Cứu tinh những đứa bé bị chôn sống giữa Trường Sơn

Thời sựThứ Tư, 07/04/2010 01:21:00 +07:00

Đúng giờ đã định, con trai Y Xoang được già làng đưa xuống dưới chân mẹ rồi từ từ đưa chân người mẹ đã chết chặn lên cổ họng cháu bé mặc cho đứa bé gào khóc...

Người mẹ khi sinh con nếu chẳng may qua đời, đứa con dù sống sót cũng phải chôn theo mẹ. Đó là một hủ tục rất nặng nề và đau lòng của đồng bào Ma Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) trước đây. Thế nhưng, hủ tục trên đã bị xóa bỏ bởi anh Nguyễn Diệu. Vượt qua rất nhiều lời nguyền anh đã chứng minh cho bản làng thấy rằng việc làm trên là hoàn toàn sai lầm và anh đã đúng.


Hủ tục rợn người

Xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch nằm lọt thỏm trong những cánh rừng già phía tây dãy Trường Sơn hùng vĩ. Phải mất một ngày trời đánh vật với con đường 20 huyền thoại trong chiến tranh chống Mỹ chúng tôi mới có mặt tại xã biên giới Việt - Lào này.

Gia đình anh Nguyễn Diệu luôn ngập tràn hạnh phúc. 

Ấn tượng đầu tiên ở đây chẳng có gì ngoài cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu bủa vây mọi xóm bản. Bữa cơm hằng ngày người dân vẫn ăn bốc chứ chưa biết dùng đến thìa hay đũa.

Thiếu tá Nguyễn Văn Đức, chiến sĩ bộ đội biên phòng tăng cường cho xã Thượng Trạch chia sẻ: "Bây giờ thay đổi nhiều lắm rồi, trước đây tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu vô cùng, đau lòng nhất là tục chôn trẻ con theo mẹ".

Nhân chứng sống của hủ tục này là cậu bé Đinh Đường (tên khác là  Nguyễn Văn Vinh). Đinh Đường có lẽ là người may mắn nhất trần gian, là đứa con của Giàng (trời) theo cách gọi của người dân bản Cà Roòng 1.

Ngày mẹ Đinh Đường, chị Y Xoang mang thai, nhưng do quá thiếu thốn về cái ăn nên chị bị suy dinh dưỡng nặng. Lúc sinh, chị Y Xoang đã kiệt sức và qua đời. Cũng như nhiều đứa trẻ không may mất mẹ trong lúc sinh nở, đồng bào Ma Coong đã chuẩn bị mọi thủ tục để chôn đứa bé cùng. Hôm đó dân bản kéo đến rất đông để chuẩn bị đưa tiễn mẹ con Y Xoang về với Giàng. Bên xác chị là đứa bé đỏ hỏn đói sữa khóc ngặt nghẽo.

Đúng vào giờ đã định, con trai Y Xoang được già làng đưa xuống dưới chân mẹ rồi từ từ đưa chân người mẹ đã chết chặn lên cổ họng cháu bé. Mặc cho đứa bé gào khóc đến khi nào tắt thở sẽ được mang đi chôn cùng mẹ.

Cháu luôn chăm ngoan và hiện là một trong những học sinh học giỏi nhất của trường Dân tộc nội trú Bố Trạch. 

Thế nhưng, buổi làm thủ tục mai táng Y Xoang hôm đó xuất hiện anh chàng người miền xuôi tên Nguyễn Diệu. Lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng dã man, Nguyễn Diệu đã không thể đứng yên. Anh đẩy đám đông chạy vào giằng lấy đứa bé trên tay già làng và một mực cầu xin mọi người đừng giết hại đứa bé.

Việc làm đó của anh là  đi ngược lại với quy định từ nhiều đời nay của dân bản nên bị phản đối kịch liệt. Mọi người bảo, đứa bé buộc phải chôn theo mẹ bởi cháu sống sẽ là ma, nếu sống sẽ làm hại đến dân bản và có cố nuôi cũng chẳng thể sống sót được.

Người nào giữ lại đứa bé sẽ bị Giàng trừng phạt nặng nề.  Nguyễn Diệu đưa cả tính mạng mình ra thề trước dân bản rằng: "Nếu Giàng bắt hay bắt tội tôi chịu hết, tôi không thể để đứa bé vô tội chết thảm thế này. Tôi cầu xin già làng, cầu xin dân bản, tôi sẽ nuôi đứa bé".

Tiếng gào khóc của đứa bé đói sữa càng làm cho Nguyễn Diệu hạ quyết tâm giữ đứa bé bằng mọi giá. Không bỏ đứa bé ra một giây, Nguyễn Diệu vẫn khư khư giữ lấy bé. Trước sự quyết tâm cùng lời hứa "sẽ chịu mọi hình phạt của Giàng" cuối cùng dân bản Cà Roòng cũng phải đồng ý.

Được cứu mạng bằng bài thuốc bí truyền

Với bất cứ người dân Ma Coong nào thì tập tục chôn con theo mẹ đã trở thành... tất yếu và chẳng ai có ý nghĩ chống lại. Thế nhưng Nguyễn Diệu là người Kinh và anh biết hủ tục đó là do sự kém hiểu biết của dân bản từ ngàn đời nay nên anh muốn phế bỏ. Nguyễn Diệu vốn là người thôn Vĩ Dạ, huyện Hương Phú, TP Huế.

Câu chuyện đưa anh đến với người Ma Coong cũng rất tình cờ. Một lần đang ở nhà thì có người bạn rủ đi làm ăn. Nhà vốn đông người, kinh tế lại khó khăn nên có người rủ lập tức anh gật đầu. Trốn biệt gia đình theo người bạn lang bạt khắp nơi cho đến một ngày anh lạc chân đến Thượng Trạch, đó là năm 1987. Rừng thiêng nước độc đã khiến Diệu bị những cơn sốt rét hành hạ thừa sống thiếu chết.

Một lần lâm trọng bệnh, bác sĩ ở đồn biên phòng đã hoàn toàn bó tay, mạng sống của Diệu tưởng như bỏ lại nơi thâm sơn cùng cốc này thì đúng lúc đó anh được một người dân bản ra tay cứu vớt.

Đinh Đường đã suýt mất mạng vì tập tục chôn con theo mẹ. 

"Thần y" đó là ông Đinh Keo, một người vốn rất giỏi những bài thuốc bí truyền. Đinh Keo đã đưa anh về nhà cùng với con gái là Y Nhong chăm sóc cứu chữa tận tình. Sau mấy thang thuốc bằng lá rừng tưởng như đơn giản, Diệu đã hoàn toàn khỏi bệnh. Đinh Keo chính là ân nhân cứu mạng của anh.

Cũng từ ngày được bàn tay người con gái xinh đẹp Y Nhong chăm sóc, giữa Diệu và đoá hoa rừng Y Nhong đã nảy sinh tình cảm, mỗi ngày một thắm thiết và chẳng bao lâu hai người nên nghĩa vợ chồng. Từ đó Diệu trở thành người con của đồng bào Ma Coong.

Từng bị bố vợ phản đối

Từ những ngày đầu lên Thượng Trạch sinh sống, Diệu đã từng nghe nói đến hủ tục chôn con theo mẹ. Thế nhưng, đến ngày Y Xoang qua đời anh mới lần đầu tiên được chứng kiến. "Lần đó nhìn đứa trẻ tôi không thể cầm được lòng, nếu tôi có đổi cả mạng sống tôi vẫn chấp nhận để cứu nó", Nguyễn Diệu nhớ lại.

Lần đó nhìn đứa trẻ tôi không thể cầm được lòng, nếu tôi có đổi cả mạng sống tôi vẫn chấp nhận để cứu nó. 

Nói là vậy nhưng sự thật để nuôi sống cháu bé là điều vô cùng gian nan. Cháu bé lúc đó chỉ nặng hơn 1kg. Giữa rừng núi hoang vu mọi thứ đều thiếu thốn, sự sống của cháu luôn bị đe dọa. Ban đầu vợ, bố vợ đều phản đối kịch liệt nhưng chính những người này sau đó lại cùng với Nguyễn Diệu chăm sóc cháu bé rất tận tình.

Nguyễn Diệu bảo, cái tên Đinh Đường có nguyên do của nó. Ngày nhận nuôi đứa bé anh đã được sự giúp đỡ của đồn biên phòng 593 rất nhiều. Ngày đó các chiến sĩ đều dành tất cả đường sữa để cho anh nuôi con. Cháu bé sống được là nhờ đường của bộ đội nên anh quyết định đặt tên cháu là Đường, Đinh là họ chung của người Ma Coong.

Đinh Đường lớn lên mỗi ngày một khoẻ mạnh, bụ bẫm. Cháu luôn chăm ngoan và hiện là một trong những học sinh học giỏi nhất của trường Dân tộc nội trú Bố Trạch. Nhìn Đinh Đường khôn lớn, nhà Nguyễn Diệu ngày càng ăn nên làm ra, người Ma Coong hiểu rằng, nuôi đứa bé mồ côi mẹ chẳng những không bị Giàng bắt tội mà còn được phúc lộc đầy nhà.

Đường 14 tuổi và cũng chừng ấy năm người Ma Coong tại Thượng Trạch chấm dứt hủ tục chôn con theo mẹ. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ ngày Đinh Đường được anh Nguyễn Diệu cứu sống, đã có hơn 10 phụ nữ qua đời sau khi sinh nhưng con họ đã không còn bị chôn theo mẹ. Người dân Ma Coong giờ biết ơn Nguyễn Diệu nhiều lắm, còn gia đình Nguyễn Diệu lúc nào cũng rộn rã tiếng cười bởi họ có một Đinh Đường ngoan ngoãn học giỏi và tràn đầy ước mơ.

May có anh Nguyễn Diệu

Ngày bé tôi đã chứng kiến rất nhiều đứa trẻ bị chôn theo mẹ  do tập tục lạc hậu nơi này. Tập tục này xuất phát từ cái đói cái nghèo.

Người mẹ lúc sinh con chẳng may qua đời đứa bé không còn sữa để bú, cái ăn cái mặc lại càng không và như  thế đứa bé sẽ bị chết. Từ hoàn cảnh đói kém đó nên mới có hủ tục đau lòng nói trên. Rất may anh Nguyễn Diệu đã đến và đã xoá bỏ được hủ tục dã man này. Ông Đinh Hợp (Chủ tịch xã Thượng Trạch)





Theo Khoa học và đời sống

Bình luận
vtcnews.vn