DN "bù" tiền nếu không nhận đủ 1% người khuyết tật

Thời sựThứ Bảy, 29/05/2010 06:46:00 +07:00

(VTC News) – Doanh nghiệp có trách nhiệm tuyển dụng ít nhất 1% người khuyết tật vào làm việc, nếu không tuyển đủ thì phải nộp khoản tiền lương tương ứng…

(VTC News) – Theo dự thảo Luật Người khuyết tật, doanh nghiệp có trách nhiệm tuyển dụng ít nhất 1% người khuyết tật vào làm việc, nếu không tuyển đủ thì phải nộp khoản tiền lương tương ứng…

Đây là một trong hai phương án về giải quyết việc làm, sử dụng lao động là người khuyết tật (NKT) nằm trong dự thảo Luật người khuyết tật vừa được Quốc hội thảo luận chiều 28/5.

Nhận người khuyết tật làm việc: Trách nhiệm hay hảo tâm?

Dự thảo Luật Người khuyết tật quy định, các doanh nghiệp có trách nhiệm tuyển dụng 1% lao động là người khuyết tật (Ảnh: nld.com.vn) 
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, khi lấy ý kiến của ĐBQH về giải quyết việc làm, sử dụng lao động là NKT có hai loại ý kiến khác nhau.

Thứ nhất, quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) nhận NKT vào làm việc, vì quy định hiện hành bắt buộc DN nhận tỷ lệ 2-3% NKT vào làm việc nhưng kết quả rất hạn chế. Đa số các DN không tuyển đủ 2-3% NKT vào làm việc với nhiều lý do như: việc làm tổ chức theo dây chuyền, sức khỏe, trình độ của NKT không đáp ứng được yêu cầu của công việc…

Cùng với đó, các DN cũng chưa thực hiện nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ giải quyết việc làm cho người tàn tật theo quy định.

Theo các ĐB, quy định theo hướng khuyến khích mang ý nghĩa trách nhiệm xã hội đối với DN sẽ tạo sự chủ động trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động là NKT phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với DN nhận nhiều lao động là NKT thì Nhà nước sẽ hỗ trợ thông qua một số chính sách cụ thể.

Tuy nhiên ý kiến thứ hai lại cho rằng, quy định khuyến khích như dự thảo Luật là một “bước lùi” so với chính sách của Pháp lệnh về người tàn tật và pháp luật lao động hiện hành.

Theo đó, nếu chỉ trông chờ vào “lòng hảo tâm” của các cơ quan, tổ chức, DN thì cơ hội có được việc làm của NKT sẽ rất khó khăn. Vì đa số NKT có trình độ thấp, phần lớn chưa qua đào tạo nghề, việc bố trí việc làm cho NKT làm tăng chi phí, nên dù có chính sách khuyến khích nhiều cơ quan, tổ chức, DN vẫn không muốn nhận NKT vào làm việc.

Như vậy, các ĐBQH cho rằng, nên quy định trách nhiệm tuyển dụng (bắt buộc) một tỷ lệ nhất định NKT vào làm việc cùng các chính sách khuyến khích cơ chế tạo lập nguồn tài chính thông qua Quỹ giải quyết việc làm cho NKT do các đơn vị không nhận đủ tỷ lệ lao động là NKT đóng góp. Qua đó, sẽ  tạo điều kiện cho một bộ phận NKT có được việc làm, có thu nhập, có cơ hội để sống độc lập, tự tin hòa nhập vào cộng đồng, xã hội.

Từ 2 ý kiến trên, UB Thường vụ Quốc hội đề xuất 2 phương án trình Quốc hội, theo đó, phương án 1, Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và DN nhận NKT vào làm việc. DN sử dụng nhiều lao động là NKT làm việc thì được ưu đãi về vốn vay theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện làm việc và kinh phí dạy nghề tại DN theo số NKT tuyển dụng vào làm việc.

Chính phủ quy định cụ thể chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức và DN nhận NKT vào làm căn cứ vào tỷ lệ lao động là NKT, quy mô và loại hình DN.

Phương án 2, cơ quan, tổ chức, DN (hoặc cơ quan, tổ chức, DN thuộc khu vực nhà nước) có trách nhiệm tuyển dụng ít nhất 1% NKT vào làm việc. Trường hợp không tuyển đủ tỷ lệ NKT vào làm việc theo quy định thì phải nộp một khoản tiền lương tương ứng với số NKT tuyển còn thiếu vào Quỹ giải quyết việc làm cho NKT.

Phải giám định y khoa với NKT đặc biệt nặng và NKT nặng

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Ảnh: TTXVN) 
Dự thảo Luật Người khuyết tật xác định 3 mức độ khuyết tật là: đặc biệt nặng, nặng và nhẹ. Thảo luận về nội dung này, ĐB Bùi Thị Lệ Phi (Cần Thơ) cho rằng, quy định này chưa hợp lý, có sự chệnh lệch rất lớn.

Bà Phi phân tích, có thể thấy, NKT từ 81% trở lên là mức đặc biệt nặng, không còn khả năng tự phục vụ; NKT từ  61% là mức nặng, không thể phục vụ một số việc cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày – NKT ở 2 mức này sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, hộ trợ. “Trong khi người khuyết tật 60% thì sẽ là… mức nhẹ, như vậy sẽ thiệt thòi cho những NKT trong khoảng 50-60%. Cần có thêm một mức độ trung bình và có chính sách ưu tiên cho những người ở mức này như ưu tiên văn hóa, giải trí, du lịch…” – bà Phi kiến nghị.

Cũng liên quan đến việc xác định mức độ khuyết tật, dự thảo Luật quy định thực hiện xác định khuyết tật bằng phương pháp quan sát trực tiếp NKT. Về quy định này, theo ĐB Mai, có những dạng khuyết tật phải qua giám định, qua y khoa - chỉ quan sát trực quan là chưa đủ và: “Đề nghị có những quy định riêng khi xác định từng mức độ khuyết tật, tôi cho rằng dứt khoát 2 mức độ khuyết tật đặc biệt nặng và khuyết tật nặng phải qua giám định y khoa”.

Giải trình thêm trước Quốc hội về việc xác định 3 mức độ khuyết tật, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, việc xác định 3 mức độ khuyết tật và việc dùng phương pháp quan sát tực tiếp nhng NKT để phân dạng được mức độ nặng, nhẹ là phù hợp với thức tế hiện nay.

Bà Ngân cũng dẫn chứng, điều 20 trong dự thảo Luật cũng có quy định về việc xác định lại mức độ khuyết tật để đảm bảo những khuyết tật nặng có cần tới y khoa, ví dụ như khuyết tật về thần kinh…

Bộ trưởng Ngân khẳng định, sẽ tiếp thu ý kiến của ĐBQH để hoàn chỉnh dự thảo Luật Người khuyết tật trình Quốc hội biểu quyết thông qua trong kỳ họp này.


Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn