Sống nơm nớp cạnh trụ sở Vietcombank Đà Nẵng

Thời sựThứ Bảy, 10/04/2010 10:34:00 +07:00

(VTC News) – Theo phản ánh của người dân, công trình cao lên đến đâu, nỗi lo của họ chất chồng lên đến đấy...

(VTC News) - Bà Trần Thị Thu Ước và một số hộ dân tổ dân phố 29, phường Hải Châu 1, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng cho biết, từ khi công trình Trụ sở Ngân hàng Vietcombank Đà Nẵng thi công thì cũng từng ấy thời gian họ sống trong nơm nớp lo sợ.

Hơn nửa năm sống trong nơm nớp lo sợ

Công trình gồm 11 tầng, 1 tầng hầm do Công ty CP xây dựng Vinaconex 25 thi công từ cuối năm 2008, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2010 với tổng mức đầu tư 46 tỷ đồng. Tuy nhiên cũng từng đó thời gian kể từ khi thi công phần tầng hầm tòa nhà đến nay, theo phản ánh của người dân, công trình cao lên đến đâu nỗi lo của họ chất chồng lên đến đấy, bởi những biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn lao động của công trình Trụ sở Vietcombank Đà Nẵng (số 142 Lê Lợi, TP.Đà Nẵng) đối với các hộ dân nơi đây không được đảm bảo.

Nền đất dọc tường rào bị lún nứt gần 20m, nhiều vị trí tường rào bị nghiêng đổ về phía công trình trụ sở Vietcombank Đà Nẵng 

Theo phản ảnh của bà Trần Thị Thu Ước, trú K1/01 Lê Thánh Tôn, tổ 29, phường Hải Châu 1, Q.Hải Châu, Đà Nẵng, hộ dân sinh sống sát cạnh công trình Trụ sở Vietcombank Đà Nẵng: “Kể từ khi công trình Trụ sở Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đà Nẵng được khởi công vào tháng 7/2008, cuộc sống người dân chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ban đầu là tiếng ồn, bụi bặm. Nhưng vì là công trình xây dựng khó tránh khỏi, nên chúng tôi cũng thông cảm. Nhưng đến khi công trình bước vào giai đoạn thi công tầng hầm, phần thân thì chúng tôi luôn sống trong nơm nớp lo sợ bởi một loạt các vết nứt bắt đầu xuất hiện từ tường rào, nền nhà, đến sàn, tường. Các vết nứt ngày càng mở rộng. Rõ nhất là bờ tường phía Nam với vết nứt dài dọc suốt gần 20m, có nơi tường bị sụt, nghiêng hẳn so với phương đứng; móng nhà bị lún nứt”.

Nền nhà tầng 1 cũng bị nứt dài, có vị trí bà Ước đút lọt cả ngón tay trỏ vào khe nứt
"Đỉnh điểm" là vào tháng 10/2009, sau một loạt các ảnh hưởng lún nứt xuất hiện tại ngôi nhà, lo sợ gia đình bà Ước đã làm đơn kiến nghị gửi Sở Xây Dựng TP Đà Nẵng và UBND phường Hải Châu 1 về sự việc. "Chúng tôi yêu cầu phía chủ đầu tư, đơn vị thi công không được rút cừ chắn và có biện pháp khắc phục sự cố. Thế nhưng đơn vị thi công vẫn bấp chấp và tiến hành rút cừ chắn. Khi chúng tôi có đơn phản ánh lên Sở Xây dựng, chính quyền địa phương đến ngày 16/3/2010, có cán bộ Sở và phía nhà thầu đến xem xét. Nhưng cho đến nay, công trình đã lên đến tầng thứ 7, sự việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng”, bà Ước cho biết tiếp.

Tại hiện trường, căn nhà 2 tầng của bà Ước cùng dãy nhà 1 tầng xuất hiện nhiều vết nứt từ tường ngang đến tường dọc. Nền đất tầng 1 xuất hiện tình trạng sụt lún, kèm vết nứt chạy dài gần 20m dọc theo nhà,. Tường rào bị sụt lún đổ nghiêng về phía công trình Trụ sở Ngân hàng Vietcombank Đà Nẵng. Chưa hết, trên tầng 2, tường nhà khu 2 tầng cùng liên hết tường mái khu nhà 1 tầng với nhà lân cận cũng bị nứt tách.

Chị Lê Thị Mỹ Lệ, con gái bà Ước, bức xúc: “Công trình càng lên cao, sinh hoạt của chúng tôi càng bị ảnh hưởng. Không có lưới an toàn, vữa, thép, gỗ chống… rồi chốt thép ván khuôn từ công trình cứ vậy rơi xuống mái nhà chúng tôi. Nhiều lần chúng tôi phản ảnh lên phường, lên Sở Xây dựng. Thậm chí phản ánh tại buổi tiếp xúc cử tri tại địa phương về sự việc. Nhưng phản ánh cứ phản ánh, vữa, vật liệu…  vẫn tiếp tục rơi xuống nhà chúng tôi. Hơn chục nhân khẩu trong gia đình cứ sống trong nơm nớp, lo sợ. Rất mong cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, đảm bảo an toàn cho người dân chúng tôi. Đồng thời có biện pháp đền bù thỏa đáng cho những thiệt hại mà công trình gây ra”.

Tấm cốp pha và “giọt nước tràn ly”

Sự cố tấm cốp pha thép có kích thước 0,5mx1,2m rơi từ tầng 3 công trình bay xuống nhà bà Ước trưa ngày 2/4 vừa qua như “giọt nước tràn ly” về tình trạng thiếu an toàn cho công trình xây dựng và công trình lân cận trong quá trình thi công Trụ sở Vietcombank Đà Nẵng.

Phản ánh với PV VTC News sáng ngày 5/4, bà Trần Thị Thu Ước và con gái cho biết: “Trưa ngày 2/4, chị giúp việc của gia đình vừa bước vào nhà sau khi ra sân thượng phơi quần áo thì một tấm ván khuôn thép kích thước 0,5x1,2m, dùng lắp giàn giáo từ sàn đà giáo từ tầng 3 của công trình bay xuống sân thượng phía sau nhà gây rách chiếc chiếu đang phơi, vỡ mũ bảo hiểm và chiếc xô nhựa đang để cạnh đó. Rất may, chị giúp việc kịp vào nhà, nếu không chẳng biết sự việc như thế nào”.

"Đáng lo ngại hơn khi trước đó, ngày 21/10/2009 ,Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng đã từng tạm đình chỉ thi công công trình này với vi phạm an toàn đối với công trình lân cận. Nhưng công ty Vinaconex 25 vẫn tái diễn và thi công bình thường”, bà Ước vừa nói vừa đưa tập biên bản làm việc của Thanh tra Sở XD, đội quy tắc quận Hải Châu đối với công trình này.

Bà Ước và tấm cốp pha thép sử dụng cho giàn giáo rơi từ tầng 3 công trình Trụ sở Vietcombank ĐN xuống sân thượng trưa ngày 2/4

Bức xúc, gia đình bà Ước phản ánh lên phường Hải Châu 1 yêu cầu giải quyết. Theo biên bản làm việc ngày 2/4 của UBND phường Hải Châu 1, các bên gồm đại diện gia đình bà Ước, cán bộ địa chính phường Hải Châu 1, Ngân hàng Vietcombank Đà Nẵng và đơn vị thi công là Vinaconex 25. Tại đây, các bên đều thừa nhận việc công trình chưa được che chắn bảo đảm trong quá trình thi công và phường đã quyết định tạm đình chỉ thi công công trình, cho đến khi chủ đầu tư và đơn vị thi công có biện pháp che chắn và có biện pháp an toàn. Nhưng theo bà Ước, trên thực tế nhà thầu Vinaconex 25 vẫn tiếp tục thi công, bất chấp lệnh đình chỉ của địa chính phường Hải Châu 1.

Vietcombank Đà Nẵng nói gì?

Chiều ngày 5/4, PV VTC News có buổi làm việc với đại diện chủ đầu tư là Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Đà Nẵng. Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Đà Nẵng, thừa nhận: “Hiện có 6-7 hộ dân bị ảnh hưởng do thi công công trình, nhưng mức độ ảnh hưởng ít. Chúng tôi đang xem xét các mức độ ảnh hưởng và thiệt hại để lên các phương án đền bù. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi yêu cầu nhà thầu thúc đẩy nhanh công tác đền bù thỏa đáng cho người dân. Riêng đối với nhà bà Ước, chúng tôi đã nhanh chóng xúc tiến làm việc từ lên phương án di dời, khắc phục sự cố. Tuy nhiên do hai bên chưa đồng nhất quan điểm nên sự việc vẫn chưa giải quyết được. Trước tình huống này, chúng tôi đã mời Tư vấn giám định của Sở Xây dựng Đà Nẵng tiến hành giám định độc lập để xác định mức đền bù cho nhà bà Ước, song cũng cần có thời gian”.

Công trình thi công Trụ sở NH Vietcombank Đà Nẵng không có hệ thống lưới võng an toàn chăng ngang nhằm ngăn vật rơi từ trên cao.
“Xác định được tính chất chuyên môn của công trình, chúng tôi đã thuê các đơn vị từ tư vấn giám sát, thi công cho đến tư vấn quản lý dự án là Công ty APAVE Việt Nam và Đông Nam Á làm đại diện về mặt kỹ thuật điều hành dự án cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc xảy ra sự cố là điều không ai muốn và khó tránh khỏi do công trình thi công ngay giữa khu dân cư”, bà Hà phân trần.

Đối với việc vật liệu xây dựng và gần nhất là sự cố rơi ván khuôn từ phía công trình sang nhà dân, bà Hà thừa nhận: “Việc rơi tấm ván khuôn thép sang nhà bà Ước hôm 2/4 vừa qua là có. Nguyên nhân là do di chuyển từ tầng dưới lên tầng trên bị rơi ra (?!). Rất may không có thiệt hại về người. Trước đây thì các biện pháp an toàn không được thực hiện nghiêm túc. Nhưng sau khi xảy ra sự việc, đến nay các vấn đề về an toàn đã được xử lý và khắc phục”.

Ông Phạm Quốc Anh, Phó Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đà Nẵng cho biết thêm: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở và luôn giám sát nghiêm về vấn đề an toàn. Nếu không đảm bảo thì cho dừng thi công”.

Bên hông công trình, nơi xảy ra sự việc tấm cốp pha bay qua nhà dân cũng chỉ lắp lưới đứng, không có lưới giăng ngang.

Tuy nhiên, thực tế tại công trình xây dựng Trụ sở Vietcombank Đà Nẵng, chỉ một hệ thống lưới an toàn theo phương đứng cùng hệ giàn giáo bên ngoài. Hoàn toàn không có hệ thống lưới an toàn theo phương nằm ngang nhằm hứng, ngăn chặn tình trạng rơi vật liệu, ván khuôn, dụng cụ thi công… từ tầng trên xuống phía dưới trong quá trình thi công theo quy định.

Với những tấm lưới an toàn vừa được lắp đặt, công trình vẫn tiếp tục thi công, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra đối với phía dưới. Khi được hỏi về vấn đề này, phía Vietcombank Đà Nẵng cho biết không có qui định cũng như hệ thống lưới này trên công trường (?!) .

Tuy nhiên, theo Điểm 2.2 của Tiêu chuẩn xây dựng TCXD 202 :1997- Xây dựng nhà cao tầng-Thi công phần thân thì "nhà thầu phải thiết kế biện pháp vận chuyển thiết bị, ván khuôn, đà giáo....theo phương thẳng đứng và phương ngang"."đảm bảo kích thước hình học, giàn giáo và an toàn trên cao chống rơi xuống phía dưới..tránh sự ảnh hưởng mọi mặt đến công trình hiện hữu lân cận", Giáo trình thi công nhà cao tầng BTCT của PGS. Lê Kiều - Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ xây dựng - Trường đại học Kiến trúc Hà Nội.

Chiều ngày 5/4, ông Trần Văn Dũng, Chánh Thành tra Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết: “Nguyên tắc là công trình thi công không được phép ảnh hưởng đến các công trình lân cận. Bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho công trình đang xây dựng, các biện pháp thi công phải đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường cho chính các công trình lân cận.

Về sự việc của Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đà Nẵng, chúng tôi đã phân cấp giải quyết cho phường Hải Châu 1. Và trong bất cứ trường hợp nào nếu để xảy ra sự cố, trách nhiệm cũng thuộc về chủ đầu tư. Những tác động, thiệt hại đến đâu, chủ đầu tư và nhà thầu chịu trách nhiệm đến đó. Nếu các bên giải quyết không thỏa đáng thì có thể khởi kiện ra tòa”.


Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn