Cần tăng thuế suất với tài nguyên không tái tạo

Thời sựThứ Năm, 15/04/2010 01:12:00 +07:00

(VTC News)- Đối với một số tài nguyên có giá trị kinh tế lớn, nhu cầu khai thác đang tăng (như than, dầu thô...) đề nghị phải áp dụng mức thuế suất cao hơn.

(VTC News) - Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đối với một số tài nguyên có giá trị kinh tế lớn, nhu cầu khai thác đang tăng (như than, dầu thô...) thì phải áp dụng mức thuế suất cao hơn so với mức hiện đang quy định trong Dự thảo về thuế suất thuế tài nguyên.

Phải áp dụng mức thuế suất cao hơn với một số tài nguyên giá trị kinh tế lớn

Chiều 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về biểu thuế suất tài nguyên, đánh giá chung về biểu thuế suất do Chính phủ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, mức thuế suất được quy định trong Biểu thuế suất về cơ bản được xác định rõ ràng đối với một số tài nguyên cụ thể; đối với nhóm tài nguyên không tái tạo đã điều chỉnh thuế suất cao hơn mức hiện hành.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, với mức thuế suất thuế tài nguyên như dự kiến  (trong tờ trình của Chính phủ), số thu thuế tài nguyên mỗi năm khoảng 27.360 tỷ đồng (trong đó, thuế tài nguyên từ dầu khí khoảng 24.000 tỷ đồng, chiếm 87,7% tổng số thu thuế tài nguyên); khoáng sản không kim loại khoảng 1.852,4 tỷ đồng; nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện khoảng 620 tỷ đồng; khoáng sản kim loại khoảng 467,3 tỷ đồng.

Theo đó, về thuế suất đối với tài nguyên không tái tạo, ông Hiển cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng đối với việc ban hành Biểu thuế suất là góp phần sử dụng tài nguyên tiết kiệm, thúc đẩy việc chế biến sâu.

Tuy nhiên, nhiều quy định trong Biểu khung lại chưa nhất quán với mục tiêu ban hành. Căn cứ vào Dự thảo Biểu thuế suất cho thấy, mức thuế suất đối với hầu hết các tài nguyên không tái tạo đều chỉ được điều chỉnh với mức độ tăng nhẹ và rất thấp so với mức trần như sắt, măng-gan, bạch kim, bạc, thiếc... Nhiều tài nguyên trữ lưỡng còn lại thấp, giá giao dịch trên thị trường thế giới khá cao song lại có thuế suất rất thấp như ti-tan, đôrômít, quắczít, antraxít...

Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, trên thực tế, việc gia tăng khai thác nguồn tài nguyên không tái tạo, đặc biệt việc xuất khẩu khối lượng lớn tài nguyên quý, hiếm dạng thô trong những năm gần đây đã dẫn đến tài nguyên cạn kiệt, thu ngân sách không tương xứng với giá trị tài nguyên, gây tác động nghiêm trọng đến môi trường. Trước thực trạng này, hầu hết các ý kiến cho rằng, đi đôi với việc tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng, Dự thảo Biểu khung thuế suất cần quy định mức thuế suất tương xứng với giá trị của loại tài nguyên không tái tạo, nhất là đối với một số tài nguyên có giá trị kinh tế lớn, nhu cầu khai thác đang tăng thì phải áp dụng mức thuế suất cao hơn so với mức hiện đang quy định trong Dự thảo.

Đề nghị tăng thuế suất đối với than

Theo Dự thảo Biểu thuế suất thuế tài nguyên thì đối với than là 5% và 7% trong khi mức trần là 20%, theo đó, đề nghị tăng thuế suất đối với than (Ảnh: quangninh.gov.vn)


Cũng theo ông Phùng Quốc Hiển, vấn đề thu hút được nhiều sự quan tâm là về thuế suất đối với than, theo quy định tại Dự thảo Biểu thuế suất thì thuế suất đối với than các loại chỉ tăng 1% so với mức hiện hành.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, than là tài nguyên quý, hầu hết là không tái tạo; lợi nhuận thu được từ khai thác than là khá cao, đồng thời mức độ gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Trong khi đó trong tương lai không xa, Việt Nam lại phải nhập khẩu than. Vì vậy, mức thuế suất 5% đối với một số loại than là thấp, theo đó, đề nghị tăng thuế suất đối với than.

Về thuế suất đối với than, trong quá trình lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành địa phương, Cục thuế Bắc Giang đề nghị tăng thuế suất của than lên 10% vì đây là mặt hàng chiến lược cần được khai thác và sử dụng tiết kiệm. Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống, tham nhũng cũng đề nghị nâng thuế suất của than (số thứ tự từ 10 đến 13 nhóm II) cao hơn, không nên để ở mức thuế suất thấp, gần khung tối thiểu.

Trong khi đó, ý kiến từ Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam thì cho rằng, trong những năm qua mức thuế suất thuế tài nguyên đối với than và các khoáng sản kim loại liên tục tăng. Để Tập đoàn ổn định và phát triển có nguồn vốn tích luỹ mở rộng sản xuất, Tập đoàn đề nghị mức thuế suất của khoáng sản kim loại và than giữ nguyên như hiện hành.

Với những ý kiến còn chưa nhất quán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định chưa thông qua Dự thảo Nghị quyết về việc ban hành Biểu thuế suất thuế tài nguyên để Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên giao UB Tài chính Ngân sách phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát lại theo tinh thần chi tiết hơn với từng loại thuế tài nguyên, để Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét, biểu quyết thông qua.

Về thuế suất đối với dầu thô, theo quy định của Luật thuế tài nguyên thì khung thuế suất thuế tài nguyên đối với nhóm dầu thô là 6-40% (nâng trần từ 30% lên 40% so với trước đây). Còn tạiquy định của Dự thảo Biểu thuế suất thì mức thuế suất thuế tài nguyên đối với nhóm dầu thô được giữ nguyên như hiện hành.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, khi Quốc hội xem xét thông qua Luật thuế tài nguyên thì quan điểm chung cho rằng, dầu thô là loại tài nguyên mang lại giá trị kinh tế lớn; nguồn thu từ dầu thô chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu NSNN. Trong khi đó, trữ lượng còn lại của nước ta theo kết quả thăm dò là rất hạn chế. Hơn nữa, với các nhà máy lọc dầu đã và đang đi vào hoạt động, nguyên liệu đầu vào là dầu thô càng cần nhiều nên cần thiết hạn chế khai thác để xuất khẩu dầu thô.

Do đó, hầu hết các ý kiến của ĐBQH đề nghị phải tăng thuế suất cao hơn mức hiện hành. Chính vì vậy, mức trần của khung thuế suất đối với dầu thô đã được Quốc hội tăng từ 30% lên 40%. Tuy nhiên, theo quy định của Dự thảo Biểu thuế suất thì mức thuế suất đối với dầu thô vẫn giữ nguyên như mức hiện hành (6%, 8%, 10%..., thấp hơn rất nhiều so với mức trần của khung là 40%). Trong khí đó giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn biến động theo chiều hướng tăng mạnh. Việt Nam lại đang phải nhập khẩu xăng, dầu với giá cao.

Vì vậy, để thể hiện đúng quan điểm khi ban hành Luật, phù hợp với biến động giá cả, tăng thu cho ngân sách Nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị điều chỉnh tăng thuế suất đối với dầu thô.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn