Hai Bộ tranh luận quyết liệt về “bán nhà trên giấy”

Thời sựThứ Tư, 16/06/2010 01:24:00 +07:00

(VTC News) - Bộ Xây dựng nói được bán nhà tại các khu đô thị mới sau khi đã giải phóng mặt bằng, Bộ Tư pháp bảo chỉ được bán khi đã xây xong phần móng.

(VTC News) - Bộ Xây dựng hướng dẫn chủ đầu tư được phép huy động vốn sau khi “đã giải phóng mặt bằng, bắt đầu triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật” (bán nhà trên giấy). Trong khi Bộ Tư pháp cho rằng hướng dẫn như trên là trái luật, vì Luật Nhà ở quy định nhà đầu tư chỉ được phép huy động vốn sau khi “đã xây dựng xong phần móng”.

Sự việc bắt đầu tư cuối tháng 3/2010, khi Bộ Xây dựng có công văn (số 02,03) hướng dẫn một số DN được phép huy động vốn là sau khi dự án đã được UBND TP Hà Nội cho phép đầu tư và chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng, bắt đầu triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật (dư luận vẫn gọi là "bán nhà trên giấy" - PV).Bộ Xây dựng cho rằng khi ban hành công văn trên, đã căn cứ theo Thông tư 04/2006 của Bộ hướng dẫn DN về việc huy động vốn và bán nhà tại các dự án khu đô thị mới.

 

Ngay sau đó, Cục Kiểm tra Văn bản, Bộ Tư pháp cho rằng Thông tư 04/2006 của Bộ Xây dựng đã vi phạm Luật Nhà ở. Bởi Luật Nhà ở quy định khác hẳn: "Trường hợp chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở, thì chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã xây dựng xong phần móng". Theo Bộ Tư pháp, Thông tư 04 cho phép chủ đầu tư được huy động vốn từ khi “chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng và bắt đầu triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật theo giai đoạn đầu tư” là không đúng quy định tại Luật Nhà ở.

 

Trong khi hai bộ đang tranh cãi quyết liệt về tính hợp pháp của quy định bán nhà trên  giấy thì ngoài thực tế, dự án chung cư này (tại huyện Thanh Trì, HN) đã được bán cho các hộ dân nhưng sau 4 năm kể từ ngày khởi công, nó vẫn chỉ là một bãi cỏ hoang, còn người dân đã trót góp vốn thì dở khóc dở cười (Ảnh: Lê Minh) 


Sau khi bị “tuýt còi”, Bộ Xây dựng đã có công văn trả lời Cục Kiểm tra văn bản, rằng nội dung hướng dẫn này hoàn toàn phù hợp với Nghị định số 02/2006 quy định về thời điểm nhà đầu tư được phép huy động vốn.

 

Theo lý giải của Bộ Xây dựng, dự án khu đô thị mới có quy mô lớn, thường từ 50 ha trở lên, trong dự án có rất nhiều loại công trình và dự án khác nhau từ khu dân cư đến hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công viên, cây xanh và các dịch vụ đô thị khác. Ngoài chủ đầu tư cấp một, còn các chủ đầu tư thứ phát tham gia đầu tư từng phần trong phạm vi dự án. Nghị định số 2 và Thông tư 04 chỉ điều chỉnh việc huy động vốn của chủ đầu tư cấp một của dự án khu đô thị mới và không điều chỉnh việc huy động vốn của các chủ đầu tư thứ phát.

 

Không đồng tình với lý giải của Bộ Xây dựng, Cục Kiểm tra văn bản lại vừa có công văn thứ hai tái đề nghị Bộ Xây dựng phải rà soát và xử lý lại 3 văn bản hướng dẫn bán nhà trên giấy mà bộ đã ban hành vì có thể dẫn đến việc các DN hiểu và thực hiện việc huy động vốn đầu tư vào nhà ở trái với điều 39 của Luật Nhà ở năm 2005.

 

Theo Cục Kiểm tra văn bản, trên thực tế, hiện nay tại nhiều dự án khu đô thị mới, các chủ đầu tư đã thực hiện việc huy động vốn đối với các dự án nhà ở căn cứ vào hướng dẫn nêu trên của Bộ Xây dựng mà dư luận vẫn gọi là “bán nhà trên giấy”, “bán lúa non”, có thể gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân trong khu đô thị mới, nguy cơ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản gây ra những hậu quả khó lường về kinh tế - xã hội.

 

Cục Kiểm tra văn bản khẳng định, không có ý kiến gì về việc huy động vốn đối với các loại hạ tầng khác trong khu đô thị mới, nhưng việc huy động vốn tại các dự án nhà ở (cũng là một nội dung hướng dẫn trong 2 công văn 02,03 của Bộ Xây dựng), cần phải đảm bảo phù hợp với Luật Nhà ở năm 2005 là “chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở, thì chỉ được áp dụng trong các trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã được xây dựng xong phần móng”.

 

Theo Cục Kiểm tra văn bản, tại Luật Nhà ở cũng đã quy định: “trường hợp có sự khác nhau của Luật này với pháp luật có liên quan về sở hữu nhà ở, phát triển, quản lý việc sử dụng, giao dịch về nhà ở… thì áp dụng quy định của luật này”. Như vậy, việc huy động vốn đối với các dự án nhà ở bất kỳ ở đâu và lúc nào thì cũng phải thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở.

 

Mặt khác, Cục Kiểm tra văn bản này cho rằng Nghị định số 02/2006/NĐ có hiệu lực trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực (ngày 1/7/2006). Như vậy, từ thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực, các nội dung của Nghị định này phải được bãi bỏ để phù hợp với quy định của Luật Nhà ở. Ngay cả các khu đô thị mới, nếu có dự án xây dựng nhà ở thì việc huy động vốn đối với người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở cũng phải thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở là “đã xây dựng xong phần móng”, không thể thực hiện các quy định của Nghị định này đối với dự án nhà ở như đối với các dự án khác tại khu đô thị mới.

 

Từ những phân tích trên, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Xây dựng có những xử lý phù hợp theo quy định để các chủ đầu tư, người mua, người thuê nhà ở hiểu và thực hiện đúng, thống nhất theo quy định của Luật Nhà ở.

 

Ngọc Linh

Bình luận
vtcnews.vn