Trục Thăng Long: Trục tâm linh, kinh tế hay giao thông?

Thời sựThứ Sáu, 04/06/2010 06:40:00 +07:00

(VTC News) – Đồng tình cần sớm có Quy hoạch chung Thủ đô nhưng các ĐBQH vẫn tiếp tục đưa Trục Thăng Long và Trung tâm hành chính QG lên bàn “mổ xẻ”.

(VTC News) - Dù đồng tình phải có quy hoạch chung Thủ đô nhưng đa số các ĐBQH vẫn đưa Trục Thăng Long và Trung tâm hành chính quốc gia lên bàn “mổ xẻ”.

Trục Thăng Long là trục tâm linh, trục kinh tế hay trục giao thông?

ĐB Nguyễn Ngọc Đào cho rằng, đã đến lúc Quy hoạch chung Thủ đô cần được xem xét, thông qua, nếu không thì “ta” không biết phát triển thế nào. Tuy nhiên, góp ý cho đồ án, ĐB Đào đề nghị Chính phủ trả lời trục Thăng Long là trục tâm linh, trục kinh tế hay trục giao thông? Theo ĐB Đào nếu là trục tâm linh thì đã có trục Bắc – Nam.

Cũng quan tâm đến nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường nêu, trục Thăng Long có phía trên là đường 32, phía dưới là đường Láng - Hòa Lạc, trục chạy giữa vùng xanh chiếm 70% diện tích quy hoạch, vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ lợi ích kinh tế của trục Thăng Long như thế nào đối với phát triển KTXH, cũng như ảnh hưởng đến đời sống người dân Thủ đô?

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan (Ảnh: Kiều Minh)
Cùng thắc mắc về trục Thăng Long, ĐB Phạm Thị Loan cho rằng, Quy hoạch chung cũng chưa nêu rõ làm sao khai thác được Thủ đô mới sau khi sáp nhập.

“Theo phân bố không gian Thủ đô, tôi thấy chưa đạt được mục tiêu, hiện mới chỉ sử dụng khoảng 30% diện tích, còn lại 70% tôi thấy vẫn như cũ, đồ án cho “nó” là vành đai xanh nhưng thực ra là chưa đụng chạm đến “nó”. Quy hoạch chung định hướng 5 đô thị vệ tinh tôi chẳng thấy có gì mới, trục thăng Long cũng đã vào dự án cả rồi (các khu chung cư, biệt thự, khu công nghiệp…). Chúng ta dựa trên cái cũ và có vẻ như hợp thức hóa những dự án mà chúng ta đã cấp phép, đặc biệt là trục Thăng Long, tôi thấy có gì đấy không bình thường”.

ĐB Loan lý giải, hiện Đông Anh, Sóc Sơn đất còn nhiều mà chúng ta không tập trung cho khu vực này. Chúng ta không mô tả khu vực này mà lại mô tả trục Thăng Long, đưa lên bức tranh cực kỳ đẹp - nên người dân thấy đẹp mới tập trung về mua đất…

Trước những ý kiến trên, ĐB Hà Văn Hiền (Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội) cho rằng: “Trục Thăng Long chúng tôi coi như 1 điểm nhấn quan trọng, không chỉ là mục tiêu giao thông mà còn là phục vụ phát triển. Chỉ có điều ta nên xem lại quy mô của trục”.

“10 năm nữa chúng ta lên Ba Vì làm - tôi chẳng tin!”

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo (Ảnh: Kiều Minh) 
Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã dành khu đất dự trữ tại Ba Vì để trong tương lai, sau năm 2050 xây dựng các cơ quan Chính phủ. Về nội dung này, ĐB Nguyễn Ngọc Đào yêu cầu Chính phủ phải có thật đầy đủ các loại thông tin, trả lời đầy đủ câu hỏi về hệ quả của việc phân bố dân cư như thế nào? “Chả lẽ các trí thức, đại gia lên Ba Vì, còn bà con Ba Vì lại về Hà Nội ở, nếu không thì bà con Ba Vì ở đâu?” - ĐB Đào đặt câu hỏi.

ĐB Phạm Thị Loan cũng thẳng thắn: “Tôi cũng không đồng tình lý do vì sao ta lại đưa Trung tâm hành chính lên Ba Vì, bao giờ thì “nó” có? 10 năm nữa tôi không tin! Vì tôi theo dõi khu công nghệ cao Hòa Lạc hay khu Đại học ở Hòa Lạc tới 12 năm nay chưa ra hình hài gì. Theo Quy hoạch chung thì 10 năm nữa chúng ta lên Ba Vì làm – tôi chẳng tin!”

ĐB Đỗ Căn thắc mắc, Chính phủ cần làm rõ thêm tại sao tách Trung tâm chính trị và hành chính? Thực trạng hiện nay ngay cả các Bộ đang ở nội thành thì mỗi Bộ xây trụ sở ở chỗ khác nhau, giờ lại có Quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia về Ba Vì. “Nếu nhất quán thế thì cho các Bộ xây dựng trụ sở làm gì? Chính phủ nên giải trình thêm việc này” – ĐB Căn đề nghị.

Nói rõ hơn về quỹ đất dự trữ cho Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: “Chúng ta đã quyết định Trung tâm chính trị ở chỗ cũ rồi (Ba Đình), còn Trung tâm hành chính ở Ba Vì  thì chúng tôi sẽ làm rõ trong Đồ án”.

Thảo luận về việc đưa Trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì trong Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô tại đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, ĐB Trần Du Lịch bày tỏ: “Cái khó nghe, khó chấp nhận nhất chính là tách Trung tâm chính trị và hành chính, bởi không có nước nào hiểu trung tâm chính trị và trung tâm hành chính là hai cả. Nếu theo quy hoạch thì ông đứng đầu ở Ba Đình còn ông thực thi ở trên Ba Vì. Mà ở Ba Vì là sau 2050, vậy từ nay đến đó người dân Ba Vì làm cái gì”?

ĐB Tất Thành Cang cũng dẫn lời vị giáo sư đã quy hoạch đất nước
Singapore rằng “Nếu quy hoạch đúng thì tự nó sẽ làm kinh tế phát triển”. ĐB Cang nói: “Tôi tìm hết trong này nhưng không thấy có nguyên tắc chung khi quy hoạch chung Hà Nội là gì? 40 năm nữa Ba Vì là Trung tâm Hành chính, vậy thì trước khi thành trung tâm hành chính Ba Vì là cái gì? Tôi có cảm giác xới Hà Nội lên làm mới hết. Xem đoạn phim về Hà Nội sau năm 2050 không thấy được cái hồn dân tộc của Hà Nội đâu, toàn thấy nhà cao tầng, xe điện Metro chạy vù vù. Đầu tư cho thủ đô là đúng nhưng không vì thế mà cắt hết mọi nguồn để đầu tư cho Hà Nội


Kiều Minh – Lê Hạnh
Bình luận
vtcnews.vn