Chưa chọn được mô hình tổ chức cơ quan thanh tra

Thời sựThứ Hai, 31/05/2010 06:07:00 +07:00

(VTC News) - Sáng nay (31/5), QH đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra 3 dự án luật gồm: Thanh tra, Thuế tài nguyên và Luật Khoáng sản.

(VTC News) - Sáng nay (31/5), QH đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra 3 dự án luật gồm: Thanh tra, Thuế tài nguyên và Luật Khoáng sản. Về dự án Luật Thanh tra, điểm quan trọng và gây tranh cãi nhất là xác định địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan thanh tra.

Theo dự thảo Luật Thanh tra, Thanh tra Chính phủ vừa là cơ quan ngang bộ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, vừa là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ thanh tra những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ. Thanh tra các bộ, địa phương là cơ quan tham mưu, giúp việc Thủ trưởng cơ quan cùng cấp.


Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban pháp luật của QH đề nghị cần nghiên cứu xác định lại địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này cho phù hợp. Bởi vì, một cơ quan cấp bộ trong bộ máy nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước về ngành, lĩnh vực được phân công.


Trong khi đó, theo quy định của dự thảo Luật, thì Thanh tra Chính phủ lại có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu như một cơ quan tham mưu, giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ (báo cáo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra). Tương tự như vậy, cơ quan thanh tra các cấp được tổ chức tại cơ quan quản lý nhà nước, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Mặt khác, thanh tra là một nội dung quản lý nhà nước gắn với hoạt động quản lý nhà nước của một bộ, ngành, một cấp chính quyền nhất định mà không phải là một ngành, lĩnh vực độc lập.


Vì vậy, vấn đề quan trọng đặt ra khi sửa đổi Luật Thanh tra là cần nghiên cứu, đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra theo hướng nào. Nếu giữ địa vị pháp lý của Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ như hiện nay thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải mang tính độc lập và tự chịu trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thanh tra.


Theo Ủy Ban pháp luật, những sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa địa vị pháp lý và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra; chưa tương xứng với vị trí của một cơ quan ngang bộ có chức năng quản lý ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước.


Báo cáo thẩm  tra cũng nêu một số ý kiến cho rằng, trong điều kiện chưa thể đổi mới tổ chức bộ máy thanh tra thì trước mắt, vẫn nên giữ vị trí, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, ngành, địa phương như hiện nay. Vì vậy, tán thành với quy định của dự thảo Luật xác định Thanh tra Chính phủ vừa là cơ quan ngang bộ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, vừa là cơ quan giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thanh tra những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.


Tuy nhiên, nếu giữ địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra như dự thảo Luật, thì những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này cũng cần được thiết kế lại để bảo đảm tính chủ động hơn nữa của các cơ quan thanh tra.

 

Chiều mai (1/6), QH sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Thanh tra.

Nhật Anh

Bình luận
vtcnews.vn