Ký ức diệu kỳ về Bác của ba người con gái xứ Quảng

Thời sựThứ Ba, 18/05/2010 01:35:00 +07:00

(VTC News) - Ba người con ưu tú xứ Quảng từng vinh dự được gặp Bác Hồ khẳng định, những kỷ niệm về Người là trang nhật ký tuyệt diệu nhất trong cuộc đời.

(VTC News) - Với những người từng vinh dự được gặp Bác Hồ, kỷ niệm về Người đã trở thành ký ức thiêng liêng. Và với ba phụ nữ ưu tú, ba người con gái đất Quảng Nam cũng vậy, các chị luôn khẳng định, chính quãng thời gian được gặp Bác đã tạo cho các chị niềm tin, nghị lực sống và chiến đấu. Những kỷ niệm về Người là trang nhật ký tuyệt diệu nhất trong cuộc đời...

Chị Hồ Thị Thu - “Dũng sĩ tí hon” của Bác

Chị Hồ Thị Thu (SN 1954, quê Duy Xuyên - Quảng Nam, hiện sống tại 36 Nguyễn Tri Phương, TP.Đà Nẵng), người được Bác gọi là “cục cưng tí hon” khi chưa bước qua tuổi 14 đã 3 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Với chị, những kỷ niệm về Bác là nhựa sống, là niềm hạnh phúc theo suốt cuộc đời…

Thời kháng Mỹ, tuổi chưa lên mười nhưng chị Thu đã là liên lạc viên xuất sắc, nhanh nhẹn, can trường. 13 tuổi, chị lập công lớn khi nảy ra ý tưởng cùng các bạn bỏ cát sạn vào nòng súng của địch để chúng bắn… toe nòng, sau đó báo cho quân ta tiến công thắng lợi trong một trận đấu ở vùng đất Duy Xuyên. Thu còn lập thành tích lợi dụng quân địch canh gác đang “ngáy khò khò” trộm súng của chúng cho bộ đội ta; tham gia đấu tranh chính trị…

Chị Hồ Thị Thu, “Dũng sĩ tí hon” khi chưa bước qua tuổi 14, bùi ngùi nhớ lại những lần được gặp Bác Hồ.

Chị kể, 14 tuổi chị được ra Bắc. Là bé gái duy nhất, nhỏ tuổi nhất, Thu cùng 6 anh khác trong đoàn thiếu nhi miền
Nam
lần đầu tiên được vinh dự gặp Bác. Vừa đến cổng Phủ Chủ tịch, thấy Bác Hồ và Bác Tôn chờ sẵn, chưa kịp xuống xe nhưng ai nấy đã cuống quýt, thả dép chạy òa vào lòng Bác. Chị Thu khẳng định, đó là khoảnh khắc diệu kỳ mà chị không thể nào quên trong suốt cuộc đời.

“Lần đó, Bác bảo mỗi chúng tôi kể chuyện cho Bác và Bác Tôn nghe. Đến lượt tôi, vì quá vui mừng nên kể không đầu không đuôi. Bác Hồ nhắc: Cháu Thu không kể chuyện phá súng à?”, chị xúc động nhớ lại.

Chị Thu còn vinh dự được gặp Bác vào ngày 23/2/1969, khi Bác cho gọi đến gặp đoàn đại biểu Ủy ban Cu Ba đoàn kết với nhân dân Việt Nam để giao lưu và ăn Tết. Lúc đó, từ nhà sàn nơi Bác ở và làm việc đi qua Phủ Chủ tịch, do thời điểm đó sức khỏe Bác yếu nên phải đi xe ô tô. “Không thể tin được, Bác gọi tôi lên xe đi cùng Bác. Khi ấy tôi rất buồn vì thấy Bác hơi yếu. Tôi mân mê đôi bàn tay, vuốt chòm râu bạc phơ của Bác rồi Bác ôm tôi vào lòng. Bác xoa đầu nhắc nhở học hành thật ngoan...”, nét mặt chị rạng ngời nhớ lại những khoảnh khắc thiêng liêng ấy. “Qua những lần gặp Bác, không phải chỉ riêng tôi, ai cũng đều có chung cảm giác Bác Hồ thật gần gũi, thân thương như người ông, người cha của mình”.

Chị Hồ Thị Thu đứng hân hoan bên phải Bác Hồ
trong lần ra Hà Nội gặp Bác.

Về đơn vị, bệnh tái phát khiến chị mất dần trí nhớ. Chị nằm điều trị ở Bệnh viện 108. Khi lên cơn động kinh, chị đau đớn không thể chịu được. Trong một tháng điều trị, nhiều lần Bác Hồ điện vào hỏi thăm tình hình sức khỏe của chị. “Mỗi lần như vậy, tôi lại quyết tâm chữa bệnh để không phụ lòng Bác và góp phần nhỏ bé của mình cho cuộc đấu tranh...”, chị bồi hồi.

"Nữ biệt động thép" Trần Thị Kim Cúc: “Những lần gặp Bác là trang nhật ký tuyệt diệu nhất đời tôi"

Chị Trần Thị Kim Cúc (SN 1945, bệnh binh, hiện ở số nhà 149 Thanh Long - TP.Đà Nẵng) được xem là một “nữ biệt động thép”. Chị có vinh dự 8 lần được gặp Bác Hồ.

Sinh ra trong gia đình và quê hương là cái nôi cách mạng, lòng căm thù giặc đã hun đúc tâm hồn chị từ thuở còn thơ bé. Sau khi làm liên lạc, sự nhanh trí, gan dạ của chị đã được tổ chức tin tưởng đưa chị vào hoạt động trong lòng địch tại Đà Nẵng.

Chị Cúc từng nhiều lần cùng đồng đội ném lựu đạn vào đơn vị huấn luyện của địch; từng thành công khi đưa những tài liệu mật cho cơ sở cách mạng; từng vận động hàng chục binh lính cộng hòa quay về với cách mạng…

Với chị Trần Thị Kim Cúc: “Những lần gặp Bác là trang nhật ký
tuyệt diệu nhất trong đời tôi"!

Chị không nhớ hết những đòn tra tấn man rợ của kẻ địch mà chị nếm trải thậm chí là đòn “hạ thủ” cuối cùng thâm độc nhất - đóng đinh vào đầu. Thế nhưng chị vẫn không hé răng khai nửa lời.

Chị nhớ lại: “Sau khi đánh tôi bê bét máu, mấy thằng mật thám khu 11 đem ra một cây đinh trắng dài chừng 5cm (bỏ trong chai cồn) để trước mặt, hù dọa: “Cái này đóng vào sọ não thì sức mấy mà không khai”. Tôi vẫn nằm im, bất động. Chúng lật úp tôi lại, trói chặt tay, chân trên chiếc ghế dài rồi... đóng cây đinh vào đầu”. Dừng câu chuyện, chị vén tay trên đầu còn in dấu sẹo, tiếp: “Lúc đó, cảm giác đau buốt tràn khắp cơ thể, mắt như thể bị ai chọc cây vào. Tôi chết điếng, lịm đi”.

Từ đó chị Cúc như người mất hồn, nhất là khi những cơn động kinh “hoành hành". Chị được đưa ra miền Bắc dưỡng thương. Trong đau đớn, chị vẫn đón nhận được nhiều niềm vui, nhất là sự quan tâm, động viên của Bác Hồ.

Lần gặp Bác đúng ngày sinh nhật Người (19/5/1966) là “trang nhật ký tuyệt diệu nhất trong cuộc đời” của chị. “Đang điều trị ở Bệnh viện Việt - Xô, khoảng 19 giờ, tôi thấy một người dáng cao, nhanh nhẹn với chòm râu bạc phơ, đi bên cạnh là chú Vũ Kỳ (sau này mới biết, là thư ký của Bác) đi vào. Thoáng nhìn, tôi biết đó là Bác Hồ. Bác mặc bộ bà ba màu nâu thẫm, ở ngoài khoác chiếc áo bơ-lu trắng. Tôi hồi hộp, xúc động như muốn chạy thật nhanh để ôm Bác nhưng hai chân như bị dính dưới đất. Còn chị Mười, điều trị cùng tôi, thì không thể đi được vì chân bị tê liệt. Bác bảo chúng tôi ngồi đó, rồi Bác lại bên giường bệnh ân cần hỏi han sức khỏe. Bác lấy tay sờ trên vết thương bị đinh đóng trên đầu tôi lo lắng hỏi: “Đau như vậy có ăn, ngủ được không?” rồi Bác ân cần thăm hỏi, động viên. Khi ra về, Bác nói với giám đốc Bệnh viện ngoài việc theo dõi bệnh tình phải chú ý đến ăn uống, bồi dưỡng...”.

Lần khác, vào ngày 10/6/1966, Bác cho người đón chị và cùng một số chị em vào Phủ Chủ tịch. Sau khi thông báo 2 ngày sau các chị được sang Trung Quốc chữa bệnh, Bác ân cần hỏi thăm, động viên các chị cố gắng chữa bệnh. “Bữa cơm thân mật chỉ một vài món đơn sơ nhưng không sao tôi quên được” - chị Cúc xúc động. Sau 18 tháng chữa bệnh ở Trung Quốc về tại ga Hàng Cỏ, Bác Hồ cho người ra đón về Phủ Chủ tịch. Những lời hỏi thăm của Bác thật ân cần, gần gũi.

“Bác tạo thêm nghị lực sống, vượt qua bệnh tật. 8 lần gặp Bác, trong tôi đầy ắp kỷ niệm về Người”, chị Cúc không giấu được vẻ hạnh phúc.

NSND Tường Vy: “Con đường âm nhạc luôn có Bác”

NSND Tường Vy (SN 1938) người con gái xứ Quảng lừng danh với giọng hát “vút cao” trong những “khúc quân hành” đến với tầng tầng, lớp lớp chiến sĩ, đồng bào cả nước và bạn bè khắp năm châu.  Một lần gặp bà tại Trung tâm nghệ thuật tình thương của bà tại TP.Đà Nẵng, tôi may mắn được nghe kể những kỷ niệm của bà về Bác Hồ.

Tâm hồn nghệ sĩ của bà được kết tinh từ bố mẹ, quê hương. Từ thủa bé thơ, Tường Vy đã gia nhập đoàn thiếu nhi đi tuyên truyền giải phóng quân trong vùng tự do. Cuối năm 1954, Tường Vy tập kết ra Bắc. Là nghệ sĩ có giọng hát trong trẻo, vút cao, Tường Vy nhanh chóng chinh phục muôn triệu người nghe, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chị nhớ mãi lần đầu vinh dự gặp Bác, những dấu ấn về Người theo suốt cuộc đời của nghệ sĩ tài hoa.

Sau khi về Đoàn Ca múa Quân đội (thường được Bác Hồ chọn để phục vụ Phủ Chủ tịch mỗi khi tiếp đón các đoàn cao cấp, các nguyên thủ quốc gia các nước XHCN), Tường Vy là một trong những đơn ca chính, được Bác luôn quan tâm, ưu ái. Có lần Tường Vy biểu diễn phục vụ đoàn cao cấp Vê-nê-zuê-la, trong đó có bài do chính Tường Vy sáng tác (được Bác chỉnh sửa đôi từ) khiến ai cũng bồi hồi, xúc động, ngợi khen.

Đôi mắt NSND Tường Vy rơm rớm khi nhớ lại một lần, sau khi biểu diễn xong Bác ân cần hỏi thăm về quê hương, về mẹ, về đời sống... Bác động viên Tường Vy: “Nhớ dành tiền, đến thống nhất mua quà về cho mẹ”.

NSND Tường Vy: “Con đường âm nhạc của tôi luôn có Bác”.

Mỗi lần gặp Bác, Tường Vy cảm nhận Bác như chính người thân mình vậy, tận tình, chu đáo và thân thiện... “Bác là một nhà tâm lý bậc thầy, một người rất tế nhị”, NSND Tường Vy đúc kết.  “Có lần Bác nhắn tôi vào xem phim của Triều Tiên. Một cô gái nghèo khó nhưng phấn đấu, vươn lên rồi trở thành một NSND. Xem phim xong, Bác chỉ hỏi: “Bé thích xem phim này không?”, nhưng ý của Bác thì rất sâu xa. Tường Vy đáp lời: “Con sẽ phấn đấu Bác ạ”, và tâm nguyện sẽ trở thành một người nghệ sĩ hết mình cống hiến cho nghệ thuật...

Kỷ niệm mà sau này hình thành “con đường âm nhạc” và trở thành NSND, Tường Vy thường khắc sâu lời Bác dạy. Hôm ấy, Bác gọi Tường Vy vào Phủ Chủ tịch. Trong lúc Bác đang làm việc, Tường Vy lễ phép: "Thưa Bác, cho con nhìn xem". Bác bảo: “Bé biết chữ nào, chỉ Bác xem”. Tường Vy sau một hồi lần tìm chỉ biết được chữ “Trung” và “Nhân”. Bác cười to: “Ca sĩ mà biết được 2 chữ thôi à? Cháu phải tìm hiểu hết thể loại dân ca nước mình, sau đó tìm hiểu dân các nước, muốn như vậy phải học nhiều thứ tiếng”.

Từ lời khuyên của Bác, mười mấy năm liền ngoài công việc, Tường Vy dành thời gian lặn lội khắp các thư viện, gặp rất nhiều nhân chứng để học dân ca nước mình và các nước, học rất nhiều thứ tiếng, như Pháp, Nhật, các nước XHCN, kể cả dân ca nước Mỹ... Nhờ thế, mỗi lần đón đoàn cao cấp hoặc đi nước ngoài, Tường Vy đều thể hiện được những bài dân ca bằng thứ tiếng bản địa của nước đó, rất thành công...

Mấy chục năm nay, bà thực hiện theo lời dạy của Người. Hiện nay, bà có 3 Trung tâm nghệ thuật tình thương Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam đào tạo miễn phí gần 1.000 em phần lớn bị khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các học trò của chị đa phần đã trưởng thành, có ích cho đất nước, xã hội.

Xuân - Lân

Bình luận
vtcnews.vn