Quốc hội nóng bỏng chuyện cho nước ngoài thuê đất rừng

Thời sựThứ Sáu, 11/06/2010 05:37:00 +07:00

(VTC News) - Sáng nay (11/6), QH đã dành thời gian chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát.

(VTC News) - Sáng nay (11/6), QH đã dành thời gian chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát. Vấn đề cho một số nhà đầu tư nước ngoài thuê đất rừng với diện tích lớn (gần 400.000 ha - tương đương diện tích tỉnh Tây Ninh), thời gian dài tới 50 năm, tại những nơi gần biên giới là trọng yếu về mặt an ninh quốc phòng, đã trở thành tâm điểm của phiên chất vấn.

Đất do địa phương cho thuê, bộ chỉ quản lý rừng

Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) về lợi hại và vai trò của Bộ NN&PTNT trong việc để cho nhà đầu tư nước ngoài thuê diện tích đất rừng lớn, thời gian dài và ở những nơi trọng yếu như vậy trong khi nông dân thiếu đất canh tác, Bộ trưởng NN&PTNT phân trần: Nếu nói "đã cho thuê" là thiếu chính xác vì “10 địa phương mới chỉ chấp thuận về mặt chủ trương. Theo Luật Đầu tư và Luật Đất đai, thì việc xem xét đầu tư đất lâm nghiệp thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, các bộ chỉ được có ý kiến khi địa phương yêu cầu”.

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị): Trong khi nông dân thiếu đất canh tác thì việc cho nước ngoài thuê đất rừng trong thời gian dài, ở những nơi trọng yếu về quốc phòng an ninh thì lợi hại gì? (Ảnh: TTXVN)

Được mời lên để làm rõ hơn xung quanh vấn đề có đảm bảo an ninh quốc gia hay không, ĐB Lê Quang Bình (Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của QH) đưa ra con số: Đã có 19 dự án được cấp phép tại 18 địa phương chứ không phải 10 địa phương. Diện tích đất rừng không phải là 305.000ha mà lên tới 398.000 ha, trong đó các nhà đầu tư mới sử dụng 33.000ha.

 

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh: “Diện tích đã cho thuê hầu hết nằm ở khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh và ở rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn”. ĐB Lê Quang Bình đề nghị các địa phương không cấp giấy đầu tư mới, trường hợp đã cấp thì phải xem xét lại việc giao đất, trong đó ưu tiên giao cho hộ gia đình và công ty trong nước trồng rừng. Đồng thời, ông Bình đề nghị Chính phủ có biện pháp xử lý đối với 33.000 ha đã giao, xem xét lại việc phân cấp việc cấp phép đầu tư cho các địa phương.

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc, khi được mời lên giải trình thêm, khẳng định rằng có thể rút lại giấy phép mà không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Theo bộ trưởng Phúc, đầu tư không chỉ dựa vào Luật Đầu tư mà còn phải xem xét các luật khác. “Cái nào quy mô hợp lý thì cho tiếp tục, cái nào vượt quá, không an toàn, có ý định chiếm đoạt đất đai thì thu hồi lại”, bộ trưởng Phúc nêu quan điểm.

Để trấn an các ĐB, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư so sánh, vừa qua sân golf cũng cấp phép rồi nhưng vẫn rút lại được. Và ông khẳng định sẽ xử lý vấn đề cho nước ngoài thuê đất rừng “kiên quyết xử lý như xử đã lý sân golf”.

Từ các thông tin mà Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh và Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cung cấp, ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng diện tích đất rừng cho nước ngoài thuê bằng diện tích tỉnh Tây Ninh mà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT không nắm rõ thì trách nhiệm đó thuộc về Bộ trưởng. ĐB Xuân cho rằng nếu dư luận không phản ánh kịp thời vấn đề này không biết đến bao giờ mới được đưa ra để giải quyết.

Thậm chí, ĐB Xuân còn chỉ trích cách quản lý và điều hành của người đứng đầu Bộ NN&PTNT. ĐB này đã khiến nghị trường nóng lên khi đề nghị QH “xem xét chỉ số tín nhiệm” đối với Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, vì cho rằng Bộ trưởng đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) chất vấn gay gắt với phần trả lời của Bộ trưởng NN&PTNT (Ảnh: TTXVN) 


Trả lời trước sự bức xúc của ĐB Xuân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: “Bộ NN&PTNT quản lý rừng, Bộ Tài nguyên quản lý đất. Các địa phương cho thuê đất chứ không cho thuê rừng”. Bộ trưởng Phát khẳng định lại việc cấp giấy phép đầu tư đã phân cấp cho địa phương, nhưng khi địa phương quyết thì không hỏi ý kiến Bộ NN&PTNT.

Tuy nhiên, Bộ trưởng NN&PTNT cũng tự nhận là có trách nhiệm trước những vấn đề quan trọng của đất nước. Ông cũng khẳng định: “Chúng tôi đã làm đúng quy định của pháp luật, nếu không đúng, tôi xin chịu trách nhiệm”.

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Bộ NN&PTNT quản lý rừng, Bộ Tài nguyên quản lý đất. Các địa phương cho thuê đất chứ không cho thuê rừng" (Ảnh: TTXVN)

Nông dân lãi 30% là khó

Vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa sang đất phi nông (làm các khu công nghiệp, xây dựng… ) được nhiều đại biểu đề cập tới. ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắk) cho biết ở Trung Quốc, muốn chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp phải do Quốc vụ viện quyết định, còn ở nước ta đất nông nghiệp trồng lúa dọc các đường quốc lộ bị xây thành KCN rất nhiều, sắp tới 3 vạn ha đất nông nghiệp sẽ biến mất khi quy hoạch thủ đô, Bộ trưởng có suy nghĩ gì trước thực tế này? 

“Để có 1cm2 đất tự nhiên thì phải mất 100 năm hình thành”, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết. Thế nhưng cũng chính bộ Bộ trưởng NN&PTNT thừa nhận, hiện có 168 vạn ha đất trồng lúa đã được chuyển đổi mục đích. “Đất lúa chỉ còn 4 triệu ha. Hiện nay, mở rộng đất trồng lúa rất khó, chỉ có ít đi nên việc bảo vệ cho đời sau là rất quan trọng”. Cũng theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương báo cáo Thủ tướng; đồng thời cũng giao Bộ nhiệm vụ xây dựng Nghị định về đất lúa, quý 3 năm nay Bộ sẽ trình.

Vấn đề hỗ trợ để nông dân sản xuất lãi được 30% cũng được nhiều ĐB đặt ra với người đứng đầu ngành nông nghiệp. ĐB Nguyễn Danh Út (Tiền Giang) và ĐB Hồ Thị Thu Hằng (Long An) thắc mắc việc giá thành sản xuất nông nghiệp hiện nay được xây dựng theo mức bình quân của cả nước trong khi có những vùng điều kiện sản xuất không được thuận lợi nên nông dân thậm chí lỗ, chứ không thể lãi tới 30%.

Thừa nhận là có thực tế như vậy, Bộ trưởng NN&PTNT giải thích phải tính trung bình vì có thể lúa gạo ở mỗi vùng mỗi tỉnh năng suất và chi phí khác nhau nhưng giá trên thị trường là một. Bộ trưởng NN&PTNT hứa sẽ hỗ trợ nông dân giảm giá thành để có lãi cao hơn.

Trước câu hỏi của ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) về nạn phân giả, thuốc trừ sâu giả và các biện pháp của Bộ NN&PTNT trong thời gian tới, Bộ trưởng Phát thừa nhận đó là trăn trở lớn, là trách nhiệm của ông đối với bà con nông dân. "Chúng tôi đã cố gắng nhưng cần quyết liệt hơn nữa”, Bộ trưởng NN&PTNT tự đánh giá.

Cũng về vấn đề thuốc bảo vệ thực vật, ĐB Hồ Thị Thu Hằng (Long An) nêu vấn đề thời gian qua có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cực độc được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, trách nhiệm quản lý của Bộ NN&PTNT đến đâu? Cũng như việc nhận trách nhiệm đối với vấn nạn thuốc trừ sâu giả, phân bón giả, Bộ trưởng NN&PTNT thừa nhận đây cũng là vấn đề trăn trở đối với ông.

“Chúng tôi đang rất cố gắng để kiểm soát việc này bằng cách ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng”. Nhưng ông cũng bày tỏ sự lo ngại thực tế về nạn buôn lậu mặt hàng này.

Nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đánh giá: "Hiếm có phiên nào sôi động, tập trung, kịch tính như vậy, các ý kiến góp chân thành".

Chủ tịch QH đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng NN&PTNT là chân thành, cầu thị, cái gì làm được thì sẽ cố gắng, cái gì chưa làm được thì nhận khuyết điểm. Tuy nhiên, “nhiều vấn đề hóc búa Bộ trưởng trả lời chưa được rõ lắm”, Chủ tịch QH nhận xét.



Ngọc Linh
Bình luận
vtcnews.vn