Sự thật 'chết người' về thần dược cao hổ cốt

Thời sựThứ Tư, 28/04/2010 01:41:00 +07:00

Các loại cao từ hổ, gấu, ngựa chỉ có tác dụng trừ phong thấp, đau gân giãn cốt chứ không có tác dụng bổ thận tráng dương...

Các loại cao từ hổ, gấu, ngựa chỉ có tác dụng trừ phong thấp, đau gân giãn cốt chứ không có tác dụng bổ thận tráng dương. Rượu cao hổ mỗi ngày chỉ nên uống không quá 20ml. Những người bị gan, thận, cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... không được uống...”.


Từ bao đời nay, nhiều người Việt Nam coi cao hổ là thần dược phương đông. Thế nên nhiều người đã chạy đua trong cuộc săn lùng xương và cao của “ông ba mươi” vốn đang sắp tuyệt chủng, Cũng vì thế, quanh những miếng cao hổ là rất nhiều huyền thoại được thêu dệt…

Hàng… siêu phẩm

Giật mình sự thật không ngờ về hổ cốt! 
Cao hổ được nấu từ xương hổ đã trở thành loại hàng hóa siêu phẩm từ lâu. Theo một đại gia ngành cầu đường tỉnh Điện Biên, để nấu được một lạng cao hổ thành phẩm vào thời điểm hiện tại phải bỏ ra khoảng 20 triệu đồng (cứ 10kg xương hổ kèm 3kg xương sơn dương). Đại gia này không quên giải thích: “Đấy là giá bọn anh nấu ra để dùng, không pha linh tinh đâu”.

Người ra đồn rằng, ăn cao hổ ( hoặc ngâm rượu để uống) có tác dụng thần kỳ, làm người yếu khỏe lại, đặc biệt tốt cho hệ xương khớp và có thể mạnh vô biên trong chốn phòng the… Người chưa một lần dùng cao hổ bàn luận về cao hổ cho ra vẻ hiểu biết, các đại gia từng uống cao hổ cũng thổi phồng tác dụng của cao hổ để chứng tỏ mình là người sành điệu, chịu chơi.

Một đồn mười, mười đồn trăm... khiến cao hổ mang màu sắc huyền thoại là vì thế, cuộc săn lùng xương hổ, cao hổ đang như những đợt sóng ngầm trên thị trường Châu Á. Theo một phụ nữ mới ra tù vì tội buôn bán động vật quý hiếm: “Tại Hà Nội, giá 1kg thịt hổ móc hàm (đã lấy hết nội tạng) vào khoảng 4 triệu đồng. Xương hổ có giá khoảng 35-40 triệu đồng/kg, tùy thuộc hổ to hay hổ nhỏ. Hổ càng to, càng già thì càng có giá...”.

Tại thị trường Hà Nội, trên các phố Thuốc Bắc, Lãn Ông... việc mua cao hổ khá đơn giản. Hầu hết các cửa hàng bán thuốc bắc đều gật đầu khi có khách muốn thưởng thức tinh cốt của chúa sơn lâm. Một ông chủ trên phố Lãn Ông cho biết: “Chúng tôi không có nhưng nếu anh cần có thể mua được. Nhà tôi có nguồn từ bên Campuchia, đảm bảo xịn 100%.

Giá 20 triệu đồng/lạng, nếu anh đồng ý thì đặt tiền, 5 ngày nữa quay lại lấy hàng”. Trước nghi ngờ của tôi về độ thật giả của cao hổ, ông chủ này nói: “Đảm bảo hàng xịn, nếu không xịn sao chúng tôi tồn tại được ở đây”. Cách cửa hàng này không xa, một phụ nữ ra giá 8 triệu đồng một lạng cao hổ. Bà này cũng khẳng định, không phải cao hổ không lấy tiền (?!).

Thị trường cao hổ trên internet cũng không kém phần sôi động. Tại trang web Chodientu, người có số ĐT 0985818299 rao: “Bán cao hổ xịn, mang từ nước ngoài về, giá 11 triệu đồng/lạng”; tại trang raovat.com, số ĐT 0906265566 mời chào “cao xương hổ cốt (100%) vừa được nấu tại vùng sâu của tỉnh Hòa Bình. Hiện nay muốn nhượng lại một ít cho ai đó có nhu cầu thực sự.

Giá hữu nghị: 10 triệu đồng/lạng”; trên trang enbac.com, số ĐT 01226315229 cũng rao: “Ông cụ nhà em được biếu 2 lạng cao hổ cốt, dùng một lạng đã khỏi hẳn bệnh tê thấp. Nay không dùng nên bán lại cho ai có nhu cầu. Đảm bảo cao xịn, giá một lạng là 20 triệu đồng (em chỉ còn duy nhất 1 lạng thôi). Em bán hàng uy tín nên các bác kiểm tra thoải mái”...

Theo một người có kinh nghiệm, ngay cả những kẻ rao bán cao hổ cũng có thể còn chưa biết cao hổ thật “mặt mũi” ra sao nên giá cả “tả pí lù” cũng là chuyện dễ hiểu. Người này cũng cho biết thêm, nhận biết cao hổ thật hay giả là rất khó, phải dựa vào kinh nghiệm lâu năm mới phát hiện được.

Các cách thử như cho chó ngửi, chó bỏ chạy; pha vào rượu có màu đục như nước gạo; lấy bật lửa đốt cao cho chảy vào cốc nước, tia cao không tan mà chảy thẳng xuống đáy cốc (là cao xịn)... chỉ là sự đồn thổi, không thể phân biệt được cao hổ thật hay rởm.

Cao hổ nấu từ xương chó là... bình thường

Dù hổ là loại động vật quý hiếm và được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng vẫn có nhiều người tin rằng, bằng các mối quan hệ mình có thể mua được cao hổ thật. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long... người ta mua cao hổ qua các mối lái và người quen giới thiệu. Tuy nhiên, chất lượng thế nào thì chỉ có... trời biết.

Lấy xương chó làm cao hổ cốt. (Ảnh minh họa). 

Người phụ nữ ra tù đã nói ở phần trên xác nhận: “Đa số người đi mua cao hổ không phải để dùng. Họ mua để quan hệ, để biếu cấp trên. Chính họ cũng không tin là mua được cao thật. Ngay như bọn em, buôn bán bằng thật cũng chỉ dám khẳng định cao mình bán chắc chắn có mùi hổ, còn tỷ lệ là bao nhiêu phần trăm hổ, bao nhiêu phần trăm xương động vật khác lại là bí mật của mỗi người”.

Người phụ nữ này cũng cho biết, cao hổ được nấu từ xương chó, xương lợn là chuyện bình thường. Thậm chí có người cẩn thận đi tìm mua xương hổ về để nấu cũng vẫn bị làm giả, xương chó becgie dễ làm giả xương hổ nhất. Ngoài ra, xương gấu cũng được giới buôn xương hổ yêu thích vì không quá khó để chuyển nó thành xương hổ 100%...

Họ lấy dao khoét ở phần đầu khớp các xương tay, chân của gấu những cái lỗ dài dài thường gọi là lỗ huyệt hay lỗ thông thiên giống y như xương hổ. Những kẻ lừa đảo phải có vài ba người đóng vai trò tung hứng, mồi chài và dàn dựng những phi vụ mua bán y như thật để dụ các con mồi vào bẫy.

Sự thật về thần dược

Theo thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội đông y Việt Nam, trong các bài thuốc bổ thận tráng dương của Đông y, không có các vị từ gấu hoặc hổ. Bác sĩ Hướng cảnh báo: “Rất nhiều người đang hiểu sai hoặc cường điệu hóa để đánh lừa người dân về tác dụng của các loại rượu ngâm động vật quý hiếm nhằm trục lợi. Các loại cao từ hổ, gấu, ngựa chỉ có tác dụng trừ phong thấp, đau gân giãn cốt chứ không có tác dụng bổ thận tráng dương. Rượu cao hổ mỗi ngày chỉ nên uống không quá 20ml. Những người bị gan, thận, cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... không được uống...”. Trên thực tế, hầu hết người ta uống rượu cao hổ theo kiểu “không say, không về”.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn cũng khẳng định: “Đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào trong y văn cho thấy cao hổ cốt có hiệu quả điều trị bệnh viêm khớp xương hay loãng xương. Hoàn toàn không có”.





Theo Pháp luật&Xã hội

Bình luận
vtcnews.vn