Chuyện cổ tích của chàng tỷ phú trẻ trên xe lăn

Thời sựThứ Năm, 08/04/2010 08:54:00 +07:00

Câu chuyện về Phạm Công Hoàng đã vượt qua nỗi đau tàn tật, trở thành ông chủ một cửa hàng có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm giống như một câu chuyện cổ tích.

Từng có lúc phải nằm bất động một chỗ, mọi cánh cửa cuộc sống ngỡ như đã đóng lại vĩnh viễn nhưng Phạm Công Hoàng đã vượt qua sự nghiệt ngã của số phận, vươn lên không chỉ làm giàu cho bản thân mà anh còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện.

Câu chuyện về Phạm Công Hoàng đã vượt qua nỗi đau tàn tật, trở thành ông chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại và máy tính, có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm giống như một câu chuyện cổ tích ở thành phố Việt Trì, Phú Thọ, khiến nhiều người cảm động, nể phục.

Không gục ngã

Khi chúng tôi đến, anh Hoàng đang làm việc cần mẫn trên chiếc xe lăn. Giọng nói nhẹ nhàng và đôi mắt đượm buồn của anh gợi lại những ngày tháng anh phải vật lộn, từng phút, từng ngày với đau đớn tàn tật.

Anh Hoàng kể, tháng 6/2004, anh cùng với các bạn đi du lịch Hạ Long, Quảng Ninh chẳng may anh bị tai nạn giao thông. Tại Bệnh viện Việt- Đức Hà Nội, bác sĩ chẩn đoán anh bị liệt tứ chi và vẹo cột sống.

Anh Phạm Công Hoàng  
Nghe vậy, mẹ anh đã ngất lịm ngay tại chỗ. Bản thân anh Hoàng vô cùng choáng váng, tuyệt vọng. Từ nay, bao nhiêu ước mơ, dự định tươi đẹp của tuổi trẻ sẽ phải chôn chặt trong lòng.

Suốt mấy tháng trời anh điều trị tại nhiều bệnh viện nhưng không tiến triển. Thân hình gầy còm, trông anh như cành củi khô. Anh phải nằm bất động trên giường bệnh, mọi hoạt động đều cần đến sự giúp đỡ của người thân. Nhiều đêm anh khóc một mình trong sự cô đơn, tuyệt vọng. Anh như đứng chông chênh giữa sự sống và cái chết và không ít lần anh đã nghiêng về cái chết như một sự giải thoát.

Thế nhưng, chính vào lúc bi quan nhất của cuộc đời, anh nhận ra vẫn còn nhiều người khác phải chịu đựng những nỗi đau lớn hơn mình, vẫn còn nhiều điều tốt đẹp ở phía trước. Lúc đó, khát khao được sống có ích, được cống hiến trong anh lại trỗi dậy mạnh mẽ.

“Tôi nghĩ, nếu tôi tìm đến cái chết là tôi đã đầu hàng số phận, làm cho người thân thêm đau khổ. Bởi vậy, tôi phải đối mặt với cuộc sống thực tế, không được gục ngã, vươn lên sống có ý nghĩa hơn,” anh Hoàng nói.

Trước hết, anh tập cho đôi tay có thể cử động được. Ngày ba lần, anh buộc quả tạ có trọng lượng 1 cân vào tay mình, sau đó, từ từ di chuyển sang hai bên. Vì đôi chân bị liệt và cột sống bị vẹo nên anh phải dùng hết sức mới có thể di chuyển được đôi tay.  Nhiều lúc đau nhức khắp cánh tay nhưng anh vẫn cố chịu đựng. Cứ như thế, anh miệt mài tập luyện gần một năm trời mới có thể cử động được hai tay.

Đến khi đôi tay có thể di chuyển được, anh bắt đầu tập ngồi. Anh chống hai tay xuống giường, dùng hết sức mình để nâng cơ thể ngồi dậy. Có khi, vừa mới ngồi dậy được đã ngã lăn ngay xuống giường, toàn thân tê dại. Gần một năm trời kiên trì tập luyện trong đau đớn, cuối cùng anh cũng có thể ngồi dậy được.

Nhìn thấy con mình có thể ngồi dậy và di chuyển được đôi tay, bố mẹ anh đã bật khóc. Từ một người bị liệt, nằm một chỗ, anh đã chiến thắng nỗi đau tàn tật, hướng đến cuộc sống tươi đẹp hơn.

Nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh

Trước khi bị tai nạn, anh Hoàng đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hưng Yên nên đã có chút vốn kiến thức nhất định về kinh doanh. Bởi vậy, khi đã có thể ngồi trên xe lăn và di chuyển được hai tay, anh quyết định mở cửa hàng kinh doanh để có thể tự nuôi sống bản thân.

Năm 2006, anh đầu tư hơn 40 triệu đồng thành lập Trung tâm tin học HPC, chuyên kinh doanh máy tính và điện thoại.

“Lúc mới mở cửa hàng kinh doanh, mình rất lo vì người lành lặn làm còn khó, huống chi là người bị liệt như mình. Nhưng vì muốn làm việc, muốn được sống có ý nghĩa nên dù khó khăn đến đâu mình cũng quyết tâm làm”, anh Hoàng tâm sự.

Những ngày đầu, anh vừa là ông chủ, vừa là nhân viên, ngày anh làm việc trên chiếc xe lăn,  tối đến anh cặm cụi làm việc một mình bên chiếc máy tính.

Mới đầu khách hàng của anh chỉ là bạn bè hoặc người quen gần nhà. Thấy anh làm việc cẩn thận, có uy tín, những người này đã giới thiệu cho nhiều người khác, dần dần khách hàng tìm đến cửa hàng của anh ngày càng nhiều. Đến nay, anh đã có thị trường tiêu thụ rộng khắp thành phố Việt Trì và tỉnh Phú Thọ.

Khi công việc làm ăn đã khấm khá, anh mở rộng vòng tay nhân ái, tích cực giúp đỡ nhiều trẻ em bị khuyết tật. Vào dịp tết trung thu hàng năm, anh một mình lặn lội trên chiếc xe lăn mang hàng trăm suất quà đến tặng những em nhỏ có số phận bất hạnh tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, mồ côi thành phố Việt Trì.

Mỗi lần đến thăm các em tại trung tâm, anh ngồi hàng tiếng đồng hồ cùng vui chơi, trò chuyện động viên các em, giúp các em vơi bớt những mặc cảm về sự khuyết tật của mình, tin tưởng vào tương lai phía trước.

Ngoài ra, khi xem các chương trình truyền hình hay đọc báo biết được những em nhỏ nào có hoàn cảnh khó khăn, anh lại trích ra một số tiền nhất định gửi tặng với mong muốn chia sẻ phần nào gánh nặng cuộc sống cho các em.

Ở tuổi 30, anh đã trở thành ông chủ cửa hàng có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Năm 2009, cửa hàng của anh đạt tổng doanh thu hơn 1,4 tỷ đồng, tạo việc làm cho 3 lao động. Hạnh phúc được nhân đôi, khi anh xây dựng cho mình một gia đình hạnh phúc với người vợ hiền và hai con ngoan.

Nhìn vào hai con đang vui chơi trước mặt, anh Hoàng bộc bạch: “Điều quan trọng là phải tin vào bản thân mình, có ý chí tự lực vươn lên; đồng thời, những người khuyết tật rất cần đến sự quan tâm của xã hội để họ có cơ hội được làm việc, được cống hiến, giúp họ xoa dịu nỗi đau tàn tật, tin tưởng vào cuộc sống”.


Theo Nguyễn Thắng/Tin Chính phủ

Bình luận
vtcnews.vn