Chàng trai khiếm thị và ước mơ mở quán cà phê Quốc ca

Thời sựThứ Hai, 19/04/2010 01:45:00 +07:00

(VTC News) - Khi hát Quốc ca em cảm tưởng như những chiến sĩ dũng cảm đã hy sinh, không nói nhưng họ nắm tay em, gật đầu và trao em ánh nhìn khích lệ...

(VTC News) - “Em không nhớ số lần đứng dưới cờ Tổ quốc và hát Quốc ca vào mỗi sáng thứ hai, nhưng lần nào cũng trang nghiêm và em thấy rất xúc động. Có phải vì khiếm thị mà em nhạy cảm hơn những bạn khác…”

Đó là tâm sự của Bùi Thế Thành, học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu (Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cách đây ít lâu, VTC News cũng từng đưa hình ảnh của Thành cùng bức tượng chân dung của em do chính tay em thực hiện. Dù là một cậu bé khiếm thị với thân hình đặc biệt (lưng còng gập, có u), nhưng Thành luôn lạc quan. Đặc biệt hơn, em có một trái tim nhạy cảm, một tâm hồn nghệ sĩ và đôi bàn tay tài hoa. Ở tuổi 20, em vẫn như một cậu bé con, giấu đôi chút u buồn, mơ mộng sau sự hồn nhiên, tinh nghịch như các bạn cùng lớp kém em nhiều tuổi.

Bùi Thế Thành có một gương mặt buồn và giọng nói trầm trầm, nhưng khi em cười thì rất tươi và giọng cười cũng rất sảng khoái. 

Thành rất đa tài, em có thể gảy cả guitar, chơi organ và đàn nhị. Em từng thành lập một ban nhạc có tên Seven Boys gồm bảy cậu bé khiếm thị, chơi đàn rất hào hứng. Thành còn vẽ tranh (từng được giải trong các cuộc thi do trường tổ chức) và có nhiều bức tượng trưng bày trong triển lãm dành cho trẻ em khuyết tật. 

Rất say mê bài Quốc ca của dân tộc, Thành từng tâm sự: "Không hiểu sao một cảm giác đặc biệt luôn xâm chiếm tâm hồn em mỗi lần nghe bản nhạc không lời bài Quốc ca trong những buổi lễ quan trọng trên ti vi". Nhân dịp Bộ Giáo dục & Đào tạo có quy định mới yêu cầu các trường học, cơ sở giáo dục các cấp phải hát Quốc ca trong lễ chào cờ, chúng tôi gặp lại Thành và được nghe những tâm sự và tình cảm sâu sắc của em về bài Quốc ca Việt Nam - ca khúc tưởng chừng đã quá quen thuộc với các em học sinh bởi sáng thứ hai hàng tuần nào các em cũng hát trong lễ chào cờ.

 

“Em không rõ có phải do bố em nói rằng, lá cờ Tổ quốc được kết nên từ máu của những chiến sĩ dũng cảm, ngôi sao vàng là ngôi sao dẫn đường, mà mỗi lần đứng dưới cờ, nghe nhạc Quốc ca và cất lên ca từ: Đoàn quân Việt Nam đi... trong em lại rộn ràng những cảm xúc. Em như thấy có hàng ngàn đội quân đang rầm rập song hành bên mình, tiếng vọng của những bước chân thôi thúc trái tim em, thậm chí em còn thấy như mình được chở che, được động viên và em tự tin, phấn chấn hơn.

 

Rất nhiều lần em tự hỏi, hay bởi đôi mắt em nhìn không rõ, tất cả luôn mờ ảo và em thường chìm trong cảm giác mơ màng nên em trở nên nhạy cảm với trí tưởng tượng phong phú hơn, các giác quan khác hoạt động mạnh hơn để bù vào sự thiếu hụt của đôi mắt.

Thành rất đam mê nghệ thuật và mơ ước có một quán cafe riêng, thiết kế độc đáo để có thể trưng bày tranh, tượng của các bạn khuyết tật. 

Em nói thế chắc có nhiều người vẫn thắc mắc và có thể cho rằng em đang thái quá khi nói về cảm giác của mình mỗi lần nghe hoặc hát Quốc ca, nhưng phải là ai gặp em những ngày đầu tiên em tới trường mới hiểu hết được… Những ngày đó thật khó khăn! Các bạn mới chưa hiểu hết về em, chưa thông cảm với em nên em luôn bị rơi vào cảm giác tự ti và đơn độc. Ngày nào tới trường em cũng e dè, nhiều khi em sợ tới trường.

Nhưng rồi, vào mỗi sáng thứ hai đầu tuần, cảm giác phấn chấn lại đến với em. Trong nhịp trống dồn dập cùng tiếng cử hành Quốc ca em tưởng như có rất nhiều nhịp chân bên cạnh mình, những chiến sĩ dũng cảm đã hy sinh, họ không nói nhưng họ nắm tay em, họ gật đầu và trao em những ánh nhìn khích lệ - cảm giác này mang tới cho em sự ấp áp và yên bình kỳ lạ. 

Chính nhờ vậy mà em không còn tự ti, không rơi vào cảm giác đơn độc. Em sống vui vẻ và hòa nhập với các bạn không bị khiếm thị. Nhiều khi em quên mất rằng em bị hỏng mắt.

 

Sự lạc quan mang đến cho em niềm tin yêu và em không khó khăn gì trong việc học văn hóa. Thậm chí, em còn tự tìm tòi về các môn nghệ thuật và em có thể tự nặn những bức tượng hay mô phỏng lại y chang khuôn mặt mình từ những viên sáp đồ chơi. Em có một bức tượng chân dung của mình do chính tay em làm. 

Không những thế, em có thể chơi được hai nhạc cụ, đàn organ và đàn nhị. Ở trường, bọn em có ban nhạc và em thích gảy các bản dân ca Việt Nam bằng đàn nhị hơn là chơi các ca khúc nhạc nhẹ với đàn organ.

Có lẽ, cùng với sự nhạy cảm thì niềm tự hào dân tộc rất lớn trong em đã khiến em đặc biệt thích nghe Quốc ca. Ngoài mỗi buổi sáng chào cờ thì những lần nghe nhạc Quốc ca trên vô tuyến trái tim em cũng rất rộn ràng. Nhất là trong các cuộc so tài thể thao có sự góp mặt của VN cùng bạn bè quốc tế, nghe nhạc nước bạn rồi nhạc Quốc ca nước mình, tinh thần “màu cờ sắc áo” lại trỗi dậy mạnh mẽ. Em có thể ngồi hát Quốc ca vang nhà trong khi các bạn cùng lứa rồng rắn kéo nhau chật ních các con phố Hà Nội. Những khi như thế, em thèm được một lần nhìn thấy cờ Tổ quốc hay được co chân phóng ra phố, cùng hát vang bản Quốc ca VN, trèo lên vai nhau, kéo căng tờ Tổ quốc cùng các bạn trẻ. Chỉ những dịp đặc biệt như vậy, em mới cảm nhận hết được niềm hạnh phúc khi lớp trẻ bọn em có một bản hùng ca riêng, được gọi là Quốc ca để hòa tấu, để bày tỏ cảm xúc thực sự của mình. 

Tiếp xúc với những người nước ngoài tới VN em nhận ra, họ rất thích thú khi nghe bọn em hát Quốc ca và chào cờ mỗi sáng thứ hai. Họ tỏ rõ sự tôn trọng mình khi mình tự hào về đất nước, con người và những nét riêng mà chỉ mình mới có, trong đó không thể không kể tới bản Quốc ca.

 

Vì thế, em mơ ước rằng, em sẽ có một quán cà phê của riêng em với một phong cách độc đáo: trưng bày tranh tượng của trẻ em khuyết tật, chơi nhạc dân tộc với các nghệ sĩ khiếm thị và mở bài Quốc ca vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần, hay trong những ngày Quốc lễ, những buổi có khách nước ngoài tới, bất luận là các vị chính khách hay tây ba - lô. Quán cà phê đó sẽ mang tên: Quốc ca”.

Thục Nhi(ghi)

Bình luận
vtcnews.vn