Đà Nẵng và nguy cơ thành phố “khát”

Thời sựThứ Bảy, 03/04/2010 01:18:00 +07:00

(VTC News) – “Nếu vấn đề này không được xem xét người dân Đà Nẵng sẽ “khát” nước. Nghiêm trọng hơn là khả năng hạn hán sẽ xảy ra..."

(VTC News) – “Nếu vấn đề này không được xem xét người dân Đà Nẵng sẽ “khát” nước. Nghiêm trọng hơn là khả năng hạn hán sẽ xảy ra...". Đó là phát biểu của ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ TNMT chiều 2/4 về các vấn đề liên quan đến nguồn nước sinh hoạt của người dân Đà Nẵng.

Theo đó, tại buổi làm việc của UBND TP Đà Nẵng với Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) do Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai làm trưởng đoàn kiểm tra các công trình thuỷ điện và quy trình vận hành hồ chứa nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó GĐ Sở NN&PT Nông thôn TP Đà Nẵng vẫn giữ quan điểm việc dự án thủy điện ĐăkMi 4 không trả nước về hạ du sông Vu Gia để phát điện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, môi trường và nguồn nước sinh hoạt của hơn 1 triệu dân vùng hạ du sông Vu Gia.

Một lần nữa khẳng định mức độ quan trọng của việc cần xem xét lại các phương án “trả nước” về lại cho sông Vu Gia mà Dự án thủy điện ĐăkMi 4 chiếm lượng lớn, ông Phùng Tấn Viết nhấn mạnh: “Nếu vấn đề này không được xem xét người dân Đà Nẵng sẽ “khát” nước. Nghiêm trọng hơn là khả năng hạn hán sẽ xảy ra, kéo theo xâm thực mặn nếu không tính toán lưu lượng nước trả về lại cho sông Vu Gia”.

Nếu thủy điện ĐăkMi 4 không trả nước trở lại sông Vu Gia thì hạ du sẽ "khát" nước (Ảnh đập thủy điện ĐakMi 4 đang xây dựng)

Tuy nhiên, tại cuộc họp, ông Nguyễn Thái Lai cùng đoàn công tác Bộ TN-MT trả lời: “Đây là đòi hỏi chính đáng của Đà Nẵng, nhưng cũng phải nhìn nhận việc thiếu nước mang tính “tổ hợp” chứ không chỉ riêng sông ĐăkMi. Vì lưu lượng nước về sông Vu Gia có đến 4 sông gồm sông Côn, sông Bung, sông A Vương và ĐakMi. Nên nếu theo tính toán của Đà Nẵng thì vô hình chung thủy điện không còn nữa”.

Bên cạnh đó, phía TP Đà Nẵng cũng cần tính toán lại việc tiết kiệm nước. Với cơ cấu 78% nước sử dụng cho nông nghiệp, 22% là cho dịch vụ và sinh hoạt thì Đà Nẵng cần xem lại cơ cấu nông nghiệp hiện tại.

Ông Huỳnh Vạn Thắng đồng ý với ý kiến của Đoàn công tác. Nhưng cho rằng, hoạt động của thuỷ điện ĐăkMi 4 khác hẳn với 6 thuỷ điện còn lại của hệ thống thuỷ điện trên thượng lưu sông Thu Bồn và Vu Gia sẽ khiến tình trạng hạn hán ở hạ lưu sông Vu Gia càng nghiêm trọng. Với tính toán của Đà Nẵng, nhu cầu nước ở hạ lưu sông Vu Gia trung bình là 84,19m3/giây và 110,94m3/s được sử dụng cho các mục đích đẩy mặn, duy trì dòng chảy kiệt, cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ. Trong khi đó, báo cáo cân bằng nước của Viện quy hoạch Thủy lợi và thiết kế cống xả tại đập Đăk Mi 4 chỉ với khả năng xả 8-12,8m3/s sẽ là không hợp lý.

Theo trưởng Bộ TNMT, Nguyễn Thái Lai sẽ xem xét lại "tổ hợp" trả nước gồm các sông trên thượng lưu sông Vu Gia và Thu Bồn

Trước tình hình này, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai kết luận, Bộ TNMT sẽ làm vai trò kết nối giữa Sở NN-PT nông thôn Đà Nẵng và Viện quy hoạch thủy lợi để tính toán lại các thông số yêu cầu trong thời gian tới từ thời điểm, lưu lượng… Đồng thời xem xét “tổ hợp” trả nước gồm các sông trên thượng lưu sông Vu Gia và Thu Bồn, nhằm vừa đảm bảo yêu cầu phát điện vừa đảm bảo nhu cầu nước cho hạ du.

Trước đó, không ít lần UBND TP  Đà Nẵng gửi công văn yêu cầu Chính Phủ, các Bộ ngành liên quan can thiệp nhằm trả lại nước cho sông Vu Gia, đảm bảo nhu cầu nước của người dân Đà Nẵng. Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn chưa ngả ngũ, thủy điện ĐăkMi 4 vẫn tiếp tục thi công và hơn 1 triệu người dân Đà Nẵng vẫn đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn