ĐB Nguyễn Lân Dũng: “Không đồng ý khái niệm rau sạch”

Thời sựThứ Tư, 02/06/2010 07:55:00 +07:00

(VTC News) – “Tôi không đồng ý khái niệm rau an toàn”, “Tôi không tán thành với cơm bụi", "không thể có chuyện máy ozon moi được thuốc trừ sâu trong lá rau"...

(VTC News) – “Tôi không đồng ý khái niệm rau an toàn”, “Tôi không tán thành với cơm bụi", không thể có chuyện máy ozon moi được thuốc trừ sâu trong lá rau…

ĐBQH Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: TD) 
Góp ý kiến trước Quốc hội về dự thảo Luật An toàn thực phẩm (ngày 1/6), ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) ghi nhận, Luật ATTP được nhân dân và các nhà khoa học rất quan tâm, tuy nhiên, “Tôi thấy nổi bật lên một vài chuyện mà chúng ta lo mãi vẫn chưa được”.

Về chuyện rau an toàn, ĐB Lân Dũng bày tỏ: “Tôi không đồng ý khái niệm "rau an toàn" vì rau thì phải an toàn chứ một loại rau an toàn, một loại rau không an toàn. Tôi không đồng ý khái niệm "rau sạch" vì rau phải sạch chứ không phải có loại "rau sạch" loại "rau không sạch". Tôi cũng không đồng ý loại "rau hữu cơ" vì rau nào mà chẳng là rau hữu cơ, làm gì có "rau vô cơ".

Theo đó, ĐB Lân Dũng đề nghị một khái niệm mới đó là rau có bảo đảm, tức là có nơi có thể đảm bảo được rau đó là rau không có chất độc, không có vi sinh vật.

Với vấn đề “cơm bụi", ĐB Lân Dũng cũng không tán thành với một khái niệm mà "không nước nào có”. “Tôi không thể hiểu được tại sao lại chấp nhận cơm ăn với bụi cho nên tôi đồng ý khái niệm "cơm bình dân", "cơm giá rẻ" nhưng phải ở trong nhà, "cơm bụi" là cơm ở ngoài đường, không có nước nào bán cơm ở ngoài đường, cho nên tôi đề nghị xóa bỏ khái niệm "cơm bụi".

ĐB Lân Dũng tiếp tục với vi sinh vật trong thực phẩm: “Nếu như Bộ Y tế cho phép chúng tôi có một đề tài công bố các vi sinh vật có trong thực phẩm đường phố thì có thể nói là chúng ta sẽ rất bất ngờ. Ví dụ nước mía, nông dân đã đem mía ngâm xuống ao để cho có nước nhiều, sau đó đem róc vỏ xong dựng ở gốc cây, ruồi bâu rồi ép lấy nước uống, lấy cốc người ta vừa uống xong nhúng vào một chậu nước nhỏ lại cho người khác uống, cho nên tất cả những người nước ngoài uống nước mía đều bị ngộ độc”.

Theo đó, cần phải có một công bố về số lượng vi sinh vật trong thực phẩm đường phố. “Nếu Bộ Y tế giao trách nhiệm, chúng tôi sẽ nhận trách nhiệm này” – ĐB Lân Dũng đề nghị.

Về vấn đề nước tương, ĐB Lân Dũng cũng nêu rõ, nước tương làm bằng thủy phân, đậu tương, bằng axitphoric thì sinh ra 2 chất mà Bộ Y tế nói có khả năng gây ung thư là 3MCPD. Nhưng theo các chuyên gia sinh học Australia thì nói rằng cái đó nó phụ thuộc vào nước người sử dụng bao nhiêu một ngày, chúng ta dùng nước chấm rất ít. Cho nên chưa nghiên cứu kỹ mà đã cấm và đã hủy bỏ thì chúng ta không có magi để ăn…”

ĐB Lân Dũng cũng đề nghị lưu ý việc quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn. Ví dụ, hiện nay rất nhiều người xem truyền hình thấy có một loại nước mắm không có vi khuẩn. Như vậy coi như hiểu rằng các loại nước mắm khác có vi khuẩn cả.

“Nước mắm, tôi xin nói độ muối như vậy không thể có vi khuẩn được. Thậm chí trên truyền hình lại nói nước mắm đun sôi vẫn có vi khuẩn. Tôi không hiểu các nhà truyền hình lấy căn cứ ở đâu mà lại nói như vậy, làm như mỗi loại nước mắm được truyền hình đó không có vi khuẩn mà thôi và nhiều công bố rất sai lệch. Ví dụ, ở tỉnh tôi rau được chở vào một bể sục ôzôn vào coi như rau an toàn. Ôzôn chẳng khác gì thuốc tím, ôxi hóa chỉ diệt được vi khuẩn không bào tử, tuyên truyền là ôzôn moi được thuốc trừ sâu từ trong rau ra, tôi thấy là một tuyên truyền hết sức không khoa học, nhưng mọi người đều tin, đều mất tiền mua máy ozon để moi thuốc trừ sâu ở trong lá rau ra, không thể có chuyện đó được. Nó đã thâm nhập vào các mô của thực vật rồi, không thể lấy ra được đâu”.

Từ những dẫn chứng trên, ĐB Nguyễn Lân Dũng cho rằng, với dự thảo Luật ATTP, chúng ta nên để mức vừa phải có thể thực hiện được, để mức quá cao rồi không thực hiện được.

Luật An toàn thực phẩm sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 17/6 tới.

Thảo luận về dự thảo Luật ATTP, các ĐBQH cũng nêu trước Quốc hội các ý kiến như: Đề nghị cấm sử dụng các loại bao bì gây ô nhiễm, gây độc hại cho thực phẩm, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng" ví dụ như những cái chai, cái lọ, cái hộp, những hộp xốp, những túi nhựa nilông... Đồng tình về việc dự thảo luật giao cho Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Nhất trí quy định những điều kiện đảm bảo đối với thức ăn đường phố, tuy nhiên nên mở rộng phạm vi, bởi không chỉ thức ăn đường phố mới là vấn đề mà xã hội cần quan tâm và cần có những điều kiện để đảm bảo hợp vệ sinh mà còn nhiều trường hợp khác cần đưa vào luật như thức ăn trong các nhà trường, khách sạn, trong thức ăn của công nhân, nhà trẻ…                                      

Kiều Minh
Bình luận
vtcnews.vn