Quốc hội tán thành chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế

Thời sựThứ Sáu, 18/06/2010 06:25:00 +07:00

(VTC News) – Sáng 17/6, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được 86% ĐB Quốc hội tán thành thông qua. Như vậy, nhà ở chính thức “thoát” khỏi diện chịu thuế.

(VTC News) – Sáng 17/6, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được 86% ĐB Quốc hội tán thành thông qua. Như vậy, nhà ở chính thức "thoát” khỏi diện chịu thuế.

Nhà ở "bật" khỏi danh sách đối tượng chịu thuế (Ảnh: Kiều Minh) 
Chủ nhiệm Ủy  ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua thảo luận và theo kết quả tập hợp phiếu xin ý kiến của các ĐBQH, đa số ý kiến (256/324) đề nghị chưa đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng cho rằng, chưa nên đưa nhà ở vào diện chịu thuế vì chưa có sự đồng thuận cao trong nhân dân. Cùng với đó,nền kinh tế Việt Nam cũng chưa thực sự ổn định, đời sống người dân còn khó khăn, việc áp dụng thuế nhà ở sẽ tác động đến tâm lý và làm tăng thêm nghĩa vụ tài chính với một bộ phận lớn người dân. Ngoài ra, một số nước có nền kinh tế phát triển cũng chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế.

Ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, mục tiêu áp dụng thuế với nhà ở nhằm góp phần hạn chế đầu cơ nhà ở nhưng thực tế giá trị nhà ở gắn liền với giá trị đất và thực chất về cơ bản vẫn là đầu cơ đất. Việc chống đầu cơ nhà, đất cần áp dụng đồng bộ các giải pháp trong đó có thuế thu nhập cá nhân, thế thu nhập doanh nghiệp…

Do chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế, đa số các ĐBQH tán thành sửa tên Luật thuế nhà đất thành Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nhằm đảm bảo thống nhất giữa tên gọi và nội dung của Luật.

Sáng 17/6, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được 86% ĐBQH tán thành thông qua. Như vậy, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2012.

Thông qua tử hình bằng tiêm thuốc độc

Điều 59, Dự thảo Luật thi hành án hình sự quy định, thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc.

Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba (Ảnh: TTXVN) 
Bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật thi hành án hình sự, đa số ý kiến ĐBQH tán thành việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc; có ý kiến đề nghị giữ quy định hình thức thi hành án tử hình bằng xử bắn như hiện hành; có ý kiến đề nghị quy định cả hai hình thức xử bắn và tiêm thuốc độc để Hội đồng thi hành án tử hình quyết định hoặc cho người bị kết án tử hình lựa chọn.

Về vấn đề này UBTVQH nhận thấy, việc nghiên cứu để thay thế hình thức thi hành án tử hình đã được đặt ra từ nhiều năm nay, trong các hình thức thi hành án tử hình, tiêm thuốc độc có nhiều ưu điểm hơn trong việc khắc phục những bất cập hiện nay trong thi hành án tử hình và có tính khả thi.

Hơn nữa, nếu quy định thực hiện thi hành án tử hình bằng cả hai hình thức tiêm thuốc độc và xử bắn đỏi hỏi phải có cơ chế giải quyết để người phải chấp hành án lựa chọn hoặc do cơ quan có thẩm quyền lựa chọn và vẫn phải duy trì cách thức tổ chức, cũng như các điều kiện thi hành án bằng xử bắn, vừa tạo ra sự không thống nhất trong thực hiện và gây tốn kém không cần thiết.

“Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về hình thức thi hành án tử hình như dự thảo Luật” – bà Lê Thị Thu Ba nói.

Ngoài ra, theo bà Thu Ba, về việc giải quyết cho nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình, đa số ý kiến ĐBQH đề nghị quy định cho phép thân nhân của người bị thi hành án tử hình được nhận tử thi về an táng; ngoài ra cũng có ý kiến đề nghị không quy định vấn đề này trong dự thảo Luật.

Tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định việc giải quyết cho nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình. Theo đó, trước khi thi hành án tử hình, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được gửi đơn đến Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm đề nghị giải quyết cho nhận tử thi về an táng và phải cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí.

Kết quả tổng hợp ý kiến ĐBQH, có 239/304 ý kiến nhất trí quy định giải quyết cho nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình.

Chiều 17/6, Luật thi hành án hình sự được đa số ĐBQH tán thành (86,61%). Như vậy, Quốc hội đã thông qua toàn bộ dự án Luật thi hành án hình sự. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.

Cũng trong ngày 17/6, 6 Luật khác cũng được Quốc hội tán thành thông qua với đại đa số phiếu, gồm: Luật bưu chính (85,8%), Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (85,8%), Luật người khuyết tật (87,02%), Luật nuôi con nuôi (87,83%), Luật trọng tài thương mại (85,8%), Luật an toàn thực phẩm (87,22%).

Kiều Minh
Bình luận
vtcnews.vn