Có nên thay xử bắn bằng tiêm thuốc độc cho tử tù?

Thời sựThứ Hai, 24/05/2010 05:00:00 +07:00

(VTC News) – Thay vì bị xử bắn, các tử tù có thể được tiêm thuốc độc để cái chết bớt đau đớn và thi thể được nguyên vẹn, người thi hành giảm bớt áp lực tâm lý.

(VTC News) - Thay vì bị xử bắn, các tử tù sẽ được tiêm thuốc độc để cái chết bớt đau đớn và thi thể được nguyên vẹn hơn, người thi hành cũng giảm bớt áp lực tâm lý.

Sáng nay (24/5), Quốc hội (QH) đã nghe Ủy ban Thường vụ QH báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thi hành án Hình sự (THA Hình sự). Sau đó các đại biểu (ĐB) tập trung thảo luận một số điều còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo luật quan trọng này. Hai vấn đề được các ĐB quan tâm nhất là: Nên thi hành hình phạt tử hình bằng hình thức xử bắn hay chuyển sang tiêm thuốc độc và có nên cho thân nhân của tử tù nhận thi hài hoặc hài cốt của tử tù hay không?

 

Thuốc độc để tử tù bớt đau, người thực hiện bớt áp lực

 

Theo quy định hiện hành, việc thi hành án với tử tù được thực hiện thông qua hình thức xử bắn. Dự thảo luật THA Hình sự đưa ra hình thức mới là tiêm thuốc độc. Theo lý giải của Ủy viên Thường vụ QH, hình thức xử bắn đã bộc lộ nhiều bất cập như về pháp trường, áp lực tâm lý đối với chiến sỹ trực tiếp thi hành án và thân nhân tử tù. Mặt khác, trong các hình thức tử hình đang được nhiều nước áp dụng như xử bắn, ngồi ghế điện, chém… thì tiêm thuốc độc ít gây đau đớn hơn cho tử tù, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn và giảm áp lực cho người thực hiện…

 

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái): "Nên để tử tù chịu đau đớn hành quyết ngắn nhất"

Nhiều ý kiến cũng đồng tình với dự thảo hình thức tử hình mới này. ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) cho rằng, trong điều kiện hiện nay nên để tử tù chịu đau đớn hành quyết ngắn nhất, môi trường sạch nhất mà tiêm thuốc độc thì không có máu chảy, thi thể được toàn vẹn và đảm bảo lại kín đáo.

 

Ngược lại, cũng có ĐB tỏ ra e ngại với hình thức tử hình hoàn toàn mới mẻ này. ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) lo ngại việc bỏ hình thức tử hình bằng xử bắn sẽ giảm bớt tác dụng răn đe, trong khi đó hình hình tội phạm hiện nay rất nghiêm trọng. Theo ĐB này, vẫn nên duy trì tử hình bằng hình thức xử bắn vì hình phạt xử bắn chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm, thời gian thực hiện. Chỉ cần khắc phục khó khăn về trường bắn và người bắn bằng cách xây dựng một số trường bắn tập trung trong các trại tạm giam và sử dụng súng bắn tự động thì sẽ giải quyết được cả vấn đề về trường bắn và áp lực tâm lý cho người thực hiện.

 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lại cho rằng nên dung hòa giữa hai hình thức, tức là quy định cả hai hình thức xử bắn và tiêm thuốc độc. ĐB Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) đề xuất: “Nên quy định người bị tử hình được phép chọn hình thức tiêm thuốc độc hoặc xử bắn”.

 

Đồng tình với đề xuất này, ĐB Hoàng Văn Em (Quảng Trị), bổ sung thêm rằng việc sử dụng cả hai hình thức xử bắn là để tại cơ sở cho Hội đồng THA địa phương vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế. “Nếu vụ án gây bức xúc hoặc căm phẫn dư luận thì có thể đưa ra bắn”, ĐB Em nêu phương án.

Cùng chung quan điểm nên quy định cả hai hình thức tử hình, ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) cho rằng, cần quy định rõ  trường hợp nào thì tiêm thuốc, trường hợp nào là xử bắn để thực hiện cho linh hoạt. ĐB này đưa ra phương án: "Có những vụ xử bắn không thông báo cho dân thì không dùng hình thức xử bắn, nhưng trong điều kiện đặc biệt cần công khai cho người dân thì nên dùng hình thức này".

 

Ngược lại, bảo vệ cho quan điểm chỉ nên quy định hình thức tử hình là tiêm thuốc độc, ĐB Nguyễn Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng nếu quy định cả hai hình thức tử hình thì phải chuẩn bị hai phương án thực hiện, mà trong điều kiện kinh tế còn eo hẹp thì không nên.

 

Nên cho thân nhân tử tù nhận thi thể, tro cốt hay hài cốt?

 

Theo Ủy ban Thường vụ QH, dự thảo không quy định việc cho thân nhân tử tù nhận tử thi vì việc này dễ gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự an toàn xã hội và làm phát sinh các vấn đề cần phải giải quyết như việc bảo quản tử thi, việc tổ chức mai táng. Do đó, dự thảo quy định sau 3 năm kể từ ngày an táng, thân nhân tử tù có thể được nhận hài cốt.

 

Tuy nhiên, ngay chính Ủy ban Thường vụ QH cũng e ngại quy định trên không khả thi do tập quán, có những vùng, miền (như các tỉnh phía nam) không thực hiện việc cải táng nên sẽ không có hài cốt. Bên cạnh đó, có một thực tế là sau khi xử bắn, thân nhân của tử tù tìm mọi cách lấy trộm tử thi (có địa phương tỷ lệ lấy trộm tử thi của tử tù lên tới 90%), dẫn tới khó khăn trong việc quản lý phần mộ của người bị THA tử hình, nhất là khi người thân nhân tử tù muốn nhận hài cốt mà hài cốt không còn.

 

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Nên cho thân nhân của tử tù nhận thi thể tử tù với điều kiện phải cam kết không lợi dụng việc này để gây rối

Chính vì tính phức tạp trong việc cho thân nhân tử tù nhận hài cốt, theo ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), nên thay việc cho nhận hài cốt bằng việc cho nhận tro cốt (sau khi hỏa táng - PV). ĐB Tuyết cho rằng hàng năm số người bị tử hình không nhiều lắm, vì vậy “nên hỏa thiêu, vừa giải quyết được vấn đề đất đai, cả về môi trường và tâm linh. Thân nhân tử tù muốn nhận tro cốt thì nộp một khoản tiền”.

 

Dẫn lời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Mặt trận tổ quốc Việt nam, là nên tuyên truyền để người dân thực hiện hỏa táng cho người chết, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, ông Phạm Quốc Anh (ĐB tỉnh Đồng Nai), cũng đồng tình nên hỏa táng tử tù và cho thân nhân của họ nhận tro cốt thay vì nhận hài cốt, vì việc hỏa táng hiện nay nằm trong tầm tay và có thể chủ động được.

 

Ở một góc độ khác, nhiều ĐB lại cho rằng, nên cho thân nhân tử tù nhận thi thể của tử tù về mai táng. ĐB Nguyễn Thị Nga (Thái Nguyên) phân tích và chỉ ra rằng, về mặt pháp lý, thân nhân của tử tù có quyền đối với xác của tử tù. Mặt khác, hàng năm số tử tù bị thi hành án không nhiều, không phải ai cũng tổ chức tang lễ linh đình để gây rối. Hơn thế, do chưa có quy định về việc nhận tử thi, cùng với việc quản lý lỏng lẻo của địa phương nên đã xảy ra tình trạng trộm xác tử tù (có địa phương tỷ lệ lấy trộm xác tử tù là 90%), thậm chí có nơi hình thành đường dây trộm xác tử tù để bán lại cho thân nhân của họ với giá cao.

 

Vì vậy theo bà Nga, nên cho thân nhân của tử tù nhận thi thể tử tù với điều kiện phải cam kết không lợi dụng việc này để gây rối trật tự và chính quyền địa phương phải quản lý việc này.

 

Đồng ý với việc nên để cho thân nhân tử tù nhận thi thể của tử tù về mai táng với điều kiện phải cam kết không gây mất trật tự, ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến (Quảng Trị), cho rằng nếu đề cơ quan thi hành án làm thì có nơi tỷ lệ lấy trộm xác tử tù là 90% và cơ quan thi hành án lại phải mai táng, cải táng nên không khả thi.

 

Nhìn nhận ở góc độ truyền thống và nhân đạo, ĐB Trần Thế Vượng (Hải Dương), cho rằng nên để cho thân nhân người bị kết án nhận xác về mai táng. Tập quán và tâm lý của người phương Đông thì “nghĩa tử là nghĩa tận", người ta cũng muốn lo cho người thân của họ thì cho phép họ làm, trường hợp cá biệt gia đình từ chối không nhận hoặc vì an ninh thì cơ quan thi hành án làm”.

 

Theo chương trình, dự án Luật THA Hình sự sẽ được QH biểu quyết thông qua vào ngày 17/6 tới.



 

Ngọc Linh

Bình luận
vtcnews.vn