Tăng cường mời chuyên gia ICT quốc tế đến VN làm việc

Thời sựChủ Nhật, 23/05/2010 04:05:00 +07:00

(VTC News) - Đầu tư vào nhân lực, tăng cường đầu tư chi phí để mời các chuyên gia giỏi đến VN làm việc,... đang là những vấn đề “nóng” của ngành ICT Việt Nam.

(VTC News) - Đầu tư vào nhân lực, tăng cường đầu tư chi phí để mời các chuyên gia giỏi đến VN làm việc, đẩy mạnh thị trường trong nước để làm đà vững chắc cho các doanh nghiệp tiến ra nước ngoài để xây dựng thương hiệu quốc tế,… đang là những vấn đề "nóng của ngành ICT VN.

Đồng thời, đó cũng là những trăn trở của các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp được đưa ra bàn thảo, trong buổi toạ đàm "Xây dựng thương hiệu mạnh ICT Việt Nam" diễn ra ngày 20/5, trước đòi hỏi Việt Nam cần có những thương hiệu ICT mạnh, mang tầm vóc quốc tế.

Chất lượng nhân lực chính là vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong quá trình xây dựng thương hiệu ICT VN mang tầm vóc quốc tế. (Ảnh: A.L)

Chủ trì cuộc toạ đàm, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh việc định vị các thương hiệu ICT mạnh, mang tầm quốc gia và quốc tế là việc làm hết sức cần thiết, bởi thương hiệu của mỗi doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia là những yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau. Một quốc gia có nhiều doanh nghiệp mạnh sẽ khẳng định được sự phát triển của quốc gia đó trên trường quốc tế về một lĩnh vực cụ thể.

Ông cũng cho rằng ngành dịch vụ CNTT VN vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có. Điều này bị chi phối một phần là do cơ chế chưa rõ ràng, phần còn lại là do Nhà nước chưa có nhiều chính sách ưu tiên để chuyên nghiệp hóa. Ngành CNTT VN cần được gỡ bớt rào cản để thúc đẩy thì mới có thể thực sự phát triển. Và việc gỡ bỏ những rào cản đó, muốn thành công, trước hết phải bắt đầu từ tư tưởng, nhận thức dẫn tới hành động; tạo đựơc sự đồng thuận rộng rãi trong các tầng lớp xã hội.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc BKIS đưa ra nhận định rằng để cạnh tranh thì vốn đầu tư ban đầu không cần không lớn, nhưng cần phải đẩy mạnh về yếu tố con người. Bản thân BKIS cũng đi lên, chiếm lĩnh thị trường nội địa và tiến ra thị trường quốc tế nhờ nắm vững được công nghệ gốc và có nguồn nhân lực giàu nhiệt huyết. Ông cũng cho rằng chỉ tiêu của đề án là sau 5 – 10 năm nữa VN sẽ có 10 - 15 công ty phát triển ra toàn cầu là hoàn toàn khả thi vì đó chỉ là vấn đề con người.

Thống nhất quan điểm coi nhân tố con người là 1 trong những yếu tố tiên quyết của sự thành công trong việc xây dựng các thương  hiệu mạnh cho ngành ICT VN, ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Giám đốc VTC Intecom, doanh nghiệp hàng đầu VN trong lĩnh vực nội dung số cũng cho rằng Việt Nam cho rằng không có nguồn lực vô hạn và vì thế, Chính phủ chỉ có thể dành một phần cho phát triển ICT. Chính vì thế việc tào đạo nguồn nhân lực từ khi còn trong trường là một yếu tố quan trọng trong sự thành công.

Đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về viễn thông và công nghiệp CNTT” với thời gian thực hiện đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đang được kỳ vọng sẽ tháo gỡ bớt rào cản và thúc đẩy phát triển hơn nữa ngành viễn thông và công nghiệp CNTT của Việt Nam.

Theo mục tiêu của đề án, Việt Nam sẽ vào top 70 quốc gia phát triển CNTT-TT hàng đầu thế giới vào năm 2015. Đến năm 2020, ngành công nghiệp CNTT-TT của Việt Nam sẽ đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng tổng số tiền đầu tư hiện nay thì nhiều, tuy nhiên lại bị sử dụng vụn vặt chứ chưa xứng tầm quốc gia. Để giải quyết tình trạng này, ông đề xuất Nhà nước nên lựa chọn 1 số công việc cơ bản và giao cho doanh nghiệp làm. Có như vậy, chất lượng thực hiện công việc mới được đảm bảo mà vẫn giữ được sự cạnh tranh với lượng tiền đầu tư giới hạn. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần coi thị trường trong nước chính là sân tập để có thể có kinh nghiệm vươn ra thị trường quốc tế.

Tổng kết lại quá trình hình thành và phát triển, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel lại đánh giá cao yếu tố thị trường. Ông cho rằng muốn tạo dựng thương hiệu luôn cần có sự xuyên suốt, từ chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao tới thực hiện của từng nhân viên bán hàng. Muốn xây dựng thương hiệu và để thương hiệu bền vững thì từ chính những nhân viên bán hàng phải thấm nhuần văn hoá doanh nghiệp.

Đánh giá cao thị trường trong nước, ông Hùng cũng cho rằng đây là tài sản quan trọng nhất để hình thành doanh nghiệp lớn. Đồng thời, khi muốn vươn ra thế giới, các doanh nghiệp cần nhớ bài học nằm lòng về yêu cầu bản địa hoá đối với từng sản phẩm. Qua minh chứng chinh phục thị trường Lào và Campuchia, ông Hùng chỉ ra rằng các sản phẩm viễn thông của Viettel đã thành công và nhanh chóng khẳng định được vị nhờ mang đậm dấu ấn bản địa bằng chính yếu tố ngôn ngữ của thị trường mới.

Tại buổi toạ đàm, các doanh nghiệp thẳng thắn kiến nghị Nhà nước có các chính sách để hỗ trợ để xây dựng thương hiệu tại nước ngoài như hoãn thuế thu nhập DN, cần phân loại, đánh giá nơi đào tạo nguồn nhân lực CNTT, tăng cường ưu tiên chi phí mời các chuyên gia giỏi nước ngoài về làm việc thay vì đầu tư ngân sách cho đào tạo Tiến sỹ trong và ngoài nước,…

Hoàng Ly
Bình luận
vtcnews.vn