm quạt cao điểm thường tập trung vào lúc học sinh nghỉ hè nên nhiều em đã tranh thủ làm thêm để  dành tiền mua sách vở, áo quần trong năm học mới. Em Hoàng Thị Ly Ly, học sinh lớp 11 trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết: “Nghỉ hè, em tranh thủ làm quạt giấy để có thêm thu nhập cho bản thân, với lại dạo này công việc làm quạt rất tất bật, ai cũng phải cùng làm mới đủ hàng cung cấp cho mọi người”. Nhìn nụ cười vui vẻ của Ly, chúng tôi cảm thấy phấn khởi vì chính làng nghề quạt giấy nhờ “mất điện, nắng nóng” mà phát tài.

Nụ cười vì có nhiều việc để làm của con gái làng quạt Chi Lăng

Dì Vân, một thương lái mua quạt giấy, nói: “Chúng tôi mua hàng từ đây sau đó nhập cho các chợ bán nhỏ lẻ, trên toàn quốc. Mất điện kéo dài nên quạt giấy bán dễ chạy lắm, nhiều khi không có hàng mà bán vì người dân làm không kịp… tôi thấy năm nay bà con làm nghề này phát tài lắm!”


Trong khi đó anh Vinh, nghệ nhân trẻ của làng quạt Chi Lăng, tâm sự: “Từ ngày quạt giấy bán được giá, bà con ai cũng vui, thậm chí ai cũng muốn nhận thêm nhiều mối hàng lớn để kiếm thêm thu nhập, làm ngày không đủ mọi người tranh thủ làm đêm, ai cũng vui vẻ mà làm việc”.

Trước tình trạng điện mất, những mặt hàng “làm mát” bậc cao như điều hòa, quạt máy trở nên vô hiệu thì quạt giấy lại trở thành vật “bất ly thân” của người dân xứ Huế.

Trần Viết Long

Bình luận
vtcnews.vn