Điều cốt tử là báo chí không được xa rời thực tế

Thời sựChủ Nhật, 20/06/2010 06:49:00 +07:00

(VTC News) - Theo nhà báo Phan Quang, nhà báo làm gì thì làm nhưng điều cốt tử là không được xa rời định hướng.

(VTC News) - Theo nhà báo Phan Quang, nhà báo làm gì thì làm nhưng điều cốt tử là không được xa rời định hướng. “Anh em tự tìm đường, không có con đường vạch sẵn, cũng không nên xây xa lộ cho nhà báo”.

Ngày 19/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Phát triển báo chí cách mạng và chuyên nghiệp”. Khoảng 40 báo cáo tham luận của nhiều nhà báo lão thành như nhà báo Hữu Thọ, nhà báo Phan Quang (nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, nguyên TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam), nhà báo Hà Đăng (nguyên TBT báo Nhân Dân) và đông đảo các chuyên gia giảng dạy và nghiên cứu báo chí đã mang đến cho hội nghị một cái nhìn toàn cảnh về những đóng góp to lớn của nền báo chí Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử.


Suốt 85 năm đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta, đội ngũ những người làm báo ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đến hết năm 2009, cả nước có 706 cơ quan báo in, trong đó có 178 báo và 528 tạp chí, có 67 đài phát thanh - truyền hình, 21 báo điện tử, 160 trang điện tử của các cơ quan báo in và hàng nghìn trang tin điện tử. Cả nước có trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ.


Hàng trăm đại biểu đã tham dự hội thảo về phát triển báo chí cách mạng và chuyên nghiệp (Ảnh: N.A) 


Theo ông Lê Quốc Trung- Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, khi sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đang đứng trước nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức: "Vì vậy, phát triển báo chí Việt Nam cách mạng và chuyên nghiệp là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài; bởi lẽ, báo chí là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, có sức lan tỏa nhanh, có tác động mạnh mẽ trong việc hình thành dư luận xã hội và có ảnh hưởng sâu sắc tới mọi phương diện của đời sống xã hội”.


Đánh giá những đóng góp của báo chí trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng thẳng thắn thừa nhận những khuyết điểm và non kém về nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của một số tờ báo mà trong đó, nguyên nhân cơ bản nhất là do nền báo chí của ta chưa được chuyên nghiệp.

 

Hội thảo cũng đã nghe tham luận của nhà báo Hữu Thọ với vấn đề "Báo chí đổi mới đồng hành cùng đất nước đổi mới" và đặc biệt là tham luận "Định hướng và sáng tạo" của nhà báo Phan Quang đã đặt ra vấn đề hiểu thế nào về hiện đại và chuyên nghiệp của báo chí.

 

Theo nhà báo Phan Quang, nhà báo làm gì thì làm nhưng điều cốt tử là không được xa rời định hướng. “Anh em tự tìm đường, không có con đường vạch sẵn, cũng không nên xây xa lộ cho nhà báo”, nhà báo Phan Quang chia sẻ kinh nghiệm.

 

Cũng theo nhà báo Phan Quang “Tự do báo chí của ta gắn liền với trách nhiệm công dân, không được mơ hồ về điểm này. Tự do hay trách nhiệm đều được thể chế hóa bằng pháp luật và các quy ước đạo đức nghiệp vụ". 
 

Các báo cáo tranh luận của các nhà báo và các nhà khoa học về báo chí và truyền thông gửi về Hội thảo sẽ được lựa chọn để in thành Kỷ yếu để các nhà báo có thể tham khảo.

 

Nhật Anh

 

Bình luận
vtcnews.vn