Đến lúc Quốc hội thảo luận về xuống cấp đạo đức?

Thời sựThứ Ba, 25/05/2010 01:28:00 +07:00

(VTC News) - Đã đến lúc tình trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phân dân cư được đẩy lên thành một trong những trọng tâm thảo luận của Quốc hội hay chưa?

(VTC News) - Liên tiếp những sự việc đáng báo động về tình trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phận dân cư, như hàng loạt video clip nữ sinh đánh nhau, vụ bé Hào Anh bị đánh đập dã man tại Cà Mau, vụ án xác chết không đầu tại Hà Nội… đã xảy ra. Hiện tượng này là một trong 6 nhóm vấn đề nổi cộm mà cử tri quan tâm, được Mặt trận Tổ quốc VN báo cáo trước các đại biểu Quốc hội.

Đã đến lúc tình trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phân dân cư cần được đẩy lên thành 1 trong những trọng tâm thảo luận về Kinh tế - Xã hội của Quốc hội hay chưa? VTC News đã đặt câu hỏi này với GS.TSKH Đào Trọng Thi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội trong thời điểm kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII đang diễn ra.

- Thưa ông, quan điểm và lý giải của ông như thế nào về hàng loạt sự việc đánh đập, giết người dã man xảy ra vừa qua khiến dư luận hết sức bức xúc và lo ngại cho tình trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phận dân cư?

GS.TSKH Đào Trọng Thi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội

Ông Đào Trọng Thi: Rõ ràng, một loạt hành vi giết người dã man như vậy chứng tỏ nền đạo đức đã có một sự băng hoại.

Vì sao nó xảy ra, theo tôi, có lẽ cuộc sống xã hội đã phức tạp hơn, nền kinh tế thị trường dẫn tới sự phức tạp và đa dạng trong sinh hoạt xã hội, ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục đạo đức và quản lý xã hội, trong khi đó công tác quản lý chưa theo kịp. Sau một số năm tích tụ, bây giờ mới bung ra.

Tôi cho rằng, đây là một hiện tượng cần chú ý, một vấn đề đáng báo động.

- Vậy thì theo ông đã đến lúc nên đưa ra để bàn trước Quốc hội hay chưa về hiện tượng xuống cấp về đạo đức của một bộ phận dân cư?

Có lẽ ở Quốc hội thì người ta có thể bàn, nhưng chưa nên thành chuyên đề riêng. Nó chưa hội đủ, từ sự chuẩn bị của dư luận, đến việc nghiên cứu, phân tích các hiện tượng đó chưa đủ sâu.

Theo tôi, cần bàn kỹ vấn đề này ở ngoài dư luận xã hội đã. Và các cơ quan hữu quan cũng nên đưa vào hoạt động của mình, xem như là một vấn đề có sự chuẩn bị, nghiên cứu để chúng ta có thể đưa thành chuyên đề trao đổi trước Quốc hội.

Khi sự chuẩn bị đủ chín muồi, cần thiết thì đưa vào Quốc hội. Trao đổi trên diễn đàn Quốc hội thì không chỉ đưa ra bàn thảo, không chỉ nói mà còn đề ra giải pháp, những giải pháp mang tầm pháp luật để điều chỉnh những vấn đề như vậy. Cái đó cần phải chuẩn bị, chứ không thể cảm thấy cái là đưa vào ngay.

- Nhưng trong tập hợp những vấn đề cử tri quan tâm mà Mặt trận Tổ quốc báo cáo thì đây là một trong 6 vấn đề cử tri quan tâm?

Đúng là cử tri có đặt vấn đề này ra khi thảo luận chung về kinh tế xã hội. Đây là những nội dung cần phải chú ý chứ chưa phải là một chuyên đề sâu cần bàn thảo trước Quốc hội, vì nó chưa chuẩn bị đầy đủ.

Sự việc bé Hào Anh bị đánh đập dã man với tỉ lệ thương tật lên tới 66,8% đã khiến dư luận bàng hoàng về cách cư xử giữa người và người trong sự vụ này. (Nguồn: Internet) 

Trong báo cáo của Mặt trận Tổ quốc thì mảng kinh tế vẫn là được ưu tiên hơn, trọng tâm hơn. Nhưng theo tôi, đây cũng là một hiện tượng cho thấy, những vấn đề liên quan đến xã hội chưa được quan tâm đúng mức.

Cả trong báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết Quốc hội về kinh tế xã hội cũng cho thấy, Chính phủ vẫn nặng về kinh tế nhiều hơn các vấn đề xã hội. Cái này thể hiện rất rõ, từ nơi được giao thực hiện báo cáo đó, chủ trì thực hiện là Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Tài chính. Toàn là những bộ nghiêng về các khía cạnh kinh tế.

Về người thẩm tra phía Quốc hội cũng thế, là Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra. Các ủy ban khác của Quốc hội trên danh nghĩa cũng được yêu cầu tham gia thẩm tra, nhưng trên thực tế không có điều kiện làm như thế vì báo cáo Chính phủ làm rất gấp, đến trước phiên họp Quốc hội vài ngày thôi, nên không thể tổ chức kịp được. Thậm chí các uỷ ban khác của Quốc hội còn không nhận được bản đầy đủ để tổ chức báo cáo. Mà muốn tổ chức thẩm tra cũng rất khó, bởi vì để tổ chức một phiên họp của ủy ban thì phải tập hợp các thành viên, mà các thành viên đó ở khắp cả nước, làm nhiều việc khác và thành phần kiêm nhiệm rất là cao. Bởi vậy, không dễ gì trong thời gian ngắn, gấp mà làm được.

- Vấn đề xã hội đang nói lại ít được đề cập trong Quốc hội, vậy động thái của ông sẽ như thế nào để có sự cân bằng giữa các vấn đề xã hội và kinh tế?

Theo tôi, cần có cơ chế để báo cáo Chính phủ đến sớm hơn, tạo điều kiện cho các ủy ban khác tiến hành thẩm tra sau đó gửi báo cáo ý kiến thẩm tra đến Ủy ban Kinh tế để họ tập hợp lại, các ủy ban liên quan đến xã hội sẽ có ý kiến nhiều hơn xung quanh vấn đề đó.

Ngoài ra, các ủy ban liên quan đến xã hội như khoa học, văn hoá, xã hội, nên chủ động các phương pháp giám sát, không nhất thiết bám vào báo cáo của Chính phủ, mà có thể chủ động giám sát các nội dung đó.

Về phía Chính phủ nên yêu cầu các Bộ như GD&ĐT, các bộ khác liên quan đến khối văn xã có đóng góp nhiều hơn, dành dung lượng thích đáng hơn trong báo cáo này.

- Từ những việc đó, để đẩy các vấn đề xã hội lên làm báo cáo giám sát tối cao, có thể đưa ra bàn thảo trong các kỳ họp Quốc hội, những người có trách nhiệm cần phải có động thái nào thêm, thưa ông?

Các kỳ họp Quốc hội hằng năm chỉ chọn 2 nội dung làm chuyên đề giám sát tối cao trình bày lên diễn đàn Quốc hội. Kỳ này là giáo dục đại học, kỳ sau là cải cách hành chính. Như vậy nội dung của năm 2010 là xong rồi. Cuối năm nay lại bắt đầu ra nghị quyết để chọn ra 2 vấn đề của năm sau.

Trong rất nhiều của vấn đề của kinh tế, xã hội, chọn vấn đề nào? Năm nay vừa chọn vấn đề của xã hội rồi thì rất khó lại ưu tiên chọn tiếp vấn đề liên quan đến giáo dục lần nữa, vì có bao nhiêu là vấn đề chồng chất lên thế. Hiện nay, thời gian hoạt động của Quốc hội hạn chế. Bởi vậy các báo cáo giám sát cấp ủy ban, thậm chí báo cáo giám sát của Thường vụ Quốc hội cũng chỉ gửi đến các đại biểu quốc hội mà không được trình bày trên diễn đàn.

Theo tôi, để vấn đề chúng ta đang trao đổi đây trở thành nội dung của chuyên đề giám sát tối cao, được thảo luận trên hội trường Quốc hội, thì không phải là dễ. Nhưng của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội của chúng tôi đã chọn nó là chuyền đề giám sát của mình, nhưng cũng chỉ giám sát riêng về nội dung đảm bảo điều kiện vui chơi cho trẻ em. Cuối năm nay chúng tôi sẽ gửi đến báo cáo cho các ĐB, nhưng không có điều kiện để thảo luận.

- Xin cảm ơn ông!


Hiền Lê(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn