Xác lập 8 kỉ lục trong "Ngày hội ngộ ông đồ"

Thời sựThứ Năm, 22/04/2010 04:31:00 +07:00

(VTC News) - Những tinh túy trong nghệ thuật thư pháp Việt, những tài hoa từ bàn tay khổ luyện... lần đầu tiên đã được 60 ông đồ cùng thể hiện tại đất cố đô.

(VTC News) - Những tinh túy trong nghệ thuật thư pháp Việt, những tài hoa từ bàn tay khổ luyện,  tình yêu tiếng Việt đậm đà, lắng sâu cùng niềm đam mê thư pháp cháy bỏng được thể hiện trân trọng qua từng nét chữ... Lần đầu tiên 60 ông đồ cùng khai bút lập nên những kỉ lục mới trên đất cố đô.

Có cả những ông đồ là các nhà sư đến từ khắp ba miền cả nước

Ngày 21/4, tại khách sạn Hoa Lư, Ninh Bình, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã cùng phối hợp tổ chức "Ngày hội ngộ của các ông đồ" và xác lập thêm 8 kỷ lục Việt Nam mới.



Kỷ lục cặp câu đối dài nhất (phá kỷ lục - mỗi câu 54mx1,2m trên lụa vàng nghệ); Bản đồ Việt Nam được tạo bằng nhiều ấn chương nhất (100 ấn chương của 100 nhà thư pháp); Bộ tranh thư pháp mẫu tự ABC có nhiều nhà thư pháp viết nhất; Người khắc chữ thư pháp kinh Phật trên đá cuội nhiều nhất (Đại đức Thích Giác Thiện); Chiếu dời đô bằng thư pháp do nhiều người thực hiện nhất (100 nhà thư pháp thực hiện tại lễ hội); Người viết quyển "Kinh Pháp Cú" theo lối thư pháp có kích thước lớn nhất (được ông Phạm Gia Cẩn viết trên 42 tờ giấy dó; mỗi tờ rộng 67cm, dài 95cm. Mỗi trang kinh chia làm hai cột); Ngày hội ngộ ông đồ với hơn 60 ông đồ từ khắp ba miền đất nước và 500 bức thư pháp được triển lãm; Chiếc trống lớn nhất Việt Nam được nhà hát chèo tỉnh Ninh Bình dùng trong các dịp lễ Tết, cao 2,9 m, đường kính mặt 2, 25 m, đường kính bụng 3,2 m.

Màn trống hội tưng bừng khai trương Ngày Hội ngộ Ông đồ Việt Nam lần thứ nhất.

Ông đồ Hoa Nghiêm đến từ TP.HCM, theo đuổi đam mê nghệ thuật viết thư pháp được 7 năm, phấn khởi cho biết: “Ngày hội chính là cơ hội gắn kết tình đoàn kết dân tộc giữa ba miền. Môn nghệ thuật này cũng chính là phương tiện để giữ lại những lời hay ý đẹp của cha ông và gìn giữ văn hóa tiếng việt cho lớp trẻ mai sau. Tham gia ngày hội, tôi rất vui mừng và tự hào khi được đặt chân đến mảnh đất cố đô Hoa Lư”.

Hơn 60 ông đồ đến từ khắp ba miền cùng nhau khai bút giữa bầu trời cố đô.

Ông đồ Cao Văn Long, đến từ CLB thư pháp Bình Thạnh (TP.HCM) vốn là một nhà kinh doanh về vật liệu xây dựng nhưng từ sự yêu thích ông đã đam mê môn nghệ thuật này được hơn 3 năm. Với ông, càng viết càng say mê và càng thấy yêu quý vốn văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Ông hy vọng lớp trẻ Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều người yêu thích môn nghệ thuật này để gìn giữ cho muôn đời sau.

Dương Lãng Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn