Những bà nội, bà ngoại tuổi 30

Thời sựThứ Tư, 31/03/2010 02:44:00 +07:00

Nhìn Tiến A không ai nghĩ chàng trai có gương mặt non choẹt búng ra sữa với mái tóc rất hợp "mốt" này đã là bố của một bé trai vừa đầy tháng.


Những người lên ông, lên bà khi mới ngoài 30 ở Song Phương không phải là hiếm. Bạn chị (SN 1971, cùng làng) đã có 2 con rể từ 3 năm nay. “Nếu có con gái đầu lòng càng sớm lên chức ông, bà. Chẳng ai ngăn được con xây dựng gia đình sớm. Nhiều đám, con rể chỉ thua mẹ vợ vài tuổi"- chị Lan nói.

Ngay sau khi báo chí đăng loạt bài "Nạn tảo hôn ở Long An", độc giả đã cung cấp cho PV địa chỉ của những cặp vợ chồng đang ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" tại xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội. Cái lý ở đây là vì trót "ăn cơm trước kẻng" nên đành... tảo hôn.

Tảo hôn vì "ăn cơm trước kẻng"

Đến nhà vợ chồng Hà Thị H và Nguyễn Tiến A ở xóm 9, thôn 6, xã Song Phương, Hoài Đức thấy đôi vợ chồng tuổi teen này đang loay hoay bế con. Nhìn Tiến A không ai nghĩ chàng trai có gương mặt non choẹt búng ra sữa với mái tóc rất hợp "mốt" này đã là bố của một bé trai vừa đầy tháng. H nhà ở Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội), bỏ học từ đầu năm lớp 10 gặp và "nên duyên" với Tiến A -  cũng bỏ học, đang trọ nhà H để "chí thú làm ăn". "Chí" đâu chẳng thấy, đầu tháng 10 năm ngoái, bố mẹ A tá hỏa khi thấy con dắt H về với cái bụng đã lùm lùm, đòi cưới.

Ngày cưới con trai đầu lòng, gia đình Tiến A chỉ làm mấy mâm cơm để xin dâu. "Em chưa khi nào nghĩ sẽ lấy chồng sớm như thế, nhưng chơi mãi còn khổ bố mẹ hơn! Con em sinh thiếu tháng, chỉ được 2 cân. Nuôi được hơn 1 tháng rồi mà chưa bằng con nhà người ta mới sinh" - H lí nhí nói với chúng tôi và len lén đưa mắt nhìn ông chồng con nít. Nhìn H lóng ngóng bế con, chị Lan, mẹ chồng chỉ biết chép miệng xót xa: "Chúng nó lấy sớm thì phải chịu khổ sớm thôi. Rồi cũng phải kiếm cái nghề mà làm, chứ bố mẹ nào có nuôi mãi được". Còn Tiến A chỉ biết cười, thỉnh thoảng, cu cậu chạy lại nựng con rồi lại hồn nhiên hí hoáy điện thoại di động.

Ở tuổi 20, Ngàn đã làm vợ, làm mẹ từ 4 năm nay 

Chị Lan kể, chuyện những người lên ông, lên bà khi mới ngoài 30 ở Song Phương không phải là hiếm. Bạn chị (SN 1971, cùng làng) đã có 2 con rể từ 3 năm nay. “Nếu có con gái đầu lòng càng sớm lên chức ông, bà. Chẳng ai ngăn được con xây dựng gia đình sớm. Nhiều đám, con rể chỉ thua mẹ vợ vài tuổi"- chị Lan nói.

Ở thôn Phương Bảng mới đây có cô bé 16 tuổi lấy chồng. Hôm hai đứa ra xã, chính quyền phát hiện và không cho phép đăng ký kết hôn. Ngày cưới, dân quân và công an xã đến tịch thu toàn bộ soong nồi, bàn ghế đưa lên Ủy ban.

Chia tay vợ chồng tuổi teen H và A; chúng tôi tìm đến nhà Nguyễn Thị Ngàn - Đinh Công Mạnh (Trại Gần, thôn 1). Chồng Ngàn đang ở ngoài đình làng dự hội truyền thống, 3 mẹ con Ngàn ở nhà. Ở tuổi 20, Ngàn đã làm vợ, làm mẹ được tròn 4 năm. "Bạn bè em có mấy đứa cũng như em. Sinh năm 1990 và toàn đi lấy chồng thiên hạ, chỉ có em lấy chồng trong làng" - Ngàn cười nói.

Bỏ học, không nghề nghiệp: Kết hôn sớm

Người dân trong làng cho biết, mấy năm gần đây, nhờ đất đai trong làng được giá, nhà nhà, người người đua nhau bán đất xây nhà cao tầng. Diện mạo Song Phương nhờ thế ngày càng thay đổi. Thế nhưng, kinh tế khá giả lại kéo theo hàng loạt vấn đề khác như cờ bạc, rượu chè, hút xách... Đặc biệt, tỉ lệ thanh niên bỏ học ngày càng nhiều.

  
Số liệu thống kê của xã Song Phương cho thấy: Năm 2009 vừa qua, trong tổng số 232 số trẻ được sinh ra, có 34 trẻ là con thứ 3. Bên cạnh đó, "phong trào" sinh thêm con vẫn còn nhiều, ngay ở cả những gia đình khá giả hay đã đủ "nếp" đủ "tẻ". Chị Nguyễn Thị Lan cho biết, nguyên nhân chính là do tâm lý "đẻ dự phòng" ngày càng phổ biến nơi đây.
Theo chị Nguyễn Thị Lan -  cán bộ chuyên trách dân số xã Song Phương, những cặp vợ chồng tuổi teen đó hầu hết là bỏ học sớm, không nghề nghiệp, đi ra khỏi làng để kiếm ăn. Thỉnh thoảng, trong làng lại xôn xao vì có đứa đưa người yêu về đòi cưới vì đã lỡ "ăn cơm trước kẻng". "Sở dĩ chúng tôi không nắm được hết các trường hợp tảo hôn, là bởi vợ chồng trẻ không đăng ký ở xã, hơn nữa, nhà trai thì bảo là sẽ đăng ký ở xã nhà gái và ngược lại”, chị Lan cho biết.

Anh Lê Danh Luân - Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Hoài Đức cho biết: Ở đây nhiều nữ thanh niên chỉ chờ cho đến 17, 18 tuổi cho hợp pháp là đi lấy chồng. Những trường hợp này đa phần không học hành, hoặc bỏ học từ sớm, không nghề nghiệp. Lấy chồng rồi chỉ ở nhà nuôi con, trồng rau...
 
Khi hỏi về tình trạng tảo hôn chung ở huyện Hoài Đức, anh Luân cho biết thêm: "Mấy năm trước chúng tôi cũng có nghe và thỉnh thoảng được báo cáo về vấn đề tảo hôn. Rải rác những xã ở mạn ven sông Đáy hay vùng trong như Cát Quế, Đức Thượng, La Phù cũng có”. Còn theo ông Nguyễn Tiến Toản - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hoài Đức thì đây là vấn đề tế nhị, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh, lãnh đạo UBND hay Ban Tư pháp xã cũng ngại ngùng khi nói đến.

Ông Long Thanh Bé - Phó Chủ tịch UBND xã Song Phương cho biết: "Những trường hợp tảo hôn như thế, chúng tôi đã can thiệp bằng cách phối hợp với Ban Tư pháp xã, mời hai bên gia đình lên làm việc và có văn bản chỉ đạo không cho đăng ký kết hôn, cấm tổ chức ăn uống".

Tuy nhiên, ông Bé lại tỏ ra hết sức ngạc nhiên với trường hợp của Tiến A và em H. Ông bảo, những trường hợp này chủ yếu là các em "yêu nhau quá" mà thôi. Còn cán bộ chuyên trách dân số Nguyễn Thị Lan thì tâm sự: "Sắp tới, chúng tôi sẽ kết hợp với Đoàn Thanh niên xã, các trường THCS trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết về SKSS cho đối tượng vị thành niên, thanh niên trẻ. Tuy nhiên, không thể khẳng định ngày một ngày hai các em có thể thay đổi. Chúng tôi xác định đây là vấn đề khó khăn và lâu dài".





Theo Báo Gia đình&Xã hội
Bình luận
vtcnews.vn