Cậu bé suy thận ham học giành giật từng phút sống

Thời sựThứ Hai, 07/06/2010 06:30:00 +07:00

(VTC News) - Cậu bé mới 10 tuổi đang phải ngày ngày giành giật sự sống vì căn bệnh suy thận giai đoạn cuối. Cậu bé không có bố. Mẹ cậu lại mắc bệnh tâm thần.

(VTC News) - Cậu bé mới 10 tuổi đang phải ngày ngày giành giật sự sống, chiến đấu cùng căn bệnh suy thận giai đoạn cuối. Cậu bé không có bố, còn mẹ cậu đã nhiều năm nay mắc bệnh tâm thần.


Kể về cháu, nước mắt của bà lại rơi


Trong những ngày đi tìm hiểu về cuộc sống của những bệnh nhân mắc căn bệnh thận quái ác, tôi tình cờ được một vị bác sĩ khoa thận ở bệnh viện Bạch Mai giới thiệu về một trường hợp hết sức thương tâm. Cậu bé mới 10 tuổi đang phải ngày ngày giành giật sự sống, chiến đấu cùng căn bệnh suy thận giai đoạn cuối. Cậu bé không có bố, còn mẹ cậu đã nhiều năm nay mắc bệnh tâm thần.

Theo tờ địa chỉ được ghi cẩn thận, tôi tìm về gia đình em Nguyễn Văn Thường, bà Đinh Thị Xê ở thôn 3, xã Vạn Phúc (Thanh Trì, Hà Nội).

Bữa cơm của hai bà cháu vẫn thường chỉ có rau khoai lang luộc với cơm trắng

Giữa trưa nắng hè oi ả, bà Xê đang lọ mọ hái rau khoai lang ở mảnh vườn trước nhà. Thấy có khách, bà cất vội rổ rau đáng hái, niềm nở mời tôi vào nhà. Căn nhà cấp 4 nhỏ nhắn nhưng mới được sửa lại khá sạch sẽ. Bà Xê khoe: “Nhờ các nhà hảo tâm giúp đỡ nên tôi mới xây lại được cái nhà này. Trước nó dột tứ tung”. Khi hỏi về bé Nguyễn Văn Thường, bà cho biết: “Cháu nó đã lên viện Bạch Mai điều trị mấy ngày hôm nay. Phải tới cuối tuần cháu mới về chơi với bà rồi đầu tuần sau lại trở vào viện”.

Bà Xê cho biết, căn bệnh suy thận của Thường đã ở giai đoạn cuối nên mặt và chân tay của Thường phù to, bụng phình như cái trống. Những lúc trời nắng to, huyết áp tăng cao Thường lại ngất đi. Chuyện bị ngất xảy ra với Thường như cơm bữa.

Cách đây không lâu, sau khi Thường bị ngất, mọi người trong nhà làm mọi cách cậu bé vẫn không tỉnh dậy. Lo lắng, bà Xê chạy vạy khắp nơi được 200 nghìn đưa Thường lên bệnh viện. Số tiền 200 nghìn ít ỏi này cũng là do bà vay được ở nhà ông trưởng thôn rồi trừ vào tiền người ta thuê ruộng cấy mỗi năm. Trên bệnh viện, bà Xê được các bác sĩ thông báo, hai quả thận của Thường bắt đầu chuyển sang màu đen, sự chuyển hóa thức ăn đã không còn ý nghĩa. 

Chân tay Thường bị phù ra, mặt thường đỏ gay gắt

Các bác sĩ cũng chỉ biết động viên "còn nước thì còn tát": "Ở nhà cháu nó thích ăn gì thì bà mua cho cháu nó ăn". Bà Xê lặng người khi nghe được tin dữ vì bà hiểu sự sống của Thường giờ chỉ còn được tính từng ngày. Từ ngày ở viện về, Thường càng trở nên lầm lì, ít nói hơn. Sợ Thường hay ra nắng huyết áp lại tăng có thể bị ngất, bà Xê dặn dò thì cậu  bé 10 tuổi này đáp lại: "Cháu sắp chết rồi mà bà còn cấm cháu làm gì. Cháu đi với anh Tuấn chứ có đi với ai đâu. Đến giờ là anh Tuấn đưa cháu về". Bà Xê đau xót vì chẳng thể nào cứu được cháu mình.

Hàng đêm bà Xê thường thức rất muộn để quạt cho Thường yên giấc. Sau đó bà cũng chẳng thể chợp mắt vì nhìn thấy cháu bà lại không cầm được nước mắt. “Có nhiều hôm tôi khóc mà thằng bé nghe thấy, nó dậy và hỏi tôi: "Sao bà lại khóc thế”. Tôi không biết trả lời thằng bé ra sao. Anh bảo nhìn thấy nó như thế thì tôi biết làm sao bây giờ?”.

Từ ngày cô Huê, mẹ của Thường bỏ đi cách đây hơn 1 năm, hai bà cháu một già, một trẻ dựa vào nhau để sống. Bữa cơm hằng ngày của hai bà cháu chỉ có rau khoai lang, hay rau muống luộc ăn cùng ít lạc rang muối vừng. Nhiều hôm không có nước mắm, hai bà cháu hòa nước với bột canh để chấm rau. Ngày ngày, bà Xê nhận làm nức thuê (tước vỏ nan để đan quạt) được 10 – 20 nghìn đồng để hai bà cháu rau cháo qua ngày. Song công việc rất thất thường, lúc có lúc không.

Xót lòng cậu bé ham học

Ngày Thường ra đời, làng xóm ai cũng mừng cho gia đình bà Xê vì “cô Huê (mẹ Thường) dở hơi như thế, không chồng mà có được thằng con trai kháu khỉnh". Thế nhưng niềm vui chẳng kéo dài được lâu, lên 2 tuổi toàn thân của Thường bắt đầu bị phù nề, mặt luôn đỏ gay gắt như người mới uống rượu.

Những đứa trẻ cùng tuổi hiện giờ đã học lớp 4 nhưng từ năm ngoái Thường mới được đi học lớp một. Thường rất chăm học và viết chữ rất đẹp. Mỗi lần cô giáo kiểm tra đều cho Thường điểm 10 tròn trĩnh. Nhiều hôm cậu bé còn nói bà: “Cháu thích học hơn thích ăn. Mai cô giáo lại kiểm tra bài tập rồi bà ạ”. Nhưng sau trận đợt ốm thập tử nhất sinh hồi đầu tháng 2, bà Xê đã cho Thường nghỉ học ở nhà để chữa bệnh. Nhiều hôm không phải lên viện, Thường vẫn đem vở ra tập viết lại những bài tập trước kia.

Một ngày kia khi bà Xê khuất núi, Thường sẽ sống ra sao

Trong lúc tôi đang trò chuyện cùng bà Xê, chị Nguyễn Thị Hương (bác của Thường) chạy từ bên nhà đưa sang chiếc điện thoại di động cho bà Xê nghe. Ở đầu dây bên kia vang lên tiếng của Thường: “Bác Hương bảo cháu đi mấy ngày mà bà ở nhà không ăn gì à. Sao bà không ăn. Bà thương cháu thì bà phải ăn nhiều vào chứ… Chiều nay là cháu được về rồi bà ạ”. Nghe điện thoại mà nước mắt bà Xê cứ trào ra, ướt cả tai. Bà không dám để lộ mình đang khóc vì: “Thằng bé này nó rất tinh". Trước những câu hỏi dồn dập của cậu bé, bà Xê chỉ còn biết thanh minh: “Bà vẫn ăn đấy chứ. Chiều mày về đây mà ăn thi với bà nhé…”.

 Với hoàn cảnh khó khăn và đơn chiếc của hai bà cháu cậu bé Nguyễn Văn Thường, riêng việc chữa chạy để duy trì sự sống cho em là một gánh nặng quá lớn trên vai người bà đã già nua, yếu đuối. Vì thế, qua bài viết VTC News mong mỏi bạn đọc và các nhà hảo tâm có thể chung tay mang đến điều kỳ diệu cho cậu bé ham học này.

Địa chỉ gia đình em Nguyễn Văn Thường, bà Đinh Thị Xê ở thôn 3, xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội



Phạm Thịnh

Bạn đọc có thể chia sẻ tình cảm và những thông tin giúp đỡ cậu bé Nguyễn Văn Thường bằng cách bấm vào dòng Viết thảo luận về bài báo dưới đây. Ngoài ra, bạn biết thêm những trường hợp nào khác tương tự cần được giúp đỡ xin gửi thông tin về báo điện tử VTC News. Gõ tiếng Việt có dấu dể được đăng tải. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn