'Chuyển cơ quan Nhà nước lên Ba Vì không hề lãng phí'

Thời sựThứ Sáu, 09/04/2010 01:26:00 +07:00

(VTC News) - Những băn khoăn xung quanh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội vừa được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn "lý giải".

(VTC News) - Những băn khoăn xung quanh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn lý giải. Theo ông Toàn, việc chuyển các cơ quan Nhà nước ra khu Mỹ Đình, và tương lai lên Ba Vì "không có gì là lãng phí cả".

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn vừa có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trong ngày làm việc thứ 2 Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội (8/4).

Theo Thứ trưởng Toàn, dự kiến đến đầu tháng tháng 9/2010, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét thông qua Đồ án này.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn. Ảnh: Kiều Minh

"Từ nay đến thời điểm đó, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận ý kiến đóng góp, nhưng trong quá trình tiếp thu chúng tôi cũng sẽ chọn lọc. Chúng tôi đón nhận những ý kiến phản biện mang tính xây dựng, có nêu ra các giải pháp chứ không quan tâm nhiều đến những ý kiến chỉ trích khống" - Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn nói.

- Thưa ông, nếu theo Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội thì khu vực nội đô sẽ được giảm tải nhưng hiện nay có một số địa điểm đang được TP chủ trương xây Trung tâm thương mại và nhà cao tầng, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Đó là những dự án đã được duyệt, được phép đầu tư xây dựng trước đó, bây giờ mới tiến hành.

Theo chỉ đạo của thông tư 348 của Thủ tướng, bây giờ tạm dừng xây dựng cao ốc. Về mặt chủ trương cũng cần có sự điều chỉnh. Ví dụ từ vành đai 2 trở vào xây đến mức độ nào, vành đai 3 xây mức độ nào chứ không có nghĩa là cấm tất cả vì có những chỗ cũng cần phải có điểm nhấn, cần cụm công trình cao tầng, rất cao nhưng mật độ rất là thấp, phía dưới nó là cây xanh vườn hoa hồ nước - chứ không phải xây xen đặc vào.

Sẽ phải làm rất cụ thể vào quy hoạch chi tiết. Chúng tôi cũng đã làm việc với TP.Hà Nội và đã gợi ý hướng như vậy.

- Việc dừng các dự án phải làm thế nào để tránh câu chuyện như khách sạn SAS đòi bồi thường thiệt hại?

Câu chuyện của Dự án khách sạn SAS khác hẳn với câu chuyện các dự án trong khu trung tâm cũ này - bây giờ nó vẫn đang còn trên giấy thì sẵn sàng có thể ngồi với nhau được. Ví dụ, chuyển "anh" ra chỗ khác và ưu đãi "anh" về cơ chế.

- Theo định hướng của quy hoạch, giai đoạn đầu sẽ chuyển các cơ quan Nhà nước ra khu Mỹ Đình và tương lai là chuyển lên Ba Vì, như vậy có gây lãng phí trong thời gian tới, thưa ông?

Không hề lãng phí vì một số công trình của các bộ ngành hiện nay đã ra đó tương đối nhiều, còn khoảng 7-8 Bộ nữa, trong vòng 30 - 40 năm sau mới dự kiến đưa lên Ba Vì. Khi chuyển đổi chức năng thì địa điểm cũ sẽ được chuyển thành văn phòng, lúc đó có thể các doanh nghiệp mua lại hoặc chuyển đổi lại mục đích sử dụng - nên không có gì là lãng phí cả.

- Tổng vốn đầu tư mà bên tư vấn gợi ý để thực hiện quy hoạch Hà Nội là khoảng 60 tỷ USD trong tương lai, trong đó phần lớn là vốn vay, ông nhận xét gì về con số này?

60 tỷ USD ở đây chủ yếu là xây dựng hạ tầng, không phải là vay mà là quỹ đất đổi lấy hạ tầng. Như đường vành đai 4 có thể không cần vốn của Chính phủ mà các doanh nghiệp người ta làm từng đoạn một. Ngay kể cả các đô thị vệ tinh, công bố công khai cho các doanh nghiệp lựa chọn nữa chứ không phải đồng vốn ngân sách bỏ ra hoàn toàn.

- Ông có nói Quy hoạch này chỉ báo cáo Quốc hội, vậy nếu các đại biểu Quốc hội có ý kiến trái chiều thì sao?

Theo luật thì Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội sẽ báo cáo Quốc hội. Nếu các đại biểu có ý kiến trái chiều thì... tốt thôi. Sau khi Quốc hội có ý kiến thì tư vấn tiếp tục sửa, chứ không phải vì vấn đề ý kiến trái chiều mà lo ngại. Các đại biểu Quốc hội sẽ được cung cấp tài liệu để nghiên cứu và phát biểu ý kiến. Khi đại biểu có ý kiến thì tư vấn sẽ tiếp thu.

Thưa ông, nhiều người nghi ngờ tính khả thi của quy hoạch này, như tuyến vành đai 3 mất gần 10 năm vẫn chưa xong, vậy 40 năm liệu có hoàn thành quy hoạch này không?

Cái đó là bài toán của những người làm quản lý, cũng như người ta thiết kế xong một cái nhà, có làm theo đúng thiết kế hay không còn do ông chủ nhà. Phải tăng cường biện pháp quản lý và có quy chế phù hợp thực tiễn thôi.

- Liệu có chuyện quy hoạch một kiểu mà thực hiện lại một kiểu không, thưa ông?

Điều đó không thể nói trước được!

- Xin cảm ơn ông!






Trần Vũ (ghi)

Bình luận
vtcnews.vn